Suy niệm mỗi ngày, Tuần 29 Thường niên, năm chẵn




THỨ HAI

Ep 2,1-10; Lc 12,13-21

Sau một thời gian hoạt động công khai, Chúa Giêsu đã có uy tín lớn và được dân chúng nể trọng như một vị kinh sư có thế giá. Nhiều người có vấn đề khúc mắc đã tìm đến với Chúa Giêsu, mong được Chúa Giêsu cho ý kiến hoặc can thiệp. Hôm nay một người đến xin Chúa Giêsu can thiệp để việc chia gia tài giữa hai anh em của họ được công bằng. Theo luật, người anh được hưởng hai phần ba, còn người em được hưởng một phần ba gia tài. Ở đây có lẽ do tham lam người anh đã vơ toàn bộ số tài sản.

Thông thường, khi người ta đem các khó khăn của họ đến với Chúa (như bệnh tật, tình cảnh nghèo khó) Chúa đều chanh thương và mau lẹ đáp cứu. Thế nhưng hôm nay Chúa Giêsu từ chối không nhận lời yêu cầu can thiệp. Thái độ của Chúa Giêsu có hai ý nghĩa:

Trước hết, Chúa Giêsu từ khước việc trở nên quan án cho bất cứ việc gì. Dĩ nhiên, Chúa Giêsu không tán đồng sự cưỡng đoạt gia tài ở đây, nhưng Ngài sẽ nói ra những lời có giá trị cho cả những kẻ cưỡng đoạt và lẫn kẻ bị cưỡng đoạt. Bởi vì Chúa Giêsu không đến để tạo ra những chống đối phân rẽ giữa người này với người nọ, để cải thiện một sự bất công, mà để giải thoát con người và trước hết giải thoát họ khỏi chính họ. Chúa Giêsu không đến để kết án mà để con người tự kết án mình – Chúa Giêsu không đến để xét xử, mà để con người tự xét xử mình, tự khám phá ra sự bất công của mình và từ bỏ nó.

Do đó, tuy Chúa Giêsu có nhiều sự công bằng hơn và có ít người bị cưỡng đoạt hơn, nhưng Chúa Giêsu không bao giờ lấy sức mạnh hay uy thế bắt buộc người ta phải sống công bình. Chúa Giêsu chỉ có thể và chỉ muốn khuyên nhủ mà thôi, để mỗi người đạt tới một sự giải phóng tự nguyện, một sự công bằng mà chính họ chọn lựa. Đó cũng chính là mục đích của dụ ngôn mà Chúa Giêsu vừa kể về người phú hộ.

Ý nghĩa thứ hai của thái độ của Chúa Giêsu là Ngài có lập trường rõ rệt đối với của cải và sự giàu sang. Bản thân của Chúa Giêsu không muốn dính líu vào những vấn đề của cải. Chúa Giêsu cũng khuyên người ta là đừng đặt sự yên ổn của mình vào sự gì khác ngoài Thiên Chúa.

Tại sao thế? Vì sự sống tuy không tùy thuộc vào của cải, của cải không thể bảo đảm cho người ta khỏi chết, không thể kéo dài sự sống quá lằn mức Thiên Chúa đã ấn định. Kẻ cậy dựa vào của cải và tưởng rằng nhờ đó mình có quyền không sợ sự chết là kẻ điên rồ. Cũng điên rồ nữa, kẻ cho là cách giàu có hay nhất là giàu có cho mình, vì thu tích cho mình là chẳng thu tích được gì cả.

Thánh Phaolô trong đoạn thư hôm nay cũng coi việc người ta sống theo các đam mê và tìm kiếm những sự mau qua ở đời là điều khiến chúng ta ân hận và giận ghét chính mình, mỗi khi nhìn lại quá khứ. Lối sống đó làm chúng ta thành những con người đáng giận ghét như những người khác. Và thánh Phaolô kêu gọi các kẻ tin hãy nhớ mình là kẻ đã được Thiên Chúa cứu rỗi, để từ nay lo làm các việc lành mà Thiên Chúa muốn người ta thực hiện, hay như Chúa Giêsu nói: lo làm giàu, lo thu tích nơi Thiên Chúa.

