Suy niệm mỗi ngày, Tuần 26 Thường niên, năm chẵn



THỨ HAI

G 1,6-22; Lc 9,46-50

Gợi ý 1:

Tham quyền cố vị, tìm chỗ nhất cho mình dường như là bản năng tiềm ẩn trong mỗi con người. Đàng khác sống cục bộ, cư xử theo bè phái cũng là một khuynh hướng thường xuyên của đa số tập thể con người.

Các môn đệ của Chúa Giêsu xem ra không thoát khỏi vết xe đó. Quả thật, sống với Chúa Giêsu đã gần ba năm, họ đã nghe lời của Chúa Giêsu giảng, đã chứng kiến những việc Ngài làm, nhất là gương khiêm hạ, phục vụ của Ngài, thế mà họ còn tranh tung xem ai là người lớn nhất trong nhóm. Đúng ra trong thâm tâm, họ cố tìm lý do biện minh cho sự đánh giá địa vị lớn nhất của mình. Vậy đâu là tiêu chuẩn để thẩm định? Chúa Giêsu đã trả lời cho các ông: “Kẻ nhỏ nhất trong các con là người lớn nhất”. Để minh họa cho lời nói của Ngài, Đức Giêsu đã dẫn một em nhỏ ra cho họ xem thấy một gương mẫu điển hình. Bài học khiêm hạ và phục vụ chưa kịp ngấm vào lòng họ thì họ lại để lộ một tinh thần cục bộ, một đầu óc loại trừ: muốn ngăn cấm kẻ khác trừ quỉ nhân danh Chúa Giêsu, Thầy của họ. Tại sao họ lại muốn cản trở? Họ lấy quyền đâu mà loại trừ những kẻ làm điều tốt? Lý do duy nhất là những người này không thuộc nhóm Mười Hai môn đệ Chúa Giêsu. Đầu óc bè phái, chủ nghĩa quốc gia cực đoan vẫn không thay đổi từ thời cha ông của họ. Họ cho rằng: ngoài dân tộc Do Thái là dân Chúa Chọn, tất cả đều xấu, là ngoại đạo. Mà người ngoại đạo làm gì có thể thực hiện điều gì tốt!

Bởi vậy, sống với Chúa Giêsu, các ông chưa hẳn là người được đổi mới. Họ phải được thử thách để tinh luyện dần dần. Chỉ khi nào Chúa Thánh Thần xuống trên họ, họ mới trở thành những môn đệ khiêm tốn phục vụ và Giáo Hội là tổ chức cởi mở đón tiếp mọi hạng người. Khi ấy Giáo Hội thánh thiện gồm những con người công chính. Phải chăng ông Gióp là một trong những mẫu gương. Quả thật trong cơn thử thách ông đã mất tất cả, từ của cải vật chất đến mối liên hệ gia đình. Chính bản thân ông cũng mang đầy ghẻ lở ung nhọt, ông vẫn một lòng trung thành với Thiên Chúa.

Tuy nhiên gương mẫu lớn nhất vẫn là Chúa Giêsu. Từ địa vị cao cả của Thiên Chúa, Ngài đã xuống thế làm người như chúng ta và đã phục vụ cho đến chết. Ngày ngày Chúa Giêsu vẫn còn hạ mình xuống trên bàn thờ, trong tay vị linh mục để trao ban cho chúng ta.

Gợi ý 2:

Cả hai bài sách thánh hôm nay đều được viết sau một biến cố lớn. Đoạn sách Gióp được viết quãng năm 450 trước Công Nguyên, sau biến cố lưu đầy, sau khi dân Do Thái mất tất cả và còn nhớ cảnh vua Babylon móc mắt vua Do Thái ngay khi ông thắng được Giêrusalem, rồi cảnh vua quan thần Do Thái lũ lượt lên đường lưu đầy, mất mát tương tự như ông Gióp.

