THỨ HAI
Pl 2,1-4; Lc 14,12-14
Gợi ý 1:
Với nhịp sống sô bồ, quen chạy theo lợi nhuận, về lâu về dài, con người dễ đánh mất tính nhưng-không, rơi vào những tính toán vụ lợi, điều gì cũng phải “có qua có lại”. Lời Chúa hôm nay là một tiếng chuông được gióng lên để cảnh tỉnh tất cả chúng ta.
“Mỗi người đừng chỉ nghĩ đến những sự thuộc về mình, nhưng hãy nghĩ đến những sự thuộc về kẻ khác”. Thánh Phaolô đang mời gọi chúng ta học lấy cách xử sự của của Giêsu Kitô. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu Kitô mời gọi chúng ta học lấy cách xử sự của Thiên Chúa Cha. Dù nơi Thiên Chúa Cha hay nơi Đức Giêsu Kitô, chỉ có một cách xử sự duy nhất, đó là cống hiến, phục vụ vì yêu thương, không bao giờ cùng, không bao giờ ngơi nghỉ, không bao giờ tính toán: Thiên Chúa Cha ban Con Một (x. Ga 3,16) và ban Thánh Thần của Người cho nhân loại; Đức Giêsu Kitô sẵn sàng hy sinh mạng sống để phục vụ công cuộc cứu độ loài người.
Còn chúng ta thì sao?
Trong quan hệ với anh chị em, phải chăng chúng ta còn so đo hơn thiệt, thậm chí trả đũa?
Ngay trong quan hệ với Thiên Chúa qua các giờ cầu nguyện, phải chăng chúng ta có cách nhìn Thiên Chúa như một vị thần chuyên giúp chúng ta “lấp các lỗ trống”, chuyên đáp ứng các nhu cầu lớn nhỏ của chúng ta. Để rồi, với cái nhìn hẹp hòi, khi thấy nhu cầu của mình chưa được đáp ứng trọn vẹn, chúng ta phiền trách Chúa?
Đức Giêsu Thánh Thể lại sắp đến với chúng ta. Chúa là quà tặng của Chúa Cha, khi ở trong lòng chúng ta, sẽ giúp chúng ta tin tưởng tuyệt đối vào tình thương của Chúa Cha, để dám đi đến những tâm tình và hành vi phó thác anh hùng. Cũng chỉ khi ấy, chúng ta mới biết tự hiến vì hạnh phúc của anh chị em.
Chúa Thánh Thần sẽ nâng đỡ chúng ta.
Gợi ý 2:
Giáo đoàn Philipphê là một giáo đoàn được thánh Phaolô yêu quí nhất. Vậy mà qua bài đọc I ngày hôm nay, chúng ta thấy dường như Giáo Hội này đã có nơi mình những mầm mống của sự chia rẽ. Bởi vì đã có một số người đã muốn tỏ ra cho mình trổi vượt hơn kẻ khác, hay đã có những kẻ đã muốn chạy theo những mục đích có tính cách vụ lợi. Do đó, qua bài đọc I hôm nay, thánh Phaolô đã muốn nhắc nhủ với tất cả cộng đoàn, và tha thiết kêu mời họ là hãy biết sống hiệp nhất trong tình bác ái.
Và nguồn cội làm phát sinh sự hiệp nhất giữa các tín hữu, chính là Ba Ngôi Thiên Chúa. Quả thực, ở tận thâm sâu của tâm hồn chúng ta, có sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa. Các Ngài tuy là Ba, nhưng chỉ là Một. Nếu biết kết hiệp với Ba Ngôi Thiên Chúa ở trong chúng ta, thì làm sao chúng ta có thể chia rẽ với nhau được. Ngược lại, chúng ta sẽ sống và cổ võ cho tình hiệp nhất giữa chúng ta.
Mặt khác, chúng ta cũng biết là khi Phaolô viết bức thư này, là lúc thánh nhân đang bị cầm tù. Tuy sống trong cảnh chim lồng cá chậu, Phaolô đã không buồn rầu ủ dột. Bằng chứng là đang khi ở trong hoàn cảnh mà người đời cho là hoạn nan ấy, Phaolô đã khuyên các tín hữu ở Philipphê sống vui vẻ. Bởi vì đối với Phaolô, cảnh tù ngục, sự đau khổ, hay cuộc chiến đấu thường ngày phải được chúng ta sống trong sự vui vẻ. Và Phaolô còn xin các tín hữu của mình hãy bổ túc và làm cho niềm vui mà ngài đang có, được tràn đầy. Vì vậy, niềm vui phải là đặc điểm của đời sống người Kitô hữu chúng ta. Chúng ta phải ban phát niềm vui cho những ai chúng ta gặp gỡ hôm nay, chúng ta cũng hãy xin những ai mà chúng ta sẽ gặp ngày hôm nay mang lại niềm vui cho chúng ta. Nếu đời sống của người Kitô hữu chúng ta luôn luôn tươi trẻ và vui vẻ như vậy, thì cuộc sống của chúng ta mới hấp dẫn và lôi cuốn kẻ khác. Có mang niềm đến cho người khác, chúng ta mới thực thi tình bác ái yêu thương, ít là ở mức tối thiểu.
