Điều chúng ta tin. Phần 8: Giáo hội vẫn vinh quang, vẫn duy nhất



Joshua J. Whitfield

Sự nên một có còn thực hiện được? Ngày nay Giáo hội có duy nhất? Có thể tiến tới sự hiệp nhất Kitô giáo hay không? Những chất vấn này thật hữu lý, và chúng là lý do chúng ta phải dõi theo Đức Giêsu cho đến hết chương 17 Tin mừng Gioan.

“Và Con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho Con, để họ nên một như Chúng ta là một, Con ở trong họ và Cha ở trong Con, để họ được hoàn toàn nên một…” (Ga 17,22-23). Hãy lưu ý, Đức Giêsu không hề lơi lỏng điểm mấu chốt. Trong Tin mừng Gioan, xem ra cứ khi nào Đức Giêsu dạy dỗ điều gì thiết yếu nhưng gây tai tiếng – tai tiếng đến độ các môn đệ nghĩ rằng Ngài nên ngừng lại đôi chút – thì Ngài lại càng nhấn mạnh. Như ở chương 6 Tin mừng Gioan, khi Đức Giêsu nói: “Ta là bánh từ trời xuống”, mọi người bắt đầu xì xầm phản đối (Ga 6,41). Vậy nên khi Ngài nói: “nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình”, dĩ nhiên điều này càng khiến tình trạng thêm căng thẳng (Ga 6,53). Vẫn không dừng ở đó, Ngài lại nhấn mạnh điểm ấy hơn nữa khi nói rằng, “thịt Ta chính là của ăn và máu Ta chính là của uống” (Ga 6,55). Trong lúc ấy, các môn đệ phía sau lại mong Đức Giêsu ngừng lại khi mọi người bắt đầu bỏ đi. Nhưng Đức Giêsu không làm điều đó. Ngài cứ tiếp tục nhấn mạnh quan điểm, rõ là vì đời sống vĩnh cửu phụ thuộc vào điểm này. Cũng thế, ở đây chúng ta chứng kiến điều tương tự: để họ nên một, để họ nên một, để họ được hoàn toàn nên một – đó là vì chúng ta chưa đạt được điều ấy. Khi đọc đến phần cuối chương 17 Tin mừng Gioan, bạn có nhận ra rằng sự hiệp nhất Kitô giáo rất hệ trọng trong suy nghĩ của Đức Giêsu hay không? Hay bạn cho rằng những lời mà Đức Giêsu nói chẳng có ý nghĩa gì nên ta có thể tùy nghi chấp nhận hoặc từ chối?

Vậy làm sao chúng ta có thể bắt đầu hình dung về tính khả thể của sự hợp nhất Kitô giáo? Hãy lưu tâm về việc Đức Giêsu vẫn còn đang nhắc đến vinh quang: “Con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho Con”. Vinh quang của Thiên Chúa có đủ hiệu lực? Hay vinh quang ấy quá yếu ớt? Chẳng phải thiên thần Gabriel nói với Đức Maria rằng, đối với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể? Vinh quang của Thiên Chúa không đủ để làm các Kitô hữu nên một sao? Chúng ta đang nói gì về Thiên Chúa khi cho rằng sự hiệp nhất Kitô giáo là điều bất khả? Có phải rốt cuộc, chúng ta đang nói rằng Ngài có thể không toàn năng?

“… để thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai Con và đã yêu thương họ như đã yêu thương Con” (Ga 17,23). Một lần nữa, tại sao phải nỗ lực để nên một Giáo hội duy nhất? Tại sao phải nỗ lực cho sự hiệp nhất? Câu trả lời là vì tình yêu. Bởi lẽ, chúng ta tin thế giới được Thiên Chúa tạo dựng, gìn giữ và cứu chuộc trong tình yêu. Và cách thế để tình yêu được biểu lộ cho thế gian là thông qua các môn đệ Đức Giêsu, những người yêu thương nhau trong sự nên một. Thánh Tôma Aquinô diễn đạt: thế gian sẽ xem thấy “vinh quang của các thánh trong sự kinh ngạc”, là những người đang ở trong sự hiệp nhất và tình yêu. Đó là cách mà thế gian xem thấy tình yêu, nhờ chứng kiến đức ái Kitô giáo.