Xin Chúa Giêsu giúp chúng ta có thái độ sống như Ngài, có tinh thần từ bỏ và quí chuộng sự nghèo khó để đời chúng ta xây dựng trên một nền móng vững vàng và trong lãnh vực truyền giáo (tuần này đang hướng về việc truyền giáo) chúng ta trở nên những dấu chỉ đáng tin về sự có mặt và về giá trị chắc thực của Nước Trời.


THỨ BA

2Tm 4,9-17a; Lc 12,35-38

hôm nay chúng ta hãy sung sướng với niềm thâm tín rằng chúng ta đã là những con người được cứu rỗi rồi. Đời sống của Kitô hữu chúng ta khác với đời sống của các tín hữu đạo khác ở điểm đó: họ còn sống như những người hướng về sự cứu thoát, còn phải phấn đấu vất vả với hy vọng sẽ được cứu thoát, còn chúng ta sống sau biến cố cứu độ nhân loại, chúng ta đã được lãnh sự bảo đảm về ơn cứu độ và hiện chúng ta đang sống trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, vì Người đã cứu chúng ta rồi.

Thánh Phaolô hôm nay nói đến diễm phúc của chúng ta là nhờ Đức Kitô đến trần gian, đổ máu vì chúng ta, chúng ta không còn là kẻ xa lạ với Thiên Chúa, ở ngoài Dân Chọn của Thiên Chúa mà đã nên người nhà của Thiên Chúa và nên anh em với người Do Thái. Mọi khoảng cách và tường chắn giữa chúng ta với Thiên Chúa và với Dân Riêng Chúa ngày xưa không còn nữa. Tuy là người dưng nước lã, nay chúng ta được nên con Cha trên trời, nhận cùng một Thần Khí và hưởng cùng một sản nghiệp với dân được cứu rỗi. Giáo Hội mà chúng ta là phần tử, vừa là đại gia đình của Thiên Chúa, vừa là chính Nước Trời mà chúng ta được gia nhập. Đời chúng ta nhờ thế đã bước vào giai đoạn sáng tươi.

Bài Tin Mừng, tiếp vào ý tưởng ấy, còn nói với chúng ta về lòng tốt và phần thưởng của Chúa đối với chúng ta nữa. Sau khi đã cứu độ chúng ta, Chúa giống như ông chủ đi vắng sẽ trở về và khen thưởng chúng ta bằng cách dọn bàn cho chúng ta và đi lại hầu bàn chúng ta. Bàn ăn đây ám chỉ đến việc Chúa ban chính mình Chúa cho chúng ta để chúng ta được kết hợp mật thiết đời đời với Chúa. Cách đối xử của Chúa là đi lại hầu hạ chúng ta chứng tỏ Chúa khác với ông chủ nơi trần gian này và không phải là một người chủ thường.

Bởi đó, Lời Chúa hôm nay muốn in khắc vào tâm trí chúng ta niềm hân hoan và an bình của kẻ biết mình đã được cứu rỗi, để chúng ta giữ lòng tin và lòng trung thành đối với Chúa, để chúng ta sống phấn khởi và mới mẻ, chứ không rầu rĩ ủ dột như kẻ chưa có đích trong cuộc đời. Thế nhưng sau khi nắm chắc diễm phúc và có lòng tin sắc đá rồi, chúng ta cũng phải là những con người hành động để chứng tỏ niềm tin đó. Chúa căn dặn chúng ta hãy là những con người làm việc và ở trong tư thế sẵn sàng, hãy cầm đèn sáng trong tay mọi lúc, nghĩa là sống trong sáng, làm những việc tốt lành. Đó là cách để chúng ta thẳng bước đến ngày vui, khi Chúa đến với chúng ta và cho chúng ta muôn đời hưởng nếm bàn tiệc Nước Trời.

