THỨ HAI
Kh 1,1-4.2,1-5a; Lc 18,35-43
Vào những tuần cuối năm phụng vụ, Giáo Hội cho chúng ta nghe những đoạn Thánh Kinh về quãng cuối đời của Chúa Giêsu (như trong Luca, Chúa Giêsu gần đến Giêrusalem, kết thúc cuộc đời tại thế của Ngài), hoặc về thời quang lâm, Chúa đến lại (sách Khải Huyền). Mục đích của Giáo Hội là muốn nhắc nhở chúng ta hãy biết quyết định một cách thích đáng trong thời buổi nghiệm trọng.
Theo hai bài đọc, quyết định của kẻ bệnh tật về phần xác thường dứt khoát và quyết liệt hơn nhiều so với quyết định của kẻ bệnh tật về mặt thiêng liêng.
Anh mù trong đoạn Tin Mừng chắc chắn ý thức về nỗi khổ của mình là bị mù lòa và khao khát được ra khỏi tình trạng ấy. Vừa nghe nói Đức Giêsu đi qua, anh ta lớn tiếng nài nỉ, và càng bị cấm, anh càng kêu lớn. Anh chỉ mong được chữa khỏi.
Chúa Giêsu chạnh thương anh, quan tâm đến nỗi khổ của anh và chữa lành cho anh.
Sự việc đó đối chọi với sự việc của giáo đoàn Êphêsô:
- Họ ở tình trạng nguội lạnh sa sút so với tình mến lúc đầu – tuy rằng vẫn kiên trì tin Chúa, vẫn biết phân biệt tiên tri thật tiên tri giả.
- Chắc chắn họ ý thức về tình trạng sa sút của mình.
- Chúa Giêsu thường quí họ, mạc khải cho họ, kêu mời họ qua lời của Gioan.
- Nhưng họ không quyết chí đứng lên, đến với Chúa, ra khỏi tình trạng ấy, khơi lại lòng mến lúc đầu.
Vậy chúng ta có sự khác biệt giữa hai hạng bệnh nhân. Chúng ta được kêu mời kiểm điểm đời mình luôn và vì lúc nào cũng đang sống trong thời Chúa đến, đang sống trước mặt Chúa, chúng ta có những quyết định thích đáng.
THỨ BA
Kh 3,1-6.6,14-22; Lc 19,1-10
Nói đến phán xét của Chúa, chúng ta luôn coi là chuyện kinh khủng. Thực ra, nếu xét lại, chúng ta phải sợ sự phán xét phía con người hơn. Vì trong đời sống, thường chúng ta dễ phê phán nhẹ nhàng về mình, dễ châm chước bào biện cho mình, nhưng lại hết sức khe khắt đối với kẻ khác: chúng ta luôn cố tìm điểm xấu nơi họ – khi thấy có điểm xấu, chúng ta giữ ấn tượng mãi, dù mười mươi lăm năm sau gặp họ, chúng ta vẫn yên trí – chúng ta thường thầm vụng vỗ ngực tự hào mình là kẻ tốt nhất, tốt hơn mọi kẻ khác…
Còn phía Thiên Chúa, có thể nói không có vấn đề phán xét, không có vấn đề quan trọng hóa sự tội. Nơi Thiên Chúa chỉ có tình thương, chỉ có lòng tin tưởng đối với thiện chí của mọi người – dù là người tội lỗi mấy đi nữa.
Cho nên trong khi người Do Thái nhìn Giakêu với con mắt kết án và khinh bỉ, Chúa Giêsu lại quyết định chọn nhà ông để dùng bữa và lưu lại. Chúa Giêsu xí xóa hết quá khứ của ông, hết những “ngày hôm qua gì gì” của ông, để chỉ còn biết có “ngày hôm nay tốt đẹp”.
Đang khi mọi người khinh bỉ, lên án ông, Chúa Giêsu lại tin vào thiện chí của ông và đến với ông trước khi ông nói quyết tâm sửa đổi đời sống.
Đối với hai giáo đoàn Sarđê và Laođikêa tội lỗi cũng thấy. Tuy biết họ tội lỗi, Thiên Chúa và Chúa Giêsu không ruồng bỏ họ. Ngài kêu gọi Sarđê hồi phục lại chút sức tàn còn lại. Ngài vớt vát cho họ, khi ghi nhận là nơi giáo đoàn đó, có một số người đạo hạnh. Ngài muốn mửa giáo đoàn Laođikêô hâm hâm ra khỏi miệng, nhưng không, Ngài mời gọi giáo đoàn đó hối cải và mở cửa để Ngài vào sum vầy.
