Suy niệm mỗi ngày, Tuần 28 Thường niên, năm chẵn




THỨ HAI

Gl 4,22-24.26-27.31.-5,1; Lc 11,29-32

Gợi ý 1:

Bài Tin Mừng hôm nay dạy chó chúng ta hiểu ý nghĩa của các phép lạ: đó là những dấu chỉ của đức tin, những dấu chỉ vừa mời gọi tin, vừa bày tỏ đức tin.

Đứng ở một bình diện rất hời hợt, người Do Thái đã xin phép lạ để có thể tin và hoán cải. Nhưng Đức Giêsu cho biết: niềm tin chỉ dựa trên sự tín thác vào bản thân của Đấng Thiên Sai mà thôi.

Nếu chỉ tin nhờ có phép lạ, chúng ta có thể khiến người khác tưởng rằng Thiên Chúa chỉ xuất hiện trong những sự kiện vượt quá con người, trong khi Thiên Chúa cũng hiện diện nơi con người và hiện diện trong những việc con người làm.

Đàng khác, phép lạ chỉ có ý nghĩa đích thực nếu biểu lộ nhân cách của Đấng làm phép lạ: Đức Giêsu là Đấng Messia tốt lành, có quan hệ mật thiết với Thiên Chúa là Cha, đồng thời mời gọi con người hoán cải bên trong và tin vào bản thân Đức Giêsu.

Tuy nhiên, vẫn có người thắc mắc: tại sao Đức Giêsu không đáp ứng những yêu cầu của người Do Thái? Biết đâu, khi đó, người ta sẽ gắn bó với Đức Giêsu một cách sâu xa chân thật?

Thật ra, nếu Đức Giêsu làm như thế, thì Ngài đã đi ngược lại đường lối của chính Ngài, và cũng là đường lối của Chúa Cha: phục vụ con người cách khiêm nhường. Nếu Đức Giêsu làm như thế, Ngài đã trở thành một tấm bảng quảng cáo mà con người phải chấp nhận. Lúc đó, Đức Giêsu có còn là chứng nhân của sự tự do và đang đi tìm một tình yêu tự do và tín thác nữa không? Thế mà chính “Đức Kitô đã đến để giải thoát chúng ta, để chúng ta được tự do”.

Vì vậy, Thiên Chúa không ban một dấu hiệu nào khác ngoài dấu hiệu Giona, ngoài dấu lạ Giêsu, không phải vì Chúa hà khắc, nhưng chính vì Chúa tôn trọng phẩm giá con người, và muốn giúp con người sống trọn vẹn phẩm giá ấy. Đức Giêsu đã sống một cuộc sống đơn sơ, đã chỉ làm phép lạ khi người ta chứng tỏ lòng tin, khi người ta sẵn sàng cộng tác với Chúa, bởi vì Chúa phải làm chứng cho một vị Thiên Chúa không gây áp lực trên con người, nhưng muốn đón nhận được tình yêu của con người bằng cách chết cho con người.

Nếu chúng ta tin vào Đức Giêsu, Đấng trung thành vâng phục và yêu thương cho đến chết, và đón lấy Ngài trong thánh lễ này, thì phép lạ thực sự đã xảy ra.

Gợi ý 2:

Trong cuộc đời rao giảng của Chúa Giêsu, chúng ta thấy rất nhiều lần xảy ra những cuộc tranh luận giữa Đức Kitô với biệt phái. Khi thì tranh luận về uy quyền của Đức Kitô, khi thì tranh luận về sự vi phạm luật lệ tiền nhân. Hôm nay, chúng ta thấy cuộc tranh luận lên đến cao điểm. Cao điểm bởi vì cuộc tranh luận này trở nên một cuộc thách thức. Những người biệt phái thách đố Đức Giêsu làm một phép lạ, nhưng Đức Kitô đã đau đớn mà kêu lên: “Thế hệ này gian ác, họ đòi dấu lạ, nhưng họ sẽ chẳng được một dấu lạ nào”, và Đức Giêsu đã không cho họ thấy một dấu lạ nào cả.

Đức Kitô là một dấu lạ vĩ đại, nhưng những người biệt phái đã không thể nhận ra cái vô hình của Ngài, vì họ đã sáng suốt phủ nhận con người của Ngài, sứ vụ của Ngài. Họ không nhận ra Đức Kitô vì họ không nghe lời mời gọi hoán cải của Ngài, lời kêu gọi đoạn tuyệt với quá khứ tội lỗi và hướng đến một tương lai trọn lành. Chính sự hiện diện của Đức Kitô là một ân huệ, nhưng người biệt phái không dám đón nhận. Không dám đón nhận vì sợ Đức Kitô đòi hỏi phải sống thực sự dứt khoát triệt để cho Thiên Chúa.

