THỨ HAI
Ep 4,32-5.8; Lc 13,10-17
Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy rõ lòng nhân từ bao la của Thiên Chúa đối với con người, đặc biệt là đối với những người nghèo khổ, yếu đau, tội lỗi. Chính Chúa Giêsu đã khẳng định: “Ta không đến kêu gọi những người công chính, mà là những kẻ tội lỗi” (Mt 9,13).
Vậy khi Chúa Giêsu đang giảng dạy trong hội đường, Chúa Giêsu trông thấy người đàn bà tật nguyền, Chúa Giêsu không đợi cho người đàn bà này cất tiếng kêu xin, nhưng chính Ngài đã gọi bà lại và chữa cho bà lành bệnh. Rõ ràng tình thương của Thiên Chúa bao giờ cũng đi bước trước.
Và điều đó đã làm cho viên trưởng hội đường bực mình. Ông này thuộc nhóm những người Do Thái đã coi ngày Sabat là tuyệt đối, nghĩa là coi trọng việc nghỉ ngày hưu lễ, đến nỗi dù có chữa bệnh thì cũng không được phép làm.
Chúa Giêsu đã phản ứng lại một cách mạnh mẽ và tố cáo sự giả hình của họ. Đây là một thứ giả hình tồi tệ nhất, vì nó đặt lợi ích vật chất lên trên những giá trị nhân bản. Ngày Sabat người ta còn được phép cho gia súc đi ăn uống, thế mà ở đây người ta lại không muốn cho Chúa Giêsu chữa lành bệnh cho một con người. Như thế, người ta đã biến con người trở thành kẻ phục vụ mù quáng cho lề luật, trong khi đúng ra lề luật được lập ra là vì lợi ích của con người, để phục vụ con người.
Trước phản ứng của Chúa Giêsu như vậy, có một vấn đề được đặt ra cho đời sống đạo của chúng ta: đâu là sự lựa chọn ưu tiên mà từ đó chúng ta phải tổ chức đời sống của mình? Hay nói một cách khác, chúng ta có được phép vin vào những lý do này nọ, để khước từ một hành động bác ái hay không?
Mọi lề luật của Chúa và Giáo Hội đặt ra là cốt đem lại ơn cứu độ cho con người. Vì thế, khi giữ luật, chúng ta không giữ vì chữ luật, nhưng giữ vì lòng mến Chúa và lợi ích các linh hồn.
Việc đi tham dự thánh lễ là tốt, chính đáng, nhưng nếu chúng ta nại lại lý do phải chu toàn luật mến Chúa này, mà khước từ việc cứu giúp một người đang mắc nạn, rất cần sự giúp đỡ của chúng ta lúc đó, thì như vậy chúng ta đã rơi vào nhóm những người biệt phái giả hình, câu nệ vào hình thức của lề luật. Và như vậy lề luật đã làm cản trở con đường nên thánh của chúng ta.
Chỉ khi nào chúng ta tuân giữ lề luật bằng động lực của tình yêu, thì khi đó lề luật sẽ trở thành êm ái nhẹ nhàng và sinh ích lợi cho chúng ta.
Và như thế chúng ta mới hiểu được câu nói của Chúa Giêsu: “Ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng”.
THỨ BA
Ep 5,21-33; Lc 13,18-21
Chúa Giêsu đã đến trong trần gian này là để thiết lập một vương quốc, nhưng không phải là vương quốc trần gian đổi thay, mà là vương quốc Thiên Chúa, là Nước Trời.
Sự hiện diện của Nước Trời đó, đã khởi sự nơi chính con người của Đức Giêsu Kitô, cùng với lời nói và những việc Ngài làm. Từ nay Nước Thiên Chúa đã trở thành một thực tại, và không một thế lực trần gian này có thể chặn đứng đà phát triển của nó. Vương quốc đó sẽ luôn tiến triển, hầu đạt tới một thành tựu viên mãn ở bên kia không gian và thời gian này.
