Richard Clements
Một trong những hình ảnh về đời sống Kitô hữu được thánh Augustinô sử dụng đó là một cây ăn quả trồng ngược. Cây này có bộ rễ cắm lên trời, lá và cành tỏa xuống phía mặt đất, còn hoa trái của nó luôn sẵn có cho bất kỳ ai cũng như tất cả mọi người hưởng dùng. Mỗi chúng ta được kêu gọi để trở nên một cây ăn quả trồng ngược như thế. Mỗi người chúng ta được kêu gọi để trổ sinh hoa trái cho vương quốc Thiên Chúa và cho ích lợi của những người xung quanh ta.
Cây trồng ngược có bộ rễ cắm lên trời bởi vì căn nguyên tối hậu giúp ta trổ sinh hoa trái là chính Thiên Chúa. Nếu đời sống chúng ta càng bén rễ sâu nơi Thiên Chúa, càng để cho “nhựa sống” Thánh Thần chảy qua mọi “mô mạch”, thì chúng ta sẽ trổ sinh hoa trái càng nhiều cho Nước Chúa.
Từ chính thế giới thực vật, có một gợi hứng khả dĩ cho ẩn dụ “cây ăn quả mọc ngược” của thánh Augustinô: cây baobab (Bao báp), loài thực vật sinh trưởng tại Madagascar, lục địa Phi châu, bán đảo Ảrập và nước Úc. Thực tế thì một trong những biệt danh của cây baobab chính là “cây chổng ngược”, một phần vì các cành của nó trông như bộ rễ đang vươn lên trời. Thật thú vị, cây baobab cũng được biết đến như là “cây sự sống”, điều này càng làm cho phép ẩn dụ này về đời sống môn đệ của Kitô hữu thêm đong đầy ý nghĩa. Cây baobab được đặt biệt danh là “cây sự sống” xuất phát từ một vài đặc tính nổi bật của nó:
- Thân đồ sộ của cây baobab có thể tích trữ lượng lớn nước, biến nó thành một nguồn cung cấp nước quan trọng trong những thời kỳ khô hạn.
- Nhờ khả năng trữ nước, cây baobab cũng có thể sinh ra loại quả giàu dinh dưỡng, cả vào những giai đoạn ít hoặc không mưa.
- Nhiều loài động vật khác nhau tìm thấy nguồn thức ăn, nước uống và nơi trú ẩn từ cây baobab.
- Cây baobab có tuổi thọ rất dài (có khi sống đến hàng ngàn năm), chúng trở thành biểu tượng phù hợp cho sự bền bỉ và sự sống.
Hans Urs von Balthasar đã viện dẫn hình ảnh của thánh Augustinô về cây ăn quả trồng ngược trong các tác phẩm của mình, cũng như đưa việc trổ sinh hoa trái thiêng liêng trở thành chủ đề trọng tâm trong thần học của ông. Một số Kitô hữu hôm nay có khuynh hướng nghĩ về việc “trổ sinh hoa trái” trong tư cách là những người bước theo Đức Kitô dưới hình thức của những hành động bề ngoài, như làm công tác từ thiện hoặc công việc hướng đến công bằng xã hội. Mặc dù chắc chắn Balthasar tán thành tầm quan trọng lớn lao của những hành động ấy, nhưng ông chọn tập trung những dẫn giải của mình vào hai cội nguồn khác có khả năng làm trổ sinh hoa trái thiêng liêng – những cội nguồn mà có thể thời nay chẳng mấy người lưu tâm: cầu nguyện và đau khổ.
Balthasar khẳng quyết rằng cầu nguyện thực sự sinh nhiều kết quả hơn so với bất kỳ hành động bên ngoài nào mà chúng ta có thể tham gia. Ông từng mô tả việc cầu nguyện của Kitô hữu như là “một chiếc cổng xả được mở ra, cho phép nước ân sủng từ trời tràn xuống thế gian”. Là máng chuyển thông ân sủng, là kênh dẫn cho quyền năng và tình yêu Thiên Chúa tuôn tràn vào trong thế gian, việc cầu nguyện có thể mang lại nhiều hoa trái thiêng liên hơn bất kỳ hành động hay nỗ lực bên ngoài nào của chúng ta.
Balthasar đưa ra một lập luận tương tự cho sự đau khổ, khi tuyên bố rằng sự đau khổ của Kitô hữu “ít nhất cũng mang lại kết quả cho công trình cứu độ thế giới” như bất kỳ hoạt động bên ngoài nào. Đau khổ mà chúng ta hiến dâng vì mưu cầu cho nước Thiên Chúa, vì lợi ích cho tha nhân, hay vì bất kỳ một mục đích thiêng liêng nào khác cũng đều trổ sinh hoa trái nhờ dự phần vào sự đau khổ có năng lực cứu chuộc của Đức Giêsu:
[Đức Giêsu] ôm lấy mọi đớn đau thống khổ của các Kitô hữu – dù là đau khổ tinh thần, bệnh tật, tra tấn hay phúc tử đạo phải nhận chịu vì Đức Kitô – trong hoa quả ơn cứu chuộc từ cuộc Khổ nạn Ngài dùng để đền bồi. Vì chưng, sự hiện hữu của Đức Giêsu là hiện hữu-cho và cuộc Khổ nạn của Ngài là đau khổ-cho, nên mọi đau khổ nhận chịu vì theo Ngài và quy hướng về Ngài đều được đánh dấu bởi chủ đích trên, bởi hoa quả đem lại ơn cứu chuộc (Ánh sáng Ngôi Lời).
Một trong những khía cạnh tuyệt diệu nhất trong thảo luận của Balthasar về việc kết sinh hoa trái thiêng liêng nằm ở chỗ ông nhấn mạnh đến sự thật rằng, Thiên Chúa có thể đặt để hoa trái thiêng liêng từ những hành động bác ái, lời cầu nguyện, sự đau khổ của chúng ta… khắp mọi nơi mọi thời vào trong mầu nhiệm các thánh thông công. Bởi đó, trong đời sống này, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể nhận biết hoa trái từ những hành động mà chúng ta thực hiện, cũng không thể đo lường khả năng sinh hoa kết quả của những hành động thấy theo cách nào chắc chắn cả. Hiện thời, chúng ta phải luôn đơn sơ tin tưởng rằng, Thiên Chúa sẽ an bài những hoa trái ấy cho những người, những nơi, những thời điểm cần đến chúng nhất. Nhưng trong cuộc sống mai hậu, Balthasar quả quyết với chúng ta, Thiên Chúa sẽ tỏ lộ tất cả mọi hoa trái được kết thành từ nỗ lực của chúng ta, và chính những hoa trái ấy, cũng theo lời Balthasar, sẽ “gây kinh ngạc [cho chúng ta] như một mối phúc cao trọng nhất”.
Grêgôriô Võ Trần Nhựt chuyển ngữ