Nhưng với biến cố lưu đầy ấy, dân Do Thái đã thấy Thiên Chúa trở nên gần gũi trong những thử thách và đau khổ mà Thiên Chúa gởi đến và mọi đau khổ đều do ý Thiên Chúa an bài. Bởi đó cũng như ông Gióp, họ không còn mở miệng trách móc Thiên Chúa nữa, họ nhẫn nhục chấp nhận.

Còn bài Tin Mừng cũng được viết sau khi Chúa Giêsu sống lại, chứ không phải ngay sau khi Chúa Giêsu nói với các tông đồ. Khi ghi lại câu chuyện này, các tông đồ đã có trước mắt gương Chúa Giêsu chịu chết trên thậo giá, đúng là trở nên Tôi Tớ hèn mọn, giống như quì xuống dưới chân con người mà tôn con người làm vua, còn mình làm tôi tớ vậy. Và khi đó, các tông đồ hiểu rõ những lời Chúa Giêsu dạy hơn. Bình thường khuynh hướng muốn làm lớn, muốn hơn kẻ khác mạnh lắm. Chính các tông đồ chẳng những chỉ tranh luận một lần hôm nay mà đến bữa Tiệc Ly, các ông vẫn còn tranh luận xem ai sẽ là người lớn nhất trong nhóm. Các ông đã nhìn vào gương Chúa Giêsu trở nên tôi tớ mà sống nhỏ hèn: sau khi Chúa Giêsu về trời, các ông đi rao giảng và chịu chết. Nhìn vào gương Chúa Giêsu, các ông đã bỏ mọi sự.

Trong đời sống, chúng ta cũng hãy nhìn vào gương Chúa Giêsu mà sống. Và hơn thế nữa, hãy để cho Chúa lớn lên trong đời sống, trong hành động của mình. Vì Chúa Giêsu, chẳng những chúng ta chấp nhận mọi thử thách Chúa gởi đến như ông Gióp, mà còn từ bỏ dần dần cho đến khi ta không như Chúa Giêsu trên thập giá. Chúng ta xin Chúa Giêsu giúp chúng ta bắt chước Ngài và để Ngài dần dần là tất cả trong hành vi, ý nghĩa và cách xử sự của chúng ta.


THỨ BA

G 3,1-23; Lc 9,51-56

Gợi ý 1:

Thành phố Giêrusalem không lớn hơn các thành phố lân cận, cả về mặt dân cư lẫn kiến trúc, cả về mặt sinh hoạt kinh tế lẫn xã hội. Tuy nhiên đối với người Do Thái, đó là thủ đô của đất nước họ. Họ ao ước và cố gắng hằng năm ít nhất là một lần trẩy về thành phố Giêrusalem để dự các ngày lễ lớn trong tôn giáo tại đền thờ nổi tiếng này. Giêrusalem trước hết là trung tâm tôn giáo của người Do Thái. Đó là thành thánh.

Chúa Giêsu đã nhiều lần lên thành này để dự lễ. Tuy nhiên chuyến đi lên thành Giêrusalem lần này cùng với các môn đệ mang một ý nghĩa đặc biệt: Chúa Giêsu đến thành thánh để cứu độ nhân loại bằng cái chết và phục sinh của Ngài. Chúa Giêsu ý thức rõ ràng rằng: không phải ai ai cũng tiếp đón Ngài và chấp nhận giáo lý của Ngài. Ngược lại họ còn chối bỏ, bách hại và lên án xử tử Ngài.

Quả thật, chuyến đi thật không yên ổn chút nào. Chúa Giêsu chạm ngay sự từ chối đón tiếp của dân Samari, lý do là Chúa Giêsu lên Giêrusalem. Giữa người Samari và người Do Thái luôn luôn có sự chống đối, loại trừ nhau. Do đó, chúng ta có thể hiểu được tại sao họ không chấp nhận sự hiện diện của Chúa Giêsu và các môn đệ tại làng họ. Phần Chúa Giêsu, Ngài đã dám nghĩ, dám thực hiện và dám chấp nhận hậu quả.

