6 câu Kinh Thánh về việc yêu thương người lân cận



Cerith Gardiner

Đôi khi rất khó để yêu thương những người mà bạn không chủ động lựa chọn hoặc không muốn có trong cuộc sống của mình. Những câu Kinh thánh dưới đây là lời nhắc nhở hãy kiên trì.

Trong Kinh thánh, Chúa Giêsu bảo chúng ta: "Ngươi phải yêu tha nhân như chính mình". Điều này không phải lúc nào cũng dễ, đặc biệt là khi có những khác biệt rõ rệt khiến việc tìm kiếm điểm chung trở nên khó khăn.

Tuy nhiên, điều quan trọng là phải nhớ rằng, vẫn có đó nét đẹp của việc yêu thương những người không nhất thiết phải chia sẻ các giá trị của bạn, sở thích âm nhạc của bạn, hoặc những người gây ra cho bạn nỗi đau hay căng thẳng nào đó.

Giờ đây hơn bao giờ hết, chúng ta cần nhớ đến tầm quan trọng của việc mở rộng tình yêu thương đến những người láng giềng gần xa. Hy vọng rằng những câu Kinh thánh này sẽ giúp điều đó trở nên dễ dàng hơn:

“Ngươi không được trả thù, không được oán hận những người thuộc về dân ngươi. Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình. Ta là Đức Chúa” (Lv 19,18).

Câu Kinh thánh trích từ sách Lêvi là nền tảng để hiểu rằng tình yêu là trung tâm của công lý và lòng thương xót. Nó không chỉ khuyến khích tránh xa việc trả thù mà còn buông bỏ lòng thù hận. Trong thế giới ngày nay, nơi mà phương tiện truyền thông xã hội có thể khuếch đại những cảm xúc tiêu cực và bất đồng, câu này kêu gọi chúng ta hãy tha thứ và nhìn người khác với lòng trắc ẩn hơn là phán xét họ.

Thực ra, yêu tha nhân như chính mình bao hàm sự đồng cảm và tôn trọng, đặt ra một mô hình cho sự hài hòa cá nhân và xã hội.

“Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5, 43-44).

Ở đây Chúa Giêsu muốn biến đổi ý tưởng yêu thương bằng cách mở rộng ra cho kẻ thù của mình. Đó là lời kêu gọi triệt để vượt trên sự thù địch và chọn hòa bình thay vì trả thù. Trong bối cảnh hiện đại, chúng ta thường gặp những cá nhân hoặc nhóm có niềm tin đối lập, dẫn đến xung đột. Câu Kinh thánh này mời gọi chúng ta đón nhận một tình yêu bao gồm việc vượt qua sự chia rẽ, tán thành sự hiểu biết, đối thoại và lòng tốt, ngay cả đối với những người thách thức chúng ta.

“Ông ấy thưa: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình." Đức Giêsu bảo ông ta: "Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống” (Lc 10,27-28).

Câu này nắm bắt được bản chất của đức tin trong hành động -- yêu Chúa và yêu tha nhân như một biểu hiện hoàn chỉnh của mục đích sống. Chúa Giêsu dạy rằng tình yêu người khác không thể tách rời khỏi tình yêu dành cho Thiên Chúa của chúng ta, nó cho thấy rằng đức tin chân thật tự nhiên mở rộng lòng tốt và quan tâm đến người khác.

Mệnh lệnh kép này có thể hướng dẫn chúng ta nhận thấy công bằng xã hội, giúp đỡ từ thiện và những hành động tử tế đơn giản như những biểu hiện của đức tin. Ngày nay, nó đòi hỏi chúng ta đưa ra những lựa chọn phản ánh tình yêu, đặc biệt là trong việc giải quyết các vấn đề về nghèo đói, bất bình đẳng và lòng trắc ẩn đối với những người bị gạt ra ngoài lề xã hội.

“Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13, 34-35).

Với những lời này, Chúa Giêsu nâng tình yêu từ một lý tưởng trở thành dấu hiệu nhận biết của những người theo Ngài. Tình yêu này vượt quá tình cảm thân thiện; nó được mô phỏng theo tình yêu tự hiến của Chúa Kitô. Trong thời đại mà con người thường được định nghĩa bởi những gì chia rẽ họ, câu này nhấn mạnh tình yêu như là đặc điểm chính của một cộng đồng trung thành.

Nó khích lệ một tình yêu thể hiện qua hành động, nuôi dưỡng các cộng đồng nơi mọi người hỗ trợ lẫn nhau, tôn vinh sự đa dạng và thể hiện lòng trắc ẩn theo những cách có thể truyền cảm hứng cho tất cả chúng ta.

“Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật” (Rm 13,8).

Thánh Phaolô nhấn mạnh tình yêu như món nợ cuối cùng mà chúng ta nợ nhau, đặt nó trên một nghĩa vụ pháp lý hoặc trách nhiệm xã hội. Bằng cách coi tình yêu như một “món nợ”, câu này khuyến khích một cam kết liên tục và chủ động để chăm sóc người khác.

Điều này đặc biệt phù hợp trong xã hội ngày nay, nơi có sự kết nối nhưng thường bị phân mảnh. Nó nói lên lời kêu gọi phổ quát là phục vụ người khác mà không tư lợi. Trong một câu nói ngắn gọn, thánh Phaolô thúc đẩy các mối liên kết xã hội và hợp tác. Đối với Phaolô, tình yêu là nguyên tắc chỉ đạo cuối cùng, truyền cảm hứng cho mọi người, vượt qua bổn phận đơn thuần và đón nhận thái độ luôn chăm sóc cho nhau.

“Nếu ai nói: "Tôi yêu mến Thiên Chúa" mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy. Đây là điều răn mà chúng ta đã nhận được từ Người: ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình” (1Ga 4, 20-21).

Câu này chỉ ra sự giả dối bằng cách liên kết tình yêu dành cho Thiên Chúa với tình yêu dành cho người khác một cách không khoan nhượng. Nó nhắc nhở chúng ta rằng đức tin chân thật phải được phản ánh trong hành động của chúng ta đối với những người xung quanh. Trong xã hội hiện đại, nơi mà định kiến và loại trừ vẫn có thể tồn tại song đôi, giáo huấn này kêu mời chúng ta từ chối lòng thù ghét và chủ động chấp nhận lòng trắc ẩn và sự tôn trọng đối với mọi cá nhân. Nó củng cố rằng tình yêu không chỉ là một cảm giác mà là một cam kết đối xử với người khác bằng phẩm giá mà họ xứng đáng, tôn vinh mối liên hệ nội tại giữa nhân loại và thần linh.

G. Võ Tá Hoàng
Mới hơn Cũ hơn