THỨ HAI
Gl 1,6-12; Lc 10,25-37
Gợi ý 1:
Tin Mừng hôm nay thuật lại: có một luật sĩ đến hỏi Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sống đời đời?”. Chúa Giêsu không trực tiếp trả lời câu hỏi của ông mà Ngài lại hỏi ông: “Trong luật đã viết gì? Ông đã đọc làm sao?”. Người ấy trả lời: “Ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng hết sức, hết linh hồn, hết trí khôn ngươi và yêu thương đồng loại như chính mình ngươi”. Chúa Giêsu bảo người ấy: “Hãy đi mà làm như vậy”.
Giữa Chúa Giêsu và nhóm luật sĩ luôn có những bất đồng. Vì luật sĩ thay vì chỉ đường cho người ta đến với Thiên Chúa để tận hưởng tình yêu của Thiên Chúa, thì họ lại đặt trên vai dân ách hà khắc của lề luật và nặng nề của lễ tế nhân danh Thiên Chúa. Nên Chúa Giêsu không chịu nổi lòng độc ác ấy của họ. Đã nhiều lần Chúa Giêsu bẻ gãy tất cả những gánh nặng của lề luật mà luật sĩ chất trên vai dân khiến họ luôn tìm cách hạ nhục và gài bẫy Chúa Giêsu. Người luật sĩ trong Tin Mừng hôm nay không thuộc hạng người ấy, ông thực tâm muốn được sự sống đời đời.
Sự sống đời đời không phải là một thứ sự sống ở bên kia thế giới mà là sự hợp nhất đời đời với Đức Giêsu Kitô trong Thiên Chúa. Chỉ có tình yêu mới làm cho người ta nên một: nên một thân xác, một linh hồn, một hạnh phúc, một ước mơ, một tổ ấm, một ước vọng tương lai. Càng tha thiết yêu nhau thì càng ước ao nên một với nhau.
Con người không thể nên một với Thiên Chúa nếu chính Thiên Chúa đã không đi bước trước trong kế hoạch nên một với chúng ta. Để phá vỡ mọi cách biệt giữa chúng ta với Thiên Chúa, Thiên Chúa đã làm người như chúng ta. Khi đã kết thúc giai đoạn làm người như chúng ta, Thiên Chúa mang cả thân phận loài người mà Thiên Chúa đã mặc lấy trong suốt thời gian tại thế về hợp nhất với Thiên Chúa đến nỗi con người đã được đưa vào tận trong Thiên Chúa, trở thành một thành phần mới trong Thiên Chúa. Với kế hoạch yêu thương này Thiên Chúa đã thực sự cho chúng ta được nên một với Người. Muốn nên một với Thiên Chúa, chúng ta phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết sức, hết linh hồn, hết trí khôn của chúng ta, nghĩa là dành trọn đời ta cho Thiên Chúa, là tình nguyện để cho Thiên Chúa chiếm hữu tất cả con người của chúng ta, đến độ thiếu vắng Thiên Chúa, đời chúng ta trở thành vô nghĩa, không còn động lực, còn lý do để sống. Đó chính là con đường để đạt đến sự sống đời đời. Đó mới thực sự là Tin Mừng mà thánh Phaolô trong bài đọc I hôm nay quả quyết là ngài đã lãnh nhận từ nơi Thiên Chúa. Một Tin Mừng không ai có thể nói khác đi được, một Tin Mừng chính Thiên Chúa đã mạc khải cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô.
Thiên Chúa là tình yêu, loài người là đối tượng tình yêu của Thiên Chúa. Tình yêu lại luôn đòi phải nên một với người mình yêu. Chính vì thế mà nơi Thiên Chúa không chỉ có một mình Người, mà còn có hằng hà sa số những người khác đang qui tụ xung quanh Người như những cành của một cây nho, hay như những chi thể trong một thân mình. Nên hợp nhất với Thiên Chúa, cũng là hợp nhất với mọi người, yêu mến Thiên Chúa cũng là yêu thương mọi người và càng yêu mến Thiên Chúa thì lại càng phải yêu thương tha nhân.
Nên một với Thiên Chúa thì dễ, nhưng nên một với anh em không phải là chuyện dễ. Chính vì vậy mà người luật sĩ xin Chúa Giêsu nói cho ông biết rõ hơn ông phải yêu ai như chính mình ông. Để trả lời cho thắc mắc ấy của ông, Chúa Giêsu đã kể cho ông nghe dụ ngôn người Samaria nhân hậu. Trong câu chuyện ấy, Chúa Giêsu đã đưa ra hai khuôn mặt đạo đức điển hình của đạo Do Thái: một thầy Tư tế và một thầy Lêvi. Cả hai người ngày đêm đại diện dân tế lễ cho Thiên Chúa, thế mà khi gặp một người xấu số dở sống, dở chết trên đường, họ đã không ra tay cứu giúp. Còn người Samaria, tuy vẫn bị coi là ngoại giáo, vậy mà khi thấy một người xa lạ gặp nạn, ông đã băng bó vết thương cho, lại còn đưa người này về quán trọ, chi trả mọi phí tổn cho việc săn sóc người đó. Yêu người là như thế đó. Rồi Chúa Giêsu nói với người luật sĩ: “Ông hãy đi và làm như thế”.
Qua câu chuyện này, Chúa Giêsu đòi chúng ta phải hết lòng yêu mến Thiên Chúa và đồng thời cũng phải hết lòng yêu thương anh em của mình. Ai nói rằng mình yêu mến Thiên Chúa mà lại không thương anh em mình thì đó là kẻ nói dối. Ai không yêu thương đông loại, thì cho dù người ấy là Tư tế, thầy Lêvi, là linh mục, tu sĩ, là người đi lễ hằng ngày, rước lễ hằng ngày, người ấy vẫn không được sống đời đời. Còn ai đang xả thân cho đông loại, đang hy sinh tính mạng, của cải để loài người được sống một cuộc sống tốt đẹp hơn, dẫu người ấy là người Samaria, là ngoại đạo, người ấy vẫn đang sống chính sự sống của Thiên Chúa, đang thuộc về Thiên Chúa và đã được hưởng sự sống đời đời rồi.
Thánh lễ là chóp đỉnh của việc chúng ta được nên một với Thiên Chúa và với nhau. Ước gì hôm nay khi cùng được chia sẻ với nhau Mình và Máu Đức Kitô, họ đạo của chúng ta, gia đình của chúng ta thực sự yêu nhau như Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta. Có thế, chúng ta sẽ thực sự nên dấu chỉ, nên bí tích của Chúa Giêsu giữa thế gian này. Và chắc chắn, hạnh phúc và sự sống đời đời sẽ ngày một rõ nét hơn trong chúng ta ngay hôm nay trên trần gian này.
Gợi ý 2:
Phaolô là người đã đến truyền giáo và đã thiết lập một giáo đoàn tại Galata. Và bức thư này của Phaolô đã được viết ra, khi giáo đoàn ở Galatab gặp một cơn khủng hoảng nặng nề. Bởi vì sau khi Phaolô đi rồi, có một số người Kitô gốc Do Thái đã đến rao giảng một thứ Tin Mừng khác, nghĩa là họ đã bắt buộc những người Kitô gốc ngoại giáo tại đây, phải tuân giữ một số tập tục truyền thống của luật Môsê, đặc biệt là việc cắt bì. Và những tín hữu ở Galata đã nghe theo họ. Điều này làm cho Phaolô hết sức khó chịu, nên ông phản ứng một cách mạnh mẽ, bởi vì Phaolô biết rằng Tin Mừng mà ông rao giảng không thể nào bị sửa chữa hay bóp méo được. Vì Tin Mừng đó phát xuất từ Thiên Chúa, và sự mạc khải của chính Chúa Giêsu. Và do đó, không một ai, kể cả Phaolô lại có quyền biến đổi hay sửa chữa Tin Mừng đó được.