Trong khi đó, theo bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta phải thực thi lòng yêu thương bác ái ở mức độ cao hơn, nghĩa là Chúa Giêsu muốn chúng ta biết thực thi một cách vô vị lợi, không mong báo đền. Quả thực, khi chúng ta yêu thương những người thân yêu của mình, thì xét cho cùng, đó là chúng ta thương chính mình. Bởi vì những người thân yêu mà chúng ta yêu mến đó, cũng là những người máu mủ ruột thịt của chúng ta. Rồi trong xã hội, khi làm tiệc, người đời thường chỉ mời những người giàu có, hay những người cùng địa vị, cùng giai cấp xã hội với mình. Trong khi đó, Chúa Giêsu lại dạy chúng ta hãy ưu tiên yêu thương và mời gọi những người nghèo khó và tật nguyền đến dự tiệc với mình. Lý do là bởi vì họ không có gì để đền đáp chúng ta. Và tình yêu thương như vậy mới thật sự là tình yêu thương của Tin Mừng Phúc Âm, nghĩa là yêu thương mà không trông báo đền, một tình yêu thương vô vị lợi hoàn toàn, yêu thương vì nghe theo lời Chúa dạy, yêu thương vì niềm tin vào Thiên Chúa. Một tình yêu như vậy mới là tình yêu có giá trị trước mặt Thiên Chúa.
Vì vậy, chúng ta hãy cầu xin Chúa mở rộng lòng của chúng ta, để chúng ta biết yêu thương anh em một cách vô vị lợi, để nhờ đó chúng ta có thể giúp cho mọi người cũng biết yêu thương nhau và hiệp nhất nên một trong Chúa.
THỨ BA
Pl 2,5-11; Lc 14,15-24
Gợi ý 1:
Nghiền ngẫm Lời Chúa hôm nay, hẳn là mỗi người chúng ta sẽ cảm thấy bàng hoàng, vì những kiểu chọn lựa phi lý của mình.
Bài Tin Mừng nói rõ: Thiên Chúa mời gọi mỗi người chúng ta đi vào “dự tiệc trong Nước của Người”, và Thiên Chúa tha thiết mong muốn (Bài Tin Mừng nói rằng ông chủ mời hai lần, mời đi mời lại) chúng ta đến dự. Thiên Chúa mong muốn đưa chúng ta đến chỗ được cùng với Thiên Chúa hưởng niềm vui viên mãn, hạnh phúc viên mãn, trong sự hiệp thông cuộc sống.
Tuy nhiên, con người đã không đến, với những lý do thật tầm thường, đó là vì đang bám vào một của cải vật chất, đang phải bảo vệ một tài sản, đang có một niềm vui nhất thời… Rõ ràng, người ta không ý thức rằng mình đang là đối tượng của một sự chọn lựa, một sự ưu ái.
Thiên Chúa vẫn tha thiết mời gọi. Chỉ “những người hành khất, tàn tật, đui mù, què quặt” mới được vào dự tiệc trong Nước Thiên Chúa mà thôi. Một sự mỉa mai? Một sự khôi hài? Bài học là: nếu người ta còn thấy rằng mình “có”, người ta sẽ không tha thiết với chính ơn gọi của người ta, và khi đó, họ đánh mất chính ý nghĩa của cuộc đời họ.
Tấm gương tự hủy của Đức Giêsu trong bài ca của thư Philipphê giúp chúng ta suy nghĩ lại lối sống lâu nay của chúng ta: Đức Giêsu, phận là Thiên Chúa, đã chấp nhận đi theo nẻo đường thập giá, nẻo đường tự hủy. Vì thế, Đức Giêsu Kitô đã được tôn vinh và đã cứu chuộc cả nhân loại.
Chúng ta sắp rước lấy Chúa Giêsu tự hủy nhưng cũng đã được tôn vinh vào lòng. Ước gì những tâm tình của Đức Giêsu thấm nhuần lòng trí chúng ta, để chúng ta biết nhận ra và giúp anh chị em mình nhận ra Lời Thiên Chúa đang mời gọi mọi người đi vào hạnh phúc Nước Trời, nhờ đó, chúng ta biết thực hiện những chọn lựa cụ thể trong cuộc sống.
Gợi ý 2:
Chúa Giêsu là mẫu gương của tất cả các tín hữu chúng ta, đặc biệt là về sự tự hạ. Trong khi loài người chúng ta, từ ông Ađam cho đến nay, chúng ta thường có khuynh hướng tự cao tự đại, muốn nâng mình lên và bất phục Thiên Chúa. Trong khi đó Chúa Giêsu lại từ bỏ sự cao trọng của Thiên Chúa, để hủy mình ra không, mặc lấy xác phàm, và đã vâng lời cho đến chết, và là một cái chết nhục nhã trên cây thập giá. Và chính nhờ sự tự hạ của Chúa Giêsu, mà Thiên Chúa đã tôn phong Ngài và đặt Ngài lên trên hết tất cả mọi thụ tạo trên trời dưới đất.
