THỨ HAI
Tt 1,1-9; Lc 17,1-6
Bài thư thánh Phaolô gởi cho ông Titô là một bài giới thiệu rất gọn gàng về vinh dự và trách nhiệm của người lãnh đạo cộng đoàn. Hôm nay, chúng ta nên hướng về các vị chủ chăn các cấp trong Giáo Hội: các ngài là những người “quản lý của Chúa”, nên các ngài phải sống “không có gì đáng trách,… hiếu khách, hiền lành, tiết độ, công minh, thánh thiện, tiết hạnh, nắm giữ lời chân thật hợp với đạo lý, để có thể dùng lý lành mạnh mà khuyên dụ…”. Chúng ta cần cầu nguyện nhiều cho các ngài, bởi vì trong thân phận con người yếu đuối mỏng dòn, đôi khi các ngài cũng thấy vinh dự này kèm theo những đòi hỏi quá đáng nặng nề!
Đàng khác, nhìn theo một quan điểm nào đó, chúng ta cũng là những “chủ chăn”, những người “lãnh đạo”. Người cha, người mẹ là những chủ chăn trong gia đình, anh và chị là chủ chăn của các em,… và thật ra, mỗi anh chị em tín hữu là chủ chăn của người khác,, người gần gũi với mình: họ cũng phải quan tâm nuôi dưỡng anh chị em mình bằng những lương thực bồi bổ.
Để có thể đáp ứng được những đòi hỏi xuất phát từ vinh dự cao quí ấy, họ phải là những người nêu gương sáng: “Vô phúc cho kẻ nào gây ra gương xấu”, vì gương xấu là những lương thực có chất độc, sẽ tác hại trầm trọng trên những người khác. Họ cũng không được chuốc oán cưu thù, bởi vì “ai ghét anh em, thì là kẻ sát nhân” (1Ga 3,15), và chính họ cũng ở trong cõi chết (x. 1Ga 3,14).
Vậy, chúng ta hãy sốt sắng đón rước Đức Giêsu vào tâm hồn, để khi đã có Chúa, chúng ta được tăng cường thêm đức tin, chúng ta biết sống như Chúa, là Mục Tử tốt lành hy sinh cho đàn chiên (x. Ga 10).
THỨ BA
Tt 2,1-8.11-14; Lc 17,7-10
Tin Mừng Luca là Tin Mừng tình cha thương con, chủ thương đầy tớ… Phải chăng, bài Tin Mừng hôm nay đi ngược lại chiều hướng đó? Quả đúng là Tin Mừng Luca, còn có đoạn nói rằng khi chủ nhà về mà còn thấy đầy tớ tỉnh thức, sẵn sàng, thì chủ sẽ hầu bàn phục vụ người đầy tớ ăn uống (x. Lc 12,37). Như vậy, bài Tin Mừng hôm nay không muốn đề cập đến tư cách và lối xử sự của người chủ, nhưng là tư cách và lối xử sự của người đầy tớ.
Nếu một người đầy tớ phải làm việc như bài Tin Mừng nói, thì đó là chuyện bình thường: đầy tớ thì phải phục vụ, phải chu toàn mọi việc bổn phận, và phải hiểu là với cái giá ấy, đầy tớ mới được yên thân, chứ không phải là quyền được đòi hỏi. Trước mặt Thiên Chúa và Đức Giêsu, Con Một Người, chúng ta là ai? Chúng ta còn kém hơn một người đầy tớ đối với chủ, chúng ta chỉ là thụ tạo, là bụi đất, là hư vô. Do đó, nếu được gọi là đầy tớ, thì đó là một diễm phúc. Đức Giêsu không chỉ bằng lòng với mức độ đó, Ngài còn gọi chúng ta là bạn hữu (x. Ga 15,14).
Tuy nhiên nhìn vào đời sống mình, chúng ta thấy thế nào? Trong cánh đồng truyền giáo, chúng ta có tận tâm tận lực không? Hay là chúng ta làm một chút đã chờ đợi được khen ngợi, tưởng thưởng? Nói như vậy, không phải là phủ nhận những công lao vất vả của anh chị em, nhưng để chúng ta biết dâng trả về cho Chúa tất cả những hoa trái nhận được. Còn nếu có gặp những khó khăn, vất vả mà không được công nhận, đó là những chuyện thông thường trong đời người tối tớ.