Mặt khác, đối với Phaolô, sự kiện những người Kitô giáo gốc dân ngoại, bị bó buộc phải tuân giữ những tập tục của lề luật Môsê, sẽ làm cho học thuyết của Kitô giáo bị nguy hại. Bởi vì, nếu người ta quay về với việc phải thực thi những lề luật của đạo cũ, thì sự mới mẻ của Chúa Giêsu mang đến, sẽ trở nên hư không, vô ích. Vả lại, những người Do Thái giáo này còn muốn loại trừ Phaolô, bằng cách vu khống Phaolô không có một học thuyết xác thực. Bởi vì ông không thuộc nhóm Mười Hai, lại không được sống với Chúa Giêsu, và lại còn là người bách hại Giáo Hội của Chúa Giêsu. Và chính vì cuộc tấn công này của những người Do Thái giáo vào chính con người của mình như vậy, nên Phaolô đã phải biện hộ chó thứ Tin Mừng mà mình đã rao giảng.
Cũng vì vậy mà trong đoạn thư này của bài đọc I hôm nay thôi, chúng ta thấy từ “Tin Mừng” được lặp đi lặp lại đến bảy lần. Và Phaolô cho biết: Tin Mừng trước tiên không phải là nội dung như lời rao giảng của Chúa Giêsu, nhưng Tin Mừng là một sự hiện diện, sự hiện diện của Chúa Giêsu và tình yêu của Ngài. Cho nên khi người ta lật đổ Tin Mừng của Chúa Giêsu, thì điều này có nghĩa là người ta từ bỏ niềm tin của mình vào Chúa Giêsu cứu thế. Cho nên Tin Mừng không phải là một cái gì mà người ta có thể bày đặt ra, nhưng Tin Mừng là cái mà người ta đón nhận và phải vâng theo.
Thì trong khi đó, qua môi miệng của một vị tiến sĩ luật, bài Tin Mừng ngày hôm nay cho chúng ta thấy nội dung cốt yếu Tin Mừng của Chúa Giêsu: đó là ngươi hãy yêu mến Chúa, Thiên Chúa ngươi, hết linh hồn ngươi, hết sức lực ngươi, và hết trí khôn ngươi, và đồng loại ngươi như chính mình. Tình yêu thương bác ái mà Chúa Giêsu đòi hỏi phải là một tình yêu có tính cách tích cực, chủ động. Bởi vì, vị tiến sĩ luật đã hỏi Chúa Giêsu: Ai là người đông loại của tôi? Và qua câu chuyện người Samaria nhân hậu, Chúa Giêsu đã thay đổi hoàn toàn khái niệm về người đồng loại, nghĩa là vị luật sĩ hỏi Chúa Giêsu: ai là người đồng loại của tôi? Nghĩa là những người nào là đồng loại của tôi? Thì Chúa Giêsu đã lật ngược lại câu hỏi: Anh tỏ ra mình là người đồng loại đối với ai? Nghĩa là chính ta là người có biết trở nên những kẻ đồng loại đối với những người khác hay không? Nghĩa là tôi có biết đến với người khác, với tình yêu thương hay không? Và vì thế, chúng ta sẽ không còn tự hỏi: ai là người đồng loại của tôi? Nhưng chúng ta sẽ phải tự hỏi: làm thế nào tôi có thể trở thành một kẻ đồng loại với tất cả mọi người, đặc biệt là những người nghèo khó, những kẻ bị khinh khi, những kẻ khó ưa, để tôi có thể yêu thương họ, giúp đỡ họ, băng bó những nỗi khổ đau của họ. Có biết hành động yêu thương như vậy, chúng ta mới thật sự trở thành những người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu.
THỨ BA
Gl 1,13-24; Lc 10,38-42
Gợi ý 1:
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay mô ta cuộc sống của hai nhân vật được đổi đời do việc gặp gỡ Đức Kitô: Phaolô, một người say mê đạo Do Thái đến nỗi không những đã gạt Thiên Chúa ra khỏi đời mình mà còn tìm cách tiêu diệt Đức Kitô của Người; Maria Magdala, một người đắm đuối trong tội lỗi bị xã hội ghét bỏ, lên án.
Khi đã gặp gỡ Đức Kitô, Phaolô đã thực sự giác ngộ nên đã tuyên bố: “Tôi coi tất cả mọi sự là thua lỗ, bất lợi… chỉ có một mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô, Chúa tôi. Vì Ngài mà tôi đành quên bỏ mọi sự”. Quả như lời đã thú nhận, Phaolô đã thực sự vất bỏ mọi sự thế gian và con người thời đại ông cho là lợi lộc, danh dự, để dấn thân suốt đoạn đời còn lại, loan báo Tin Mừng cho mọi người.
Maria Magdala, khi đã gặp gỡ Đức Kitô, bà không còn lai vãng ở những nơi tráng táng nữa. Từ khi lấy nước mắt lau chân Chúa và đập vỡ bình bạch ngọc lấy dầu thơm xức chân Ngài, bà đã bước vào một khúc rẽ quan trọng trong đời. Từ nay, niềm vui của bà không còn thuộc thế gian này nữa mà là chính Đức Kitô. Chính nơi Đức Kitô, bà đã tìm được mọi sự. Vì thế mà khi Chúa Giêsu ghé thăm nhà, Martha thì bôn ba bề bộn với việc phục Chúa Giêsu, còn bà, bà chỉ biết và chỉ muốn ngồi dưới chân để nghe lời Chúa Giêsu, khiến Martha bất bình phải xin Chúa Giêsu can thiệp: “Thầy chẳng bảo em tôi đỡ đần tôi gì cả!”. Chúa Giêsu nói với Martha: “Con lo lắng nhiều điều quá, chỉ cần một điều thôi, Maria đã chọn phần tuyệt hảo và sẽ không bị ai giật mất”.
Như thế, điều cần thiết của người Công Giáo không phải là chúng ta cần phải làm gì cho Thiên Chúa, mà trái lại, điều thiết yếu nhất của mỗi chúng ta là chúng ta để cho Thiên Chúa làm được gì cho chúng ta. Vì thực ra, chúng ta không thể làm được gì cho Thiên Chúa đâu, như Chúa Giêsu đã nói: “Không có Thầy các con không thể làm gì được”. Khi không để cho Thiên Chúa sống và hoạt động nơi chúng ta, chúng ta sẽ không thể làm gì được cho anh em của chúng ta được, nếu có, thì những việc chúng ta làm sẽ chỉ là những việc thánh Phaolô trước khi trở lại đã làm, để rồi, sau khi xong việc, đã phải đau đớn thốt lên: “Tất cả chỉ là phân bón”.