Chính Chúa Giêsu cũng phải nhìn nhận rằng, lúc đầu Nước Thiên Chúa không tỏ ra một dấu hiệu nào cho thấy tương lai nó sẽ tiến triển. Thực vậy, Nước Thiên Chúa, qua Con Người Đức Giêsu Kitô đã đến một cách thật âm thầm, đến độ loài người đã không biết mà đón nhận. Đến nỗi thánh Gioan đã phải thốt lên: “Ngài đã đến nơi nhà của Ngài, mà người nhà đã không tiếp nhận Ngài” (Ga 1,11).
Cũng như cái vẻ bề ngoài nhỏ bé một một hạt giống xem ra khó có khả năng trở thành một cây vĩ đại. Thánh Marcô còn coi hạt cải là thứ hạt giống nhỏ nhất trong mọi thứ hạt trên mặt đất, ấy thế mà chính từ cái mầm sống nhỏ bé đó đã mọc thành một thân cây xum xuê cho chim trời dừng chân núp bóng.
Chúa Giêsu còn ví Nước Thiên Chúa hiện diện trong thế gian, tựa như chất men ủ trong thúng bột. Men là một thực tại sinh động, nó làm biến đổi thúng bột một cách âm thầm và liên lỉ.
Qua dụ ngôn hạt cải và men bột này, chúng ta hãy nhìn lại bối cảnh khi Chúa Giêsu rao giảng Tin Mừng. Đó là giai đoạn Chúa Giêsu thi hành sứ vụ tại miền Galilê. Xuyên qua thái độ của dân chúng, Chúa Giêsu đã thấy nhen nhúm lên một nỗi nghi ngờ ngấm ngầm, dẫn đến sự thất vọng.
Thêm vào đó giai cấp lãnh đạo tôn giáo lúc đó đã ra mặt chống đối một cách quyết liệt. Còn nhóm môn đệ khi ấy chỉ là một con số ít oi, và lại là những con người tầm thường nếu không muốn nói là dốt nát.
Vậy thì đâu là nguồn hy vọng cho Nước Trời mai sau? Chúa Giêsu rõ ràng đã dùng dụ ngôn này để củng cố niềm tin của các môn đệ. Bởi vì thực tại Nước Trời vẫn luôn là một mầu nhiệm, một mầu nhiệm lớn lao.
Nhưng Chúa Giêsu không mạc khải mầu nhiệm lớn lao này cho những người hiền triết khôn ngoan, mà lại mạc khải cho những người bé mọn, để rồi chính từ nhóm môn đệ ít oi và bé mọn này, sẽ bừng lên một vương quốc không ngừng lan rộng và bao trùm muôn dân.
Xin Chúa củng cố niềm tin của chúng ta, và mở lòng để chúng ta sẵn sàng đón nhận sứ điệp của Chúa, với tâm tình của những người đơn sơ bé mọn.
THỨ TƯ
Ep 6,1-9; Lc 13,22-30
Thiên Chúa là Cha chung của tất cả mọi loài. Thiên Chúa đã chuẩn bị Bàn Tiệc Nước Trời cho tất cả mọi người, không phân biệt một ai. Tuy nhiên lối vào phòng tiệc chỉ có một cửa duy nhất. Cửa đó chỉ mở ra cho những người đến đúng lúc với sự chuẩn bị xứng đáng. Những ai chậm trễ sẽ không thể vào được, nhất là khi cửa đã đóng lại rồi thì mọi lời kêu cầu đều trở thành vô ích.
Đoạn Tin Mừng hôm nay nói đến viễn tượng về ngày cánh chung, được ví như một phòng tiệc. Muôn dân từ khắp bốn phương trời đều được mời gọi đến tham dự bàn tiệc ấy.
Nhưng ở đây Chúa Giêsu muốn đưa ra lời cảnh cáo cho những người Israel cứng lòng. Họ là những người được gọi là “Dân Riêng” của Chúa. Họ được đón nhận lời hứa về Đấng Thiên Sai trước các dân tộc khác. Thế mà khi Đấng Cứu Thế đến, Ngài đã dùng lời nói và các phép lạ để minh chứng cho sứ mạng của Ngài, thì những người Do Thái lại chối từ Ngài.