Thật ra, đọc đoạn thư thánh Phaolô gởi ông Titô hôm nay, chúng ta mới hiểu sống cho ra phận tôi tớ cũng là cả một công trình: mỗi giới, mỗi hạng phải nỗ lực, mới đáng được đón tiếp Đức Giêsu Kitô khi Ngài trở lại vinh quang.
Chúng ta hãy tin tưởng, có Đức Giêsu, Người Tôi Tớ Thiên Chúa ở trong lòng, chúng ta sẽ được uốn nắn, dạy dỗ, để có phong cách xứng hợp và biết phục vụ đúng đắn.
THỨ TƯ
Tt 3,1-7; Lc 17,11-19
Đoạn thư thánh Phaolô gởi ông Titô hôm nay là kết luận của phần khuyến thiện. Thánh tông đồ dân ngoại muốn đặt việc dấn thân của người Kitô vào thế giới trên những nền tảng thuần túy thần học.
Thánh nhân mời gọi các Kitô hữu tỏ ra tốt lành và hòa hoãn với những người ngoài Kitô giáo, vì xưa kia họ cũng như thế, mà Thiên Chúa thì yêu thương tất cả mọi người. Điều này chúng ta cũng thấy qua việc Chúa Giêsu chữa một nhóm người phong, trong lại có một người Samria. Làm sao một người Kitô hữu có thể trở thành dấu hiệu cho thấy tình Chúa yêu thương loài người khi họ lại khinh bỉ những anh chị em không phải là Kitô hữu? Đàng khác, lòng nhân hậu của Thiên Chúa có tính cách nhưng-không, và không mang lại cho người Kitô hữu một danh hiệu vinh quang nào. Tuy vậy, lòng nhân hậu của Thiên Chúa vẫn được bày tỏ đặc biệt nơi những người đã được rửa tội, vì họ hiện-tại-hóa mầu nhiệm cứu độ đã được bày tỏ khi Chúa Giêsu sinh ra và họ đề nghị cho loài người một cuộc tái sinh để trở thành con Thiên Chúa và thừa kế sự sống của Thiên Chúa. Phép rửa có hiệu lực tái sinh bên trong, làm cho người ta trở thành con người mới, và người Kitô hữu là một sự “iển linh”; bày tỏ ơn cứu độ của Thiên Chúa trong thế giới. Khi đã ý thức về mình như thế, Kitô hữu cần biết dâng lời tạ ơn: việc tạ ơn có giá trị như một lời khẩn nài đẹp nhất và tế nhụ nhất.
Từ Lời Chúa hôm nay đi vào cuộc sống đời thường, người Kitô hữu được đặt vào thế đối thoại với thế giới. Họ phải khẳng định rằng mọi người được hưởng ơn cứu độ mà Đức Kitô, là Ađam mới và là Đấng qui tụ nhân loại, đã thủ đắc được. Để giúp chúng ta chu toàn được sứ mạng đó, Lời Chúa cảnh giác chúng ta: có những Kitô hữu hành đạo nhưng không biết chiêm ngưỡng Thiên Chúa; họ rước lễ mà không biết tạ ơn; nền luân lý của họ không có chân trời vì co quắp vào mình; đó là một nền luân lý tỉ mỉ, chi li, bối rối,… Thiên Chúa của họ là một vị Thiên Chúa kế toán. Do đó, họ không thể mở lòng ra đón nhận Đấng khác, đón nhận ân ban nhưng-không.
Chúng ta không được quên rằng: tại những nơi nào đó trên thế giới, có những con người được cứu độ (hay không), là do chúng ta biết sống mật thiết với Thiên Chúa, nhất là sống sâu sắc cuộc Vượt Qua của Đức Giêsu Kitô. Cần phải nghĩ tới tất cả những mối dây vô hình đó, đang nối kết họ với chúng ta, làm cho chúng ta không bao giờ phải cô đơn khi chúng ta buông theo những hèn nhát, ích kỷ hay khi chúng ta từ chối một thập giá.