Vậy thái độ của Thiên Chúa và Chúa Giêsu chỉ là yêu thương, tha thứ, chỉ là muốn quên hết quá khứ bất xứng của con người, để mở ra một giai đoạn mới, một ngày hôm nay của sum vầy và hân hoan. Từ khi Chúa Giêsu đến cứu độ, loài người đã bước vào một ngày hôm nay của tình thương. Lúc nào Thiên Chúa cũng đề nghị một liên hệ thắm tình. Thiên Chúa coi nhẹ vấn đề tội lỗi. Thiên Chúa không còn phán xét nữa. Tất cả vấn đề còn lại là con người có mở ra cho Thiên Chúa hay không, có uốn nắn lại đời sống hay không, có chấp nhận đi vào ngày hôm nay hồng phúc hay không mà thôi. Thiên Chúa chỉ thua thái độ ngoan cố khép lòng và từ khước của con người. Thiên Chúa chỉ không vào được nhà của Giakêu khi ông ta nhất quyết không tiếp đón Người. Không vào được giáo đoàn Sarđê và Laođikêa khi họ nhất quyết không sám hối và không nghe theo tiếng Người.
Phụng vụ nhắc chúng ta là chúng ta đang chờ Chúa đến trong thời tận thế. Thực ra, chúng ta đang sống trong thời cứu rỗi rồi. Thiên Chúa luôn luôn đề nghị tình thương của Người với chúng ta. Chúng ta xin ơn biết mở lòng và sám hối, để hiện tại đời chúng ta lúc nào cũng là một ngày “hôm nay” sum vầy trong yêu thương và hân hoan với Thiên Chúa.
THỨ TƯ
Kh 4,1-11; Lc 19,11-28
Lời Chúa của những ngày này hướng nhiều về thời cuối cùng, thời Thiên Chúa đến hiển trị và do đó cũng ít nhiều nói đến phán xét, thử thách, bách hại. Thế nhưng, Kitô hữu là kẻ đã nhận được niềm hy vọng. Lời Chúa kêu gọi họ hãy tin tưởng vào Thiên Chúa và lo tích cực làm việc trong hiện tại.
Chúng ta sách Khải Huyền được viết giữa lúc các Kitô hữu thời đầu đang bị bách hại do các hoàng đế Roma. Mục đích của tác giả là ủy lạo các Kitô hữu. Tác giả dùng nhiều hình ảnh quen thuộc với những ai biết Cựu ước để diễn tả về sự lớn lao và toàn năng của Thiên Chúa, diễn tả ánh sáng, vẻ đẹp, sự siêu việt của cõi trời. Đây là lối trình bày về Thiên Chúa theo cách nhân hình, tuy Thiên Chúa là Đấng siêu việt, không cần có ngai có tòa… Tác giả có ý mời gọi kẻ tin đừng sợ mà hãy tin tưởng, vì họ có một vị Thiên Chúa oai hùng cao cả như thế. Không gì thắng được một vị Thiên Chúa quyền uy như thế. Họ hãy sống trong hy vọng và hơpọ ý với cõi trời để ca ngợi, tôn thờ Thiên Chúa.
Bài Tin Mừng bổ túc cho ý tưởng ấy của sách Khải Huyền, mời gọi kẻ tin tích cực làm việc bao lâu còn sống trong thời đại chờ đợi Chúa đến. Vào lúc Chúa Giêsu hướng về Giêrusalem, rất nhiều kẻ tưởng Nước Trời sắp đến ngay lập tức. Họ mơ mộng là sẽ được hưởng những lợi lộc mà không phải vất vả gì. Qua dụ ngôn hôm nay – mà có lẽ Chúa Giêsu lấy theo một chuyện có thật là Akêlaô cai quản thành Giêricô lên đường xin phong vương và bị phái đoàn 50 nhà vị vọng Do Thái phản đối với hoàng đế Augustô – Chúa Giêsu muốn trả lời rằng: Nước Trời sẽ không đến ngay lập tức mà còn được hoãn một thời gian và trong khi chờ đợi, người ta đừng chỉ mơ mộng mà hãy lo chu toàn các bổn phận mình, hãy lo làm sinh hoa kết trái những ân huệ Thiên Chúa ban. Bởi vì, quãng thời gian trước khi Nước Trời đến là quãng thời gian trong đó Thiên Chúa thống trị rồi, nhưng còn một cách vô hình – đó là quãng thời gian bắt bớ bách hại và người ta phải chứng tỏ lòng trung thành trong thử thách, phải lo làm việc vì Thiên Chúa, chu toàn những bổn phận Thiên Chúa trao, để xứng đáng mai ngày nhận phần thưởng hoặc trọng trách lớn lao.