Tôi từng nhắc đến ở bài trước về tình yêu độc đáo mà tôi dành cho vợ và con mình: tôi yêu họ như một người cha cần yêu con mình, như một người chồng cần yêu vợ mình, tình yêu này sâu đậm hơn sự yêu quý tôi dành cho vợ và các con của bạn. Điều này là để cho chúng ta có thể học biết cách yêu và được yêu; và đến lượt mình, những người đó có thể yêu thương người khác như vậy và làm cho tình yêu ngập tràn khắp thế giới. Vâng, đó là cách tình yêu triển nở. Và khi suy nghĩ về điều này theo chiều kích Giáo hội, thì đó là cách để phần còn lại của thế giới nhận biết tình yêu Thiên Chúa – nhờ việc chứng kiến tình yêu giữa các Kitô hữu trong Giáo hội. Như thế, làm sao các Kitô hữu chúng ta có thể nói một cách xác tín hơn nữa cho thế giới rằng Thiên Chúa yêu họ? Bằng việc nên một. Mọi điều Đức Giêsu đã cầu nguyện – sự nên một của các môn đệ, sự nên một của các tín hữu hôm nay – đều vì tình yêu và để thế giới nhận ra tình yêu ấy.

“Lạy Cha, họ là những người Cha đã ban cho Con. Con muốn rằng Con ở đâu thì họ cũng được ở đó, để họ chiêm ngưỡng vinh quang mà Cha đã ban cho Con, bởi vì Cha đã yêu Con từ trước cả khi thế gian được tạo thành” (Ga 17,24). Vinh quang từ đời đời của Đức Giêsu giờ đây được mặc khải như là tình yêu. Ngài khao khát chúng ta là một để chúng ta có thể ở cùng Ngài. Đức Giêsu những ước mong như thế. Ngài không bàng quan về việc chúng ta có là một hay không; cũng không tỏ thái độ lưng chừng về vấn đề này – nhưng Ngài khát khao nó! Đức Giêsu cầu nguyện cùng Cha với niềm mong mỏi về sự hiệp nhất của chúng ta từ tận sâu cõi lòng Ngài. Tại sao? Đơn giản là để chúng ta có thể cùng nhau chia sẻ vinh quang của Thiên Chúa. Và một lần nữa, hãy nhớ đến bối cảnh: Đức Giêsu đang cầu nguyện cho các môn đệ nên một, để họ được ở cùng Ngài, vào thời khắc tồi tệ và yếu đuối nhất của các ông. Đức Giêsu cầu nguyện cho họ ở lại với Ngài khi họ đang làm điều hoàn toàn ngược lại, đang tán loạn giữa đêm đen. Thật là một niềm an ủi lạ thường, vào những phút giây tồi tệ nhất đời ta, những phút giây ly tán và lỗi tội – của cá nhân hay Giáo hội – Đức Giêsu vẫn muốn chúng ta ở cùng Ngài.

Khi bạn phạm tội, bạn cho rằng Thiên Chúa nghĩ gì? Ngài có thịnh nộ chăng? Bạn tưởng rằng Thiên Chúa chẳng muốn dính dáng gì đến bạn nữa? Khi tôi cãi nhau với ai đó, tôi muốn tránh người ấy, tránh một cuộc gặp gỡ ngượng ngùng. Về mặt con người, đúng là chúng ta thường tránh né những ai chúng ta đang xung đột. Nhưng vấn đề là đôi khi chúng ta lại phóng chiếu cái bản năng rất người ấy vào cho Thiên Chúa, để tự phỉnh gạt mình với suy nghĩ rằng Thiên Chúa cũng muốn tránh chúng ta sau khi chúng ta phạm tội. Hoàn toàn không đúng. Thiên Chúa, trong bản tính của Ngài, không làm vậy. Sau lời cầu nguyện của Đức Giêsu ở chương 17 Tin mừng Gioan, tất cả các môn đệ chạy tứ tán và bỏ lại Ngài một mình. Một trong số họ đã phản bội, thế mà Đức Giêsu vẫn muốn và cầu nguyện để ở cùng họ. Trong giây phút tồi tệ nhất của bạn – hay cả tôi cũng vậy – Đức Giêsu vẫn luôn cầu nguyện cho bạn, yêu thương bạn, mong muốn bạn. Đừng bao giờ lừa dối bản thân mình với suy nghĩ Thiên Chúa sẽ nói với bạn: “Ta không còn muốn dính dáng gì đến con nữa”. Bởi vì Ngài sẽ không làm thế. Sau khi phục sinh, Đức Giêsu nói: “Thầy ở cùng các con luôn mãi” (Mt 28,20). Đó là ý Ngài muốn. Ít nhất, điều này nhắc nhớ chúng ta về giá trị của niềm hy vọng. Dẫu có ra sao, Đức Giêu sẽ luôn muốn có chúng ta. Chúng ta luôn có thể quay lại cùng Ngài.

