Điều chúng ta tin, phần 11: Giáo hội hoàn vũ



Joshua J. Whitfield

Tự nơi cội nguồn Ba Ngôi, Giáo hội là sự nên một của Cha và Con được mở ra cho các kẻ tin trong Thần Khí. Khởi đi từ nhà Tiệc ly cùng với lời cầu nguyện của Đức Giêsu dâng lên Chúa Cha, Giáo hội dẫn đưa chúng ta bước đi trên hành trình đã khởi sự từ chính đêm hôm ấy – là hành trình mà chúng ta gọi là sứ vụ hướng đến vinh quang.

Dõi theo mầu nhiệm này từ một góc độ khác, cần phải lưu ý rằng, Giáo hội vượt xa khỏi những gì có thể được xác định về mặt địa lý, và cũng vượt xa hơn những gì có thể được mô tả về mặt liên vị lẫn cá vị. Công vụ Tông đồ kể lại câu chuyện về Giáo hội từ Giêrusalem cho đến Rôma, nhưng rõ ràng Giáo hội còn lớn lao hơn thế - lớn lao đến không thể đo lường.

Giáo hội, một cách nào đó, cũng có thể được mô tả dưới khía cạnh hoàn vũ. Nghĩa là, không chỉ lan rộng khắp mặt địa cầu, không chỉ hiện hữu trong việc chia sẻ đức tin và niềm vui giữa những kẻ tin được tái sinh, nhưng Giáo hội, một cách mầu nhiệm, còn bao hàm nơi mình cả công trình tạo dựng – tức toàn bộ vũ trụ. Giáo hội là sự hiệp thông trong Đức Kitô, Đấng là Ngôi lời tạo dựng và cứu chuộc (Logos), nhờ Ngài mà “muôn vật” bước vào hiện hữu (Ga 1,3). Một số Giáo phụ đã viết về điều này, như thánh Maximô Tuyên giáo chẳng hạn. Ngài khẳng định chính trong và nhờ Ba Ngôi, không chỉ một phần nhưng toàn thể vũ trụ có thể được “thần hóa” (Ad Thalassium 2). Đó là bởi Đức Kitô đã tạo dựng toàn thể vũ trụ. Vì thế, theo một nghĩa nào đó, sự hiệp thông của Giáo hội phản ảnh và báo hiệu về ơn cứu chuộc và vương quyền hoàn vũ của Đức Kitô trong tư cách là Chúa muôn loài. Thiên Chúa trong Đức Kitô, Đấng mà các kẻ tin được rửa tội trong Ngài, cũng chính là “Thiên Chúa duy nhất, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người” (Ep 4,6). Do vậy, như Đức Kitô là Ngôi lời tạo dựng và cứu chuộc thế nào, thì Giáo hội cũng là bí tích (dấu chỉ hữu hình) cho chân lý này thể ấy.

Chúng ta nhận ra điều này trong Thư gửi Tín hữu Êphêsô. Các kẻ tin là những người mà tâm hồn của họ - chính xác hơn là “đôi mắt tâm hồn” - được “soi sáng”, bởi vì họ “biết rõ đâu là niềm hy vọng” và “gia nghiệp vinh quang” thuộc về mình. Nghĩa là các kẻ tin biết rằng Đức Kitô, Đấng đã chết và đã phục sinh, nay đang ngự “bên hữu Thiên Chúa trên trời, trỗi cao hơn mọi đầu vị, thế lực, sức mạnh và quyền thống trị, và hơn mọi danh đã được ban, không những trong thời này mà còn vào thời sẽ đến”. Họ biết rằng Đức Kitô là đầu của toàn thể, là “sự viên mãn” nơi mọi sự (Ep 1,18-23). Hạn từ “sự viên mãn” [trong Hy ngữ] là pleroma, một thuật ngữ gây nhiều căng thẳng trong các cuộc tranh luận thần học thời kỳ đầu, chẳng hạn, trong các cuộc tranh luận của thánh Irênê với các nhà tư tưởng của lạc thuyết Ngộ đạo. Theo một khía cạnh, hạn từ này chỉ về sự viên mãn của Thiên Chúa; chẳng hạn, “sự viên mãn” của Thiên Chúa ngự trong Đức Giêsu (Cl 1,19). Do đó, Đức Kitô là Thiên Chúa cách viên mãn. Lại nữa, Thiên Chúa là sự viên mãn của mọi sự. Bởi lẽ, Ngài là Đấng sáng tạo và là Đấng duy trì cho mọi sự hiện hữu. Vì vậy, Đức Kitô là pleroma của mọi sự, và Giáo hội chia sẻ pleroma của Đức Kitô. Nói đến khía cạnh hoàn vũ của Giáo hội là nói đến việc Giáo hội làm chứng cho quyền thống trị phổ quát của Đức Giêsu Kitô.