Vì vậy, qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu có ý ám chỉ rằng không phải hễ mang danh là Dân Riêng, là “con cái trong nhà”, là con cái của Abraham, là có được một bảo đảm chắc chắn để đi vào phòng Tiệc, là Nước Trời.
Không phải bất cứ ai thưa “Lạy Chúa, lạy Chúa” mà được vào Nước Trời cả. Cũng không phải tất cả những ai đã được nghe, được thấy Chúa đều hội đủ tiêu chuẩn để vào Nước Trời.
Nhưng vấn đề quan trọng là phải phấn đấu, phải dùng sức mạnh, phải chiến đấu mới có thể lọt vào được phòng tiệc. Đó là ý nghĩa của cách nói “đi qua cửa hẹp”.
Do đó, mọi người đều được đặt trong một điều kiện bình đẳng để có thể vào Nước Trời. Nói cách khác, ai cũng có thể vào được Nước Trời, miễn là người đó biết đi vào cửa hẹp.
Vậy qua cửa hẹp là gì?
Qua những điều dạy dỗ của Chúa Giêsu về Nước Thiên Chúa, chúng ta có thể hiểu rằng: cửa hẹp của Nước Trời chính là phải tin vào Lời Chúa, thì hành thánh ý của Chúa. Đi vào cửa hẹp chính là biết từ bỏ mình vác thập giá mình mỗi ngày , dám bán tất cả những gì mình có để phân phát cho kẻ khó, dam hy sinh mạng sống vì kẻ khác, dám chấp nhận đi vào con đường thánh giá…
Nói tóm lại, là đi vào con đường Chúa Giêsu đã đi, một cuộc hành trình đi về Giêrusalem, đi lên Núi Sọ, để từ đó mở ra cho chúng ta bàn tiệc của vinh quang phục sinh.
Xin Chúa cho chúng ta biết xác tín vào chân lý đó để mỗi bước chân theo con đường thánh giá với Chúa sẽ là mỗi bước chân nở hoa dẫn chúng ta đến Bàn Tiệc vĩnh cửu Nước Trời.
THỨ NĂM
Ep 6,10-20; Lc 13,31-35
Đọc Tin Mừng, chúng ta thấy Chúa Giêsu đã bôn ba khắp nơi để rao giảng về Nước Thiên Chúa cho mọi người. Chúa Giêsu đã cố gắng mạc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những kẻ bị coi là nhỏ bé thấp hèn trong xã hội. Đồng thời Chúa Giêsu cũng tận lực tranh thủ làm sao để cho giới lãnh đạo tôn giáo thời đó, cũng nhận ra được mạc khải này.
Nhưng thật phũ phàng thay! Có biết bao nhiêu người đã bưng tai giả điếc làm ngơ trước những lời rao giảng của Chúa Giêsu. Thậm chí có người còn cố gằng tìm cách để triệt hạ Ngài. Mặc dù vậy, lòng ân cần thương yêu bao la của Thiên Chúa không bao giờ biết mỏi mệt hoặc suy giảm. Ngay cả vào giai đoạn cuối đời hoạt động của Chúa Giêsu, trong khi các thủ lãnh tôn giáo âm mưu xử tử Chúa Giêsu, thì Ngài vẫn luôn luôn tận tình với họ.
Qua đoạn Tin Mừng vừa nghe, chúng ta thấy được tâm tình tha thiết của Chúa Giêsu khi Ngài thốt lên: “Giêrusalem, ngươi đã giết hại các tiên tri và ném đá các sử giả được sai đến cùng ngươi, đã bao lần Ta muốn tụ họp con cái ngươi như gà mẹ ấp ủ con dưới cánh, thế mà ngươi đã không muốn…”.
Sau này thánh Gioan còn trình bày rõ hơn về tình thương của Thiên Chúa: “Thiên Chúa đã sai Con Một của Người đến trong thế gian để cho ta được sống nhờ Người… không phải vì ta yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã thương ta và sai Con Một của Người làm lễ vật đền tội lỗi cho ta” (1Ga 4,9-10).