Sau khi đã đưa ra mẫu gương khiêm tốn của Chúa Giêsu như vậy, Phaolô đã khuyên các tín hữu của mình, tức là những chi thể của cộng đoàn Giáo Hội, hãy biết đối xử với nhau như là những chi thể của Chúa Giêsu. Trong khi đó, Chúa Giêsu, mặc dù thân phận là một vị Thiên Chúa, nhưng Ngài đã tự hạ, đã hủy mình ra không, mà không đòi cho được ngang hàng với Thiên Chúa. Như vậy qua lời khẳng định trên đây, Phaolô muốn khẳng định Chúa Giêsu là một Thiên Chúa vinh quang, và Ngài đã có từ trước muôn thuở. Rồi đồng thời, Phaolô cũng muốn xác nhận rằng qua cuộc giáng trần nhập thể làm người, Chúa Giêsu đã từ bỏ tất cả mọi đặc quyền, vinh quang và danh dự mà Ngài với tư cách là Con Thiên Chúa, có quyền được hưởng.
Quả thực, Chúa Giêsu đã tự hủy ra không, đã lãnh lấy thân phận tôi đòi. Điều này có nghĩa là Chúa Giêsu đã muốn trở thành một con người như chúng ta, một con người phận nhỏ, một con người có địa vị thấp hèn, và nhất là Ngài muốn trở nên một con người vâng phục, một con người biết vâng theo thánh ý Thiên Chúa, một con người hoàn toàn bị lệ thuộc vào người khác. Và đó là tất cả những ý nghĩa trong chữ “tôi đòi” mà Phaolô đã dùng cho Chúa Giêsu. Và sự tự hạ, cũng như là sự vâng phục này của Con Thiên Chúa, luôn luôn được các thánh trong mọi thời đại ưu thích suy niệm. Và chính khi suy nghĩ về thân phận khốn cùng của Chúa Giêsu như thế, Thiên Chúa muốn mời gọi chúng ta cũng hãy đi vào con đường tự hạ và tự hủy như thế. Chính những người phận nhỏ và khiêm tốn như vậy, mới là những người biết vâng phục thánh ý Thiên Chúa hơn ai hết, và biết đáp trả lời mời của Thiên Chúa hơn ai hết.
Bằng chứng là trong bài Tin Mừng ngày hôm nay nói về dụ ngôn những khách được mời dự tiệc cưới. Thiên Chúa mời tất cả mọi người vào trong bữa tiệc huynh đệ của Thiên Chúa. Những kẻ kiêu căng, hợm hĩnh lại từ chối lời mời gọi của Thiên Chúa. Trái lại, những hạng người có tâm hồn nghèo khổ lại biết đáp trả lại lời kêu gọi của Thiên Chúa. Quả thực, Chúa Giêsu đã nói trong bài giảng trên núi: “Phúc cho những ai có tình thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”. Như vậy, sự nghèo khó trong tâm hồn được coi như là nền tảng chính yếu của mọi cuộc sống người Kitô hữu. Sự nghèo khó ở đây, chúng ta không nên hiểu là một thái độ đối với tiền của, nhưng nó là điều kiện thiết yếu để có thể đón nhận Nước Trời, cũng như là để vâng nghe Lời Chúa. Vả lại, những người có tâm hồn nghèo khó, thường không nương tựa vào bất cứ một cái gì ở trên thế gian này, nhưng họ chỉ biết cậy dựa vào Thiên Chúa.
Vì vậy, chúng ta hãy bắt chước Giêsu mà có thái độ tự hạ, biết hủy mình ra không trong cuộc sống thường ngày, để chúng ta dễ dàng cậy dựa vào Thiên Chúa, và biết vâng nghe Lời Chúa, hầu cuộc sống của chúng ta được làm vinh danh Chúa .
THỨ TƯ
Pl 2,12-18; Lc 14,25-33
Gợi ý 1:
Phát động một sự hào hứng nồng nhiệt hời hợt của đám đông bằng những lời hô hào, cổ võ với giọng điệu hùng biện hay với những hành động ngoạn mục: đây là điều tương đối dễ. Đức Giêsu không tin tưởng vào những thành công bề ngoài, dù những thành công này đã đưa lại cho Đức Giêsu những cặp mắt say sưa chiêm ngưỡng, những đôi tai mê man lắng nghe. Điều mà Đức Giêsu mong muốn, đó là có được những người môn đệ chân chính, kiên trì, tín trung. Và con số môn đệ như thế thì không được đông bao nhiêu (x. Ga 2,23-25).
Vì thế, Đức Giêsu lưu ý các thính giả để ý tới điều nghiêm túc Chúa chờ đợi nơi họ: gắn bó với bản thân Chúa và với giáo lý của Chúa, thì sẽ phải trả một giá đắt như thế nào (x. Lc 9,23-26.57-62). Đúng là một giá rất đắt! Chọn Chúa trên những tình cảm gia đình có nhiều hình thức:
- Trong thời bách hại: chịu tố cáo hay bị ruồng bắt (x. Mt 10,21).
- Trong thời bình thường: phải có một thái độ tôn giáo giữa một gia đình nguội lạnh hay chống đạo (x. Mt 10,34-37).
- Từ bỏ việc xây dựng những thành quả theo sở thích riêng tư vị kỷ của mình.
Khi đó, niềm vui nằm ở ngay sự chọn lựa: chính đây là một sự chọn lựa có khả năng đưa lại ý nghĩa cho cuộc đời mình. Tiêu chuẩn đánh giá không phải là được hay không được sung sướng bề ngoài. Niềm vui có Chúa là gia nghiệp là một niềm vui sâu xa, có sức nồng ấm tỏa lan, giúp vượt qua mọi gian khổ trong đời.