Những lời nhắn nhủ đó của sách Khải Huyền và của Chúa Giêsu thật phù hợp với chúng ta. Lúc nào chúng ta cũng vừa đang sống trong thời Thiên Chúa đã ngự trị, vừa đang chờ đợi Người đến. Giáo Hội chúng ta và bí tích Thánh Thể mà chúng ta cử hành mỗi ngày vừa đã là nơi Nước Trời ngự đến, vừa còn là nơi đợi chờ Nước Trời viên thành. Chúng ta hãy sống đời sống bình dị hằng ngày mà kết hiệp với triều thần thiên quốc ca tụng ngợi khen Thiên Chúa chí thánh và đem hết khả năng cố gắng để làm lợi những ơn huệ Thiên Chúa đoái ban cho mỗi người trong chúng ta.
THỨ NĂM
Kh 5,1-10; Lc 19,41-44
Lời Chúa hôm nay vạch ra cho chúng ta thái độ sống cần phải có trong thời gian chờ đợi ngày quang lâm của Chúa. Đó là thái độ ngược lại với thế gian, với tinh thần của thành Giêrusalem. Giêrusalem đã không biết nhận ra giờ của Thiên Chúa đến viếng thăm. Dân Giêrusalem đã không biết sống cho Thiên Chúa. Thái độ kèm theo là nhìn lên cõi trời, nhận Chúa Giêsu là trung tâm lịch sử, là Đấng xứng đáng mở cuốn sách lịch sử và làm cho chúng ta nên vương quốc tư tế.
Tuy thái độ sống phải có là thế, nhưng trong thực tế, nhiều khi chúng ta trở về với tinh thần của Giêrusalem hơn là ngước nhìn lên cõi trời. Biết bao lần và trong biết bao việc, chúng ta không còn bám chặt vào Chúa Giêsu, vào cõi trời, mà sa lầy xuống cõi thế. Nhiều thái độ xác định chúng ta thụt chân trở lại xuống cõi thế: tham quyền bính, mê của cải, hà khắc với anh chị em, dữ dằn, độc ác…
Chúng ta xin Chúa lôi kéo chúng ta lên cuộc sống cõi trời. Chúng ta cũng thường xuyên xét xem trong điểm nào, trong thái độ nào, chúng ta đang là người sống theo thế gian, để lo uốn nắn. Ước gì mỗi ngày – qua những việc cụ thể – chúng ta tạo được những viên đá vững chắc xây Giêrusalem trên trời, để khi Chúa đến gọi chúng ta, chúng ta thành người xứng đáng với cõi trời.
THỨ SÁU
Kh 10,8-11; Lc 19,45-48
Hai bài Thánh Kinh hôm nay nói đến việc hấp thụ Lời Chúa và rao giảng Lời Chúa. Rao giảng Tin Mừng là một trong những dấu báo hiệu thời Chúa đến. Vì việc rao giảng chuẩn bị lòng người ta đón Chúa. Và theo ý định cứu độ của Chúa, mọi người phải được nghe Tin Mừng để có điều kiện xác định thái độ mình là đón nhận hay khước từ Chúa. Bởi đó, trong thời gian chờ quang lâm, việc rao giảng Tin Mừng là nhiệm vụ hàng đầu, các kẻ tin không thể lơ là hay coi nhẹ.