Tóm lại, sứ mạng của Chúa Giêsu đến trong trần gian này là để tìm kiếm và cứu thoát những gì đã hư mất. Chính vì vậy suốt cuộc đời của Chúa Giêsu đã từng lặn lội đó đây để đi tìm những con chiên lạc. Chúa Giêsu đã không bỏ lỡ một cơ hội nào để có thể tiếp xúc với những đau khổ tội lỗi.
Việc đó đã trở nên chướng tai gai mắt đối với các người lãnh đạo tôn giáo thời đó. Họ liệt Chúa Giêsu vào hạng người mê ăn, bạn bè với quân thu thuế và tội lỗi. Nhưng Chúa Giêsu vẫn luôn trung thành với sứ mạng của mình, là biểu lộ tình thương của Thiên Chúa đối với con người.
Ngày nay, Thiên Chúa vẫn đang kiên trì nhẫn nại, kêu gọi mỗi người chúng ta trở về sống trong ân tình của Chúa. Chúa là nơi ẩn náu an toàn cho cuộc đời chúng ta.
Vì vậy, chúng ta hãy nghe lời kêu gọi của thánh Phaolô: “Anh em hãy mặc lấy mã giáp của Thiên Chúa… anh em hãy nhận lấy mũ chiến cứu độ và cầm gươm của Thánh Thần, tức là Lời của Thiên Chúa…”.
Chỉ khi nào chúng ta biết khiêm tốn và mở rộng cõi lòng để đặt trọn niềm tin vào Chúa, thì bấy giờ chúng ta sẽ “chống lại được với những mưu chước ma quỉ” và đón nhận dồi dào tình thương của Chúa.
THỨ SÁU
Pl 1,1-11; Lc 14,1-6
Đoạn Tin Mừng hôm nay tả lại một cuộc xung đột giữa Chúa Giêsu và những người biệt phái. Những người biệt phái tự coi mình là người bảo vệ lề luật. Họ nhân danh lề luật để chèn ép người khác. Họ giải thích lề luật theo mặt chữ, còn Chúa Giêsu giải thích lề luật dưới ánh sáng của tình yêu.
Cuộc xung đột giữa Chúa Giêsu và những người biệt phái hôm nay xảy ra trong một ngày Sabat, khi Chúa Giêsu chữa lành một người mắc bệnh thủy thũng. Đối với người biệt phái, thì ngày hưu lễ tuyệt đối cấm làm việc, kể cả việc chữa bệnh. Còn Chúa Giêsu thì coi luật tình yêu trọng hơn luật hưu lễ. Khi gặp ai đau khổ cần sự giúp đỡ thì luật tình yêu sẽ thắng vượt luật giữ ngày hưu lễ.
Thật vậy lề luật của Thiên Chúa không phải là một thứ xiếng xích vô tâm trói buộc con người, nhưng nó giúp con người sống đúng với tư cách con người, và nhất là đúng với địa vị của người Con Thiên Chúa.
Một trong những mục đích của ngày hưu lễ là để giải thoát con người khỏi trở thành nô lệ của công việc hằng ngày. Ngày hưu lễ được dùng để hiến dâng cho Thiên Chúa. Qua việc nghỉ ngơi ngày hưu lễ, Thiên Chúa muốn con người ý thức về vai trò “làm chủ thiên nhiên” của mình.
Thế nhưng, ý nghĩa cao cả này đã bị những người biệt phái và các ký lục biến thành một gánh nặng chồng chất lên vai kẻ khác. Người ta đã gạt bỏ hết ý nghĩa của yêu thương, biến con người trở thành nô lệ cho lề luật. Người ta đã tôn thờ mặt chữ của lề luật, còn phẩm giá của con người thì bị chối bỏ một cách phũ phàng.
Chúa Giêsu đến để giải phóng con người, lấy con người làm trọng điểm. Chúa Giêsu đã tóm tắt tất cả lề luật vào giới răn duy nhất đó là: “luật bác ái yêu thương”.