Xin Chúa Giêsu Thánh Thể phát huy nơi chúng ta tư cách của kẻ đã chịu Phép Rửa, của kẻ đã nhận nến sáng trong tay vừa để đánh dấu ngày của cuộc đời chúng ta bước vào sự sáng vừa để nhắc nhở chúng ta luôn sống nên con cái sự sáng. Qua việc Chúa don bàn tiệc Thánh Thể cho chúng ta, xin Chúa ban ơn sức đỡ nâng dìu dắt chúng ta trong suốt thời gian đợi chờ Chúa trở lại, để chúng ta luôn là những người tỉnh thức và trung tín cho đến ngày hân hoan gặp Chúa.


THỨ TƯ

Ep 3,2-12; Lc 12,39-48

Lời Chúa hôm nay có vẻ liên quan đến các tông đồ, đến hàng lãnh đạo trong Giáo Hội hơn. Trước hết, thánh Phaolô nói đến diễm phúc ngài đã có là sở dĩ ngài am hiểu mầu nhiệm Đức Giêsu như đã viwts cho người tín hữu, chính vì ngài được ơn mạc khải giống như các tông đồ và các tiên tri. Phaolô ý thức mìnhb chỉ là kẻ hèn kém nhất trong các kẻ tin – vì trước kia Phaolô đã là người bắt bớ Giáo Hội và ngài biết Chúa cách muôn màng – nhưng nay được Thiên Chúa trao sứ mạng rao giảng về mầu nhiệm phong phú của Đức Kitô cho Dân Ngoại. Bài Tin Mừng – qua câu trả lời của Chúa Giêsu cho Phêrô – cũng liên quan đến kẻ có trách nhiệm trong Giáo Hội. Chúa Giêsu khuyên họ hãy là những quản lý trung thực và khôn ngoan, chẳng những phải tỉnh thức chờ Chúa trở lại mà còn phải phục vụ mọi người một cách tương tất, với tinh thần xả kỷ chứ không phải tinh thần trục lợi, gắt gỏng, tàn ác. Họ là những kẻ đã biết ý Chúa rõ hơn, nên nếu bất trung sẽ bị phạt nặng hơn.

Tuy vậy, Lời Chúa hôm nay cũng liên quan đến bậc giáo dân trong Giáo Hội. Bởi vì ai cũng được diễm phúc biết mầu nhiệm Thiên Chúa là mầu nhiệm nay mới được mạc khải ra cho loài người. Ai cũng được mời gọi làm môn đệ và đại diện Chúa để rao giảng mầu nhiệm ấy cho mọi người. Do đó, cũng như hàng lãnh đạo trong Giáo Hội, mọi giáo dân cũng có bổn phận diễm phúc mình đã được. chúng ta phải tỉnh thức và sẵn sàng để không cho trộm đột nhập vào nhà, không cho những thứ địch thủ hay trở ngại đối với diễm phúc chúng ta được đột nhập cướp đi diễm phúc ấy. Chúng ta cũng phải tỉnh thức và sẵn sàng theo nghĩa là luôn cởi mở, nhạy cảm, có một thứ linh tính và giác quan về những điều có liên hệ đến Nước Trời, đến Chúa và Giáo Hội, đến ơn cứu độ. Những điều ấy, những ơn ấy hằng muốn ùa vào vào trong đời sống chúng ta qua các biến cố lớn nhỏ hằng ngày. Chỉ khi nào chúng ta giữ tâm hồn cởi mở và nhạy cảm đối với những gì có thể làm tăng ơn Chúa và mở rộng Nước Thiên Chúa, chúng ta mới là con người xắn áo, đai lưng và chong đèn sáng tức là ở trong tư thế làm việc và sẵn sàng. Rồi chúng ta cũng phải là những con người trung thực với Chúa, có tinh thần phục vụ đối với mọi người và tinh thần thiết tha xây dựng Giáo Hội. Chúng ta cảm tạ Chúa đã ban diễm phúc lớn lao cho chúng ta, tuy cũng như Phaolô, chúng ta thật hèn kém và bất xứng. Xin ơn thiêng do bí tích Thánh Thể của Chúa giúp chúng ta luôn sống nên những môn đệ xứng đáng và trung kiên để chúng ta nên kẻ phân phát mầu nhiệm Chúa cho muôn người và lúc nào cũng ở trong tư thế sẵn sàng nghinh đón Chúa trở lại.