Nhưng làm sao có thể để Thiên Chúa làm được gì cho chúng ta? Thiên Chúa chỉ có thể làm được một điều gì đó cho chúng ta khi chúng ta biết thực sự đón nhận Người như là tất cả những gì giá trị nhất của chúng ta, khi thực sự coi Thiên Chúa là hạnh phúc, là tình yêu, và là cùng đích của đời ta đến độ mất Người là mất hết. Khi Thiên Chúa đã là tất cả của ta, đương nhiên, ta sẽ chỉ còn biết ngồi dưới chân Chúa Giêsu để nghe Ngài như Maria Magdala hôm nay. Khi Chúa đã là mọi sự của ta, ta sẽ không còn làm gì tự ý ta mà không hỏi ý Chúa, không mời Chúa cùng ta hoạt động nên khi ấy những việc ta làm chính là những việc Chúa làm và như thế việc ta làm sẽ có giá trị tôn vinh Thiên Chúa và cứu rỗi đồng loại ta. Chúa Giêsu không coi thường lòng yêu mến của Martha trong khi bà tận tâm phục vụ Chúa Giêsu, nhưng việc phục vụ của ta nếu không đem lại ơn cứu độ cho đồng loại cho đồng loại ta vẫn chưa phải là việc giá trị nhất. Việc phục vụ của ta chỉ có giá trị tôn vinh Thiên Chúa và đem ơn cứu độ cho đồng loại, khi ta trở thành công cụ của Chúa Giêsu, để Ngài thi thố tình yêu cho mọi người.
Mỗi lần tham dự thánh lễ là mỗi lần ta đón Chúa Giêsu ghé thăm ta. Đã bao lần Chúa Giêsu đến với ta, ta đã đối xử với Ngài cách lạnh lùng hững hờ, chẳng hề nói gì với Ngài, cũng chẳng có gì để thiết đãi Ngài. Có khi ta cũng bôn ba bận rộn làm hết việc này tới việc khác, đọc hết kinh này tới kinh kia để gọi là có một chút gì cho Ngài. Chúa Giêsu không cần những việc ấy, Ngài chỉ cần ta nên một với Ngài, Ngài cần ta để Ngài sống và làm chủ đời ta. Chúa Giêsu cần ta nghe Ngài như Maria đã nghe Ngài. Ước gì hôm nay, khi đón Chúa Giêsu vào lòng, ta sẽ là một Maria, chỉ biết nghe và thực thi ý Ngài. Có thế, chắc chắn lòng ta sẽ trào dâng hạnh phúc, khi chính Chúa Giêsu sẽ nói với ta: “Chỉ có một điều cần thôi, con đã chọn phần tuyệt hảo và không ai có thể giật mất phần ấy của con”.
Gợi ý 2:
Để có thể biện hộ trước những lời vu khống đầy ác ý của người Do Thái giáo, Phaolô đã cảm thấy bị thúc bách phải kể lại những biến cố đã xảy ra trước khi ngài trở lại, cuộc như sau cuộc trở lại của ngài. Phaolô cho biết ông chỉ rời bỏ truyền thống của đạo Do Thái trong lúc còn trẻ, là vì một tiếng gọi của Thiên Chúa.
Quả thực như vậy, lòng hăng say đối với Thiên Chúa của Phaolô, trước tiên đã được bày tỏ trong Do Thái giáo. Rồi sau đó, ông đã rời bỏ truyền thống của cha ông vì một tiếng gọi của Thiên Chúa. Do đó, nguồn gốc ơn gọi làm tông đồ của ông không có phát xuất từ một lời nói hay sự rao giảng của một người nào. Nhưng rồi từ khi trở lại, ông bắt đầu rao giảng về Chúa Giêsu, ông đã gặp Phêrô và các vị lãnh đạo ở Giêrusalem, và họ hoàn toành nhất trí với ông. Do đó mà ông nhiệt thành bảo vệ Tin Mừng mà ông có sứ mạng phải loan báo giữa dân ngoại. Quả thưc, Phaolô đã tự biện hộ là Thiên Chúa đã tách riêng ông ngay từ lòng mẹ. Và sau này trên con đường đi Damas, Thiên Chúa đã mạc khải cho ông về Chúa Giêsu Kitô, và đã kêu gọi ông làm tông đồ dân ngoại.
Rồi tiếp đến, Phaolô còn muốn chứng minh cho chúng ta thấy tính cách duy nhất trong sứ mạng rao giảng của ông. Ông không phải là một rao giảng một cách riêng lẻ, ông không phải là một người ở ngoài lề của cuộc rao giảng Tin Mừng của Giáo Hội. Bởi vì ông hoàn toàn nhất trí với toàn thể Giáo Hội, cũng như là đối với giai cấp lãnh đạo của Giáo Hội thời bấy giờ. Nhưng dù vậy, Phaolô cũng nhấn mạnh rõ ràng là mặc dù ông không cùng sống với Chúa Giêsu, nhưng ông đã đón nhận được giáo lý mà ông rao giảng trực tiếp từ nơi Thiên Chúa, chứ không phải từ nhóm Mười Hai. Và đó cũng là một thứ Tin Mừng mà thôi. Bởi vì Thiên Chúa không bao giờ nói ngược lại với chính mình. Do đó, không ai có quyền bắt bẻ Phaolô không phải là một tông đồ đích thực. Bằng chứng là ông đã vâng lời đi theo Chúa ngay tức khắc, khi ông được Chúa gọi trên đường Damas.
Cũng vì vậy mà qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu đề cao thái độ của bà Maria, bởi vì bà đã biết quí trọng và chăm chú lắng nghe Lời Chúa. Trước hết đối với Lời Chúa, thái độ ngồi dưới chân Chúa của bà Maria là thái độ của người môn đệ. Chúng ta đừng nghĩ là những cử chỉ bên ngoài không có nhằm nhò gì hay không quan trọng gì. Bởi vì dù sao những cử chỉ bên ngoài ấy cũng có một ý nghĩa biểu tượng, và mặt khác nó còn giúp đỡ hay là ngăn trở người ta cầu nguyện. Thì trong khi đó, thái độ ngồi dưới chân một vị thầy, lại giúp cho người học trò dễ đón nhận những lời thầy giảng dạy. Và đây cũng là thái độ phụng vụ mà Giáo Hội, trong các thánh lễ, khuyên chúng ta là nên ngồi, khi mà chúng ta cần được lắng nghe, suy gẫm. Cũng như là có những lúc Giáo Hội khuyên chúng ta đứng lên, để bày tỏ long tạ ơn, sự tung hô của chúng ta.
Và qua lời khen tặng của Chúa Giêsu đối với bà Maria, Chúa Giêsu muốn cho chúng ta thấy Lời Chúa phải chiếm giữ một vị trí quan trọng trong đời sống của chúng ta. Chúng ta đừng để cho những lo lắng của trần thế lấn át tiếng nói của Chúa, làm cho hạt giống Lời Chúa bị chết ngạt. Nhưng chúng ta hãy biết dành cho Lời Chúa một vị trí ưu tiên, chúng ta hãy để cho hạt giống Lời Chúa được gieo vào một mảnh đất tốt, một mảnh đất đã được chuẩn bị. Có được như vậy, Lời Chúa sẽ làm phát sinh nhiều hoa quả thiêng liêng cho đời sống của chúng ta.
THỨ TƯ
Gl 2,1-2.7-14; Lc 11,1-4
Gợi ý 1:
Các tác giả Tin Mừng tuy không cho chúng ta biết thời khóa biểu của một ngày sống của Đức Kitô, nhưng cũng cho chúng ta thấy cách rõ ràng: Chúa Giêsu là một người cầu nguyện. Trước mọi biến cố trong đời: khi bắt đầu sứ vụ công khai; khi chọn Mười Hai Tông Đồ; khi đứng trước những người nghèo khó; khi quằn quại trong vườn Giêtsêmani và khi sắp trút hơi thở cuối cùng, Chúa Giêsu đã cầu nguyện. Có khi Chúa Giêsu cầu nguyện suốt đêm, lúc khác vào buổi sáng tinh sương, khi thì cầu nguyện ở nơi hoang vắng, lúc lại cầu nguyện ở giữa một đám đông vây quanh Ngài.
