Richard DeClue
Có một số từ ngữ và lối nói mang ý nghĩa thần học rất đặc thù nhưng lắm khi lại bị hiểu hoặc dùng sai qua những cách diễn nghĩa minh nhiên lẫn hàm ẩn trái ngược với cách định nghĩa chính xác. Vào tháng 11 năm 2023, tôi đã nêu lên một ví dụ về ý nghĩa của “biện phân dấu chỉ thời đại”. Giờ đây, tôi muốn thảo luận về một cụm từ khác, được sử dụng thường xuyên, nhưng rất có khả năng gây hiểu lầm: sensus fidei (cảm thức đức tin).
Một cụm từ đồng nghĩa với sensus fidei là sensus fidelium (cảm thức của các tín hữu). Theo kinh nghiệm của tôi, thuật ngữ sau là đối tượng đặc biệt bị dùng sai. Chí ít, đôi khi nó được sử dụng mà không có bất kì một giải thích nào, nhưng theo bối cảnh, xem ra lại hàm ý một điều gì đó mà về mặt kỹ thuật, cụm từ này không nhắm tới. Trước tiên tôi sẽ trình bày những cách hiểu không chính xác về sensus fidei, sau đó sẽ giải thích ý nghĩa thực sự mà nó muốn biểu thị.
Ủy ban Thần học Quốc tế (ITC), cơ quan trực thuộc Bộ Giáo lý Đức tin (the Dicastery for the Doctrine of the Faith - DDF; trước đây tên là the Congregation of the Doctrine of the Faith – CDF) đã ban hành một văn kiện với tiêu đề “Thần học ngày nay: Viễn cảnh, Nguyên lý và Tiêu chuẩn”, được thông qua năm 2011 theo thể thức đặc biệt [in forma specifica] (sự chấp thuận cao nhất của tông tòa). Ở số 34, tài liệu tuyên bố: “Cần phải hiểu cho đúng bản chất và vị trí của sensus fidei hay sensus fidelium. Sensus fidelium không chỉ đơn giản là ý kiến của đa số trong một thời buổi hay một nền văn hóa cụ thể”.
Cũng chính ITC xét rằng việc hiểu sensus fidei cho chính xác quan trọng đến mức sau vài năm (2014), ủy ban đã ban hành một văn kiện hoàn toàn mới dành riêng cho chủ đề: “Sensus Fidei trong Đời sống của Giáo hội”. Văn kiện này cũng bác bỏ cách hiểu không đúng như đã đề cập ở văn kiện trước. Giáo hội “không được tổ chức theo các nguyên tắc của một đoàn thể chính trị thế tục… Do đó, công luận không thể đóng vai trò quyết định trong Giáo hội” (số 114). Tài liệu cũng nhấn mạnh lại điểm này ngay sau đó: “Rõ ràng là không thể có chuyện đồng hóa giản đơn giữa sensus fidei với công luận hay ý kiến đa số. Hai thực tại này không hề như nhau” (số 118).
Bác bỏ cách hiểu sai vừa nêu rất quan trọng, bởi vì thuật ngữ sensus fidei đôi khi được dùng để ám chỉ điều gì đó đại loại như: “Trước đây, Giáo hội tin X, nhưng nay, trong tư cách là những con người hiện đại được khai sáng, chúng ta nghĩ ngược lại”. Vì lẽ đó, thuật ngữ này có thể bị lạm dụng với ý muốn nói, có một sự gia tăng số người Công giáo từ chối giáo huấn lâu đời về một vấn đề cụ thể (thường nằm trong lãnh vực luân lý). Ẩn ý ở đây là Chúa Thánh Thần đang thúc đẩy việc thay đổi quan điểm, trong khi thực ra, não trạng thời đại (Zeitgeist) mới là thứ đang lộ mặt trong sự bất đồng ngày một tăng ấy. Như văn kiện năm 2014 của ITC lưu ý: “Đức tin chứ không phải dư luận mới là trọng tâm cần được tập chú. Dư luận thường chỉ là những phát biểu, hay thay đổi và nhất thời, của tâm trạng hoặc ước muốn của một nhóm người hoặc một nền văn hóa nào đó, trong khi đức tin là âm vang của một Tin mừng duy nhất có giá trị mọi nơi mọi thời” (số 118).
Đúng như thế, văn kiện năm 2011 của ITC thừa nhận “thần học cần cố gắng khám phá và luận giải cách chính xác điều các tín hữu Công giáo thực sự tin”, nhưng tài liệu nói thêm sau đó rằng, “thần học phải trình bày chân lý trong đức ái, để cho các tín hữu có thể trưởng thành trong đức tin, và không bị ‘đánh trôi dạt theo mọi chiều gió đạo lý’ (Ep 4,14-15)” (số 36). Ở đây, chúng ta nhận ra một con đường mà ở đó việc thực hiện chính xác tính hiệp hành có thể mang lại hiệu quả. Thật quan trọng việc lắng nghe dân chúng để biết điều họ đang suy nghĩ. Dù đôi lúc, việc này cũng cho thấy những sai lạc trong suy nghĩ của người Công giáo, là những đều cần được điều chỉnh. Lắng nghe cách cẩn trọng có thể giúp các mục tử biết được điều nào cần được giải thích kỹ lưỡng hơn để các tín hữu không bị đánh lừa bởi những ý kiến dù phổ biến nhưng nghịch với đức tin.