Dấn thân theo Chúa trong đời sống Kitô hữu, là một vấn đề hệ trọng. Ích gì một cái nhà dở dang không mái? Ước gì một cuộc chinh chiến đổ vỡ giữa chừng? Đời Kitô hữu đã một lần theo Chúa, thì phải đi tới cùng, mới nếm cảm được hoa trái tuyệt vời.
Đức Giêsu đến với chúng ta, giúp chúng ta kiên vững: “Nếu như Chúa chẳng xây nhà…” (Tv 126,1). Đức Giêsu sẽ giúp chúng ta xây xong tòa nhà là đời sống Kitô hữu: tòa nhà này đã khởi công từ ngày chúng ta được rửa tội. Đức Giêsu sẽ giúp chúng ta đi tới cùng trong cuộc chiến đấu chống ba thù: chúng ta sẽ được chia sẻ vinh quang với Chúa trên Nước Trời.
Gợi ý 2:
Sau khi Phaolô đã cho những tín hữu ở Philipphê thấy làm thế nào mà Chúa Giêsu đã vòa được trong vinh quang của Thiên Chúa Cha. Đó là nhờ Ngài biết đón nhận thân phận làm người và biết vâng phục Thiên Chúa Cha. Đây là con đường duy nhất để được cứu độ. Và giờ đây trong bài đọc I của ngày hôm nay, thánh Phaolô cũng mời gọi các tín hữu ở Philipphê hãy biết ra công làm việc để cho được ơn cứu độ. Quả thật, họ cần biết ra công làm việc để cho được ơn cứu độ. Bởi vì Thiên Chúa hằng hoạt động ở trong họ. Nếu họ chấp nhận vâng theo thánh ý Thiên Chúa, thì họ sẽ làm chiếu dãi một thứ ánh sáng ở giữa loài người, và đồng thời họ còn trở thành một lý do để Ngài hãnh diện trong ngày phán xét.
Tuy nhiên, sống cuộc sống hằng ngày với tất cả những khổ cực của nó, không phải là một điều dễ. Cũng như là vâng theo thánh ý Thiên Chúa xuyên qua những chi tiết của cuộc sống đơn điệu thường ngày, đòi hỏi nơi người tín hữu một sự can đảm và nhẫn nại lớn lao. Quả thật, trong cuộc sống thường ngày, Thiên Chúa hằng hiện diện qua những người mà chúng ta gặp gỡ, tiếp xúc hay săn sóc. Trong tất cả mọi công việc, con mắt đức tin sẽ giúp cho chúng ta nhận thấy một thực tại khác, một thực tại vô hình, đó là sự hiện diện của Thiên Chúa. Thiên Chúa không phải là Đấng bất động. Thiên Chúa không phải là một vị Thiên Chúa xa vời, nhưng Thiên Chúa hiện diện nơi ta đang ở, Người có mặt chỗ ta hành động. Tuy nhiên, chúng ta có thể tự hỏi: Thiên Chúa làm gì ở đó? Xin thưa là Thiên Chúa ở trong chúng ta để làm phát sinh nơi chúng ta ước muốn và hành động. Thiên Chúa ở tận trong tâm hồn chúng ta, Người tác động ngay trên những hành động của chúng ta, nếu chúng ta biết vâng nghe theo Người.
Thế nhưng, một trong những công việc chắc chắn mang lại cho chúng ta ơn cứu độ hơn hết, đó là hãy bước theo Chúa Giêsu, như bài Tin Mừng ngày hôm nay đã đề cập đến. Tuy nhiên, việc dấn bước đi theo Chúa ở đây, đòi hỏi chúng ta rất nhiều hy sinh, rất nhiều công sức. Chúa Giêsu đã nói rõ: phàm ai không vác khổ giá mà đi theo Ta, ắt không thể làm môn đệ Ta. Có thể những lời tuyên bố của Chúa Giêsu ở trên đây làm cho chúng ta khó chấp nhận, hay nhiều lúc chúng ta để cho lời tuyên bố đó qua đi, như thể là nó không có liên hệ gì đến chúng ta. Có lẽ ngày xưa, một số nhà giảng thuyết đã quá nhấn mạnh đến lối tu đức ái khổ, cũng như là có một số các vị thánh đã thực thi lối sống đó, nghĩa là hãy chịu đau khổ càng nhiều càng hay, để sau này được hưởng hạnh phúc Nước Trời.
Nhưng dù sao, chúng ta đừng để cho mình bị rơi vào những thái cực, chúng ta cần phải tái khám phá giá trị sâu xa của lời tuyên bố này của Chúa Giêsu. Bởi vì, những kẻ chỉ biết nói với chúng ta về hạnh phúc, về thú vui, là những kẻ nói dối, là những nhà tuyên truyền một thứ ích kỷ tầm thường. Bởi vì, trong cuộc sống, chúng ta nhận thấy rằng không ai có thể thành đạt mà lại không phải chịu nhiều hy sinh, cực khổ.
Vì vậy, việc dấn bước đi theo Chúa Giêsu, là một vấn đề sinh tử cho phần rỗi của chúng ta sau này. Xin cho chúng ta hằng ngày, biết thật sự từ bỏ mình, vác thập giá của mình, mà đi theo Chúa cho đến cùng.