Chính bởi Chúa Giêsu là người cầu nguyện và việc cầu nguyện của Chúa Giêsu chắc đã tạo nên nơi Chúa một vẻ gì đó thật hấp dẫn đối với môn đệ, nên họ đã đến xin với Chúa Giêsu: “Lạy Thầy , xin dạy chúng con cầu nguyện”. Và Chúa Giêsu đã dạy họ rằng: “Khi cầu nguyện, các con hãy nói: Lạy Cha, nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời…”. Khi dạy họ cầu nguyện như thế, Chúa Giêsu đã không cung cấp cho họ một mớ những lời xin mà Chúa Giêsu đã đưa họ vào trong một tương quan mới với Thiên Chúa. Họ không còn là tạo vật đối với Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa nữa, mà là Con đối với Cha. Chính bởi vì được là Con đối với Thiên Chúa là Cha, nên điều họ xin không còn là xin cho mình nữa mà là xin cho Cha, xin cho Cha cũng là xin cho mình: nguyện cho danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Chúng ta chỉ có thể trở nên con Thiên Chúa, khi chúng ta sống như Chúa Giêsu đã sống. Suốt đời Chúa Giêsu, Chúa đã không làm gì tự ý Chúa, Chúa Giêsu cũng chẳng giữ gì riêng cho mình, cả đến sinh mạng của Chúa, Chúa cũng không lo giữ lại cho Chúa. Chúa Giêsu đã không sống cho mình mà hoàn toàn sống cho Cha và vì Cha.
Như thế, cầu nguyện không phải là lải nhải những lời kinh có sẵn, cũng không phải là học thuộc lòng một mớ những công thức mà là đi vào trong tương quan Cha-Con với Thiên Chúa, để như Chúa Giêsu, chúng ta cũng có thể nói: mọi sự của Thiên Chúa đều là của chúng ta, và quan tâm của Thiên Chúa cũng chính là quan tâm của chúng ta. Cầu nguyện cũng là nhập cuộc, là dấn thân vào sự sống của Thiên Chúa, hay nói khác đi, cầu nguyện là hành động của chúng ta để Thiên Chúa đến, sống với và làm chủ đời chúng ta. Nếu Thiên Chúa đã một lần chiếm hữu và làm chủ trái tim của chúng ta, Thiên Chúa sẽ mãi mãi ở lại với chúng ta. Nước của Người sẽ nhen nhúm và phát triển ngay trong đời chúng ta. Khi ấy đời chúng ta sẽ không bị phân chia thành những giờ cầu nguyện, giải trí, làm ăn nữa mà đời chúng ta phải trở thành một đời cầu nguyện vì khi ấy ta đang sống, làm việc cho Thiên Chúa, đang yêu thương như Thiên Chúa để Nước Chúa được thành sự nơi thế gian này. Khi Thiên Chúa đã thực sự làm chủ trái tim ta, đương nhiên đời ta sẽ là một đời tôn vinh Thiên Chúa, sẽ là một đời thực hiện ý của Thiên Chúa và khi ấy, Nước Trời sẽ có mặt ngay trong ta và sẽ lan tỏa sang những người chung quanh ta. Bao lâu chúng ta chưa cầu nguyện được như Chúa Giêsu đã dạy chúng ta, thì bấy lâu chúng ta vẫn chỉ là người giả vờ, giả bộ như một số người bị thánh Phaolô quở trách trong bài đọc I hôm nay.
Nếu cầu nguyện là hành động chúng ta để Thiên Chúa đi vào trong đời của chúng ta, làm chủ trái tim của chúng ta, thì đỉnh cao của cầu nguyện phải là thánh lễ. Khi tham dự thánh lễ, chúng ta được nên một với Đức Kitô. Chính khi tham dự thánh lễ là lúc chúng ta mời Chúa làm chủ đời của chúng ta. Ước gì hôm nay khi tham dự thánh lễ này, chúng ta thực sự trở thành lời cầu nguyện của chính Chúa Giêsu. Nếu thế thì chắc chắn, chúng ta sẽ hấp dẫn được nhiều người và những người ấy cũng sẽ xin chúng ta dạy họ cầu nguyện.
Gợi ý 2:
Học cầu nguyện, có nghĩa là học gọi Thiên Chúa là Cha, không những bằng lời nói nhưng còn bằng hành động. Vả lại, cầu nguyện còn là phương thế giúp cho chúng ta nhớ đến người khác, là một phương thế giúp chúng ta thực thi lòng bác ái yêu thương. Vậy mà trong cuộc sống ngày nay, nhiều người chỉ biết lao mình vào những công việc tìm kiếm của cải vật chất, cũng như là tìm kiếm những thú vui trần thế, nên họ xao lãng việc cầu nguyện, và họ còn viện cớ là không có thời giờ để mà cầu nguyện. Vậy mà Chúa Giêsu, một con người thường bị quấy rầy bởi đám đông dân chúng, là một con người thường phải lo giảng dạy và cứu chữa các bệnh nhân, Chúa Giêsu vẫn tìm ra được những giây phút để mà cầu nguyện. Bởi vì giữa những công việc tất bật của cuộc sống, Chúa Giêsu ý thức không có công việc nào quan trọng cho bằng, là kết hợp với cha, lắng nghe Cha và đáp trả lại Cha. Và cũng vì thấy Chúa Giêsu thường hay cầu nguyện như vậy, cho nên các tông đồ cũng đã xin Chúa Giêsu dạy họ cầu nguyện, và bài Tin Mừng ngày hôm nay ghi lại cho chúng ta Kinh Lạy Cha, là kinh mà chính Chúa Giêsu đã dạy cho các tông đồ, để giúp cho các ông biết cầu nguyện.
Tuy nhiên, khi chúng ta cầu xin cho danh Cha cả sáng, chúng ta không quên cầu nguyện cho Giáo Hội là chính thân mình của Chúa Giêsu, là cánh tay nối dài của Chúa Giêsu trong công việc cứu thế. Bởi vì trong Giáo Hội, nhiều lúc chúng ta cũng thấy có những sự tranh chấp giữa những người Kitô thủ cựu vẫn còn gắn bó với những tập tục của quá khứ, và những người Kitô cấp tiến cho rằng Giáo Hội vẫn chưa canh tân đổi mới cho đủ. Chẳng hạn như bài đọc I ngày hôm nay, chúng ta thấy Phaolô tỏ ra rất là cương quyết, khi người ta muốn cất chức tông đồ của ngài. Trong khi đó, Phaolô ý thức rằng sứ mạng của ông là một công việc phục vụ Giáo Hội, là một công việc mà ông chỉ có thể thực hiện trong tinh thần liên kết với các vị tông đồ khác. Cho nên sau khi trở lại đã được 14 năm, Phaolô đã lên Giêrusalem là Giáo Hội Mẹ, để trình bày giáo lý mà ông đã rao giảng, để cho các tông đồ thấy lời rao giảng của ông không có gì sai lạc với các vị tông đồ khác.
Mặt khác, sau cuộc họp Công Đồng ở Giêrusalem, các vị tông đồ đã quyết định là phải mở cửa cho các dân ngoại, là đừng có áp đặt trên họ những qui định của lề luật ông Môsê. Thế nhưng, trong thực hành, những người Do Thái giáo không thể một sớm một chiều từ bỏ những quan niệm và truyền thống của họ được. Cho nên những Kitô gốc Do Thái giáo vẫn còn giữ một số tập tục xổ xưa của Do Thái giáo. Chẳng hạn như họ vẫn còn cắt bì, hay từ chối không chịu ngồi ăn cùng bàn với những người chưa được cắt bì, tức là những người ngoại theo đạo Kitô, mà không tuân giữ luật Môsê. Bởi vì, theo luật Môsê, những hạng người ngoại như vậy là nguyên nhân gây nên sự ô uế xét theo luật. Và mặc dù cộng đoàn Giêrusalem đã quyết định như vậy, nhưng Phêrô cũng đã sợ những lời dị nghị của những người Kitô gốc Do Thái giáo, nên ông đã không chịu đồng bàn với những người Kitô gốc ngoại giáo. Cho nên Phaolô đã thẳng thắn trách móc Phêrô và thái độ đó, ngay trước mặt mọi người.
