Tội lỗi thực sự của Giuđa là gì?


Tom Hoopes

Sách Giáo lý cung cấp khá nhiều điều để suy ngẫm về Giuđa.

Tội của Giuđa là gì và nó liên quan thế nào đến chúng ta trong thế kỷ 21 này?

Gần đây có rất nhiều suy đoán về Giuđa. Các trường đại học đang dựng vở kịch “Những ngày cuối cùng của Giuđa Iscariốt”, một vở kịch tưởng tượng cảnh Giuđa bị đưa ra xét xử, với sự tham gia của các nhân chứng bao gồm Sigmund Freud và Satan. Và trước thềm phát hành mùa thứ 5 của bộ phim The Chosen, các nhà làm phim tiết lộ rằng sẽ miêu tả nhiều hơn về sự phản bội của Giuđa.

Sách Giáo lý đề cập đến Giuđa ba lần khi chia sẻ những sự thật quan trọng.

Trước hết, theo Giáo lý Công giáo, tội lỗi của Giuđa cho thấy phần nào tính chất tàn bạo của mọi tội lỗi.

Mọi tội lỗi đều bạo lực vì nó đến từ ma quỷ. Satan, sau khi từ chối Thiên Chúa đã nhắm đến việc phá hoại Ngài — nhưng hắn không thể làm gì chống lại Thiên Chúa toàn năng. Cho nên, thay vào đó ma quỷ đã tàn phá các thụ tạo của Chúa. Mọi tội lỗi đều có chung đặc tính với tội lỗi của Satan — và của Giuđa thì rõ ràng cũng như vậy.

Trong Gioan chương 6, Chúa Giêsu nói : “một người trong anh em là quỷ” (Ga 6, 70), ám chỉ Giuđa. Trong Luca và Gioan, ma quỷ nhập vào Giuđa trước khi ông rời khỏi nhóm của Chúa Giêsu để phản bội Ngài. Nhưng bạn không thể đổ lỗi hoàn toàn cho quỷ.

Giuđa là kẻ phản bội

Ma quỷ không khiến chúng ta phạm tội; nó lợi dụng điểm yếu vốn đã tồn tại. Giống như các thiên thần lấp đầy chúng ta với lòng can đảm và năng lực, ma quỷ lấp đầy chúng ta bằng nỗi sợ hãi và xao lãng. Khi chúng ta nhìn thế giới qua lăng kính của ma quỷ, thay vì của Thiên Chúa, nó trông giống như một nơi đầy đe dọa mà chúng ta phải chinh phục và kiểm soát, thay vì một nơi được chúc lành với Đấng sáng tạo sẽ chăm sóc chúng ta nếu chúng ta cho phép.

Như Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói : “Ma quỷ đã nhập vào Giuđa; chính ma quỷ đã đưa ông đến thời điểm này. Và câu chuyện của ông kết thúc như thế nào? Ma quỷ trả giá tệ. Hắn không đáng tin. Hắn hứa hẹn mọi thứ, cho bạn thấy mọi thứ, và cuối cùng hắn bỏ bạn lại một mình trong sự tuyệt vọng, để tự treo cổ mình”.

Thứ hai, sách Giáo lý Công giáo cho biết, chúng ta không thể biết được mức độ trách nhiệm của Giuđa (hay bất kỳ ai khác) trong tội lỗi của họ.

Ngay cả khi nói đến Cuộc Khổ Nạn, Giáo lý Công giáo nói: “Tội lỗi cá nhân của những người tham gia (Giuđa, Hội đồng Do thái, Philatô) chỉ có một mình Thiên Chúa biết”.

Tuy nhiên, Giuđa là một câu chuyện cảnh báo về tội lỗi của chúng ta, cho thấy chúng ta như thế nào. Bất kể mức độ lỗi lầm của ông ra sao, Giuđa không bao giờ được nhắc đến trong Phúc âm mà không được xác nhận là kẻ đã phản bội Chúa Giêsu. Điều tương tự cũng xảy ra với chúng ta: những lựa chọn xấu xa của chúng ta, bất kể với lý do gì, sẽ gắn liền với chúng ta.

Trong lịch sử phương Tây, điều này thường có nghĩa là Giuđa được miêu tả như một hình tượng của ác quỷ, như một con quái vật gần như không còn nhân tính. Ngay cả một nhà văn đầy sắc thái như Dante Alighieri cũng miêu tả Giuđa như hiện thân của tội lỗi: Một người phản bội người bạn thánh thiêng của mình, mãi mãi bị kẹt trong chiếc hàm của Satan.

Có dấu hiệu cho thấy “The Chosen” sẽ dễ dãi hơn đối với Giuđa, giống như bộ phim “Đức Giêsu thành Nazareth” của Franco Zeffirelli. Luke Dimyan, người đóng vai Giuđa trong The Chosen cho biết: "Tôi hy vọng mọi người nhận ra rằng Giuđa không phải là một nhân vật phản diện mà là một bi kịch".

Mặc dù không miễn tội cho kẻ phản bội, ông nói: “Giuđa là một sự tan vỡ, một câu chuyện buồn về nỗi thất bại… thất bại đó phản ánh những gì con người chúng ta có thể trở thành… bất kỳ ai trong chúng ta cũng có khả năng làm được”.

Ông ấy nói đúng. Bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể làm những gì Giuđa đã làm — ngay cả khi Rước lễ, theo Giáo lý Công giáo.

Khi bảo chúng ta đến gần Thánh Thể với lòng sùng kính và chăm chú, Sách Giáo lý trích dẫn Phụng vụ Thánh của các Giáo hội Đông phương, trong đó những người chịu lễ hứa rằng hành động này sẽ được thực hiện một cách tôn kính, chứ không giống như nụ hôn của Giuđa.

Điều này là do hai đoạn Phúc âm liên kết tội lỗi của Giuđa với Bí tích Thánh Thể. Nhưng có một đoạn khác nói về động cơ của Giuđa.

Trong Phúc âm Gioan, Giuđa phản đối khi Maria, chị của Lazarô, xức dầu thơm đắt tiền lên chân Chúa Giêsu. Hắn hỏi: “Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo?” Gioan nhanh chóng chỉ ra rằng: “Hắn nói thế không phải vì lo lắng cho người nghèo khó đâu, mà vì hắn là tên trộm cắp, lại được giữ túi tiền”.

Đây là một tội phổ biến khác của con người: Tập trung vào chiều ngang của cuộc sống, mối quan tâm của chúng ta đối với các thụ tạo khác, thay vì chiều dọc — lòng sùng kính của chúng ta đối với Thiên Chúa. Cho dù có vẻ cao quý đến đâu, đặt tình yêu thương người lân cận lên trên tình yêu Chúa là sự thờ ngẫu tượng, chắc chắn là thờ bất kỳ thụ tạo nào cũng là thờ ngẫu tượng.

Đây chính là mối liên quan giữa Giuđa và chính trị

Vào tháng 11 năm 2022, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã lưu ý đến khía cạnh chính trị trong câu chuyện về Giuđa, ngài nói rằng kẻ phản bội “nhầm lẫn sứ mệnh của Chúa Kitô với chủ nghĩa cứu thế chính trị”.

Ý tưởng là Giuđa mong đợi, giống như một số tông đồ khác, rằng Chúa Giêsu đến để đánh bại các thế lực trần gian của kẻ thù Israel. Ngài sẽ không làm vậy. Chính trị thì rất quan trọng. Truyền giáo thậm chí còn quan trọng hơn.

G. Võ Tá Hoàng

Mới hơn Cũ hơn