THỨ NĂM
Pl 3,3-8; Lc 15,1-10
Gợi ý 1:
Con người ngày nay sống trong sợ sệt: sợ bị chỉ trích, sợ không được yêu, sợ sự thật bị khám phá, sợ bị bỏ rơi, sợ cộng đồng không chấp nhận mình, cha mẹ sợ con cái nổi loạn, con cái sợ cha mẹ áp đảo, vợ sợ chồng bất tín, chồng sợ vợ ngoại tình, thầy cô sợ học trò phá phách, học trò sợ thầy cô trừng phạt, nước này nghi ngờ sợ sệt nước kia… Từ chỗ sợ sệt, con người đâm ra ngờ vực, chống đối, thù ghét hay chua cay gắt gỏng với người bên cạnh. Chiến tranh bắt đầu từ đó. Trước hoàn cảnh đó, lòng người sinh ra chán chường, buông xuôi, không tin tưởng gì nữa.
Tin Mừng hôm nay cho thấy: con người chỉ được giải phóng khỏi nỗi sợ hãi, chua cay và chán chường đó nhờ tình yêu, tình yêu của Đức Giêsu Kitô. Trước Đức Giêsu Kitô và ngoài Đức Giêsu Kitô, đã có những khái niệm khác nhau về tình yêu, nhưng tình yêu của Đức Giêsu Kitô hoàn toàn mới mẻ, độc đáo. Đó là tình yêu cứu độ, với những đặc điểm:
- Trọn vẹn: vô điều kiện, yêu cho đến cùng, như người mục tử tốt lành cho con chiên tới cùng, sẵn sàng thí mạng vì con chiên.
- Phục vụ: đáp ứng mọi nhu cầu của người khác với thái độ tế nhị, âm thầm.
- Cá vị: yêu thương từng cá nhân, từng con chiên một. Chúa Giêsu luôn chú ý đến từng con người.
- Phù hợp với kế hoạch Thiên Chúa đối với thụ tạo: tùy hoàn cảnh, Chúa Giêsu tỏ ra dịu dàng, thẳng thắn hay cương quyết, chỉ với một ý hướng là đi đúng kế hoạch Thiên Chúa nhằm cứu độ loài người.
Chúng ta hiểu được vì sao thánh Phaolô đã reo lên: “Tôi coi tất cả mọi sự như thua thiệt trước cái lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô, Chúa tôi”. Chúng ta sắp được diễm phúc rước Đức Giêsu Kitô vào lòng, chúng ta hãy ý thức ơn cao trọng vô cùng ấy. Và hãy để cho Chúa uốn nắn, dạy dỗ, khích lệ chúng ta.
Gợi ý 2:
Trong cuộc đời truyền giáo của mình, ở khắp mọi nơi, thánh Phaolô luôn luôn gặp sự chống đối của những người Do Thái, chưa dù đã được rửa tội hay chưa. Bởi vì người Do Thái này rao giảng rằng con người ta chỉ được cứu độ nhờ biết tuân giữ sít sao lề luật của ông Môsê. Trong khi đó, Phaolô xác tín rằng con người chỉ được cứu độ nhờ Chúa Giêsu Kitô mà thôi. Cho nên tất cả những gì trong quá khứ mà Phaolô cho là bảo đảm trước mặt Thiên Chúa để được cứu rỗi, Phaolô muốn từ bỏ tất cả để được biết Chúa Giêsu hơn.
Quả vậy, trước mặt các đối thủ của mình, Phaolô nói cho chúng ta biết rằng: nếu ngài muốn, ngài có thể khoe khoang về những chước tước của mình: chẳng hạn như ngài chịu phép cắt bì sau khi sinh ra được tám ngày, ngài cũng thuộc dòng dõi Israel, cũng thuộc dân Hipri, ngài cũng sống theo lề luật. Và ngài còn nhiệt thành đến nỗi đã bắt bớ Giáo Hội của Chúa. Và tất cả những thứ mà người ta cho là lợi lộc đó, Phaolô lại cho là thua lỗ vì Đức Giêsu Kitô.
Chúng ta có thể nói sự trở lại của Phaolô được coi là một bước tiến, đi từ thứ tôn giáo dựa trên những phương thế loài người, để tiến đến một thứ tôn giáo dựa trên sự gặp gỡ cá nhân với Đức Giêsu Kitô. Trước kia, cũng giống như mọi người biệt phái khác, Phaolô cũng đã cố gắng sống một cách vô phương trách cứ. Và vì thế, Phaolô chỉ biết cậy dựa vào những tước hiệu của mình, hay cậy dựa vào việc mình thuộc giáo phái này, dân tộc kia. Thế nhưng, giờ đây Phaolô thấy tất cả các tước hiệu đó chỉ là tạm thời, không đáng kể. Quả thật, giờ đây, đối với Phaolô, chỉ còn có một điều quan trọng mà thôi, đó là được biết Chúa Giêsu, không phải là biết trên lý thuyết hay là sách vở, nhưng là được gặp gỡ con người của Đức Kitô. Cho nên, kể từ giây phút đó, Phaolô không còn coi những giá trị của trần gian này có ích lợi gì cho sự cứu độ, nhưng thậm chí nó còn trở nên những chướng ngại mà người ta cần phải dẹp bỏ, để lợi được Đức Giêsu Kitô.