Như vậy, chúng ta thấy Giáo Hội vẫn chưa có sự duy nhất hoàn toàn, không những là giữa các tín hữu, mà còn ngay cả giữa những vị lãnh đạo của Giáo Hội. Do đó, hằng ngày đọc Kinh Lạy Cha, chúng ta phải nhớ cầu nguyện cho Giáo Hội của Chúa, để Giáo Hội ngày càng biết hiệp nhất để có thể trở thành một khí cụ hữu hiệu ban phát ơn cứu độ của Chúa.
THỨ NĂM
Gl 3,1-5; Lc 11,5-13
Gợi ý 1:
Cầu nguyện là đi vào trong tương quan Cha-Con với Thiên Chúa, là để Thiên Chúa sống, hành động và yêu thương nơi mình. Như thế, cầu nguyện cũng là lột bỏ mình để mặc lấy Thiên Chúa. Đó chính là cùng đích, là điểm đến của người Kitô hữu. Khi lãnh nhận bí tích thánh tẩy, Thiên Chúa đã gieo vào lòng chúng ta sự sống của chính Thiên Chúa bằng cách ban Thánh Thần cho chúng ta, để chính Thánh Thần biến chúng ta trở nên con Thiên Chúa và biến sự sống chúng ta nên sự sống của Thiên Chúa.
Kinh nghiệm cho thấy, tự sức của chúng ta, chúng ta không thể sống sự sống ấy của Thiên Chúa. Thánh Phaolô trong bài đọc I đã bực bội la mắng những người tưởng rằng tự họ, họ có thể đạt được ơn cứu độ: “Sao mà anh em ngu xuẩn thế! Có phải là do tự việc làm của lề luật mà anh em đã chịu lấy Thánh Thần đâu! Sao anh em đã khởi sự nơi Thánh Thần lại hoàn tất nơi xác thịt!”. Kinh nghiệm cũng cho thấy rằng: bao lâu còn sống, bấy lâu chúng ta còn phải chiến đấu để đứng về phe Thiên Chúa và đón nhận lấy tác động của Chúa Thánh Thần. “Vì Thánh Thần và xác thịt đồi đàng cự lại nhau khiến chúng ta không thể hễ muốn làm gì thì làm”. Việc của Chúa Thánh Thần biến đổi là việc của cả một đời người. Nên Chúa Giêsu đã bảo chúng ta: “Hãy cầu nguyện, cầu nguyện luôn… Ai xin sẽ được, ai tìm sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ được mở cho”.
Nhưng phải xin gì, phải tìm gì, phải gõ cửa nào? Nếu cùng đích của đời người là sự sống là hạnh phúc đời đời nơi Đức Kitô trong Thiên Chúa, thì đương nhiên chúng ta phải xin cho được điều đó, phải tìm cho ra con đường để đi đến đó. Nếu chúng ta kiên nhẫn xin điều đó, chắc chắn chúng ta sẽ được nhận lời. Vì Chúa Giêsu thêm rằng: “Các con tuy là ác, là xấu, mà còn biết lấy điều lành mà làm quà cho con mình, huống hồ Cha các ngươi trên trời, Người sẽ ban Thánh Thần cho những ai xin Người”.
Thiên Chúa sẽ ban Thánh Thần cho chúng ta mỗi khi chúng ta cầu xin Người. Vì Thánh Thần là tình yêu của Cha và Con, Thánh Thần sẽ dạy chúng ta yêu thương như Cha và Con, để được nên con cái Thiên Chúa. Thánh Thần từ ở nơi thẩm sâu của Thiên Chúa, nên chính Thánh Thần sẽ đưa chúng ta vào tận trong cõi lòng của Thiên Chúa. Nhất là, chính Thánh Thần là Đấng đã làm cho con người Giêsu được hoàn toàn biến đổi, để nên một với Ngôi Hai Thiên Chúa, đến độ, khi nghe tên Giêsu mọi gối phải bái lạy và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng: “Giêsu Kitô là Chúa” thì chắc chắn, khi Thánh Thần đến với chúng ta, Thánh Thần cũng làm cho chúng ta được biến đổi nên như Đức Kitô, được thành chi thể của Đức Giêsu Kitô mà sống sự sống của Thiên Chúa như Ngài. Chắc chắn Thánh Thần sẽ làm cho chúng ta thành hiện thân của Đức Kitô để chúng ta yêu thương đồng loại như Ngài đã yêu chúng ta và để chúng ta yêu mến Thiên Chúa như Ngài đã yêu mến Thiên Chúa. Thiên Chúa sẽ không ban cho chúng ta tiền bạc, địa vị, danh vọng trần thế, vì đó chỉ là những sự hư ảo, trái lại Thiên Chúa đã ban Thánh Thần cho chúng ta, vì chỉ có Thánh Thần mới nâng chúng ta lên ngang tầm với Đức Kitô, mới làm cho phẩm giá, hạnh phúc và sự sống của chúng ta trở thành bất diệt.
Thánh lễ là đỉnh cao của việc thờ phượng và cầu nguyện của chúng ta. Nơi đây, Thánh Thần sẽ biến bánh rượu nên Mình và Máu Đức Kitô. Cũng sẽ biến đổi chúng ta nên thân mình của Đức Kitô và nên của lễ đẹp lòng Thiên Chúa. Ước gì hôm nay, khi tham dự thánh lễ này, chúng ta được tràn đầy Thánh Thần. Có thế, chắc chắn sự sống, tình yêu và hạnh phúc của Thiên Chúa sẽ ở mãi với chúng ta từ nay đến mai sau.
Gợi ý 2:
Bài đọc thứ nhất hôm nay cho chúng ta thấy: không phải vì sự bốc đồng của tuổi trẻ mà Phaolô đã chống đối lại Phêrô, là vị Giáo Hoàng tiên khởi của Giáo Hội. Nhưng bởi vì đây là một vấn đề có liên hệ đến đức tin, nghĩa là vì muốn bảo vệ chân lý của Tin Mừng, mà Phaolô đã lên tiếng chỉ trích Phêrô, và Phêrô đã khiêm tốn nghe theo lời chỉ trích cứng cỏi, nhưng đầy tình huynh đệ của Phaolô, là người nhắc cho Phêrô là phải biết nghe theo một Tin Mừng duy nhất, một Tin Mừng không thuộc về bất cứ ai cả. Bởi vì nếu Phêrô hành động như vậy, thì điều này chứng tỏ là việc tuân giữ lề luật của Môsê mới có thể cứu vớt con người. Và như thế, thập giá của Chúa Giêsu sẽ trở nên hư không vô ích.