THỨ NĂM

Ep 3,14-21; Lc 12,49-53

Các đoạn thư Êphêsô Đức mấy ngày hôm nay đáng được coi là Tin Mừng cho các tín hữu gốc Dân Ngoại: đó là họ đã được diễm phúc lớn lao nhờ tình thương của Thiên Chúa. chính ra họ phải chịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, thế mà họ đã được dự phần vinh quang Đức Kitô. Chính ra họ phải ở ngoài giao ước, thế mà họ đã giao hòa với Thiên Chúa và được hưởng lời hứa được dành riêng cho Dân Chọn.

Với đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta hiểu rằng để cho các tín hữu có được niềm tin như thế, chính Chúa Giêsu đã phải hy sinh rất nhiều, hay nói đúng hơn, đã phải mất chính mạng sống vì họ. Trước hết, cả đời Chúa Giêsu đã phải hướng về cuộc Khổ Nạn mà Chúa gọi là cuộc thanh tẩy, bởi vì trong cuộc Khổ Nạn, Chúa Giêsu như bị chìm ngập dưới những làn sóng đắng cay phiền não. Đồng thời, Chúa Giêsu đã phải tách lìa với thân quyến mình, là Đấng tuyên bố rằng việc Chúa đến sẽ có thể tách lìa mọi người trong gia đình với nhau, Chúa Giêsu là người đầu tiên phải chịu sự chia ly với “anh em mình”, với bà con mình. Đó là điều kiện để giúp cho “lửa” mà Chúa Giêsu đã mang đến cho thế gian được nhen lên. Lửa ở đây chỉ điều gì? Các nhà giải thích Thánh Kinh chưa đồng ý hoàn toàn với nhau: có người cho lửa đây chỉ Thánh Thần, có người lại cho là lửa ám chỉ đến các thử thách xảy đến để thử thách các môn đệ (như lửa thử vàng, và Chúa khao khát có các thử thách để các môn đệ sớm được thánh hóa). Người khác cho lửa đây là lửa của công cuộc thanh luyện và đổi mới của Chúa Giêsu hoặc là lửa tượng trưng, chỉ về Thánh Thần và lòng mến. Chúng ta có thể nói rằng ý của Chúa Giêsu ở đây nữa mở nữa tỏ, chúng ta phải tôn trọng tính cách nữa mở nữa tỏ ấy. Nhưng có lẽ giải thích lửa là Thánh Thần được ban để tẩy luyện và thiêu đốt và giải thích gần đúng nhất. Để ban Thánh Thần, Chúa Giêsu phải qua cuộc Khổ Nạn và vì chúng ta, Chúa Giêsu bồn chồn khao khát đến lúc hoàn tất mục đích việc Chúa đến trần gian.

Vậy Chúa Giêsu đã phải hy sinh tất cả để chúng ta được diễm phúc lớn lao. Hiểu như thế, chúng ta được mời gọi bảo toàn diễm phúc ấy bằng mọi giá. Hôm nay, thánh Phaolô tha thiết nguyện xin cùng Thiên Chúa và yêu cầu chúng ta bảo vệ, phát huy diễm phúc ấy, để chúng ta ngày càng đi sâu vào mầu nhiệm Thiên Chúa và có nền móng vững vàng trong mầu nhiệm ấy. Muốn thế, chúng ta cũng cần đi theo con đường Chúa Giêsu đã đi: đó là hy sinh, quyết liệt chiến đấu chống những sự thu hút của thế gian, chống những đam mê xấu nơi mình và nếu cần, chống cả chính những người thân cản trở mình nữa.