Họ đòi dấu lạ vì họ cứng lòng tin, cứng lòng tin vì họ không có một con tim rộng mở, không có một con tim rộng mở vì họ không dám đón nhận Thánh Thần.

Cuộc sống chúng ta trong thế giới hôm nay, một thế giới tục hóa, một thế giới muốn loại trừ Thiên Chúa, một thế giới chỉ muốn đặt niềm tin vào hiệu năng của khoa học. Sống trong một thế giới như thế, con người ngày nay dễ có những cám dỗ đòi một dấu lạ, đòi Thiên Chúa làm dấu lạ để chứng tỏ rằng Thiên Chúa không chết. Thách đó này dễ đến với con người gặp phải những hoàn cảnh bi đát, gặp phải những hoàn cảnh ngược lại với ý muốn. Lúc đó chúng ta dễ bị cám dỗ kêu lên:

- Lạy Chúa, sao Chúa để tôi phải thế này?

- Chúa ở đâu, sao Chúa không giúp con?

Tuy nhiên Thiên Chúa vẫn im lặng. Thiên Chúa không làm phép lạ để xoay sở hoàn cảnh của chúng ta.

Nhiều lúc chúng ta muốn Thiên Chúa xuất hiện trong vinh quang, muốn Thiên Chúa tỏ nhan thánh của Người cho con người nhìn nhận Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa vẫn yên lặng. Sự yên lặng của Thiên Chúa càng lên đến cao độ khi sự thinh lặng đó hòa lẫn với sự yên lặng của trời đất. Chúng ta muốn Thiên Chúa nói, nhưng Thiên Chúa vẫn yên lặng.

Sống với một Thiên Chúa yên lặng như thế, đòi chúng ta phải có một cuộc sống tin yêu sâu xa và nồng nàn. Nhưng sống với một Thiên Chúa yên lặng cũng là một thử thách, một thách đố cho người Kitô hữu ngày hôm nay, một cuộc thách đố liên tục. Sống với một Thiên Chúa yên lặng phải là cuộc sống với Thánh Linh, bởi vì trong Thánh Linh, chúng ta mới nghe được Thiên Chúa yên lặng nói tiếng yêu thương. Vì yên lặng là cao điểm của tình yêu, không nói nhưng cũng là nói tất cả.


THỨ BA

Gl 5,1-6; Lc 11,37-41

Lời Chúa hôm nay là cơ hội để chúng ta suy nghĩ về “tự do Kitô hữu”.

Có bốn bức thư của thánh Phaolô nói tới “tự do”, đó là thư Rôma, thư 1 Côrintô ,thư 2 Côrintô và thư Galata. Để các tín hữu hiểu được giá trị của tự do mình đang có, thánh tông đồ đã nói tới ba thứ nô lệ:

- Nô lệ tội lỗi.

- Nô lệ sự chết.

- Nô lệ lề luật.

Đoạn thư Galata mà chúng ta vừa được nghe, đề cập đến dạng nô lệ thứ ba: nô lệ lề luật. Nhờ có Chúa Thánh Thần ngự trong tâm hồn, người Kitô hữu được tự do đối với lề luật. Đây là ơn gọi của Kitô hữu, đã đạt được do công trình cứu độ của Chúa Kitô. Kết quả này trọn vẹn đến nỗi, thánh Phaolô đã nói: “Chúng ta không ở dưới lề luật nữa, mà là dưới ân sủng” (Rm 6,15). Luật (Môsê) chỉ có giá trị hữu hạn, trong một thời gian; luật chỉ có một giai đoạn trong chương trình cứu độ, và chỉ có giá trị cho đến khi Chúa Kitô đến: khi đó, Chúa Kitô sẽ hoàn tất lề luật vì Chúa Kitô “là cùng đích của lề luật” (Rm 10,4).

Nhờ có Thần Khí do Chúa Kitô ban cho, người Kitô hữu thường xuyên ở dưới tác động thánh của Thánh Khí, đến nỗi thánh tông đồ có thể nói rằng chúng ta ở dưới “Luật Thần Khí”. Tuy nhiên, Thần Khí dẫn chúng ta đi theo đường lối của Chúa Kitô. Do đó, sống dưới “Luật Thần Khí” cũng chính là sống dưới “Luật Chúa Kitô”, hay là “Luật Thiên Chúa”. Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta khả năng quyết định ngược lại với tội lỗi, có sức kháng cự lại với tội lỗi và thi hành thánh ý Thiên Chúa. Thế mà thánh ý của Thiên Chúa, theo mạch tư tưởng của thư Galata (x. Gl 5,14) là: chúng ta sống giới răn bác ái, và bác ái là đỉnh cao của “lề luật”.

