Joshua J. Whitfield
Thật may mắn là Tân ước không ghi chép như những chỉ dẫn lắp đặt cho một màn hình phẳng. Đó cũng không phải là một công trình thần học hệ thống, được một thần học gia nào đó viết ra theo chuỗi luận lý. Thay vào đó, Tân ước là một tập hợp các bản văn được linh ứng (một bộ sưu tập bao gồm các Tin mừng, thư tín, một tác phẩm lịch sử hộ giáo ngắn và sách khải huyền), miêu tả chân lý của Đức tin như một tác phẩm nghệ thuật. Đó là chân lý của Tin mừng: tin vui về việc Chúa Con nhập thể, chết và phục sinh, Ngài là một với Chúa Cha, Đấng đã sai phái Ngài, và Ngài chia sẻ sự nên một ấy với những kẻ tin, qua ân sủng của Thánh Thần, trong sự hiệp thông mà chúng ta gọi là Giáo hội.
Xem xét Tân ước với một cái nhìn rộng mở hơn, chúng ta sẽ nhận ra rằng, trong các bản văn thánh, thực thể mà ta gọi là Giáo hội được trình bày theo những cách thế và dưới những khía cạnh khác nhau với việc sử dụng những hình ảnh biệt loại. Theo một nghĩa nào đó, mỗi hình ảnh chứa đựng một chiều kích riêng biệt của Giáo hội nhưng đồng thời cũng soi rọi cho khía cạnh khác.
Nhưng trước tiên, chúng ta hãy xem xét Giáo hội như một hiện tượng có tính liên vị, nghĩa là, như một thực thể được sinh ra, tồn tại và phát triển trong và giữa những người cùng chia sẻ niềm tin vào Đức Giêsu. Dựa trên những gì rút ra từ Tin mừng Gioan chương 17 – cách Đức Giêsu cầu nguyện trước là cho các môn đệ và sau là cho những ai tin “nhờ lời của họ” – việc tìm kiếm những khởi nguồn về mặt liên bản vị của Giáo hội là điều hoàn toàn hợp lý (Ga 17,20). Trên thực tế, đây là điều chúng ta chứng kiến ngay đầu Thư thứ nhất của thánh Gioan. Công vụ Tông đồ cũng miêu tả sinh động sự nở rộ về mặt địa lý và đặc sủng đầy ngoạn mục của Giáo hội, và có cả một lượng lớn người đã gia nhập cộng đoàn tín hữu. Còn trong thư thứ nhất của Gioan, chúng ta nhận thấy điều ấy diễn ra dưới chiều kích liên vị một cách sâu sắc hơn. Gioan diễn đạt về mặt thần học và tâm linh điều Luca mô tả về mặt lịch sử: cách đức tin lan truyền và hoạt động phúc âm hóa diễn ra – từ người này đến người khác, nhờ Thần Khí.
“Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe… đã tận mắt thấy… đã chiêm ngưỡng… đã chạm đến… là Lời sự sống” (1Ga 1,1). Đây là người môn đệ đã tựa đầu vào ngực Đức Giêsu trong bữa Tiệc Ly; và cơ bản mà nói, tất cả những gì Gioan muốn nói đó là: “Tôi biết Ngài. Tôi có có kinh nghiệm cá vị với Ngài. Tôi đã gặp gỡ Đức Giêsu”. Nhưng rồi Gioan nói thêm: “Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi” (1Ga 1,3). Đây là sứ vụ hướng đến vinh quang – Chúa Cha sai phái Chúa Con và Chúa Con sai phái các tông đồ, còn Gioan xác nhận “chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa”. Đó là cách sứ vụ diễn ra, cách Giáo hội tăng triển – từng môn đệ chia sẻ “Lời sự sống” cho người khác, qua toàn bộ dòng lịch sử.
Hãy chú ý đến lý do tại sao Gioan chia sẻ Tin mừng, đó là “để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi”. Nhờ chia sẻ sự hiệp thông của Ba Ngôi, việc chia sẻ Tin mừng làm nên sự hiệp thông của Giáo hội. Chứng từ cá nhân thu hút các tín hữu vào trong sự hiệp thông. Cần phải hiểu rõ tầm quan trọng của việc này. Điều Gioan cho biết không phải là: “Này bạn, có một tôn giáo được gọi là Kitô giáo với một loạt những luận đề và biện giải hấp dẫn mà rõ là lý trí bạn sẽ tán thành”. Thay vào đó, ngài tuyên bố: “Tôi đã gặp Đức Giêsu, và tôi muốn cả bạn cũng gặp được Ngài. Tại sao ư? Để bạn có thể cùng hiệp thông với chúng tôi, mà huyền nhiệm thay, đó cũng là hiệp thông với Thiên Chúa”. Một điểm chú ý khác nữa là sự hiệp thông các tông đồ. Gioan, một trong nhóm Mười hai, mời gọi độc giả bước vào “sự hiệp thông với chúng tôi”. Nghĩa là đức tin cá vị vào Đức Kitô, một cách tất yếu, cũng lôi kéo từng người chúng ta vào trong Giáo hội. Niềm tin và sự hiệp thông không thể bị tách rời. Điều này nghe có vẻ xa lạ đối với cảm quan cá nhân chủ nghĩa đương thời, nhưng thực tại cộng đoàn của Đức tin là điều hiển nhiên trong Kinh thánh.