Bên cạnh sự nghi kỵ của dân làng Samari, các môn đệ của Chúa Giêsu để lộ những cách phản ứng, những thái độ thật không giống Thầy mình chút nào. Họ muốn có một sự chừng phạt từ trời xuống trên dân cư. Họ lấy tư cách và quyền nào mà cư xử như vậy? Chúa Giêsu là người bị xúc phạm nhiều nhất, đã không có một ý tưởng nhỏ nhen, ý tưởng trả thù. Chúa Giêsu đến cứu vớt con người chứ không phải để tiêu diệt.

Các môn chỉ phản ứng theo sự khôn ngoan của người đời, của tập tục cha ông họ: “Mắt đền mắt, răng đền răng”. Họ suy luận theo kiểu họ nghĩ, mà không đối chiếu hay tham khảo với giáo lý và gương sống của Chúa Giêsu. Một cách nào đó, các bạn ông Gióp cũng có những lý luận tương tự.

Đó là lý luận của thế gian. Quả vậy, từ lâu, người Do Thái chờ đợi một Đấng Cứu Thế vinh quang, chiến thắng. Làm sao họ có thể chấp nhận một Đức Kitô khiệm nhường và chết nhục nhã trên thánh giá. Trong bối cảnh đó các môn đệ không vượt qua cái nhìn xác thịt để theo Chúa Giêsu trọn vẹn được.

Việc đi Giêrusalem phát xuất từ việc chấp nhận và thi hành ý Chúa Cha: tự hiến mình làm của lễ dâng lên Chúa Cha để cứu chuộc nhân loại. Chúng ta cũng làm một cuộc hành trình thiêng liêng theo Chúa Giêsu: đó là chấp nhận ý Chúa gởi đến, đó là vui lòng rời bỏ nơi an thân để rao giảng giáo lý Chúa. Sự va chạm, thậm chí sự chống đối của những người không cùng một niềm tin là chuyện đương nhiên. Thái độ của Giáo Hội, của mỗi chúng ta là phải khiêm nhường và kiên trì trong việc làm chứng cho Chúa.

Chúng ta sắp hiến tế của lễ đời sống trên bàn thờ, hiệp thông với của lễ của Chúa Giêsu. Chính sự hiệp thông này nối kết chúng ta với mọi anh em trong tình yêu Chúa. Tình yêu của Chúa luôn thúc bách chúng ta sống khiêm nhường để phục vụ Chúa và tha nhân.

Gợi ý 2:

Nếu ngẫm nghĩ sau khi đọc hai bài đọc của phụng vụ lời Chúa hôm nay, chúng ta thấy Gióp khác hẳn với Chúa Giêsu. có thể nói nôm na là trong khi Chúa Giêsu quả cảm lên đường đi Giêrusalem thì Gióp nấn ná ở lại nhà. Là vì tuy ông chưa mở miệng thốt lên lời nào kêu trách Chúa, nhưng nhìn cảnh khổ ông phải chịu, nhìn những điều ông đã mất mát, ông nguyền rủa ngày mình chào đời. Ông ước gì ngay khi còn trong lòng mẹ, mình đã được chết thì bây giờ mình hết khổ. Nguyền rủa than van như vậy là dấu ông còn tiếc những cái mình mất và nếu lấy lại được, chắc ông đã lấy. Cũng như chúng ta, nhiều khi chúng ta than van vì thấy mình khổ, than van vì mình mất sự này, sự nọ và nuối tiếc những sự ấy, dần dần tìm cách lấy lại những điều mình đã từ bỏ.

Còn Chúa Giêsu thì luôn luôn từ bỏ, Ngài chỉ lo đến việc lên Giêrusalem. Giêrusalem là trung tâm của đời Ngài. Theo thánh Luca, hồi mười hai tuổi, Chúa Giêsu đã lên Giêrusalem và ở lại. Khi cha mẹ đến tìm, Chúa Giêsu bảo: thế không biết là con phải làm việc của Cha trên trời hay sao? Hành động đầu tiên Ngài tỏ ra là ở lại Giêrusalem. Cả đời, Chúa Giêsu sẽ hướng về Giêrusalem, mọi lúc nghĩ về Giêrusalem, nghĩa là mọi lúc hướng đến chỗ từ bỏ tất cả, bắt đầu là căn nhà và đời sống ở Nazareth, rồi đến con người, mạng sống mình. Nhưng chính qua con đường từ bỏ đó mà Chúa Giêsu cứu được thế gian.