Xin Chúa Giêsu Thánh Thể dùng lửa mến của Thánh Thần thiêu đốt tâm hồn chúng ta để chúng ta trở nên nơi vinh thắng của Nước Trời mà Chúa Giêsu đã đến thiết lập giữa trần gian này.



THỨ SÁU

Ep 4,1-6; Lc 12,54-59

Những lời của Chúa Giêsu mà chúng ta vừa nghe là những lời có tính cách nghiêm trọng và ám chỉ đến một thời buổi nghiêm trọng, trong đó người ta phải tỉnh táo, sáng suốt và mau lẹ quyết định. Đó là thời buổi của Nước Trời, của cuộc Thiên Chúa ngự đến. Chính khi Chúa Giêsu có mặt, rao giảng về Nước Trời là lúc Nước ấy đang có đây. Chúa Giêsu kêu gọi dân chúng hãy biết nhận định và biết sống cho thích hợp. Điều đáng buồn là đối với các lãnh vực khác trong cuộc sống, thường người ta rất tinh anh. Người ta có thể nhìn vào hiện tượng gió mây trên trời và dễ dàng nói trước là sắp có bão hay sắp có nắng tốt. Còn đối với chuyện liên quan đến phần rỗi là chuyện hệ trọng hơn nhiều thì một là người ta u mê, không mau mắn tinh anh, hai là người ta đoán được hoặc biết được, nhưng lại cố tình coi như không có vấn đề và tiếp tục sống ung dung, ơ hờ.

Những lời nhắc nhở và trách cứ đó của Chúa Giêsu cũng hợp cho chúng ta ngày hôm nay. Chúng ta thì khác người Do Thái ở điểm là sống sau biến cố phục sinh, chúng ta đã biết là Chúa đã đến rồi, nhưng chúng ta cũng đồng thời sống trong giai đoạn chờ Chúa đến lần thứ hai trong ngày thế mạc, hoặc trong ngày qua đời của mỗi người chúng ta.

Đối với thời gian chờ Chúa này, thánh Phaolô khuyên nhắc chúng ta hãy lo sống bác ái và hiệp nhất, mọi người ý thức rằng cùng có một Cha chung, một tinh thần chung, một niềm hy vọng chung, nên sống với nhau trong sự hòa thuận, bình an. Đây chính là bằng chứng cụ thể nhất về việc chúng ta biết đánh giá thời buổi nghiêm trọng và biết gầy dựng cho mình một tư cách xứng đáng khi Chúa gọi chúng ta đến với Ngài. Đây cũng là cách bảo đảm nhất cho chúng ta trong việc dùng hiện tại mà xây tương lai, tức là xây phần rỗi đời đời của mình.

Người Do Thái ngày xưa đã dốt nát không biết thẩm định thời buổi cấp bách hoặc biết mà sống ơ hờ. Họ đã bỏ lỡ mất cơ hội mà Chúa ban cho họ. Chúng ta cũng ý tứ kẻo do thái độ sống, chính mình bỏ lỡ mất dịp may, có hệ đến hạnh phúc đời đời, và vĩnh viễn không bao giờ lấy lại được.

Chúa Giêsu sắp đến trên bàn thờ chính là Nước Trời đã đến và đang có giữa trần gian này. Chúa Giêsu là Lời Thiên Chúa mời gọi chúng ta đi vào sự sống và hạnh phúc. Chúng ta hãy hứa với Chúa là trong cuộc sống, chúng ta tập nghĩ nhiều hơn về những việc liên quan đến Chúa, đến phần rỗi, và tập sống hy sinh hơn đối với Chúa và đối với anh em, để mọi lúc luôn là những người tôi trung đang tỉnh thức chờ chủ về và mở cửa ngay cho chủ.