Trong khi đó, chúng ta là những tín hữu của Chúa Giêsu, nhiều người trong chúng ta chưa có được một cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu, cho nên chúng ta chưa có gắn bó đủ với Chúa Giêsu. Và như bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy, nhiều lúc chúng ta như những con chiên lạc đàn, bởi vì chúng ta chạy theo những giá trị trần thế. Nó làm cho chúng ta không những xa rời đàn chiên, nhưng còn xa cách Chúa Giêsu. Thế nhưng, Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta, Chúa để lại 99 con chiến để đi tìm con chiên lạc. Qua hình ảnh đó, chúng ta có cảm tưởng là người chăn chiên quên đi 99 con chiên. Bởi vì giờ đây, con chiên lạc đường như chiếm trọn tâm trí của ông. Đối với ông, chỉ có con chiên lạc này mới là đáng kể.
Như vậy, chúng ta có một Thiên Chúa đầy tình thương yêu như thế, một Thiên Chúa vẫn còn tiếp tục nghĩ đến kẻ bỏ rơi Thiên Chúa, một vị Thiên Chúa vẫn yêu thương những kẻ không yêu mến Người, một vị Thiên Chúa sẵn sàng ra đi tìm kiếm những đứa con lạc loài, muốn lìa bỏ Thiên Chúa. Và khi tìm được rồi, Thiên Chúa lại vui mừng, hớn hở vác nó lên vai và mang về.
Có lẽ đôi khi chúng ta cũng là con chiên lạc loài xa cách Thiên Chúa, xin Chúa cho chúng ta trong những lúc đó, được biết nhận ra và tin tưởng vào lòng thương yêu của Chúa, để chúng ta biết quay trở về mà đi theo sự hướng dẫn của Chúa, hầu mai ngày chúng ta được vào trong nước vĩnh cửu của Chúa.
THỨ SÁU
Pl 3,17.4,1; Lc 16,1-8
Gợi ý 1:
Lời Chúa hôm nay là một ánh sáng mạnh rọi vào bản thân chúng ta, giúp chúng ta ý thức lại mình là ai và mình đang đi về đâu.
Chúng ta cũng giống như người quản lý được bài Tin Mừng giới thiệu: chúng ta đang nắm giữ của cải của một người khác và sớm hay muộn, các thứ ấy sẽ bị thu hồi, và chúng ta phải trả lời về cách điều hành chúng. Các của cải này không thuộc về chúng ta, nhưng chúng ta có quyền điều hành, để chúng sinh lợi cho chúng ta.
Ở một hoàn cảnh như thế, thái độ khôn ngoan là:
- Đừng bám cứng vào các của cải ấy.
- Cần tiên liệu thời điểm mà chúng ta phải hoàn trả lại tất cả và mình chỉ còn trắng tay.
- Biết sử dụng chúng để có “những người bạn tốt”.
Như thế, tất cả những gì chúng ta đang có là những vật được ký gởi, để chúng ta dùng mà làm một việc phục vụ, mà làm cho người khác được hạnh phúc, làm sinh ra một nụ cười trên đôi môi rầu rĩ. Những việc tốt ấy trở thành “những người bạn tốt” sẽ chuyển cầu cho chúng ta trước nhan Chúa.
Phải coi mọi sự trong cuộc sống hằng ngày, kể cả những thất bại, là những món quà diễn tả tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa. Cây củi có gay góc mấy đi nữa cũng có thể trở thành chất đốt nuôi dưỡng ngọn lửa…
Nói như thế, chúng ta đã ý thức mình đang tiến về đâu rồi: “Quê hương của chúng ta ở trên trời…”. Chính điểm tới này là tiêu chuẩn giúp chúng ta thực hiện những ngọn lửa trong cuộc sống hằng ngày. Nếu “chỉ ưa chuộng những cái trên cõi đời này” như những người bị thánh Phaolô khiển trách, chúng ta sẽ lạc hướng.
Đức Giêsu mà chúng ta sắp đón vào lòng trong thánh lễ này có quyền năng “biến đổi thân xác hèn hạ của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Ngài”, không chỉ sau này, nhưng ngay trên cõi đời này, nếu chúng ta biết nỗ lực bước theo Ngài.
Gợi ý 2:
Như chúng ta được biết, giáo đoàn Philipphê là một giáo đoàn được thánh Phaolô yêu mến đặc biệt. Cho nên lời lẽ của thánh Phaolô đối với các tín hữu này cũng rất là thân mật và cởi mở. Thánh nhân không ngần ngại khuyên họ là hãy bắt chước theo ngài, và hãy nhìn vào những người sống theo mẫu mực mà họ thấy nơi các ngài. Rồi sau đó, Phaolô lại mãnh mẽ kết án những người quá tôn thờ cái bụng, nghĩa là những người chỉ biết tìm kiếm những của cải trần thế. Họ không còn biết gì khác nữa, mục đích của họ chỉ có ở trên mặt đất này, cuộc sống của họ chỉ biết qui hướng về mình.