Chúa Thánh Thần ban ánh sáng hướng dẫn chúng ta và ban sự sống viên mãn, ban cả những lý lẽ giúp chúng ta biết quyết định cụ thể.

Đó là tư tưởng của chúng ta, những Kitô hữu, những con người đã được tái sinh, đã được nhận lãnh tự do chân chính. Đó là một vinh dự mà chúng ta không bao giờ đáng được hưởng. Chúng ta cần ý thức rằng Thiên Chúa không cứu con người vì con người có nhiều công trạng, nhưng bởi vì Thiên Chúa mãi mãi yêu thương con người. Chúng ta hãy gắn bó với tình yêu ấy bằng đức tin, đức cậy và đức ái.

Và như một cách áp dụng, bài Tin Mừng đề nghị chúng ta thực hành bố thí, như một hành động vô vị lợi, do tình yêu, chứ không bám vào những tập tục theo mặt chữ.

Gợi ý 2:

Một trong những ý thức mới mà con người ngày nay đã đạt được, đó là ý thức về nhân quyền và công bình xã hội cũng như tình liên đới đối với những người khốn khổ. Với ý thức ấy, nhiều người đã không tiếc lời phê bình việc sửa chữa nhà thờ trong khi đó biết bao người đang chết đói hoặc sống lây lất không nhà không cửa.

Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu muốn cho chúng ta một cái nhìn toàn diện về cuộc sống, về những sinh hoạt và các biến cố xảy đến cho con người. Nhân việc một người biệt phái nhân danh luật thanh tẩy của người Do Thái để bắt bẻ Chúa Giêsu vì đã không rửa tay trước khi dùng bữa. Chúa Giêsu đưa ra một cái nhìn thống nhất về cuộc sống. Nếu chỉ lau rửa trau chuốt bên ngoài mà lòng dạ đầy những xấu xa thì đó chỉ là thái độ giả hình.

Nhưng nói như thế, Chúa Giêsu không hẳn là biện minh cho cái mà người ta gọi là “nền luân lý có ý hướng”, hay nói nôm na là “mục đích biện minh cho hành động”. Nhiều người chỉ nghĩ đến mục đích tốt mình đề ra mà không hề áy náy về những phương tiện xấu mình đang sử dụng, hoặc nhiều người lại chỉ có ý hướng tốt mà không bào giờ động đến ngón tay để thi hành ý hướng ấy.

Chúa Giêsu dường như muốn nói rằng cần phải có sự thống nhất trong ý hướng và hành động. Cần phải có sự hòa hợp giữa đức tin và việc làm. Đó cũng là chủ đề mà thánh Phaolô nêu lên trong bài đọc I: Phaolô nặng lời chỉ trích những ai chỉ câu nệ vào việc cắt bì như một bảo chứng cho sự công chính hóa. Theo thánh Phaolô thì “cắt bì hay không cắt bì đều vô giá trị, nhưng chỉ có đức tin hoạt động bởi đức mến”, đó mới là sự công chính đích thực.

Suy nghĩ thêm về thái độ của Chúa Giêsu, chúng ta cũng thấy rằng Chúa Giêsu không muốn tách biệt cái bên trong và cái bên ngoài, cái thánh thiêng và cái phàm tục, hoạt động bên ngoài và đời sống nội tâm. Cái nhìn của Chúa Giêsu là một cái nhìn toàn diện.

Một cái nhìn toàn diện để thấy được sự thánh thiêng trong cái phàm tục, trong cái nhỏ nhặt tầm thường của cuộc sống. Một đức tin được nuôi dưỡng bằng sự cầu nguyện, bằng các bí tích và được thể hiện bằng những việc làm cụ thể, đó phải là cái nhìn và thái độ sống của người Kitô hữu chúng ta.


THỨ TƯ

Gl 5,18-25; Lc 11,42-46

Gợi ý 1:

Nghe nói đến “tự do”, con người hôm nay thích lắm, vì nghĩ rằng: họ có thể làm bất cứ điều gì. Tuy nhiên, “tự do” Đức Giêsu ban không phải là một sự phóng túng theo xác thịt. Sự tự do này được sống dưới “Luật Chúa Kitô”, dưới “Luật Chúa”, hoặc “Luật Thần Khí”. Chính vì thế, thánh Phaolô đã dạy chúng ta: “Hãy để cho Thần Khí mà tiến bước”.

Người Kitô hữu, được Chúa Kitô giải thoát; được Thần Khí hướng dẫn và thúc đẩy, phải trở thành một thứ “quân tiền phong” của nhân loại, một thứ men giữa lòng thế giới. Vì đã được giải thoát khỏi mọi thứ nô lệ, chúng ta phải diễn tả tư cách của mình ra bằng một lối sống thấm nhuần các hoa trái của Thánh Thần, và còn phải chia sẻ những hoa trái ấy cho anh chị em của mình.