Điều này mặc khải sự công chính của Thiên Chúa. “Lạy Cha là Đấng công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng Con, Con đã biết Cha, và những người này đã biết là chính Cha đã sai con. Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương Con, ở trong họ, và Con cũng ở trong họ nữa” (Ga 17,25-26). Đức Giêsu kết thúc lời cầu nguyện bằng việc gợi lên sự công chính của Thiên Chúa. Mỗi khi nghĩ về sự công chính này, chúng ta thường liên tưởng đến cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, đôi khi như một vị thần nghiêm khắc và đáng sợ nào đó trên cao, luôn chực chờ trừng phạt chúng ta. Chúng ta suy tưởng về việc sa hỏa ngục. Nhưng nơi lời cầu nguyện, Đức Giêsu không hề nghĩ đến đức công bình theo lối ấy. Ngài nghĩ về nó dưới thể cách của tình yêu và sự thấu hiểu. Sự công bình của Thiên Chúa không phải là cơn thịnh nộ của Ngài, thứ đẩy bạn xuống hỏa ngục. Sự công chính của Thiên Chúa là sự hiệp thông, là tình yêu giữa bạn với Ngài – một sự công bình đầy kinh ngạc, bởi chắc chắn chúng ta bất xứng với điều ấy. Sự công bình của Thiên Chúa là việc chia sẻ sự sống của chúng ta như Cha với Con trong Thánh Thần – trong sự duy nhất và thánh thiêng. Cũng hãy lưu ý đến lời hứa của Đức Giêsu, Ngài tiếp tục làm cho người ta biết đến danh Cha. Vinh quang Đức Giêsu đã ban, Ngài vẫn tiếp tục ban. Và do đó, điều chân xác trong Gioan chương 17 – lời kêu gọi nên một và và nên thánh, giờ đây vẫn chân xác như đã từng. Cũng thế, ân sủng hữu hiệu giúp đạt tới sự nên một giờ đây vẫn hữu hiệu như đã từng. Cho dẫu đã trôi qua hàng thiên niên kỷ, lời cầu nguyện này vẫn chi phối chúng ta. Chúng ta không thể bỏ qua điều đó – dĩ nhiên là trừ khi chúng ta không còn tin vào vinh quang, tin điều Đức Giêsu đã dạy.

Rất nhiều điều chúng ta tin được tìm thấy trong Gioan chương 17, đặc biệt là những niềm tin sâu xa nhất về Giáo hội. Hơn nữa, chương 17 Tin mừng Gioan còn mặc khải về DNA của Giáo hội. Giáo hội là một thực thể có tính bí tích, một thực thể xã hội, một tổ chức có thể chế và quan liêu, tất cả đều gắn liền với lịch sử 2.000 năm vừa huy hoàng, sống động, lại có lúc mờ tối và suy bại. Tuy nhiên, Giáo hội là duy nhất theo yếu tính của mình, là điều mà Cha và Con cùng chia sẻ trong Thánh Thần. Giáo hội tự yếu tính là hiệp thông – một sự hiệp thông trong Ba Ngôi, là điều được khai mở qua Đức Kitô đến các môn đệ, và đó cũng là sự hiệp thông và đời sống chung giữa chúng ta.

Vì thế, mỗi khi bạn tiếp xúc với Giáo hội dưới hình thức lịch sử hay thể chế - có khi gây khó chịu, cũng có khi đầy vinh quang – chúng ta cần nhớ rằng, trước tiên và trên hết Giáo hội là duy nhất, là điều mà Đức Giêsu đã cầu nguyện vào đêm trước khi Ngài chịu tử nạn.

Dĩ nhiên là giờ đây, chúng ta tin rằng sự duy nhất này chủ yếu (dù không phải hoàn toàn) thuộc về Giáo hội Công giáo Rôma. Chắc chắn với nhiều người, đây là một tuyên bố tai tiếng. Tôi cũng từng cảm thấy như thế. Nhưng chúng ta sẽ khám phá điều này ở phần sau, bởi lẽ, đó cũng là điều chúng ta tin.

 Grêgôriô Võ Trần Nhựt chuyển ngữ
Mới hơn Cũ hơn