Philip Kosloski
Rất ít người biết về Thánh Luca sau khi ngài viết Sách Công vụ Tông đồ, dù một số truyền thống cho rằng ngài đã chết như một vị tử đạo.
Hầu như các vị tông đồ từng đi bên cạnh Chúa Giêsu trên thế gian đều đã chết một cái chết thê thảm. Các ngài sẵn lòng hy sinh mạng sống vì tình yêu dành cho Chúa Giêsu Kitô và không từ bỏ niềm tin của mình.
Thánh Luca, tác giả Tin mừng, là bạn đồng hành của Thánh Phaolô, không phải là một trong mười hai tông đồ. Ngài đã cải đạo sang niềm tin Kitô giáo sau khi Chúa Giêsu chết và phục sinh.
Ngài có thể đã phỏng vấn những người biết rõ Chúa Giêsu, và người ta còn tin rằng thánh Luca còn nói chuyện với cả Đức Trinh nữ Maria.
Tác phẩm của Thánh Luca đã mang lại cho ngài danh hiệu Nhà Truyền Giáo, và đó cũng là cách mà Giáo hội thường xuyên nhắc đến ngài nhất.
Thánh nhân chết như thế nào?
Giáo hội khá im lặng về cách mà ngài đã qua đời. Sách Tuẫn giáo Rôma năm 2004 cung cấp một tiểu sử ngắn gọn, nhưng không đề cập đến cái chết của ngài:
“Lễ Thánh Luca, nhà truyền giáo, theo truyền thống, sinh tại Antiôkia trong một gia đình ngoại giáo và là một bác sĩ chuyên nghiệp, cải đạo tin vào Chúa Kitô. Trở thành bạn đồng hành thân thiết của Thánh Phaolô Tông đồ, ngài đã cẩn thận biên soạn tất cả các việc làm và giáo huấn của Chúa Giêsu trong Phúc âm, trở thành người ghi chép về sự hiền lành của Chúa Kitô, và đã thuật lại trong Công vụ Tông đồ bước đầu cuộc sống của Giáo hội cho đến khi Phaolô ở lại Rôma lần đầu tiên.
Thánh Giêrôm cũng không nói gì về cái chết của Luca trong ghi chú tiểu sử:
Thánh Luca thọ 84 tuổi và không kết hôn. Thi hài của ngài hiện nằm tại Constantinople, được chuyển đến từ Achaia, cùng với thánh tích của Thánh Anrê tông đồ vào năm thứ 20 triều đại Constantine.
Bách khoa toàn thư Công giáo cung cấp thêm một số thông tin nền tảng về cái chết của ngài:
Epiphanius kể rằng Luca đã giảng dạy ở Dalmatia (có truyền thống nói vậy), Gallia (Galatia?), Ý và Macedonia. Là một nhà truyền giáo, chắc hẳn ngài đã phải chịu nhiều đau khổ vì Đức tin, nhưng người ta còn tranh cãi liệu Luca có thực sự tử đạo hay không.
Truyền thống phụng vụ của Giáo hội cũng mơ hồ, vì Thánh Luca chỉ được nhắc đến như một nhà truyền giáo, nhưng linh mục theo nghi lễ Rôma lại mặc lễ phục đỏ vào ngày lễ của ngài, màu này thường dành cho các vị tử đạo.
Bất kể điều gì thực sự đã xảy ra, Thánh Luca đã sống một cuộc đời có ý nghĩa, soạn ra một trong những tin mừng được yêu thích nhất, giúp lan truyền đức tin Kitô giáo trên toàn thế giới.
G. Võ Tá Hoàng