Trong đời chúng ta, chúng ta cũng được mời gọi từ bỏ dần dần. chỉ có đi theo con đường từ bỏ chúng ta mới cộng tác với Chúa mà cứu thế. Đồng thời sự từ bỏ cũng làm chúng ta sống (khác kẻ tiếc rẻ những cái mình bỏ thì héo hon trong lòng) và làm cho kẻ khác sống. Ví dụ: trong cộng đoàn, giới trẻ thấy giới già từ bỏ (từ bỏ cá tính, ý riêng, bản lãnh) thì sẽ hứng thú theo ơn gọi Kitô hữu, giới già thấy giới trẻ từ bỏ bao hứa hẹn ở đời sẽ can đảm bước trên con đường theo Chúa.

Xin Chúa Giêsu Thánh Thể, Đấng sống đời đời trong sự từ bỏ tận tuyệt, dẫn chúng ta đi vào tinh thần sống của Ngài.



THỨ TƯ

G 9,1-12.14-16; Lc 9,57-62

Gợi ý 1:

Có bao giờ chúng ta bị chất vấn: “Người Kitô hữu là ai chăng?”. Có thể chúng ta ngập ngừng trước cấu trả lời. Một cách đơn giản, chúng ta hiểu được Kitô hữu là người có Chúa Kitô, là người chọn Chúa Kitô và quyết tâm bước theo Ngài.

Theo Chúa Giêsu thì có nhiều hạng người, Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy có ba loại người tiếp xúc với Chúa Giêsu và những lời chỉ bảo thật quí giá của Đức Giêsu. Người thứ nhất tự thân hành đến xin Chúa Giêsu: “Thầy ở đâu con ở đó”. Đáp lại, Chúa Giêsu cho biết rằng: sự dấn thân theo Ngài đòi hỏi một sự liều lĩnh trước những khó khăn của cuộc sống. Như khách lữ hành và người xa lạ, những ai theo Chúa phải chấp nhận một sự bất an trong cuộc đời của mình, kể cả “không có chỗ gối đầu”. Riêng đối với người thứ hai, chính Chúa Giêsu kêu gọi anh ta đi trước. Tuy anh ta không từ chối, nhưng anh ta xin khất để về lo việc chôn cất cha mình trước đã. Với người này Chúa Giêsu cho biết: phải đặt tất cả mọi sự dưới bổn phận cấp bách và quan trọng hơn: loan báo Tin Mừng. Thật ra việc chôn cất cha mẹ là điều xấu xa hay ngược lại với giáo lý Chúa Kitô. Chúa Giêsu chỉ muốn đưa ra một sự chọn lựa có tính cách ưu tiên giữa những gì tốt lành. Thật ra không phải cha anh ta mới chết. Anh ta muốn xin được thong thả một thời gian để chu toàn nghĩa vụ của một người con khi cha anh ta qua đời. Một sự chần chừ, đình hoãn không được Chúa Giêsu chấp nhận.

Người thứ ba, cũng như người thứ nhất, tự mình đến xin theo Chúa Giêsu. anh ta cũng khéo léo nối kết thêm một yêu cầu: về từ giã gia đình. Thật ra đòi hỏi này không có gì quá đáng. Tuy nhiên, Chúa Giêsu nhắc nhở anh ta phải có một thái độ dấn thân dứt khoát: quay lưng lại với quá khứ và hướng mắt nhìn về tương lai. Một khi tâm hồn thanh thản, con người dễ dành trọn con tim cho Chúa và cho tha nhân. Hướng mắt nhìn vào Chúa Giêsu, người ta mạnh dạn tiến bước cùng một nhịp tim với Ngài. Ông Gióp để lại một gương mẫu dứt khoát. Ông ta hoàn toàn tin tưởng vào một Thiên Chúa công bình và yêu thương, ông ta không nhìn vào sự mất mát của cải, con cái trong quá khứ để luyến tiếc hay trách móc Thiên Chúa.