Mến Chúa yêu người chỉ là hai mặt của một giới luật yêu thương duy nhất, nên không thể chỉ tuân giữ điều này mà bỏ điều kia.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta duyệt lại thái độ sống của mình. Nếu chúng ta quan niệm rằng sống đạo là giữ một số qui luật của xã hội, hay là trung thành với một vài nghi lễ phụng tự, mà không biết duy trì mọi tương quan của chúng ta với những người chung quanh, thì chúng ta sẽ trở thành những người biệt phái mới, chúng ta tự giam mình trong một thứ nô lệ mới của lề luật.
Chỉ có một chân lý duy nhất trong cuộc sống đó là tình yêu. Chỉ có một lề luật duy nhất đó là luật bác ái.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết tuân giữ lề luật vì tình yêu Chúa và tha nhân. Xin cho chúng con xác tín rằng khi sống bác ái là chúng con sống trong tình yêu Chúa.
THỨ BẢY
Pl 1,18-26; Lc 14,1.7-11
Bản năng tự nhiên của con người thương thôi thúc chúng ta đi tìm một địa vị trổi vượt, có lợi cho mình trong xã hội của mình đang sống. Ai lại chẳng thích mình được kẻ khác kính nể, khen ngợi? Ai lại chẳng thích mình được trọng vọng ở giữa nơi công hộ hay đình đám? Chẳng vậy mà ca dao tục ngữ của chúng ta có câu: “Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”, hoặc là “Tiếng chào cao hơn mâm cỗ”.
Vì vậy có đôi khi trong cuộc sống của chúng ta sẽ vấp phải trường hợp đáng tiếc, thay vì được hãnh diện thì lại bị bẽ mặt, vì bị mời đi chỗ khác để nhường chỗ cho một người xứng đáng hơn.
Qua đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta có cảm tưởng như là một bài học Chúa Giêsu dạy chúng ta về cách xã giao, về lối xử thế ở đời, về phép lịch sự trong cuộc sống thường ngày. Nhưng với câu kết luận của đoạn Tin Mừng: “Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống và ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”, chúng ta hiểu rằng dụ ngôn đưa ta khỏi lãnh vực giao tế ở đời, và giúp chúng ta thêm xác tín rằng Thiên Chúa không thiên tư tây vị ai trong bàn tiệc Nước Trời.
Nếu những người biệt phái và ký lục thường dành lấy những đặc quyền, vì họ nghĩ rằng mình đã tuân giữ cặn kẽ các lề luật, và vì mình đang thủ giữ những chức vị cao trong tôn giáo. Và từ đó, họ tưởng rằng Thiên Chúa cũng xét đoán sự việc cùng một cách thế như họ, nghĩa là Thiên Chúa sẽ ưu đãi và dành cho họ một chỗ nhất trong Nước Trời.
Còn Chúa Giêsu thì lại muốn cho chúng ta hiểu rằng mọi vinh dự và mọi lời chúc tụng đều qui về một mình Thiên Chúa mà thôi.
Bởi thế, Chúa Giêsu cảnh cáo chúng ta đừng tìm kiếm đặc ân hay những vinh hoa phù phiếm bên ngoài. Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta bài học về sự khiêm nhường. Đừng bao giờ so sánh mình với kẻ khác và tự coi mình hơn họ, nhưng hãy phê phán chính mình bằng cách tự đặt mình ở trước mặt Chúa.
Chính lúc đó chúng ta phải thành thật nhận thấy mình nghèo hèn bé nhỏ như những trẻ thơ. Trẻ nhỏ thì không có những cao vọng lơn lao, không màng vinh hoa hào nhoáng. Nhưng trẻ nhỏ chỉ biết khiêm tốn và đặt trọn niềm tin tưởng vào người lớn.
Và đó chính là điều kiện để được vào Nước Trời, như lời Chúa Giêsu đã nói: “Ai không đón nhận lấy Nước Thiên Chúa như một trẻ nhỏ , thì không vào được trong đó” (Lc 18,17).