Nếu không có những hoa trái như thế trong đời sống của chúng ta, là vì chúng ta không cộng tác với Chúa Kitô với Chúa Thánh Thần. Đời sống Kitô hữu tự nó là một “cuộc sống của những con người thuộc về Chúa Kitô”. Do đó, trước tiên, sống đời Kitô hữu không phải là ra sức chu toàn những bó buộc về pháp lý… như những người Pharisiêu vẫn quan niệm, nhưng là sống một cuộc sống “với Ai Đó”, là đồng hành với Đức Giêsu, Đấng yêu mến chúng ta cho đến chết, và cũng là Đấng mà chúng ta yêu mến. Trong cuộc lữ hành này nhằm tiến về với Chúa Cha, khí lực giúp chúng ta tiến vững tiến nhanh, chính là Thánh Thần.

Một nếp sống như vậy rõ ràng không phải là một nếp sống buông thả, nhưng là một nếp sống kỷ luật nhằm đi tới những hoa trái phong phú. Vì vậy, thánh tông đồ đã nói tới việc đóng đinh xác thịt, dục vọng, đam mê. Chúng ta được kêu gọi đóng đinh tính vị kỷ của chúng ta.

Chúa Giêsu Thánh Thể mà chúng ta sắp rước vào lòng sẽ tiếp tục công trình dẫn đưa chúng ta vào tự do chân chính, qua nẻo đường chịu đóng đinh. Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta biết noi gương Chúa.

Gợi ý 2:

Ngày nay hơn bào hết, con người tin ở hiệu năng của việc làm hơn là những lý suông. Người ta đang chứng kiến sự suy sụp rã rời của những lý thuyết chỉ đưa ra những lời hứa hão mà không thực hiện được giấc mơ của mình.

Chúa Giêsu là con người toàn vẹn, đã thực hiện được sự thống nhất giưa lý thuyết và hành động. Khi Ngài tuyên bố: “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó”, thì Chúa Giêsu đã tiên phong thực hiện trọn vẹn lý tưởng đó. Khi kêu gọi phải yêu thương mọi người, ngay cả kẻ thù của mình, thì trên thập giá, Chúa Giêsu đã sống yêu thương cho đến giọt máu cuối cùng.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã lên án một cách gắt gao thái độ trưởng giả của những người biệt phái. Họ là chuyên viên giải thích về không biết bao nhiêu lề luật tôn giáo, nhưng cái cốt lõi của đạo là bác ái yêu thương thì họ không màng tới. Chúa Giêsu nói: “Họ giống như những mồ mả”. Mả mồ nào cũng có bộ mặt tươi đẹp, nhưng bên trong chỉ toàn là một mớ xương hôi thối. Đó là hình ảnh của những người đạo đức giả, của những người rao giảng Tin Mừng nhưng không sống điều mình rao giảng, của những người mang danh hiệu Kitô nhưng không sống tinh thần của Đức Kitô.

Thái độ giả hình là hậu quả của chế độ lề luật đạo cũ. Người ta quá chú trọng tới những hình thức, những chi tiết của luật mà quên mất tinh thần mà luật muốn nhắm tới. Vì thế, thánh Phaolô trong bài đọc I hôm nay đã quả quyết: “Anh em không còn ở dưới chế độ lề luật nữa”, nghĩa là cốt tránh những điều luật cấm. Nhưng từ nay, “chúng ta sống nhờ Thánh Thần”, nghĩa là hướng tới các nhân đức tích cực như yêu thương, vui mừng, bình an, nhẫn nại, nhân từ… và khi sống nhờ Thánh Thần như vậy, đương nhiên cũng trách được các điều luật cấm.

Ngày nay, Giáo Hội của Đức Kitô có sống còn hay không, Giáo Hội có đáng tin cậy hay không là tùy ở mức độ Giáo Hội ấy có sống trọn lời rao giảng của minh hay không. Chúng ta không chỉ chứng minh về sự sống của Giáo Hội bằng những buổi thảo luân suông, bằng những giờ kinh dài dòng, mà phải bằng những việc bác ái cụ thể.

Chúng ta hãy bắt đầu ngay, dù chỉ bằng một cử chỉ nhỏ mọn như giúp cho người túng thiếu một chiếc áo cho đỡ lạnh, một chén cơm cho đỡ đói, một lời an ủi khi gặp hoạn nạn. Bao nhiêu cử chỉ là bấy nhiêu lời minh chứng cho sức sống của Giáo Hội.