Mặt khác, Phêrô còn là người kế vị Chúa Giêsu để lãnh đạo Giáo Hội. Cho nên thái độ của Phêrô rất có ảnh hưởng và lan rộng. Và rồi một số những người ở Galata cũng sẽ bắt chước Phêrô, mà từ chối không cùng bàn với những người Kitô đến từ dân ngoại. Cho nên đối với Phaolô, thái độ của Phêrô là một việc làm nghiêm trọng, là một hành động chứng tỏ không hiểu gì về thập giá của Chúa Giêsu, là phương tiện duy nhất cho sự cứu độ. Và chắc chắn là Phêrô đã không hiểu hết được hậu quả của thái độ nhát đảm, nhưng lại tác hại rất lớn của mình. Đó cũng chỉ vì chức vụ lãnh đạo của Phêrô cho nên Phaolô đã phải lớn tiếng nói lên niềm tin cốt yếu của mình cho Phêrô được thấy. Đó là Tin Mừng không thể bị sứt mẻ bởi những thái độ có tính cách chính trị như vậy. Một là lề luật của ông Môsê, hai là niềm tin vào Chúa Giêsu. không thể nào có sự thỏa hiệp giữa hai bên.
Quả thực, Kitô giáo của chúng ta không phải là một thứ luân lý, cũng không phải là một ý thức hệ. Nhưng Kitô giáo của chúng ta là một con người, và chúng ta phải tin tưởng vào người đó. Những công thức, những định nghĩa về học thuyết là những gì cần thiết, sự cố gắng để đạt đến một cuộc sống luân lý và có trách nhiệm theo lương tâm, là một điều cần. Nhưng cái cốt yêu hơn cả vẫn là tiếng gọi của đức tin, là sự lên đường bước theo Chúa Giêsu, là sự đáp trả tiếng gọi của Đấng kêu gọi chúng ta. Cho nên, con người được cứu độ là do tình thương của Thiên Chúa, chứ không phải là do những công nghiệp của chúng ta.
Bài Tin Mừng ngày hôm nay đã làm nổi bật tình yêu đó của Thiên Chúa, hầu giúp cho chúng ta biết tin tưởng mà cầu nguyện cùng Chúa. Và để làm nổi bật điều đó, Chúa Giêsu cho thấy một người bạn đang đêm bị một người bạn khác đến xin bánh vì có khách. Cho dù người bạn đó không muốn chỗi dậy vì sự quấy rầy của người bạn kia, và cho anh ta tất cả những gì anh ta cần. Qua ví dụ đó, Chúa Giêsu không muốn nói Thiên Chúa cũng sẽ chịu thua như vậy, vì sự quấy rầy của chúng ta, nhưng Chúa Giêsu muốn làm nổi bật “huống nữa là thái độ của Cha là Đấng tốt lành”. Chúa Giêsu đã nói rằng: nếu các ngươi, tuy là ác, còn biết lấy của lành làm quà cho con, thì huống hồ là Cha các ngươi ở trên trời.
Vì vậy, xin cho chúng ta biết nhận ra tình yêu thương của Chúa đối với chúng ta, để chúng ta biết đáp trả và sống trong thái độ tin tưởng, hầu cho chúng ta được thật sự trở nên những người con yêu của Chúa.
THỨ SÁU
Gl 3,7-14; Lc 11,15-26
Gợi ý 1:
Tin Mừng hôm nay thuật lại: sau khi chữa lành một người bị quỉ câm ám hại, Chúa Giêsu đã bị một số người mạ lị, nói rằng Chúa đã dùng quyền Bêelzêbul mà trừ quỉ. Khi nói như thế, người Do Thái đã cố tình vu cáo cho Chúa Giêsu là một người bị quỉ ám, một người thuộc về ma quỉ.
Trước những lời phỉ báng ấy của họ, thái độ của Chúa Giêsu thật đáng phục. Chúa Giêsu bình thản đưa ra một qui luật tự nhiên giải thích cho họ: “Các ông nói thế mà nghe được à! Một nước mà có hai phe chống đối nhau có thể đứng vững được chăng?”. Với lập luận ấy, Chúa Giêsu đã khẳng định với thính giả của Ngài rằng: Ngài đã dùng quyền Thiên Chúa mà trừ quỉ. Và nếu Chúa Giêsu đã dùng quyền Thiên Chúa mà trừ quỉ thì quả là Nước Thiên Chúa đã đến trên chúng ta rồi.
Thánh Kinh vẫn thường coi ma quỉ là những kẻ chống đối Thiên Chúa, phá vỡ kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa; là những tên cám dỗ, luôn lừa dối loài người. Ngay từ thuở tạo dựng, chúng đã đánh ngã Ađam, Eva, làm họ trở nên mù quáng coi mình bằng Thiên Chúa.
Thời của ma quỉ đã thực sự chấm dứt, mãnh lực của chúng đã hoàn toàn bị bẻ gãy và vô hiệu hóa trước Chúa Giêsu. Nếu như trước đây, ma quỉ như một kẻ mạnh thế, võ trang đầy đủ, canh giữ đền đài của chúng, thì nay, đã xuất hiện một Đấng mạnh thế hơn chúng nhiều, đã chiến thắng chúng, tước đoạt khí giới của chúng và phân phát chiến phẩm của chúng. Đấng ấy không ai xa lạ, là chính Đức Giêsu Kitô.
Chúa Giêsu đã chiến thắng satan bằng cách đã hoàn toàn trở nên trống rỗng cùng tận cho Cha. Chúa Giêsu đã chiến thắng satan bằng cách đã không một phút giây nào sống riêng cho mình, đến độ, cả sinh mạng Ngài, là của Ngài thật, song Ngài lại dành hết cho Cha. Cha muốn Ngài hy sinh chết một cách nhục nhã, thảm thương trên thập giá, Ngài cũng vui lòng chết. Thế nên, cám dỗ và hành động của ma quỉ nhằm tách loài người ra khỏi Thiên Chúa đã trở nên hoàn toàn vô hiệu và bất lực trước Chúa Giêsu. Hậu quả của việc tách mình khỏi Thiên Chúa là sự chết đời đời nay cũng đã hoàn toàn bị phá hủy trước chiến thắng của Ngài. Chính vì thế mà thánh Phaolô trong bài đọc I hôm nay đã hân hoan công bố rằng: “Đức Kitô đã chuộc ta khỏi án chúc dữ. Nhờ Ngài ta được lãnh lấy ơn đã hứa là Thánh Thần”.
Như thế, với chiến thắng của Đức Kitô trên satan, Nước Thiên Chúa đã thực sự đến trên chúng ta. Mà Nước Thiên Chúa ở đâu, thì ở đó không còn chết chóc, không còn nô lệ, không còn đau khổ nữa. Nhưng để Nước Thiên Chúa trở thành hiện thực nơi chúng ta, chúng ta phải để cho Chúa Giêsu thực sự sống trong chúng ta, nghĩa là Ngài sống sao, chúng ta cũng phải sống như vậy. Chúa Giêsu suy nghĩ, hành động, và yêu thương sao thì chúng ta cũng suy nghĩ, hành động, và yêu thương như vậy. Không gắn bó với Đức Kitô như thế, chúng ta vẫn ở trong vòng kiềm tỏa của satan, vẫn là những người nô lệ, vẫn ở trong tình trạng đau khổ và chết chóc.
Mỗi lần tham dự thánh lễ là mỗi lần chúng ta quyết tâm hơn nứa đẩy satan ra khỏi đời của chúng ta. Ước gì hôm nay, chúng ta biết thực sự dùng cánh tay Thiên Chúa vĩnh viễn xóa tên satan và mọi quyến rũ của chúng ra khỏi mọi suy nghĩ, hành động của chúng ta. Có thế, khi Chúa Giêsu đến với chúng ta hôm nay, Chúa sẽ hân hoan nói với chúng ta rằng: “Nước Thiên Chúa đã đến trên thế gian này”. Lúc ấy, hạnh phúc Nước Trời sẽ bừng lên trong chúng ta ngay hôm nay, tại thế gian này.
