10 đặc điểm của một linh mục theo Thánh Josemaría Escrivá


Alina-Maria Balaj

Thánh Josemaría là một trong những vị thánh đã thành công trong việc thay đổi quan điểm của những người đi theo ngài một cách rất đơn giản: bằng cách sống trọn vẹn ơn gọi nên thánh của mình với tư cách là một linh mục. Ngài cũng là người sáng lập Opus Dei.

Opus Dei được thành lập để thúc đẩy sự thánh thiện giữa đời thường và Thánh Josemaría biết rằng các linh mục đóng vai trò rất quan trọng trong sứ mệnh này.

Sau đây là 10 đặc điểm của một linh mục theo Thánh Josemaría:

1. Căn tính. 

“Căn tính của linh mục là gì? Là căn tính của Chúa Kitô. Tất cả mọi Kitô hữu, không chỉ có thể mà còn là những Chúa Kitô khác, alter Christus, còn là chính Chúa Kitô: ipse Christus! Nhưng nơi linh mục, điều này xảy ra một cách trực tiếp, nhờ vào bí tích” (In Love with the Church, số 38).

Đối với thánh Josemaría, làm linh mục không chỉ là một sứ mạng bên ngoài mà còn cả bên trong. Ngài tin rằng để phục vụ người khác, một linh mục phải biến mình thành Chúa Kitô, phải chịu đau khổ, yêu thương, nhìn thế giới qua con mắt của mình và cuối cùng là phải yêu tha nhân như Chúa Kitô đã yêu thương mỗi người chúng ta.

2. Phục vụ. 

“Tôi thấy mỗi người linh mục, đang được đòi hỏi phải khiêm nhường học cách không chạy theo thời trang, thực ra là để trở thành tôi tớ của mọi tôi tớ của Chúa (…), để giúp những Kitô hữu bình thường, giáo dân, làm cho Chúa Kitô hiện diện trong mọi lĩnh vực của xã hội” (Conversations, số 59). 

Thánh Josemaría coi việc phục vụ người khác là nhiệm vụ quan trọng nhất của các linh mục. Theo ngài, việc phục vụ này có thể được thực hiện tốt nhất bằng cách yêu thương người khác với lòng khiêm nhường và sự hiện diện kín đáo.

3. Ơn gọi. 

“Một linh mục dâng Thánh lễ theo cách này — tôn thờ, đền tội, cầu xin, tạ ơn, đồng dạng với Chúa Kitô và dạy người khác biến Hy tế bàn thờ thành trung tâm và gốc rễ của đời sống Kitô hữu - sẽ cho thấy thực sự giá trị vô song về ơn gọi của mình, giá trị của đặc điểm mà mình đã được ghi dấu và sẽ không bao giờ mất đi” (In Love with the Church , số 49). 

Làm linh mục cần có ơn gọi, nhận thức và tinh thần hiện diện vì nhiệm vụ không phải lúc nào cũng dễ dàng. Hy sinh thường đi kèm với linh mục, nhưng tinh thần mà ngài thực hiện sứ mạng của mình thì rất quan trọng.

4. Phân định. 

“Tôi luôn coi công việc của mình, với tư cách là một linh mục và mục tử của các linh hồn, là nhằm giúp mọi người đối mặt với những đòi hỏi của cuộc sống và khám phá ra điều Thiên Chúa muốn nơi họ cụ thể là gì — mà không hề giới hạn sự độc lập thánh thiện và trách nhiệm cá nhân được chúc lành vốn là những nét đặt trưng của lương tâm Kitô giáo” (Christ is Passing By, số 99). 

Một trong những phúc lành lớn nhất là nhận được sự hướng dẫn thiêng liêng tốt từ một linh mục tốt. Thánh Josemaría tin rằng sứ mạng của ngài còn là giúp mọi người hiểu được sứ mạng của chính họ, cung cấp cho họ sự hướng dẫn, chất vấn và đảm bảo rằng họ cảm thấy an toàn và được yêu thương.

5. Lòng thương xót

“Giá trị của lòng đạo đức trong Phụng vụ Thánh thật lớn lao! Tôi không hề ngạc nhiên khi có người nói với tôi vài ngày trước về một linh mục mẫu mực vừa mới qua đời: 'Ông ấy là một vị thánh!' —'Bà có biết rõ về ông ấy không?' Tôi hỏi. —'Không,' bà ấy nói, 'nhưng tôi đã từng thấy ông ấy dâng lễ'” (The Forge, số 645). 