THỨ NĂM

Ep 1,1.3-10; Lc 11,47-54

Gợi ý 1:

Trong đời sống của chúng ta, mọi sự phát xuất từ sáng kiến của Thiên Chúa. còn chúng ta, chúng ta được “lắp đầy”… Thiên Chúa đã chọn chúng ta… đã tiền định cho chúng ta được phúc làm con, nhờ Đức Giêsu Kitô… Những lời vừa đơn giản lại vừa nóng bỏng ấy vén mở cho chúng ta biết về một cuộc phiêu: cuộc phiêu lưu của những tương quan giữa Thiên Chúa và loài người. Con người không phải mồ côi, không là sản phẩm của ngẫu nhiên… trái lại, nó được yêu thương từ trước. Thiên Chúa đã tỏ lòng yêu thương êm ái đối với chúng ta, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta điều kỳ diệu khôn lường, một ân huệ to lớn. Ân huệ ấy, điều kỳ diệu ấy, chính là Chúa Giêsu Kitô.

Những người Pharisiêu có hiểu gì về những điều trên đây không?

Họ đã tỏ ra không hiểu gì hết! Họ đã tự phụ tự mãn về những gì họ có, và về những gì họ đã làm được. Họ đã sống giả hình. Và sau này họ sẽ phạm một tội ác tày trời là chối từ Chúa Kitô, ân ban cao trọng nhất của Thiên Chúa, vị Ngôn Sứ lớn nhất trong các ngôn sứ của lịch sử Israel. Bài Tin Mừng đã trình bày tội giả hình của họ như thế nào?

Vào thời Đức Giêsu, người ta đang nhớ tiếc những vị ngôn sứ ngày xưa. Thế nhưng, Đức Giêsu, vị đại ngôn sứ, vị ngôn sứ duy nhất, đang hiện diện trước mặt họ, ở giữa họ. Chính những bảo đảm họ tạo ra cho chính mình, chính những khuynh hướng bè phái quá tuyệt đối đã bưng bít cái nhìn của họ. Vả lại, họ quên rằng, vào thời đại cũng thế, các ngôn sứ cũng đều “quấy rầy”, nên người ta đều muốn loại trừ các vị ấy.

Do đó, hôm nay, khi nghe Lời Chúa và đã thấm nhuần giáo huấn của Lời Chúa, mỗi người chúng ta nên xét lại lòng mình xem mình có thành tâm đón nhận mạc khải của Chúa không? Nếu có, chúng ta hãy nhận lấy Chúa Kitô làm trọng tâm của đời mình, và xin Chúa Kitô giải thoát chúng ta khỏi những khuynh hướng bè đảng và những bảo đảm quá tuyệt đối, để chúng ta tiếp tục gắn bó với Chúa Kitô, và đón nhận được những “ngôn sứ” hôm nay, những con người cũng đang chuyển thông sứ điệp Lời Chúa, đang làm chứng về quyền năng của Thiên Chúa cho chúng ta.

Gợi ý 2:

Một triết gia người Pháp nọ đã nói: “Khoa học mà không có lương tri thì chỉ là sự hủy hoại của tâm hồn”. Lịch sử của nhân loại đã và không ngừng chứng minh rằng biết bao bậc thông thái đã dùng sự hiểu biết uyên thâm của mình để giết hại đồng bào, giết hại nhân loại và cuối cùng giết hại chính mình.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đả phá một cách ngay gắt tinh thần trưởng giả của người biệt phái. Họ tự nhận mình là những kẻ thông hiểu lề luật và những lẽ khôn ngoan của Thánh Kinh. Họ nắm được chìa khóa của sự hiểu biết. Thế nhưng, tất cả những hiểu biết và địa vị của họ chỉ là một lớp sơn phết hào nhoáng, bởi vì nó không được dùng để phục vụ và hướng dẫn người khác.

Những người biệt phái sử dụng sự hiểu biết của họ để bắt người khác phải phục vụ mình, để dùng người khác vào những mục tiêu xấu của họ. Kẻ đưa đường dẫn lối sa lầy đã đành, mà những người được họ hướng dẫn cũng phải bơ vơ lạc lõng.

Giáo Hội của chúng ta ngày nay có lẽ cũng đang đứng trước bờ vực thẳm mà khoa học đã mở ra. Như một con thú vạn năng, nếu được thuần nhuyễn, khoa học là một trợ lực hữu hiệu cho con người. Ngược lại, nếu không được hướng dẫn, chính khoa học sẽ đưa con người đến chỗ hủy diệt lẫn nhau. Ví dụ: khoa học được ứng dụng trong các kỹ thuật chiến tranh, ngừa thai, trách thai…

Suy nghĩ về chức năng của khoa học, người Kitô chúng ta cũng được mời gọi phải ý thức hơn về một thứ hiểu biết khác mà chúng ta đã lãnh nhận như một ân ban, đó là sự hiểu biết của chúng ta. Sự hiểu biết của đức tin không phải chỉ là một trang bị cho cá nhân, mà còn là ánh sáng soi đường dẫn lối cho người khác. Đức tin là ân ban để chia sẻ, càng chia sẻ, ân ban đức tin càng lớn mạnh.