Gợi ý 2:
Trong quan niệm của Phaolô, tin thì mới được cứu độ. Cho nên việc tuân giữ lề luật Do Thái không làm cho người ta được cứu độ. Vả lại, Chúa Giêsu cũng đã giải thoát chúng ta ra khỏi lề luật này, là cái thay vì cứu vớt chúng ta, lại nên án chúng ta. Chỉ có niềm tin vào Chúa Giêsu, mới có thể cứu vớt chúng ta. Và chính nhờ của lễ hy tế của mình, mà Chúa Giêsu đã mở rộng cho dân ngoại những lời mà Thiên Chúa đã hứa ngày xưa cho Abraham. Và kể từ đó, Thiên Chúa cũng đổ tràn những phúc lành của Thiên Chúa trên những kẻ tin tưởng vào Người.
Quả thực, chúng ta được biết Abraham là vị tổ phụ lý tưởng. Nhưng rồi người ta muốn độc quyền, khi nói rằng: cần phải thuộc về dòng giống Abraham thì mới được cứu độ. Nhưng rồi, nhờ cái chết của mình, Chúa Giêsu đã mở rộng cửa của dân Thiên Chúa. Vậy mà những người Do Thái giáo lại quan niệm rằng: phải trở thành con cái Abraham, nghĩa là phải trở thành người Do Thái, thì mới có thể trở nên người Kitô. Phaolô đã không chối bỏ điều đó. Ông còn nhận biết tính cách liên tục trong kế đồ của Thiên Chúa. Bởi vì Thánh Kinh Cựu ước cũng là Sách Thánh đối với người Kitô. Nhưng trong cái nhìn của một vị thiên tai, Phaolô còn cho thấy: tất cả mọi người đều có thể trở thành con cái Abraham, không phải do việc thực thi lề luật, nhưng là bằng đức tin.
Và để nêu bật những quan điểm bề ngoài có vẻ mới mẻ và cách mạng này, nhưng thật ra là những truyền thống, Phaolô đẫ gom góp lại trong bài đọc I ngày hôm nay những câu trích trong Thánh Kinh. Phaolô đã nói với những tín hữu ở Galata rằng: Thánh Kinh là học thuyết chân thật, mà anh em luôn có ở trên môi miệng. Vậy anh em hãy đọc đi, chính Thánh Kinh là lời của Thiên Chúa. Vì Thánh Kinh luôn luôn nói rằng sự công chính hóa con người, là một món quà của Thiên Chúa cho tất cả những ai tin, chứ không phải cho những ai thực thi lề luật. Cho nên đối với Phaolô, hành động rút lui, chỉ muốn tuân giữ lề luật, là một hành động nghiêm trọng. Phaolô đã mạnh mẽ nói rằng: Vì chúng ta, Chúa Giêsu đã chấp nhận trở thành một con người bị nguyền rủa, để cứu vớt chúng ta khỏi sự trừng phạt đè nặng trên chúng ta.
Bằng chứng là trong bài Tin Mừng ngày hôm nay, Chúa Giêsu bị người ta gán cho là Bêelzêbul, là tướng quỉ, sau khi Chúa Giêsu xua trừ một con quỉ. Chúng ta có thể nói rằng: một trong sự nghèo khó nhất của con người là bị người khác hiểu lầm, khinh khi, là bị người ta bóp méo những lời nói và ý nghĩ của mình. Và Chúa Giêsu đã nếm qua tất cả những sự nghèo khó đó. Người ta đã kết án Chúa Giêsu là kẻ phá hoại Nước Trời. Người ta kết an Chúa Giêsu là thuộc về satan. Và trong bài Tin Mừng ngày hôm nay, sự kết án này còn nặng nề hơn nữa, khi người ta gán cho Chúa Giêsu là Bêelzêbul, là tướng quỉ. Thế nhưng, Chúa Giêsu đã chấp nhận tất cả những khổ nhục đó, là vì yêu thương chúng ta, là vì muốn cứu vớt chúng ta.
Do đó, chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta biết bắt chước Chúa mà đi theo con đường mà Chúa đã đi: đó là con đường khổ giá, con đường từ bỏ mình, con đương của sự hy sinh quên mình, để nhờ đó mà chúng ta có thể mang tình thương và ơn cứu độ của Chúa đến cho tất cả mọi người.
THỨ BẢY
Gl 3,22-29; Lc 11,27-28
Gợi ý 1:
Con cái luôn luôn là niềm tự hào của cha mẹ. Con càng thành công, cha mẹ càng hãnh diện. Thành công của con cái là niềm vinh dự lớn nhất của mẹ cha. Vì thế mà chúng ta không lạ gì khi có một bà nào đó, trước thành công của Chúa Giêsu, đã cất tiếng ca ngợi Mẹ của Chúa Giêsu: “Phúc cho lòng dạ đã cưu mang Thầy”. Chúng ta cũng không khỏi ngạc nhiên trước phản ứng của Chúa Giêsu đối với lời khen ngợi ấy: “Ai nghe và giữ Lời Thiên Chúa còn có phúc hơn”.
Không phải chỉ có lần này, Đức Giêsu có vẻ như phủ nhận vinh dự của Mẹ Ngài. Mà một lần khác nữa khi Đức Maria và một số anh em của Ngài đến với Ngài lúc Ngài đang giảng dạy. Vì dân chúng quay quanh Chúa Giêsu quá đông, nên người ta phải tin vào cho Chúa Giêsu biết là có Mẹ Ngài tới. Lúc ấy, Chúa Giêsu như thể không màng gì tới Mẹ Ngài cả, mà lại nhìn các môn đệ và những người đang nghe Ngài rồi nói: “Ai là mẹ, là anh em Ta? Mẹ Ta và anh em Ta là những người nghe và giữ Lời Thiên Chúa”. Đó có phải là lời phủ nhận vinh dự (được làm Mẹ Ngài) của Đức Maria chăng?
Đức Giêsu không những đã không coi thường, không chối bỏ mẹ mình mà trái lại, Đức Giêsu đã nâng Đức Maria lên một địa vị siêu phàm, địa vị được làm Mẹ Thiên Chúa. Vì:
- Nếu Mẹ là người chỉ sinh ra Chúa Giêsu ở trần gian này mà không được cùng hưởng vinh quang đời đời với Ngài, thì bào có vinh dự, có lợi lộc gì! Nếu chỉ là ruột thịt, máu mủ với Đức Giêsu mãi mãi, thì cũng chẳng vinh quang gì.
- Vả lại, khi đến trần gian, Đức Giêsu đã không nhằm thiết lập một tương quan huyết thống, không nhằm xây dựng một nước thuộc thế này. Nhưng Đức Giêsu đã đến để làm cho mọi người được nên một với Ngài, được mặc lầy Ngài, được thuộc về Ngài, để được nên Con Thiên Chúa với Ngài. Mà đã được nên con cái Thiên Chúa với Ngài thì cũng được hưởng sự sống, vinh quang và hạnh phúc với Đức Giêsu ngay từ hôm nay cho đến đời đời. Đó mới là niềm vinh dự, là nguồn hạnh phúc đích thực của những ai được là mẹ, là anh em của Đức Giêsu.
- Hơn nữa, khi cố tình hạ tương quan máu huyết với Đức Giêsu xuống hàng thứ yếu như thế, Đức Giêsu đã muốn thiết lập một tương quan rộng rãi hơn với mọi người, để con người thuộc mọi thời đại đều được hưởng vinh quang, danh dự, niềm tự hào và nguồn hạnh phúc của chính Đức Maria. Nhờ thế mà hôm nay, chúng ta cũng được nên mẹ, nên anh em, chị em của Đức Giêsu.