THỨ BẢY

Ep 4,7-16; Lc 13,1-9

Câu trả lời của Chúa Giêsu về việc Philatô mới sát hại một số người Galilê, trước hết là lời Chúa Giêsu cảnh cáo người Do Thái về hiểm họa do đế quốc Rôma. Ngày xưa tiên tri Giêrêmia đã thấy cuộc chinh phục của Babylon là điều không thể tránh thoát, thì bây giờ Chúa Giêsu cũng thấy mối đe dọa trên dân của Ngài bởi gươm Rôma. Hôm nay Philatô hòa máu những người Galilê đang tế lễ với máu của lễ họ đang dâng, nhưng đó chưa phải là hết. Nếu người ta không suy nghĩ lại thì đế quốc Rôma sẽ còn đặt trên dân một cái ách ghê gớm hơn.

Thế nhưng đó không phải là chủ đích của Chúa Giêsu. Ở đây, Chúa Giêsu kêu gọi người ta thay đổi toàn diện về tâm hồn nhiều hơn. Nhân tin tức Philatô mới giết mấy người Galilê, Chúa Giêsu nhắc lại chuyện tháp Silôê đổ xuống đè chết 18 người và bảo dân chúng hãy lo xét lại chính mình. Chưa chắc những người đang còn sống bình an đây đã thánh thiện hơn những người chết kia. Những người Galilê đã chết vì muốn chống lại Rôma, và 18 người kia bị chết vì do tai nạn bất ngờ. Còn kẻ đang sống, sở dĩ chưa bị chết, chính vì Thiên Chúa còn đang khoan dung, còn hoãn thời gian để họ có dịp hối cải và sửa đổi đời sống. Thời gian họ còn sống đây do đó là thời gian họ được thương xót và họ phải biết lợi dụng mà quay về với Thiên Chúa. Tình cảnh của họ giống hệt như tình cảnh cây vả đã ba năm chưa chịu cho trái trăng. Nó chưa vị chặt nhờ lời xin của người làm vườn. Một năm sống này vừa là bằng chứng về việc nó được thương xót, châm chước do lòng nhẫn nại của người chủ vừa là cơ hội cuối cùng để nó quyết định về số phần của nó.

Dĩ nhiên, lời mời gọi và cảnh cáo đó của Chúa cũng có giá trị cho chính chúng ta nữa. Chúa cũng đang nhẫn nại với chúng ta, gia hạn cho chúng ta và mong chờ những kết quả tốt đẹp nơi chúng ta. Đó là lý do vì sao chúng ta vẫn được sống yên hàn. Chính vì thế, hiện tại cũng là lúc để chúng ta lo làm cho đời mình trổ sinh hoa trái sự thánh thiện.

Một trong những cách thức để chúng ta đáp lại lòng mong mỏi của Chúa là, như thánh Phaolô hôm nay căn dặn, chúng ta hãy nhiệt tâm xây dựng Giáo Hội, thân mình Đức Giêsu Kitô. Ở trong Giáo Hội, mỗi người chúng ta có một chức phận riêng, vì mỗi người được Chúa ban cho những ân huệ riêng. Chúa muốn chúng ta theo chức phận mình, ơn gọi của mình mà phục vụ Giáo Hội, bằng cách làm cho nhau ngày càng sâu sắc hơn về đức tin và nên trưởng thành theo tầm vóc của Đức Giêsu Kitô, chúng ta lúc nào cũng đứng vững như một tòa nhà kiên cố, được xây trên nền móng là Đức Giêsu Kitô, bấp chấp gió bão là những cám dỗ của thế gian có mãnh liệt ra sao đi nữa.

Xin Chúa Giêsu Thánh Thể giúp chúng ta sống nên đoàn con ngoan thảo của Cha trên trời, vừa ý thức về lòng nhẫn nại và thương xót của Cha, vừa biết tận dụng mọi ngày giờ hiện tại để xây dựng nền móng đời sống đạo đức cho bản thân và cho anh chị em trong Giáo Hội của Chúa.
Mới hơn Cũ hơn