Một cách nào đó,ai trong chúng ta cũng có trách nhiệm hướng đạo đối với những người khác. Trong ngày chung thẩm, có lẽ Thiên Chúa sẽ tra vấn chúng ta về trách nhiệm đối với đức tin của những người chung quanh.

Vậy cuộc sống hiện tại của chúng ta có sáng tỏa để những người chung quanh có thể nhận ra chân lý đức tin không? Cách suy nghĩ và hành động của chúng ta có thể hiện đủ những điều hiểu biết đức tin của tôi không? Trong cách cư xử hằng ngày của chúng ta, chúng ta có ý thức rằng chúng ta phải sống thế nào để những người khác nhìn vào mà ngợi khen Cha trên trời không?

Chúng ta hãy hướng về Đức Giêsu Kitô, Ngài là đường, là sự thật và là sự sống. Xin Ngài dìu chúng ta đi trong chân lý, để từng đường đi nước bước của chúng ta luôn được soi dẫn, và cũng được tỏa sáng đến những người chung quanh.

THỨ SÁU

Ep 1,11-14; Lc 12,1-7

Gợi ý 1:

Chúng ta đã được nghe lời chân lý, đã trở thành tín hữu. Có Thánh Thần ở trong lòng, chúng ta được “ghi dấu Thánh Thần”, chúng ta thuộc về Thiên Chúa, thuộc về Chúa Kitô. Tất cả những yếu tố ấy làm nên nhân cách người Kitô hữu phải giúp chúng ta yên tâm, không có gì phải lo âu sợ hãi nữa.

Nói theo ngôn ngữ của thánh Phaolô trong bài thánh thư hôm nay, chúng ta đã trở nên “dân Thiên Chúa” trong Đức Giêsu Kitô, chúng ta đang được ca ngợi vinh quang Thiên Chúa, vì đã khám phá ra Chúa Kitô.

Tuy nhiên, còn có một đoàn người mênh mông đang chờ đợi Tin Mừng và mong được đón nhận đức tin. Chúng ta có quan tâm đến họ không? Chúng ta có quan tâm đến nỗ lực truyền giáo của Giáo Hội ngày hôm nay không? Hơn bao giờ hết, chúng ta có ý thức rằng chúng ta không được kêu gọi để sống cho riêng mình, nhưng là để sống cho Chúa và cho anh chị em chúng ta, những người đã biết và những người chưa biết Chúa.

Riêng hôm nay, Lời Chúa mời gọi chúng ta “công bố trên mái nhà những gì ta nghe nơi buồng kín”. Chúng ta chỉ là những người ký thác sứ điệp, chúng ta chỉ là những sứ giả, những chứng nhân, chứ không phải là những chủ nhân. Như vậy, chúng ta không phải là một kẻ được ưu đãi, để rồi lợi dụng đức tin mà thâu lợi cho riêng mình. Chúng ta là một người tông đồ, một người tham dự vào kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa: qui tụ mọi người lại trong Chúa Kitô.

Chúng ta sắp đón tiếp Chúa Giêsu Thánh Thể vào lòng. Chúa Giêsu Thánh Thể vào cùng với Thánh Thần. Nếu chúng ta không bưng tai bịt mắt, không lười biếng tìm hưởng thụ, Thánh Thần sẽ thúc dục chúng ta, sẽ thúc đẩy chúng ta, để chúng ta biết đi theo sự hướng dẫn của Thánh Thần. Thánh Thần Thiên Chúa là một Thần Khí vũ bão, Người sẽ nâng chúng ta lên. Ước gì nhờ sự trợ giúp của Thánh Thần, cuộc đời chúng ta trở thành lời ca ngợi vinh quang Thiên Chúa, thành một bài ca dành riêng cho Thiên Chúa… Chúng ta hãy sống làm sao để cuộc đời của mình luôn luôn ca hát vinh quang Thiên Chúa.

Gợi ý 2:

Nhiều khi chúng ta cảm thấy bàng hoàng sửng sốt trước hậu quả tàn khốc của một trận bão, một cuộc động đất… Thiên tai gây ra cái chết bất công, lúc nào cũng khiến cho con người muốn nổi loạn. Tại sao thế? Tại sao Thiên Chúa của tình yêu lại có thể gây ra hoặc để cho tang tóc đau thương xảy ra như vậy?