Điều kiện để nên Mẹ, nên anh em,chị em của Đức Giêsu là nghe và giữ Lời Thiên Chúa. Về việc nghe và giữ Lời Thiên Chúa của Mẹ Maria được thể hiện qua lời “xin vâng” mà Thiên Chúa đã trở thành Emmanel, một Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Chính việc nghe và giữ Lời Thiên Chúa của Mẹ Maria mà loài người đã bước sang một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên được ở với Thiên Chúa, được mặc lấy Thiên Chúa, được nên một với Thiên Chúa. Chính việc nghe và giữ Lời Thiên Chúa của Mẹ Maria đã đưa Thiên Chúa vào tận trong lòng người để loài người cũng được vào tận trong cung lòng Thiên Chúa. Như thế, với lời xin vâng của Mẹ Maria đã làm cho Maria thực sự trở thành Mẹ Thiên Chúa và cũng là Mẹ của những người mẹ, những người anh em, chị em của Chúa Giêsu. Đó là niềm vinh dự, là nguồn hạnh phúc đích thực của Mẹ Maria, niềm vinh dự này còn lớn hơn gấp bội niềm vinh dự được sinh ra Chúa Giêsu.
Hơn 2000 năm nay, lời “xin vâng” của Mẹ Maria vẫn ngân vang trong đời chúng ta. Đó không phải là một lời cầu xin, nhưng đó là một khẳng định, một xác quyết tư cách và vinh dự được làm mẹ, làm anh em, chị em của Chúa Giêsu, và làm Con Thiên Chúa của mỗi người chúng ta.
Chúa Giêsu sắp trở nên xương thịt của chúng ta, chúng ta cũng sắp nên xương thịt của Chúa. Nếu đời Chúa là một đời yêu mến và vâng phục cho đến độ đã thành hiến lễ cho Thiên Chúa và cho chúng ta mà nên “Con yêu dấu của Cha”, thì chắc chắn, để duy trì địa vị, vinh dự và hạnh phúc được làm mẹ, làm anh em, chị em với Chúa Giêsu, chúng ta cũng chỉ còn cách duy nhất này là nghe và giữ Lời Thiên Chúa. Ước gì mỗi ngày chúng ta biết lắng nghe và quyết tâm thực thi Lời Thiên Chúa, để nên lời “xin vâng” đối với Thiên Chúa và đồng loại của chúng ta, có thế chắc chắn đời chúng ta sẽ nghe được lời Chúa Giêsu cương quyết định định: “Kẻ nghe và giữ Lời Thiên Chúa còn có phúc hơn”.
Gợi ý 2:
Bài đọc I ngày hôm nay được coi như là những câu trả lời cho những cuộc tấn công của những Do Thái giáo. Họ đã len lỏi vào trong đất nước Galata, và đã muốn áp đặt những tập tục cổ xưa lên những người mới theo đạo. Đứng trước quan niệm cứng nhắc của những người Do Thái giáo, Phaolô đã khai triển tư tưởng về sự tiến triển của lịch sử cứu độ. Quả thực, trước tiên Thiên Chúa đã kêu gọi ông Abraham, rồi Thiên Chúa đã thực sự trao ban lề luật cho ông Môsê. Nhưng rồi giờ đây, Chúa Giêsu đã đến, Ngài là yếu tố quyết định của lịch sử mà Thiên Chúa đã ấn định. Do đó, với sự xuất hiện của Chúa Giêsu, lề luật trở thành lỗi thời, và chỉ có tính cách giai đoạn, nghĩa là lề luật chỉ có một vai trò giáo dục, nó phải bị lu mờ đi, khi Chúa Giêsu xuất hiện.
Quả thực, đối với những người Do Thái, lề luật giống như những nhà giáo dục ở thời thượng cổ, nghĩa là nó vừa ích lợi, nhưng đồng thời cũng gây khó chịu, mà người ta đặt ở bên những đứa trẻ. Chắc chắn Phaolô cũng đã từng kinh nghiệm về sự bảo hộ này trong lúc còn thiếu thời. Thế nhưng, khi người ta đã trưởng thành, người ta được tự do, người ta không cần đến sự bảo hộ này nữa. Và rồi có một biến cố có tính cách quyết định mà Thiên Chúa trao ban cho nhân loại. Đó là sự xuất hiện của Đức Kitô, Con Thiên Chúa, là một người vừa là Thiên Chúa và vừa là con người. Đây là một món quà cao cả và có tính cách quyết định mà Thiên Chúa đã trao ban cho nhân loại. Và chính nhờ sự xuất hiện này của Chúa Giêsu Kitô, mà tất cả mọi người đều có thể trở thành con Thiên Chúa, nhờ đức tin. Bởi vì chính nhờ lòng trung thành của Chúa Kitô đối với Thiên Chúa Cha, mà Chúa Giêsu đã mở ra cho tất cả mọi người một con đường của sự tự do.
Tiếp đến, Phaolô còn nói cho chúng ta biết rằng bí tích Rửa Tội liên kết chúng ta với Chúa Giêsu và làm cho chúng ta mặc lấy Chúa Giêsu. Từ ngữ “mặc lấy” mang một ý nghĩa rất là biểu tượng. Bởi vì qua bí tích Rửa Tội, người tín hữu như thể đã được biến đổi: họ nhận lấy một cách hiện hữu mới, họ có một cái vẻ mới mẻ, họ tượng trưng cho Chúa Giêsu, họ là hình ảnh sống động của Chúa Giêsu. Cho nên khi nhìn thấy một người đã được chịu phép Rửa Tội, thì đó chính là Chúa Kitô mà người ta nhìn thấy. Cho nên trong tư cách của Phaolô, đức tin và phép Rửa Tội là những cái gì liên kết mật thiết với nhau. Bí tích Rửa Tội là dấu chỉ của đức tin, đã tháp nhập một người vào Chúa Giêsu và trao ban cho họ được quyền làm con cái Thiên Chúa.
Mặc dù đức tin là một yếu tối quan trọng để người ta được lãnh nhận bí tích Rửa Tội và được trở nên con cái Thiên Chúa. Thế nhưng trong bài Tin Mừng ngày hôm nay, Chúa Giêsu muốn chúng ta còn phải biết thể hiện niềm tin đó qua việc đón nhận Lời Chúa và đem ra tuân giữ. Sự kiện này xảy ra, khi Chúa Giêsu đang rao giảng, có một người phụ nữ ở giữa đám đông cất tiếng nói rằng: “Phúc cho lòng đã cưu mang Thầy, và vú đã cho Thầy bú”. Và nhân cơ hội đó, Chúa Giêsu đã giảng dạy: phải hơn, phúc cho những ai nghe Lời Thiên Chúa và noi giữ. Như vậy, qua lời tuyên bố đó, Chúa Giêsu đã muốn đề cao một đức tin sống động, một đức tin có những hiệu quả cụ thể, cũng giống như một cây tốt phải sinh những trái tốt.
Quả thực, chính những hoa trái sẽ cho chúng ta biết một cây tốt hay xấu, một cây còn sống hay đã bị chết. Cũng vậy, chính những việc làm sẽ chứng tỏ một người có niềm tin hay không? Chúa Giêsu đã chẳng trách những người không có một đức tin sống động rằng: tại sao các ngươi gọi Ta: Lạy Chúa, Lạy Chúa, và rồi các ngươi lại không thực thi những gì Ta đã nói với các ngươi. Do đó, ước chi chúng ta hãy biết thực thi những gì Chúa dạy chúng ta, để chứng tỏ chúng ta thực sự là những người con cái của Chúa.