Mónica Muñoz
Có lẽ đối với nhiều người, thập giá của Chúa Kitô tượng trưng cho vũ khí giết chết Đấng Cứu Thế, nhưng đối với người Công giáo, đó là biểu tượng cho sự cứu rỗi của chúng ta.
Thập giá của Chúa Kitô, Chúa chúng ta, bị người Do Thái coi là điều nhục nhã vì đó là dấu hiệu của sự ô nhục. Nhưng đối với người Công giáo và nhiều Kitô hữu, đó là dấu hiệu của sự giải thoát và cứu rỗi.
Thánh Phaolô nói rằng “Chúa Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta như lời Kinh Thánh” (1 Cor 15,3).
Saulo thành Tarsus, sau khi làm kẻ bắt bớ các Kitô hữu, đã bị choáng ngợp bởi tình yêu khôn tả của Thiên Chúa và đã rao giảng về “sự điên rồ của Thập giá”:
“Sứ điệp của thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa” (1Cor 1, 18)
Dấu chỉ dứt khoát của sự cứu rỗi
Không bao giờ và sẽ không có bằng chứng nào về tình yêu cao cả cho bằng sự hy sinh của Chúa Kitô và nhờ Người mà chúng ta được cứu rỗi một cách dứt khoát, như Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo mô tả: “Cái chết của Đức Kitô đồng thời vừa là hy lễ Vượt Qua, mang lại ơn Cứu Chuộc tối hậu cho loài người" (GLCG 613).
Và không có phương thế nào vượt qua được tình yêu mà Chúa chúng ta dành cho nhân loại, chính vì điều đó mà Ngài đã cứu rỗi chúng ta:
“‘Yêu cho đến cùng’” (Ga 13,1) mang lại cho hy lễ của Đức Kitô giá trị Cứu Chuộc và đền bù, đền tội và tạ tội. Người đã biết và yêu thương tất cả chúng ta khi Người dâng hiến mạng sống mình (x. Gal 2, 20; Êph 5,2. 25)” (GLCG 616).
Vì thế, thập giá là dấu hiệu dứt khoát của ơn cứu rỗi, đó là lý do tại sao chúng ta không thể hiểu được, ngay cả ngày nay, vẫn có những người tưởng rằng đó là vũ khí tra tấn.
Chúng ta tôn vinh Thánh Giá Chúa Kitô
Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI, trong buổi tiếp kiến chung ngày 29 tháng 10 năm 2008 đã nói rằng: đối với Thánh Phaolô, thập giá bộc lộ “quyền năng của Thiên Chúa” khác với quyền năng của con người, vì nó bộc lộ tình yêu của Người: “Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1Cor 1,25).
Do đó, lễ Suy Tôn Thánh Giá đã được thiết lập và được cử hành vào ngày 14 tháng 9.
“Vì vậy, khi tôn kính Thánh Giá, Hội Thánh ca hát rằng: O crux, ave, spes unica (Kính chào Thánh Giá, niềm hy vọng duy nhất của chúng con)” (GLCG 617).
G. Võ Tá Hoàng