Bài Tin Mừng cho chúng ta thấy Chúa Giêsu tiếp tục với sứ mạng rao giảng cho đến những ngày cuối đời. Chúa Giêsu vào đền thờ, xua đuổi quân buôn bán làm dơ bẩn đền thờ và ngày nào Ngài cũng vào đó rao giảng. Chỗ khác, chúng ta nghe nói khi bị bà con khuyến cáo đừng giảng kẻo bị nguy hiểm, Chúa Giêsu trả lời là Ngài tiếp tục sứ mạng bao lâu còn là ngày.
Sau Chúa Giêsu, đến lượt con người chúng ta được mời gọi đảm nhận trách vụ rao giảng Lời Chúa. Bài Khải Huyền lấy lại thị kiến xưa kia của ngôn sứ Isaia: con người được mời gọi nuốt cuốn sách Lời Chúa. Việc ăn Lời Chúa ấy khiến ruột gan người ta đau đớn. Ý nói kẻ rao giảng phải thấm Lời Chúa, phải chịu hy sinh vì Lời Chúa thì lời mình rao giảng mới hữu hiệu.
Trong thời gian chờ đợi Chúa ngự đến, chúng ta xin ơn biết say mê Lời Chúa, thấm nhuần Lời Chúa, sống cho Lời Chúa để trở thành những thừa sai đắc lực cho Chúa.
THỨ BẢY
Kh 11,4-12; Lc 20,27-40
Người Công Giáo chúng ta phải sống thế nào trong quãng thời gian còn trên cõi thế, nhất là trong quãng thời gian chờ đợi ngày cánh chung, ngày Thiên Chúa đến?
Đoạn sách Khải Huyền nêu lên phản ứng và bổn phận của chúng ta nên có nếu chúng ta ở trong lúc bị bách hại như các tín hữu thời đầu: đó là chúng ta hãy can cường làm chứng cho Thiên Chúa, dám chết vì Thiên Chúa như hai vị chứng nhân mà đoạn sách nói đến (hai vị này là ai? Có người hiểu đó là ông Giôrôbaben và tư tế Giosua, người khác hiểu là Môsê và Êlia, giới bình dân thì hiểu là Hênóc và Êlia, vì hai ông này không chết, chỉ bị cất đi, chờ thời thế mạt lại xuất hiện).
Lãnh nhận phép rửa, gia nhập Giáo Hội và trở thành Kitô hữu tự nó đã có nghĩa là người ta sẽ có thể phải đi đến chỗ làm chứng đến đổ máu về việc mình đã chọn theo Đức Kitô. Thế nhưng, kẻ tin cũng biết chắc rằng phía Thiên Chúa, Người sẽ không bỏ rơi mình mà sẽ can thiệp, làm cho mình được chung số phận vinh hiển của Đức Kitô, giống như hai vị chứng nhân chết ba ngày rưỡi sống lại và lên trời trước sự kinh hoàng của các đối thủ từng hân hoan vì cái chết của họ.
Đó là trong thời cấm cách bắt bớ. Còn khi cuộc sống được an thái, Kitô hữu vẫn là những người sống hết mình cho Thiên Chúa, vì biết rằng nguyên việc Thiên Chúa tạo dựng họ làm người đã là một ơn huệ vô song khiến họ lấy cả đời đáp đền Người – nói gì đến một ơn huệ còn lớn lao hơn nữa, đó là Thiên Chúa dành sẵn cho họ cả một cuộc sống vĩnh cửu sau khi chết. Câu Chúa Giêsu trả lời cho nhóm Sađốc không tin có sự sống lại thật là Tin Mừng cho kẻ tin: Thiên Chúa là Đấng chỉ tạo dựng để thông ban sự sống Người, để con người tồn tại mãi mãi và Người là Đấng sẽ cho người ta được sống lại sau khi chết.
Qua các bài Lời Chúa, phụng vụ đang nhắc chúng ta về thời thế mạt, về việc chúng ta sống trong thời cứu độ và mong chờ Chúa đến. Chúng ta hãy ghi nhớ những thái độ cần phải có để khi cuộc sống được suông sẻ cũng như khi rơi vào gian khó, mọi lúc chúng ta vẫn là những con người trung thành với sự chọn lựa Đức Giêsu Kitô của mình và sống sao để Thiên Chúa và mọi người khác nhìn chúng ta sẽ luôn thấy chúng ta là kẻ đang thuộc thế giới của Thiên Chúa, thế giới của sự sống bất diệt, của chiến thắng trên sự dữ, của hạnh phúc đích thực và lâu bền.