Theo Thánh Josemaría, lòng thương xót phải là một món quà từ Thiên Chúa ban cho mọi người, đặc biệt là các linh mục. Điều này được coi là một yếu tố rất quan trọng trong quá trình thánh hóa cho cả giáo dân và tu sĩ.

6. Hồi tưởng. 

“Mặc dù anh em biết rõ điều này, tôi xin nhắc lại với anh em rằng Linh mục là ‘một Chúa Kitô khác.’ Và Chúa Thánh Thần đã phán: ‘Nolite tangere Christos meos’ — đừng đụng đến các Chúa Kitô của Ta” (The Way , số 67).

Một linh mục phải luôn nhớ rằng mình là “một Chúa Kitô khác”, như đã nói trên đây, duy trì tinh thần hy sinh và trao tặng yêu thương cho người khác.

7. Tính chuyên nghiệp

“Công việc chuyên môn của các linh mục là một thừa tác vụ thiêng liêng và công khai, đòi hỏi rất nhiều đến mức nó bao gồm mọi việc họ làm, và đến mức có thể nói chung rằng, nếu một linh mục có thời gian rảnh rỗi cho những công việc khác thì không hoàn toàn là linh mục, người đó có thể chắc chắn rằng mình không hoàn thành các nhiệm vụ đối với thừa tác vụ của mình” (Friends of God , số 265). 

Mặc dù thuật ngữ này thường được sử dụng trong thế giới thế tục, nhưng tính chuyên nghiệp có thể dễ dàng được áp dụng cho công việc mục vụ và thừa tác vụ của các linh mục. Hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình là bằng chứng về tính chuyên nghiệp của một linh mục, nhưng điều quan trọng là các linh mục phải hoàn toàn nhận thức được khía cạnh này trong cuộc sống “chuyên nghiệp” của mình.

8. Tin tưởng. 

“Chúa Kitô, Đấng bị treo Thập giá với đôi tay dang rộng, với cử chỉ của vị Linh mục đời đời, muốn tin cậy vào chúng ta — những kẻ chẳng là gì cả! — để mang đến cho mọi người những hoa trái ơn cứu chuộc của Người” (The Forge, số 4). 

Tin tưởng vào Chúa Kitô có nghĩa là các linh mục phải hiến mình hoàn toàn cho thế giới. Đây là một trong những khía cạnh thú vị nhất của chức linh mục, vì niềm tin vào Thiên Chúa liên quan trực tiếp đến khả năng hiến mình cho thế giới của họ.

9. Cởi mở. 

“Không bên phải cũng không phải bên trái hay ở giữa. Là một linh mục, tôi cố gắng ở với Chúa Kitô. Cả hai cánh tay của Người đã dang rộng trên Thập giá. Tôi tự do lấy từ mọi nhóm bất cứ điều gì có vẻ tốt với tôi, giúp tôi giữ con tim và đôi tay của mình mở ra với toàn thể nhân loại” (Conversations , số 44). 

Để truyền giáo và chia sẻ lời Chúa Kitô, các linh mục phải có khả năng ôm trọn thế giới và chào đón mọi người bất kể lựa chọn, ý kiến ​​hoặc hướng đi của họ. Trong một xã hội có tính chủ nghĩa cá nhân cao, mọi người phải cảm thấy được chào đón.

10. Thân tình.

“Vị linh mục đó, một người bạn của chúng ta, đã làm việc miệt mài trong khi nghĩ về Chúa, nắm chặt đôi tay của Cha và giúp đỡ những người khác biến những ý tưởng cơ bản này thành của riêng họ. Đó là lý do tại sao ngài tự nhủ: 'Khi bạn chết, mọi thứ sẽ ổn thôi, vì Chúa sẽ tiếp tục chăm sóc mọi thứ'” (Furrow, số 884). 

Bàn tay của cha có thể thay đổi trạng thái tâm linh và tâm lý của bất kỳ ai. Từ “cha” rất phù hợp với các linh mục vì điều quan trọng là mọi người cảm thấy Giáo hội như một gia đình. Điều này giúp những người khác kết nối, cải thiện các mối quan hệ và chữa lành nhiều vết thương.

G. Võ Tá Hoàng

Mới hơn Cũ hơn