Sống là một chiến đấu không ngừng. Và một cách nào đó, cuộc sống đức tin vẫn là một cuộc chiến đấu mà một bên mãi mãi vẫn là sự chết.

Cựu ước đã ghi lại cuộc chiến đấu thâu đêm của tổ phụ Giacóp với thiên thần của Thiên Chúa. Ông đã kiên trì cho đến cùng để được sự chúc lành của Thiên Chúa. Đó là hình ảnh cuộc sống đức tin của chúng ta. Phẩm giá của những có niềm tin luôn đặt chúng ta trong tư thế tra vấn tìm kiếm, đối thoại không ngừng với Thiên Chúa. Nếu cuộc chiến ấy diễn tiến dưới ánh sáng của mầu nhiệm Thiên Chúa, trong đó con người được mời gọi để tiếp tục tin tưởng phó thác, thì lúc đó phần thưởng là sự bình an sẽ đến với chúng ta.

Đó có lẽ là lời mời gọi mà Chúa Giêsu muốn nêu ra trong bài Tin Mừng hôm nay: “Các con đừng sợ những người giết được thân xác… Các con hãy sợ Đấng sau khi giết chết còn có quyền ném vào hỏa ngục. Chớ thì năm con chim sẻ không bán được hai đồng tiền sao, thế mà không con nào bị bỏ quên trước mặt Thiên Chúa”.

Chúa Giêsu đưa ra lời trấn an trên đây vào giữa lúc các môn đệ của Ngài đã bắt đầu nhận ra sự chống đồi của người biệt phái đối với Chúa Giêsu, cũng như được chính bản thân của họ. Theo Đức Kitô, người môn đệ đồng chịu số phận của sự chống đối. Đó là chuyên đương nhiên, không thể có một con đường nào khác hơn. Nhưng Chúa Giêsu khuyên chúng ta hãy an tâm, bởi vì chúng ta có Thiên Chúa luôn ở với chúng ta.

Thiên Chúa không cất khỏi chúng ta những chống đối. Thiên Chúa không làm cho chúng ta bớt đau khổ, lại không cất sự chết nơi thân xác yếu hèn của chúng ta. Thiên Chúa chỉ cho chúng ta thấy đâu là ý nghĩa của đau khổ, đâu là cùng đích của chúng ta. Trong tất cả mọi sự, nếu chúng ta biết nhìn vào cùng đích ấy, chúng ta sẽ cảm thấy an tâm hơn. Và nếu nhìn vào cùng đích ấy, chúng ta sẽ thấy tất cả những chống đối, những đau khổ ấy đều là “để chúng ta trở thành lời ca vinh quang của Thiên Chúa” như thánh Phaolô nói trong bài đọc I hôm nay.

Đang là đối tượng của không biết bao nhiêu chống đối, đang bị dằn vặt bởi không biết bao nhiêu thử thách và ngay cả tội lỗi, chúng ta hãy ngước nhìn lên Đấng luôn có mặt trong cuộc sống của chúng ta. Để trong tất cả mọi sự, chúng ta luôn tin tưởng “Người là bảo chứng phần gia nghiệp của chúng ta” (Ep 1,14).


THỨ BẢY

Ep 1,15-23; Lc 12,8-12

Gợi ý 1:

Phải chăng có những khoảng thời gian chúng ta băn khoăn, hoang mang, vì cảm thấy không một thân một mình chống chọi với cuộc đời?

Đoạn thư của thánh Phaolô gởi người tính hữu ở Êphêsô hôm nay trấn an chúng ta: Giáo Hội là “Thân Thể Chúa Kitô”, là nơi Chúa Kitô đang hiện diện đầy năng động, Giáo Hội là “sự hoàn tất” của Chúa Kitô! Giữa Chúa Kitô và Giáo Hội có những tương quan của đầu với thân thể. Như vậy, thường xuyên có một luồng sức sống dồi dào được chuyển từ Chúa Kitô sang Giáo Hội. Nếu thế, quyền năng vô biên mà Chúa Cha bung mở ra trong chúng ta là những tín hữu, cũng chính là sức mạnh, là quyền lực Thiên Chúa đã bung ra nơi Đức Kitô khi cho Đức Kitô sống lại từ cõi chết và ngự bên hữu Cha.

Chúng ta nghĩ và thấy lạ lùng thay! Sức mạnh thần linh đang hoạt động trong tim chúng ta, cũng chính là sức mạnh đã làm cho Đức Giêsu sống lại và nâng Đức Giêsu lên trời! Thế thì còn gì phải sợ nữa? Kitô hữu là người đã được giải thoát khỏi mọi nỗi lo sợ vì Chúa Kitô đã toàn thắng.

