THỨ HAI
Kh 14,1-3.4b-5; Lc 21,1-4
Gợi ý 1:
Vấn đề giàu nghèo luôn luôn là vấn đề thời sự nóng bỏng của mọi thời đại. Sự tồn tại của những người không có một mái nhà, không có đủ miếng cơm, manh áo tối thiểu quả thật làm cho chúng ta áy náy. Tiền của được xem là tiêu chuẩn phân biệt ai là người giàu, ai là kