Xức dầu cho bệnh nhân khi nào? Và phải làm gì lúc lâm chung mà linh mục không có ở đó?



Trong những tình huống nào có thể ban bí tích xức dầu cho bệnh nhân? Và tại thời điểm cận kề cái chết mà không có sự hiện diện của linh mục thì phải làm gì?

Tôi muốn biết trong những trường hợp nào có thể ban bí tích xức dầu cho bệnh nhân: chỉ trong trường hợp bệnh nhân cận kề cái chết, hay trong những tình huống khác? Trong trường hợp người thân đang hấp hối, nếu linh mục không hiện diện ở đó để cử hành các bí tích thì chúng ta có thể làm gì?

Cha Valerio Mauro, giáo sư Thần học Bí tích, trả lời

Câu hỏi của độc giả dẫn chúng ta đến trước một tình huống làm tổn thương sâu xa tình cảm của chúng ta: căn bệnh hiểm nghèo của người thân. Theo giả thuyết được đề xuất, tức là anh chị em của chúng ta đang cận kề cái chết, bản chất của hai câu hỏi có khác nhau, nhưng cả hai đều liên quan đến mong muốn người bệnh được chăm sóc, theo quan điểm an ủi tôn giáo.

Bắt đầu từ vấn đề thứ nhất, liệu việc xức dầu bệnh nhân có thể được cử hành vào những dịp khác ngoài lúc lâm chung hay không? Câu trả lời rõ ràng đã được nêu ra trong các chỉ dẫn phụng vụ hiện hành.

Cuộc cải cách của Công đồng đã làm sáng tỏ giá trị của bí tích xức dầu bệnh nhân. Đó là ơn của Chúa Thánh Thần để sống đức tin trong cơn nguy kịch và được nâng đỡ để chống lại mọi cám dỗ có thể xảy ra. Chiều kích thiêng liêng này của ân sủng bí tích được xác nhận qua việc tha thứ tội lỗi mà niềm tin của Giáo hội cho rằng nó có liên quan đến việc xức dầu, nhưng không thể loại trừ những lợi ích mang lại cho sức khỏe thể xác.

Do việc canh tân quan điểm thần học này đã dẫn đến việc đổi tên thành “xức dầu bệnh nhân” thay vì “xức dầu cuối cùng” như trước đây. Tuy nhiên, Giáo hội xác nhận rằng bí tích này hỗ trợ đặc biệt trong thời điểm mong manh của cuộc gặp gỡ dứt khoát với Thiên Chúa sự sống. Theo truyền thống, tính đặc thù này vẫn duy trì tất cả giá trị của nó, nhưng bí tích xức dầu có phạm vi liên hệ rộng hơn.

Khi tưởng nhớ đến những cử chỉ cứu độ của Chúa, Giáo hội luôn coi trọng việc chăm sóc bệnh nhân cả về thể chất lẫn tinh thần. Đó là sự vâng phục của đức tin đối với ý muốn của Chúa Kitô, Đấng mà hành động chữa lành của Ngài là dấu hiệu hữu hình về cuộc chiến thắng cánh chung của Ngài trên sự dữ. Do đó, trở lại với câu hỏi cụ thể của độc giả, bí tích xức dầu có thể được ban một cách thích hợp “cho các tín hữu trong tình trạng sức khỏe bị suy giảm nghiêm trọng do bệnh tật hoặc tuổi già”, được đánh giá theo một phán đoán thận trọng hoặc có thể xảy ra (Bí tích Xức dầu và chăm sóc mục vụ cho bệnh nhân, Dẫn nhập, số 8).

Ngoài ra, cũng cần nhấn mạnh rằng việc cử hành tự nó bao gồm cả sự hiện diện của gia đình bệnh nhân và khả năng của chính họ để tham gia tích cực vào nghi thức. Việc trì hoãn lãnh nhận bí tích vì sợ bệnh nhân sẽ trở nên đau khổ, bằng cách liên kết sự hiện diện của linh mục với cái chết sắp xảy ra của chính họ, được coi là một “thói quen xấu” (Dẫn nhập, 13). Chúng ta được mời gọi sống như những người có đức tin ngay cả trong kinh nghiệm bi thảm của cái chết. Để đáp lại lời kêu gọi đức tin này, việc cử hành bí tích xức dầu giúp chúng ta với tất cả ân sủng đặc biệt của nó.

Nhưng không phải linh mục lúc nào cũng có hay sẵn sàng. Đây là trường hợp thứ hai được độc giả đặt ra, làm nảy sinh câu hỏi thứ hai. Ngày cả trong trường hợp này, Giáo hội đưa ra cho chúng ta nhiều khả năng khác nhau, bởi vì trong suốt lịch sử, nhiều lời cầu nguyện chuyển cầu khác nhau cho các bệnh nhân, đặc biệt khi họ chuẩn bị tiến về thung lũng tối tăm mà tất cả chúng ta đều phải đi qua. Việc cầu nguyện phó dâng linh hồn, cùng với những lời nguyện khác được Giáo hội phổ biến và công nhận, có giá trị chuyển cầu, dựa trên mối dây liên kết chúng ta trong Thân Thể duy nhất của Chúa là Giáo hội. Nhờ Bí tích Rửa tội, chúng ta có thể đến gần Thiên Chúa qua Chúa Giêsu Kitô, Đấng trung gian giữa chúng ta và Chúa Cha, và lời cầu nguyện rửa tội của chúng ta được kết hợp với lời cầu nguyện của Chúa Kitô, Đấng hằng sống để chuyển cầu cho chúng ta. Vì vậy, mọi người đã được rửa tội đều có thể cầu nguyện cho người hấp hối, bằng những lời cầu nguyện mà truyền thống Giáo hội đã truyền lại trong suốt lịch sử.

Hai tài liệu tham khảo tôi không muốn bỏ sót. Đầu tiên là lòng sùng kính truyền thống đối với Thánh Giuse, người đã chăm sóc hiền thê của mình là Đức Maria và người con là Chúa Giêsu bằng tình phụ tử. Nhưng hơn bao giờ hết, trong thời điểm này cũng như trong những thời điểm khó khăn khác của cuộc đời, chúng ta hãy kêu cầu Mẹ Maria, Mẹ của Thiên Chúa, mà toàn thể nhân loại đã được giao phó từ thập giá. Lời kinh Kính Mừng nhắc nhở về sự chuyển cầu của Đức Maria trong giờ lâm tử của chúng ta. Về mặt cá nhân, đối với tôi, những lời này dường như là những lời phong phú nhất trong truyền thống Giáo hội.

G. Võ Tá Hoàng
Mới hơn Cũ hơn