Bài Tin Mừng như thẳng thắn bảo chúng ta rằng: người Kitô hữu là con người “phải ra tòa” trước mặt thế giới. Chúng ta hãy nhớ lại Giáo Hội tiên khởi với những Kitô hữu luôn luôn bình thản và nhiệt thành khi điệu ra trước các tòa án. Họ là những con người nghèo hèn, không có một chút thế lực gì. Họ không dám tin tưởng vào các luận cứ của họ. Họ chỉ biết hoàn toàn tín thác cho Thiên Chúa. Sách Công Vụ Tông Đồ đã là một bản văn minh họa tuyệt vời về giá trị vô song của lòng tín thác này.

Chúng ta đón nhận Chúa Giêsu Thánh Thể vào lòng, thì cũng đón nhận Thần Khí anh dũng. Thần Khí sẽ hiện diện với chúng ta trong mọi tình huống, dù gian lao đến mấy trong đời sống của chúng ta.

Vậy, chúng ta hoàn toàn tín thác vào Chúa. Khi đó, chúng ta sẽ nghe ra những điều Chúa dạy dỗ, những lời Chúa gợi ý cho chúng ta nói, nói hay nhất về Chúa Giêsu Kitô, làm chứng thật tích cực về Chúa Giêsu Kitô. Đó là một sự can trường đầy khiêm tốn, vì không dựa vào sức riêng mình, nhưng dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Gợi ý 2:

Có nhiều người Kitô hữu chúng ta có hai thứ ngăn kéo trong cuộc sống. Một thứ ngăn kéo chúng ta dành cho nhà thờ, cho các nghĩa vụ đạo đức, cho các biểu dương tôn giáo bên ngoài. Còn ngăn kéo kia hoàn toàn xa lạ và lắm khi đối nghịch với những gì chúng ta tuyên xưng. Cuộc sống hai mặt ấy một cách nào đó cũng là một cách chối từ Thiên Chúa.

Trong Cựu ước, qua miệng tiên tri, Thiên Chúa đã quở trách dân riêng chỉ thờ Thiên Chúa ngoài môi miệng còn lòng chúng thì xa Thiên Chúa. Khi chịu đóng đinh vào thập giá, Chúa Giêsu đã cầu nguyện với Chúa Cha và xin Cha tha thứ cho những kẻ không biết việc chúng làm. Nhưng xem chừng Chúa Giêsu lại tỏ ra vô cùng gay gắt với những kẻ sống giả hình, những người tuyên xưng một đàng nhưng lại sống một cách khác.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại cuộc sống của chúng ta. Ngày nay, những cuộc bách hại đạo công khai không còn nữa. Thế nhưng, những khó khăn mọi mặt mà người Kitô hữu đang trải qua, không đủ để họ tuyên xưng đức tin đến mức độ tử đạo. Nhưng ngược lại, khi khước từ sống theo những cam kết của niềm tin cũng là một hình thức của chối đạo mới. Chối đạo khi nghĩ rằng đạo chỉ là chuyện cá nhân, chuyện trong lòng, mà không còn một thể hiện nào qua những hành động cụ thể bên ngoài. Chối đạo khi chúng ta đóng khung đức tin trong bốn bức tường của nhà thờ, hoặc một số kinh kệ rước xách mà chúng ta làm vì thói quen, vì huyênh hoang hơn là vì xác tín.

Chối đạo cũng có thể là khi chúng ta khước từ một hành vi bác ái mà khả năng và hoàn cảnh đòi buộc chúng ta phải làm. Chối đạo cũng có thể là khi chúng ta cho tiếng nói của lương tâm bị bóp nghẹt để làm những hành động chối bỏ tha nhân và Thiên Chúa.

Cuộc sống không chối đạo phải là cuộc sống luôn chiếu tỏa ánh sáng niềm tin ra chung quanh. Một cuôc sống giống như cuộc sống của tín hữu ở Ephêsô khi xưa, sống đức tin mạnh mẽ đến nỗi sống mãi ở xa, thánh Phaolô cũng như tiếng và viết thư về ca tụng họ như trong bài đọc I: “Khi nghe biết lòng tin của anh em đối với Chúa Giêsu, và lòng mến của anh em đối với hết thảy các thánh, tôi không ngừng tạ ơn Chúa cho anh em”.

Cuộc sống tại thế của chúng ta là một chuỗi những bài tập sự của cuộc Thiên Đàng, nếu chúng ta không tập luyện để xưng nhận Chúa trong cuộc sống này thì chúng ta cũng sẽ không nhận ra Chúa trong cuộc sống mại hậu.
Mới hơn Cũ hơn