Nói cách tích cực thì sensus fidei là gì? Giáo lý Hội thánh Công giáo (GLHTCG) đề cập đến “Cảm thức siêu nhiên của đức tin” ở các số 91-93. Bản văn đưa ra định nghĩa bằng cách dẫn lại số 12 của Hiến chế Lumen Gentium (LG): “Toàn thể tín hữu… không thể sai lầm trong đức tin. Họ biểu lộ đặc tính ấy nhờ cảm thức siêu nhiên về đức tin (sensus fidei) của toàn thể dân Chúa, khi ‘từ các giám mục cho đến người giáo dân rốt hết’, tất cả đều biểu lộ một sự đồng thuận chung về những điều liên quan đến đức tin và phong hóa (GLHTCG, số 92; LG, số 12). Ở đây cần lưu ý, cảm thức của đức tin (hay của các tín hữu) không có nghĩa là cảm thức của giáo dân đối lập với cảm thức của hàng giáo phẩm. Nhưng đó là cảm thức của toàn thể tín hữu, bao gồm cả các thành viên của hàng giáo phẩm. Thực tế, định nghĩa về sensus fidei ở phần cuối sách Giáo lý phát biểu: “Cảm thức siêu nhiên về đức tin (sensus fidei) thể hiện qua sự đồng thuận chung trong các vấn đề liên quan đến đức tin và phong hóa được biểu lộ bởi toàn thể các tín hữu dưới sự hướng dẫn của Huấn quyền”.
Dựa vào đó, chương 4 trong văn kiện năm 2014 của ITC xem xét “cách để biện phân những biểu hiện đích xác của sensus fidei” và liệt kê “những phẩm cách cần có để thực sự tham dự vào sensus fidei”. Chúng bao gồm: sự tham gia vào đời sống Giáo hội (các số 89-91); lắng nghe Lời Thiên Chúa (các số 92-94); cởi mở với lý trí (các số 95-96); gắn bó với huấn quyền (các số 97-98); thánh thiện, khiêm nhường, tự do và vui tươi (các số 99-103); và mưu cầu cho việc xây dựng Giáo hội (các số 104-105). Cần lưu ý rằng, yêu cầu biện phân một cảm thức đức tin đích thực ngụ ý rằng không phải mọi tư tưởng, cảm xúc hay ý kiến của một tín hữu Công giáo nào đó – hay thậm chí là một nhóm đông đảo các tín hữu – đều tự động đủ điều kiện làm thành một cảm thức đức tin đích thực. Hơn nữa, chính văn kiện này nhấn mạnh đến vai trò của huấn quyền trong việc biện phân và phán quyết về sensus fidei (x. các số 76-77). Cụ thể, văn kiện tuyên bố: “Huấn quyền cũng có thẩm quyền phán quyết các ý kiến đang có trong dân Chúa có vẻ như là sensus fidelium, để xem liệu chúng có thực sự tương hợp với chân lý của Thánh truyền được các Tông đồ truyền lại hay không” (số 77).
Đồng thời, văn kiện thừa nhận rằng, có những tiền lệ trong lịch sử mà sensus fidei – thậm chí được bộc lộ riêng nơi giáo dân – đã giúp cho huấn quyền trong việc định thức tín lý (x. Chương I, phần 2 và số 72). Văn kiện tuyên bố: “Có lúc, chính Dân Chúa, nhất là các giáo dân, bằng trực giác đã cảm thấy việc khai triển tín lý phải đi theo hướng nào, ngay cả khi các nhà thần học và các giám mục chia rẽ nhau về vấn đề đó” (số 72). Những điển hình như thế trong lịch sử cung cấp lý do xác đáng cho khẳng quyết của văn kiện về việc “huấn quyền cần lưu tâm đến sensus fidelium” (số 74), tất nhiên là khi nó được hiểu cách đúng đắn.
Mục tiêu hàng đầu của bài viết này là tính trọng tâm của hạn từ đức tin hay các tín hữu trong thuật ngữ cảm thức đức tin hay cảm thức của các tín hữu. Đức tin là một nhân đức siêu nhiên nhờ đó chúng ta tin rằng những điều được mặc khải bởi Thiên Chúa là do chính Người mặc khải. Không gì có thể là một phần của một cảm thức đức tin đúng đắn và chính thực mà lại trái nghịch với kho tàng đức tin. Bất cứ ai chủ trương từ chối tín điều hay bất kỳ giáo huấn bất khả ngộ nào khác về đức tin và phong hóa, người đó không thể hiện một cảm thức đức tin chân chính. Đáng tiếc, bất chấp thực tế này, có những người Công giáo nại vào thuật ngữ sensus fidei hay sensus fidelium để thực hiện chính điều trái nghịch ấy. Họ đánh đồng cảm xúc và dục vọng của mình – là những thứ trùng hợp thay lại tương ứng với các yếu tố suy đồi của xã hội – với hoạt động của Thánh Thần hầu thay đổi tận căn Giáo hội theo quan niệm của họ.
Chúng ta phải tránh đi cám dỗ xúi giục làm điều tương tự. Chúng ta cần ghi tạc những phẩm cách được văn kiện năm 2014 của ITC vạch ra và thực hiện một cuộc tra vấn lương tri kỹ lưỡng trước khi cho rằng ý kiến của mình là chính xác, đặc biệt nếu những ý kiến đó mâu thuẫn với các giáo huấn lâu đời của huấn quyền. Hiện nay, hơn bao giờ hết – trong kỷ nguyên của truyền thông xã hội, nơi mà người ta có thể dễ dàng phô trương quan điểm trước hàng ngàn hay hàng triệu người theo dõi – thì việc hiểu và biện phân cho đúng về sensus fidei chân chính là điều vô cùng cần thiết.
Grêgôriô Võ Trần Nhựt chuyển ngữ