Đây hoàn toàn không phải là lối nói cường điệu. Để hiểu những lời tuyên bố được đưa ra trong thư Êphêsô, chúng ta cần nhớ cách người xưa quan niệm về thế giới chính trị và tôn giáo. Hoạt động chính trị trong thế giới cổ đại được cho là một nghệ thuật thánh thiêng, bán-thần linh. Vị hoàng đế được xem là thánh thiêng và bán-thần linh, kể cả nhà nước cũng vậy. Thêm nữa, đối với não trạng cổ thời, thế giới tự nhiên cũng thánh thiên và bán-thần linh, được kiểm soát bởi các quyền năng siêu nhiên cả thiện lẫn ác, và cũng bị chi phối bởi số mệnh. Đối với tâm trí thời bấy giờ, thế giới và vũ trụ vừa mê hoặc vừa đáng sợ. Như thế, điều mà thư Êphêsô đang nói đến, đó là những kẻ tin, những kẻ tâm hồn được soi sáng, khi biết rằng Đức Giêsu đang ngự bên hữu Chúa Cha trong tư cách vừa là Chúa của Giáo hội cùng là Chúa của thế giới, theo nghĩa toàn thể vũ trụ được tạo dựng, thì cá nhân họ đang nhận thức về một quyền năng lớn lao hơn mọi quyền năng và thế lực khác, dù là thế lực chính trị, thiên thần hay ma quỷ. Họ nhận ra Đức Kitô là Chúa tể ở trên hết thảy, cũng là Đức Chúa mà họ đang sống trong Ngài, nhờ Thần Khí, trong sự hiệp thông của Giáo hội.

Và hãy nghĩ xem, điều này có sức giải thoát biết bao, đặc biệt là với những tín hữu quê mùa hoặc bị gạt ra bên lề xã hội. Điều đó cho thấy rằng – khi tin Đức Giêsu thực sự là Chúa trên hết mọi sự, cùng là Chúa mà những kẻ tin sống trong Ngài và Ngài sống trong họ (Gl 2,20) – người ta không còn cần phải sợ hãi những quyền lực khủng khiếp của thế gian, cả chính trị, ma quỷ hay là thứ gì khác. Ngay cả số mệnh bấp bênh cũng phải tùng phục dưới vương quyền của Chúa Giêsu Kitô.

Thật dễ nhận ra ở đây lý do mà thông điệp Kitô giáo lại có sức hút đối với những người bị gạt ra bên lề xã hội đến thế. Và cũng thật dễ thấy nguyên nhân Kitô giáo bị xem như mối dấy loạn vào các thế kỷ đầu của Giáo hội. Nếu hoàng đế Rôma là đại diện bán-thần linh cho quyền lực thánh thiêng của nhà nước, vậy thì những kẻ theo Kitô giáo có ý gì khi nói: “Không, Đức Giêsu mới thật là Chúa?”. Bạn có thấy được vấn đề nhìn từ quan điểm của thế quyền Rôma không? Đây là lý do Giáo hội sơ thời có rất nhiều chứng nhân tử đạo. Chẳng hạn, hãy tưởng tượng một thiếu nữ thời cổ đại tin vào Đức Kitô. Khi gia nhập Giáo hội, cô quyết định dâng hiến đời mình cho Đức Kitô, cam kết sống trọn đời trinh khiết. Một cách trực tiếp, cô đã thực hiện hai hành vi hết sức nguy hiểm. Thứ nhất, cô hạ thấp tính thánh thiêng của nhà nước và hoàng đế Rôma, và vì đó, trở thành kẻ bị khai trừ về mặt chính trị. Thứ đến, bằng việc giữ đời trinh khiết, cô chối từ chế độ gia trưởng của xã hội Rôma, một chế độ khắc nghiệt và hùng mạnh hơn cả bất kỳ điều gì, cho dù chỉ là suy tưởng, trong xã hội Kitô giáo. Người cha, pater familias, nắm giữ quyền sinh sát trên con cái. Và như thế, đối với một phụ nữ trẻ, việc giữ đức đồng trinh là một sự chối bỏ minh nhiên đối với cả quyền uy của người cha và sự ràng buộc của xã hội. Đây là lý do Kitô giáo vào những thế kỷ đầu bị nhiều người xem là như một phong trào bài gia đình đầy nguy hại. Bởi lẽ, khi nhận Đức Giêsu là Chúa, các Kitô hữu cự tuyệt việc thừa nhận bất kỳ người nào làm Chúa.

Kitô giáo đã tương đối hóa mọi thẩm quyền và mọi mối tương quan trần thế - chính trị, chế độ gia trưởng cùng những điều tương tự - và vì thế, thật dễ hiểu làm sao mà tôn giáo đến từ miền quê Palestina này lại thu hút những người chịu áp bức trong xã hội đến vậy. Kitô giáo lôi cuốn trước hết những người nghèo và bị gạt ra bên lề xã hội, chính bởi trung tâm của sứ điệp Kitô giáo là câu chuyện về một người không quyền không thế, đã phải chịu khổ hình thập giá, nhưng cũng là Đấng đã được tôn vinh trên mọi quyền lực, Đấng ấy ban cho bất kỳ ai tin vào Ngài có được số phận giống như Ngài, tất cả là để “ngợi khen vinh quang Thiên Chúa” (Ep 1,11-14).