Ở mọi thời Thiên Chúa vẫn còn chọn và gọi con người theo Ngài. Mỗi người chúng ta đều có hoàn cảnh và tâm trạng riêng. Trước mọi người, Chúa chỉ đòi hỏi một sự lựa chọn căn bản: dấn thân theo Ngài trọn vẹn. Sự dấn thân này là một công việc ưu tiên, vượt trên mọi quyền lợi chính đáng khác. Một khi theo Chúa, con người chấp nhận một sự bất an nào đó do cuộc sống đem tới. Nhưng Thiên Chúa là nơi nương tựa cho chúng ta, là sự bảo đảm cho cuộc sống Tin Mừng giữa những anh chị em mà chúng ta gặp gỡ hằng ngày. Với niềm xác tín đó, chúng ta hãy đi sâu vào mầu nhiệm hiệp thông với Đức Kitô trên bàn thờ.

Gợi ý 2:

Trong ý định yêu thương của Thiên Chúa, Thiên Chúa nhắm tạo dựng con người cho hiện hữu rồi nâng lên hàng con cái. Thiên Chúa muốn con người bỏ dần cõi thế và mọi giá trị phù vân để sống cho Nước Trời.

Nhưng con người thường bị hai trở ngại sau đây:

Một là người ta nấn ná ở lại cõi thế (như những người được Chúa gọi nhùng nhằng xin về từ giã người nhà…) Chúa Giêsu muốn người ta phải can đảm, dứt khoát làm như không quyết định thì lỡ dịp may mất.

Hai là người ta đòi cái gì cũng phải rõ theo ý mình (như các bạn của Gióp không tin Thiên Chúa nổi, vì họ không hiểu sao có Thiên Chúa mà lại có tai họa như thế cho Gióp).

Nhưng Chúa Giêsu đã đến: chính đời Ngài, lối sống của Ngài bảo đảm với chúng ta là Nước Trời có thật và chỉ có Nước Trời là đáng kể…


THỨ NĂM

G 19,21-27; Lc 10,1-12

Thầy nào cũng có môn đệ, ít hoặc nhiều. Đối với Chúa Giêsu, các môn đệ của Ngài, dù không đông đảo, là những người ở với Ngài và được Ngài sai đi rao giảng Tin Mừng. Thật ra không phải Chúa Giêsu không có khả năng đi rao giảng, nhưng Ngài muốn có những cộng tác viên. Thiên Chúa đã nghĩ đến con người và cho họ tham gia vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Tuy nhiên những người như thế cần phải có thái nào, tâm tình nào khi đi rao giảng? Chính Chúa Giêsu cho chúng ta biết điều ấy.

Trước tiên chúng ta tự hỏi: tại sao Chúa Giêsu lại “chiêu sinh” thêm 72 môn đệ nữa? Nhóm Mười Hai chưa đủ sao? Thật ra số lượng người đi rao giảng so với nhu cầu chưa tương xứng, vì “lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít”. Do đó, việc đi rao giảng là vấn đề cấp bách và cần thiết. Ngoài ra ý nghĩa của con số 72 (hay 70) còn có ý nghĩa tượng trưng cho số các dân tộc ngoại giáo cần được rao giảng Tin Mừng.

Có lẽ vấn đề số lượng không quan trọng lắm. Có chăng chỉ thị đi rao giảng của Chúa Giêsu. Quả vậy, Chúa Giêsu đòi hỏi những người ra đi phải có tư cách của người nghèo, nhưng tin tưởng vào Thiên Chúa. Họ nên bằng lòng với sự tiếp đãi của các gia đình thiện chí và với hành trang đơn giản, nhẹ nhàng. Họ không phải lo âu đến những nhu cầu tối thiểu của con người. Ngoài ra, họ còn phải can đảm, không nao núng khi dấn thân vào chỗ nguy hiểm, như chiên vào giữa đàn sói. Cuối cùng hình thức đi rao giảng từng hai người một nói lên sự hợp tác, tương trợ nhau giữa những người làm cho Chúa. Chi tiết đó nhắc nhở cho Giáo Hội ở mọi thời rằng: loan báo Tin Mừng là công việc của tập thể và cộng đồng dân Chúa phải là cồng đồng thừa sai.