THỨ NĂM
Plm 7-20; Lc 17,20-25
“Nước Thiên Chúa ở giữa anh em”.
Khi nào Nước Thiên Chúa đến? Nhờ vào đâu chúng ta biết được rằng Nước Thiên Chúa đang hiện diện?
Khi bắt đầu đi rao giảng, Đức Giêsu đã công bố: “Thời giờ đã mãn, Nước Thiên Chúa đã đến gần” (Mc 1,16). Nước Thiên Chúa đến với biến cố Đức Giêsu, Ngôi Lời Nhập Thể, bắt đầu rao giảng công khai: “Giả như Ta nhờ Thần Khí Thiên Chúa mà trừ quỉ, thì Vương Quốc Thiên Chúa đã đến cho các ngươi rồi” (Mt 12,28).
Khi Đức Giêsu xuất hiện, Nước Thiên Chúa đã đến, khi ấy đã đến lúc cáo chung ách thống trị của satan, tội lỗi và sự chết trên con người. Tuy nhiên, để có thể thuộc về Nước Thiên Chúa, sống trong Nước Thiên Chúa ngay từ bây giờ, người Kitô hữu phải tin vào Đức Giêsu và hoán cải, phải chấp nhận những đòi hỏi của Vương Quốc và trở nên môn đệ của Đức Giêsu.
Thánh Phaolô cho chúng ta những tiêu chuẩn để xác định được sự hiện hữu của Nước Thiên Chúa: “Nước Thiên Chúa không phải là việc ăn uống, nhưng là công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần” (Rm 14,17).
Theo đoạn thư của thánh Phaolô gởi ông Philêmôn hôm nay, chúng ta cũng thấy phảng phất bầu khí của Nước Thiên Chúa: Phaolô mời gọi ông Philêmôn sống bác ái một cách cụ thể, đó là tha thứ và tiếp nhận ông Onêsimô, một người nô lệ đào thoát. Nếu những con người ấy đi tới chỗ tha thứ và đón nhận nhau thật sự, thì Nước Thiên Chúa đang hiện diện và bao trùm họ trong bầu khí của Nước.
Khi chúng ta nhận lấy Chúa Giêsu Thánh Thể vào lòng, chúng ta nhận chính mầm sống của sự sống đời đời vào lòng. Chúa Giêsu Thánh Thể sẽ dạy chúng ta biết cách xử sự, nói năng, sao cho có thể giới thiệu về Nước Thiên Chúa cho kẻ khác. Nếu cứ sống kiên trì như vậy ngày qua ngày, chúng ta sẽ có thể an tâm về ngày quang lâm. Ngày này chỉ là cao điểm của một chuỗi ngày dài trong đó người Kitô hữu đã nếm cảm, đã sống phần nào hương vị của cuộc sống mai sau.
THỨ SÁU
2Ga 4-6; Lc 17,26-37
trong những tuần lễ cuối cùng của năm phụng vụ, Giáo Hội cho chúng ta nghe những bài Lời Chúa nói về thời cùng tận, để giúp chúng ta chuẩn bị tâm hồn. Chúng ta biết rằng cuộc sống trần thế, trong xác thể này, sẽ qua đi, để nhường chỗ cho một cuộc sống khác, vĩnh cửu, thấm nhuần Thần Khí Thiên Chúa. Nhưng chúng ta phải sống cuộc sống trần thế này thế nào, để bảo đảm sẽ được vào trong cuộc sống hạnh phúc vinh quang vĩnh cửu. Biến cố chung cuộc này quá hệ trọng, khiến chúng ta phải dành trọn sự chú tâm vào đó.