Có thể nhận thấy điều này qua những gì Đức Giêsu đã rao giảng về Nước Thiên Chúa trong suốt sứ vụ tại thế của Ngài. Nói về tầm mức hoàn vũ của Giáo hội là nói về cách mà Giáo hội tương liên với vương quốc do Đức Giêsu loan báo. Vương quốc, theo nghĩa chính xác, đã “gần kề” (Mc 1,15). Tuy nhiên, đó cũng là điều thuộc về tương lai, là điều sẽ “đến” (Mt 6,9) như chúng ta cầu nguyện trong kinh Lạy Cha. Nhưng theo một nghĩa khác, vương quốc thậm chí còn kế cận chúng ta hơn nữa, như Đức Giêsu tuyên bố, nước ấy “ở giữa các ngươi” (Lc 17,21). Dù hiện diện trọn vẹn nhưng Nước Trời cũng là một mầu nhiệm chưa hoàn tất cho đến khi xuất hiện trời mới đất như trong thị kiến của Gioan (Kh 21,1). “Vương quốc” là một hình ảnh khác để chúng ta hiểu về sự hiệp thông giữa Chúa Cha và Chúa Con, là điều mà Đức Giêsu đã cầu nguyện trong Gioan chương 17. Đó cũng là một cách thế khác để mô tả Giáo hội, dù không thể hoàn toàn đồng nhất [Giáo hội với Nước Thiên Chúa]. Giáo hội thuộc về Nước Thiên Chúa, còn tự thân Giáo hội không phải là Nước Thiên Chúa. Giáo hội là dấu chứng cho Nước Thiên Chúa, hiện hữu trong Nước Thiên Chúa. Giữa Giáo hội với Nước Thiên Chúa có liên hệ tất yếu dù vẫn còn là một mầu nhiệm kín ẩn. Chỉ cần nắm bắt điểm mấu chốt này, đó là Giáo hội không thuần túy như một tổ chức thế tục. Bén rễ tự trong Ba Ngôi, Giáo hội vượt ra ngoài khuôn khổ của bất kỳ thể chế nhân loại nào. Giáo hội chia sẻ pleroma của Đức Kitô.

Giáo hội thuộc về một vương quốc vừa hữu hình lẫn vô hình, bao gồm cả những người còn sống lẫn qua đời, cùng với các thiên thần. Giáo hội thuộc về vương quốc được gọi là “Giêrusalem trên trời”, với “vô vàn các thiên sứ quy tụ trong hội vui cùng đoàn lũ con đầu lòng” (Dt 12,22-23). Trong phụng vụ, chúng ta ghi nhận sự hiện diện của đoàn người trên trời này, đặc biệt nhất là trong các Kinh nguyện Thánh thể của Giáo hội, khi vị linh mục xướng lời dẫn vào kinh Sanctus (“Thánh, Thánh, Thánh…”). Vị linh mục đọc: “Vì thế, cùng với các Thiên thần và Tổng lãnh Thiên thần, các Bệ thần và Quản thần, cùng toàn thể đạo binh thiên quốc, chúng con không ngừng hát bài ca chúc tụng vinh quang Chúa rằng…” (Kinh Tiền tụng Thánh thể I, Mùa Thường niên). Khi cộng đoàn quy tụ dâng Thánh lễ, những người hiện diện không chỉ là những người chúng ta nhìn thấy, nhưng còn có cả các thiên thần và các thánh. Niềm tin vào một Giáo hội vừa thuộc trần thế vừa thuộc thiên đàng, nơi các thiên thần và các thánh, có thể nói được cách nào đó, cùng hòa quyện làm một với chúng ta, được minh chứng tỏ tường trong Kinh thánh và phụng vụ. Tôi vẫn luôn xem điều này một nét đầy tươi sáng của niềm tin Công giáo. Bởi nếu Giáo hội Công giáo chỉ bao gồm các tín hữu mà bạn nhìn thấy, thì lắm lúc bạn sẽ cảm thấy u ám, thậm chí không thể chịu đựng nổi. Ai lại muốn gia nhập vào một cộng đoàn mà một số thời điểm thật chê trách như thế? Nhưng điều chúng ta nhìn thấy nơi Giáo hội lại không phải là toàn bộ những điều làm nên Giáo hội. Thật là một niềm khích lệ lớn lao khi biết được rằng, mỗi lần bạn bước vào trong nhà thờ giáo xứ của mình, một nhà nguyện nào đó hay đến với bất kỳ một cộng đoàn tín hữu nào, bạn cũng đang bước vào trong một nơi chốn thánh thiêng, với biên giới vươn xa khỏi mọi chân trời hữu hình – bước vào trong một Giáo hội mang tầm vóc hoàn vũ, bao trùm toàn thể vũ trụ.

Grêgôriô Võ Trần Nhựt chuyển ngữ
Mới hơn Cũ hơn