Vậy điều này cho ta biết gì về Giáo hội? Khi bạn đến cộng đoàn giáo xứ của mình hay bất kỳ một cộng đoàn Kitô hữu nào, bạn sẽ thấy gì? Rất hy vọng là bạn sẽ thấy một nhóm đa dạng, gồm những con người đến từ mọi tầng lớp, hoàn cảnh sống, những nhóm người mà bạn có thể mô tả về mặt lịch sử, xã hội và kinh tế. Nhưng điều đó vẫn chưa đủ để nói lên tất cả. Sự hiệp thông của Giáo hội Công giáo còn là sự hiệp thông của Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Thánh Thần. Sự hiệp thông của Giáo hội hàm chứa một chân lý thần linh và một chiều kích sâu xa. Giáo hội không giống với một câu lạc bộ. Nếu đơn thuần như vậy thì thành thật mà nói, ngoài kia có nhiều câu lạc bộ còn tuyệt hơn. Giáo hội thì khác. Sự hiệp thông của Giáo hội là một sự hiệp thông giữa con người – cả thánh nhân và tội nhân – nhưng cũng là sự hiệp thông của Thiên Chúa, một mối hiệp thông thần linh. Nói cách khác, điều khác biệt nơi Giáo hội nằm ở tính mầu nhiệm.
Đó là lý do Gioan kiên định nói về niềm vui. Bởi vì ngài đang bàn về một sự hiệp thông mầu nhiệm có thể mang lại niềm vui đích thực – “để niềm vui của chúng ta nên trọn”. Đây chính xác là niềm vui mà Đức Giêsu đã xin khi cầu nguyện với Chúa Cha (x. Ga 17,13). Khi một môn đệ chia sẻ Tin mừng cho người khác và người đó bước vào sự hiệp thông, niềm vui sẽ gia tăng – cả niềm vui của người môn đệ lẫn người mới tin. Về mặt bản chất, niềm vui ấy là khởi đầu của thiên đàng.
Thêm nữa, chúng ta cũng có thể xem xét việc này kỹ lưỡng hơn. Chúng ta không những có thể nhìn Giáo hội như một hiện tượng có tính liên vị mà còn có thể khám phá khởi nguồn của Giáo hội theo cấp độ cá vị. Bước vào sự hiệp thông của Giáo hội, qua các tông đồ, cốt lõi nằm ở một cuộc gặp gỡ cá vị với Đức Giêsu, một nụ hôn thân mật giữa bạn với Đấng linh hồn bạn yêu mến, một cuộc hoán cải sâu xa. Đó là điều xảy ra khi người nào đó chia sẻ Đức tin với người khác để người ấy đón nhận đức tin. Ở đây xuất hiện một chiều kích cộng đoàn – Giáo hội gồm hơn một tỷ người – nhưng trong sự hiệp thông phổ quát luôn luôn tồn tại một sự hiệp nhất cá nhân mà mỗi người có với Đức Kitô.
Chúng ta nhận ra điều này được mô tả bằng nhiều cách khác nhau trong Tân ước. Trong Thư gửi tín hữu Dothái, chúng ta được nghe cả Đức Kitô và những kẻ tin “đều do một nguồn gốc”. Đức Giêsu – “Đấng Thánh hóa” và những kẻ tin – “người được thánh hóa” hiệp nhất trong vinh quang, đây là lý do Đức Giêsu gọi những kẻ tin và “anh em” (Hr 2,11-12). Phaolô nhấn mạnh điều này hơn nữa trong Thư gửi tín hữu Galát. Theo ngài, sự hiệp nhất của những kẻ tin trong Đức Kitô biểu thị căn tính sâu xa nhất của các tín hữu. Nghĩa là, một số tín hữu có thể theo Đảng Cộng hòa, số khác lại là thành viên Đảng Dân chủ, nhưng điều này chỉ diễn tả sự đồng thuận chính trị. Một số có thể ủng hộ Notre Dame trong khi số khác cổ võ cho Stanford, nhưng điều này chỉ nói lên sự trung thành với trường học. Cho dù chúng ta có nhiệt đình quả quyết đến đâu thì chúng cũng chỉ đơn thuần là những đặc điểm bề ngoài mà thôi. Chúng không thể cho biết gì về việc bạn là ai chính xác theo bản tính của bạn. Việc tin vào Đức Kito thì khác; điều này thay đổi bạn. “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Phaolô đang nói về điều gì đó sâu xa hơn sự hiệp nhất về mặt chính trị hay thậm chí là triết lý, càng không phải là chuyện về sự trung thành đối với trường học! Phaolô không hề tuyên bố kiểu như: “Tôi là người Cộng hòa vì tôi tin vào chính phủ hạn chế [limited government]”. Đúng hơn, ngài đưa ra một tuyên bố sâu sắc về phẩm cách linh hồn ngài. Ngài cũng không đặt vấn đề về sự cần thiết của sự đồng thuận lý trí. Ngài nhắm đến chính căn tính của mình. Đó là lý do ở một chỗ khác, ngài đã mô tả đời sống trong Đức Kitô bằng thuật ngữ “thụ tạo mới” (2Cr 5,17). Dĩ nhiên, điểm này sẽ được thảo luận khi chúng ta khám phá phép rửa. Còn đơn giản là giờ đây, điều đó đã đủ chỉ ra rằng, đây là điều diễn ra trong sự hiệp thông của Giáo hội xét ở cả khía cạnh cá vị lẫn liên vị. Đây là điều chúng ta tin về bản chất của Giáo hội; đây là cách mà Giáo hội phát triển và trường tồn – đó là sự hiệp thông giữa những kẻ tin, những kẻ được tái sinh trong Đức Kitô, được lãnh nhận Tin mừng và niềm vui của Ngài, và khao khát chia sẻ đức tin và niềm vui ấy cho người khác. Như Luca trong Công vụ Tông đồ đã nói đến, đức tin này đã bắt đầu lan đi nhanh chóng – như một ngọn lửa không ngừng tỏa rộng.
Grêgôriô Võ Trần Nhựt chuyển ngữ