Một khi đã có phong cách thích đáng, các môn đệ phải rao giảng những gì? Các ngài phải loan báo sự bình an của Chúa Giêsu và Nước Trời đang đến gần. Muốn đạt kết quả nơi những nghe thì những người rao giảng phải là những người trước tiên sống bình an với Thiên Chúa, tha nhân và với chính bản thân. Họ phải tạo sự hòa thuận giữa những người đang tranh chấp. Có thể nói được họ là sứ giả bình an, bình an mà Chúa Giêsu đã ban cho họ. Nếu thực hiện được điều này, các môn đệ của Chúa Giêsu có cơ hội thuận lợi nhất để loan báo Nước Thiên Chúa. Hơn nữa, sự đoàn kết hòa thuận, yêu thương và tha thứ cho nhau là những biểu lộ của sự bình an trong cộng đoàn. Trong khi đó ma quỉ tìm mọi cách để gây chia rẽ, hận thù. Ma quỉ và cả bạn bè ông Gióp cũng muốn gieo vào lòng ông ý tưởng trách móc Thiên Chúa. Giữa cơn đau đớn thể xác và tâm hồn ông ta dễ nghe theo. Thế nhưng, ông Gióp vẫn tìm được sự bình an trong lòng vì đã hoàn toàn tin tưởng , phó thác vào Thiên Chúa.

Có thể nói được rằng: Chúa Giêsu là nguồn gốc bình an cho mọi người ở mọi thời. Trong mỗi thánh lễ, linh mục đã cầu nguyện xin bình an cho mình và cho cộng đoàn. Linh mục đã chúc bình an và mời gọi mọi người hiện diện hãy trao cho nhau bình an thật. Trước khi ra về, linh mục còn mời gọi và cầu chúc các tín hữu của Chúa Giêsu hãy lên đường bình an. Chúng ta có thể xác tín được điều này không, khi trở về đời sống gia đình và xã hội?



THỨ SÁU

G 19,21-27; Lc 10,1-12

Đức Giêsu luôn tỏ ra là một người hiền lành và khiêm nhượng với mọi người. Tuy nhiên, Lời Chúa hôm nay thật không nhẹ nhàng và êm tai chút nào. Đó là những lời quở mắng các thành phố và tập thể những người sống trong đó. Tại sao vậy?

Thông thường yêu mến ai, người ta càng tỏ ra những cử chỉ và lời nói thân mật, dịu dàng. Tuy nhiên, lời người xưa cũng đáng cho chúng ta lưu ý: “Thương con cho roi cho vọt”. Quả thật, các thành Kôrađin, Bétsaiđa và Capharnaum đã chứng kiến bao phép lạ Chúa làm, nghe nhiều lời giảng dạy của Ngài, nhưng không hoản cải và tin vào Chúa Giêsu. Những lời trách mắng của Chúa Giêsu cũng có lý do. Dù vậy, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục yêu thương và săn sóc tha thứ cho họ, nếu họ trở về. Vả lại, Chúa Giêsu có trách chăng là trách và lên án lòng cứng tin và từ chối ơn cứu độ mà Ngài mang đến. Đó là cảnh cáo và lời mời gọi hoán cải. Lòng chai đá của họ khiến chúng ta ngạc nhiên và đôi khi tự nghĩ: giá như tôi ở trong hoàn cảnh đó thì… Đừng vội ảo tưởng! Ai trong chúng ta lại không có dịp lắng nghe Lời Chúa. nhưng Lời Chúa có thay đổi điều gì nơi chúng ta không? Chúng ta có để Lời Chúa và các ơn, đặc biệt ơn bí tích Thánh Thể, thanh luyện và canh tân tâm hồn chúng ta chăng?