Ngược lại với những quan niệm hẹp hòi, chỉ biết giới hạn trên trái đất này, Phaolô đề nghị với các tín hữu ở Philipphê, là hãy biết chờ đợi Đấng Cứu Thế. Chúa Giêsu là Đấng sẽ đến. Cuộc sống của chúng ta là một cuộc hành trình dài. Và mục đích của chúng ta thì lớn lao và vô biên, nghĩa là mục đích của chúng ta, chính là Thiên Chúa, là đạt đến Thiên Chúa, chúng ta không nên dừng lại, trước khi đạt đến Thiên Chúa. Do đó, viễn tượng của chúng ta thật là cao cả, bởi vì chúng ta là công dân của Nước Trời. Quê hương của chúng ta là ở trên trời, ở thế gian này, chúng ta chỉ là những người qua đường. Và cuộc sống đích thực của chúng ta đã được bắt đầu rồi, và nó chỉ được kết thúc ở trên Nước Trời. Chính vì mục đích đó mà chúng ta được Thiên Chúa tạo dựng nên.
Thế nhưng, muốn đạt đến mục đích đó, chúng ta hãy bắt chước thái độ khôn ngoan, nhanh lẹ của người quản lý bất lương mà Chúa Giêsu đưa ra trong bài dụ ngôn hôm nay. Anh quản lý này biết mình sắp bị ông chủ sa thải, nên anh ta nghĩ đến tương lại sắp đến, sao cho mình được sung sướng, được mọi người tiếp đón. Vì vậy, giờ đây, anh ta muốn lấy lòng các con nợ, bằng cách gọi từng con nợ của chủ đến và lấy lòng họ, bằng cách bớt đi số nợ của họ đối với ông chủ, nghĩa là bằng cách hy sinh phần lời mà anh ta có quyền được hưởng. Và Chúa Giêsu đã khen anh ta đã biết xử trí khôn khéo. Qua lời khen tặng này của Chúa Giêsu đối với người quản lý bất lương, Chúa Giêsu cũng muốn chúng ta phải xử trí thế nào, để mại ngày chúng ta cũng sẽ được đón nhận trên Nước Trời. Mà muốn được đón nhận vào Nước Trời, nghĩa là muốn được trở nên trọn lành, thì Chúa Giêsu đã không ngừng lập đi lập lại với chúng ta rằng: “Của cải, các ngươi hãy bán đi mà bố thí. Hãy sắp cho mình những ví tiền sẽ không hề cũ nát, kho tàng không hao vơi trên trời, nơi trộm không lai vãng, và mối mọt không nhấm nát”.
Chúng ta phải thú nhận rằng trong những công việc kinh doanh, buôn bán, con người thường tỏ ra lanh lẹ, khôn ngoan, đầy sáng kiến. Nhưng đối với những công việc thiêng liêng, có liên hệ đến phần rỗi của mình, thì con người chúng ta lại không có một sự lanh lẹ và khôn khéo như vậy. Do đó, chúng ta cầu xin Chúa cho chúng ta biết ý thức tầm quan trọng của ơn cứu độ, để chúng ta dám hy sinh tất cả, để có thể đạt đến ơn cứu độ muôn đời.
THỨ BẢY
Pl 4,10-19; Lc 16,9-15
Gợi ý 1:
Lời Chúa hôm nay vừa cho thấy sự nguy hiểm của tiền bạc của cải, vừa nêu bật sự tự do thanh thoát của con người biết từ bỏ mọi sự mà bước theo Đức Giêsu Kitô.
Đức Giêsu đã mượn chính những từ ngữ của Luật và các Ngôn sứ (x. Mt 4,10; 9,13) để nhắc lại rằng việc phụng sự Thiên Chúa loại trừ mọi việc thờ phượng khác. Và vì có mãnh lực tình yêu thúc đẩy việc phụng thờ Thiên Chúa phải toàn vẹn. Đức Giêsu đã nêu đích danh địch thủ có thể gây trở ngại cho việc phụng sự này: tiền bạc. Chính tiền bạc biến kẻ phụng sự nó thành nô lệ, thành kẻ bất lương. Thánh Phaolô không ngần ngại nói rằng yêu chuộng tiền bạc là “thờ ngẫu tượng” (Ep 5,5). Chúng ta phải lựa chọn: “Không ai có thể làm tôi hai chủ…” (Mt 6,24tt). Nếu người ta chuộng bên này, tất sẽ tỏ ra lãnh đạm hoặc còn khinh miệt bên kia. Vì vậy, sự từ bỏ của cải thật thiết yếu đối với những người muốn bước theo Đức Giêsu, Tôi Tớ của Thiên Chúa (Mt 19,21).
Thật ra, tiền bạc của cải không những được hiểu theo nghĩa vật chất, mà còn có thể hiểu theo nghĩa rộng rãi hơn: một sở thích nào đó, một công việc nào đó, một chương trình, một tập quán, một quan niệm nào đó,… tất cả những gì khiến chúng ta mỗi ngày mỗi thêm lơ là đối với Chúa.
Bài thư gởi tín hữu Philipphê là một chứng tá đẹp về nếp sống của một người biết chọn lựa, thánh Phaolô đã chân thành chia sẻ: “Tôi biết chịu thiếu thốn và biết hưởng sung túc. Trong mọi trường hợp và hết mọi cách, tôi đã học cho biết no, biết đói, biết dư dật và thiếu thốn”. Mục tiêu của đời thánh Phaolô là Đức Giêsu: “Tôi có thể làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi”.