Chúng ta phải sống như thế nào? Lời Chúa không dạy chúng ta làm một công việc nào đặc biệt. Chúng ta hãy tiếp tục sinh hoạt trong lãnh vực trách nhiệm của mình, trong hoàn cảnh riêng, với khả năng riêng của mình. Thế thì, vì sao “trong đêm ấy, có hai người trên một giường, thì một người được đem đi (tức là được cứu), và người kia sẽ bị để lại (không được cứu)? Rõ ràng không phải là hoàn cảnh, công việc, đã làm cho họ ra khác biệt tận căn như thế. Một điều gì khác đã làm cho họ ra khác nhau. Phải chăng là vì một bên đã sống theo giáo huấn của Chúa Giêsu, một bên thì không? Hẳn là thế. Giáo huấn của Chúa Giêsu, mệnh lệnh của Ngài, như trong thư thứ hai của thánh Gioan nói là: “Chúng ta phải thương yêu nhau”. Chỉ có tình yêu mới là bảo đảm đưa chúng ta về với Thiên Chúa là Tình Yêu. Chính thánh Phaolô đã nói: “Đức ái không bao giờ qua đi” (1Cl13,18).
Chúa Giêsu Thánh Thể, là tình yêu của Thiên Chúa, sẽ đến với chúng ta, giúp chúng ta luôn có tâm hồn đầy ắp tình yêu. Nhờ đó, ngay khi còn sống ở trần gian, giữa những thực tại chóng qua, chúng ta đã sống bằng bầu khí vĩnh cửu, chúng ta đã đặt một bàn chân vào thế giới vĩnh cửu rồi.
THỨ BẢY
3Ga 5-8; Lc 18,1-8
Về thời gian cuối năm phụng vụ, khi chúng ta đang đưa mắt nhìn về biến cố cánh chung, trong lòng chúng ta rất có thể đang dâng lên những nỗi băn khoăn, xao xuyến, ngờ vực, nay được nghe một bài Tin Mừng hôm nay, hẳn là chúng ta cảm thấy được an ủi và khích lệ.
Một vị thẩm phán bất lương như bài dụ ngôn mô tả, “Không kính sợ Thiên Chúa, cũng không kiêng nể người ta”, mà còn phải minh xử cho bà góa nọ vì bị bà quấy rầy mãi, thì phương chi Thiên Chúa, Chúa chúng ta: “Thiên Chúa lại không minh xử cho những kẻ Người tuyển chọn hằng kêu cứu với Người đêm ngày mà khoan giãn với họ mãi sao?”.
Bởi vì, trước khi nói đến Thiên Chúa là Thẩm phán, chúng ta nhớ Thiên Chúa là tình yêu, Thiên Chúa là người cha có trái tim yêu thương của người mẹ hiền. Chắc chắn Thiên Chúa luôn luôn nhìn đến con cái loài người với ánh mắt nhân từ, và sẽ lo lắng cho con cái với tất cả quyền năng của Người.
Tuy nhiên, quyền năng của Thiên Chúa chỉ được biểu lộ tỏ tường nơi sự yếu đuối của con người. Thánh tông đồ Phaolô đã rất ý thức về chân lý này, một chân lý đã trở thành như một định luật thường hằng trong lịch sử cứu độ (x. 2Cl 4,7). Trước nhan Thiên Chúa, chúng ta cũng trắng tay, thân phận chúng ta cũng nghèo hèn như bà góa nọ. Dù có làm được gì, chúng ta vẫn chỉ là những thụ tạo giới hạn, chỉ đang dựa vào quyền năng của Thiên Chúa mà sinh hoạt.
Thế nhưng, chúng ta có nhìn nhận như thế để biết ký thác hoàn toàn vào tay Thiên Chúa không? Ước gì lời băn khoăn sau đây của Chúa Giêsu không phải là sự thật đối với chúng ta: “Khi Con Người đến, liệu sẽ còn gặp được niềm tin trên mặt đất nữa chăng?”.
Có Chúa Giêsu là Lời Thiên Chúa và là lương thực thần linh bồi dưỡng, chúng ta hãy kiên trì tiến đi trên con đường đức tin. Và để chứng tỏ được điều này, chúng ta được thư thứ ba của thánh Gioan đề nghị cho một hướng dấn thân cụ thể: “Hãy cộng tác với những người hoạt động chân lý”.