Hoán cải chỉ là bước đầu. Mỗi đoạn Lời Chúa là một nén vàng trao cho chúng ta để sinh lợi. Nếu nén vàng đem chôn dưới đất, nó sẽ trở nên vô ích. Chúng ta sẽ rước lấy lời trách mắng của ông chủ: “Hỡi đầy tớ xấu xa và lười biếng…”.

Hằng ngày chúng ta đón nhận Lời Chúa qua Thánh Kinh, qua trung gian của các môn đệ Chúa và ngày nay qua giáo quyền. Đó là lúc chúng ta lắng nghe Lời Chúa Kitô, và nghe Lời Chúa Kitô là nghe Lời Chúa Cha. Nếu lắng nghe để đón tiếp chính người nói thì chính là Thiên Chúa Cha mà chúng ta đón tiếp.

Chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì Chúa luôn tạo điều kiện để chúng ta hiệp thông với toàn thể Giáo Hội khi chúng ta được tham sự thánh lễ để cùng lắng nghe Lời Chúa Giêsu dạy và được đón tiếp chính Thiên Chúa.



THỨ BẢY

G 42,1-3.5-6.12-16; Lc 10,17-24

Hình như chỉ có con người mới biết cười. Một em bé sơ sinh biết cười trước khi biết nói! Cười là diễn tả ra ngoài niềm vui bên trong. Một con người bình thường khi vui thì ý thức được tại sao mình vui, nghĩa là nguồn gốc của niềm vui. Vậy đâu là nguồn vui thật của chúng ta? Và làm sao đạt tới niềm vui ấy?

Các bài đọc Lời Chúa hôm nay hé mở cho chúng ta một chân trời đầy hoan lạc. Chúng ta cùng nhau suy niệm. Các môn đệ, sau chuyến đi rao giảng trở về, đều tỏ ra hớn hở vì sự thành công đạt được. Các ông đã khoe: “Cả đến ma quỉ cũng tuân phục…”, đó là một niềm vui chính đáng. Những cố gắng của họ đã được đền bù, đồng thời đó cũng là niềm vui của ông Gióp, sau cuộc thử thách toàn diện, từ sự mất mát gia sản đến con cái, thậm chí đến chính bản thân ghẻ lở của ông, ông đã được Thiên Chúa phục hồi gấp nhiều lần.

Tuy nhiên tất cả chưa phải là niềm vui hoàn toàn, niềm vui vĩnh cửu. Chúa Giêsu mạc khải niềm vui thật sự, khi Ngài nói rằng: “Tên các con được ghi trên trời”. Quả thật, những ai tin tưởng và trung thành trong cuộc đời làm chứng cho Chúa Giêsu đều được Thiên Chúa Cha ban thưởng. Họ sẽ được chia sẻ niềm vui vĩnh cửu với Thiên Chúa trên trời. Họ sẽ là người nhà con cái Thiên Chúa. Ngay từ đời này, họ sẽ được Chúa Cha mạc khải cho qua Người Con Một. Điều này các nhà thông thái, khôn ngoan chưa bao giờ nêm cảm được.

Ngày nay chúng ta có được niềm vui này chăng? Lúc còn bé, thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu có lần thốt lên với mẹ: “Mẹ hãy nhìn lên trời xem, tên con đã được ghi trên trời. Các vì sao đã xếp hình chữ T đó!”. Một lời nói đơn sơ phải chăng cũng là tiếng nói âm thầm trong trái tim của mỗi người chúng ta.

Chúng ta hãy vui mừng hân hoan vì chúng ta sắp thưa cùng Chúa: “Lạy Cha chúng con ở trên trời…”. Người Cha đó luôn yêu thương chúng ta và muốn tỏ mình ra cho chúng ta qua Đức Giêsu Kitô. Lắng nghe Lời Chúa dạy để chúng ta sống xứng đáng là con cái thảo hiền của Cha trên trời và là môn đệ trung thành của Chúa Giêsu.
Mới hơn Cũ hơn