Chúng ta sắp rước Chúa Giêsu vào trong tâm hồn, chính Đức Giêsu ngày xưa đã “biết no, biết đói”… để có thể thực hiện được chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Chúa Giêsu sẽ gọi chúng ta là bạn hữu (x. Ga 15,15), để chúng ta có thể cùng với Chúa, trong sức mạnh Thánh Thần (x. Rm 7,6), phụng sự Thiên Chúa như những người con hiếu thảo phụng Cha yêu dấu của mình (x. Gl 4,6). Đó chính là “thờ phượng Thiên Chúa trong Thánh Thần và trong Chân Lý” (x. Ga 4,24).
Gợi ý 2:
Chúng ta được biết khi thánh Phaolô viết bức thư này cho các tín hữu ở Philipphê thì ngài đang bị bắt ở trong tù. Và chính ở trong tù, Phaolô đã nhận được món quà mà các tín hữu ở Philipphê gởi cho ngài. Thánh Phaolô rất vui mừng và sung sướng. Ngài viết thư để cám ơn lòng quãng đại của họ. Trong thư, thánh Phaolô không tìm cách khiêu gợi lòng xót thương của họ. Bởi vì, thánh Phaolô đã học biết chịu đựng sự thiếu thốn, nghĩa là Phaolô nhấn mạnh ngài vẫn có thể chịu đựng được, cho dù ngài không được các tín hữu tiếp tế.
Sở dĩ Phaolô chịu đựng được mọi khốn cực của cuộc sống, và đặc biệt là của sự tù tội, là bởi vì Phaolô biết gắn bó với Chúa Giêsu. Chính nhờ sự gắn bó này mà Phaolô cảm thấy hạnh phúc trong mọi trường hợp. Quả thực, khi Phaolô cảm thấy dễ chịu, thoải mái, thánh nhân đã cảm tạ Thiên Chúa. Khi Phaolô ở trong sự khốn khó, thiếu thốn, ngài không than trách Thiên Chúa. Bởi vì đối với Phaolô, được có Chúa Giêsu là đủ cho ngài rồi. Cho nên Chúa Giêsu là lý do của sự tự do hoàn toàn của thánh Phaolô.
Thế mà trong cuộc sống của chúng ta, nhiều người chỉ có biết nghĩ đến tiền bạc. Họ coi tiền bạc như là vị chúa tể của họ, có được tiền bạc là có được tất cả. Cho nên Chúa Giêsu đã cảnh giác các môn đệ của mình, là hãy biết sử dụng tiền bạc. Bởi vì, người ta quá coi trọng tiền bạc, coi nó như là một thứ thần Mamman, thì nó sẽ trở thành một chướng ngại tuyệt đối cho cuộc sống của người Kitô hữu. Rồi không những là một chướng ngại, tiền bạc còn khiến cho người ta bất cần Thiên Chúa, coi như là không có Thiên Chúa, cho nên họ tha hồ gây ra những hành động bất công, sai trái, miễn là họ có được nhiều tiền, nhiều bạc. Mặt khác, tiền bạc còn khiến cho người ta dần dần khép lòng của mình lại, và không còn nhạy cảm trước những nỗi đau khổ của người anh em bên cạnh. Trong khi đó, qua bài Tin Mừng ngày hôm nay, Chúa Giêsu muốn cho chúng ta thấy rằng con người không phải là những kẻ chủ nhân đích thực của những của cải trần thế. Con người chỉ là những kẻ quản lý của Thiên Chúa mà thôi. Dó đó, họ sẽ phải trả lẽ trước mặt Thiên Chúa về cách họ sử dụng tiền bạc, của cải đối với những người khác.
Vì vậy mà ở cuối bài đọc I ngày hôm nay, Phaolô đã nói: nay tôi xin tiếp nhận tất cả, và tôi nên dư dật, sung túc rồi… thật là hinh hương, lễ tế được Thiên Chúa chiếu nhận và lấy làm ưng ý, nghĩa là qua việc giúp đỡ Phaolô cũng như là những người anh em khác, các tín hữu ở Philipphê đã dâng lên Thiên Chúa một lễ tế làm đẹp lòng Thiên Chúa. Và sự giúp đỡ của người anh em không phải chỉ có tiền bạc, vật chất, nhưng còn bao gồm tất cả mọi công việc khác, nghĩa là không có một hành động quảng đại nào, mà không được Thiên Chúa lưu ý đến, không có gì mà Thiên Chúa tỏ ra thờ ơ cả. Tất cả chúng ta đều có một trương mục ở nơi ngân hàng của Thiên Chúa. và trương đó sẽ ghi lại tất cả những hành động hy sinh và bác ái yêu thương của chúng ta. Nhờ đó mà cuộc sống của cá nhân chúng ta có một giá trị vô biên trước mặt Thiên Chúa.
Vì vậy, chúng ta hãy cầu xin Chúa cho chúng ta biết dùng tiền bạc, của cải vật chất này, để giúp đỡ những người thiếu thốn, hầu mại ngàu chúng ta xứng đáng được Chúa coi là những người quản lý trung tín, xứng đáng được vào hưởng hạnh phúc với Chúa.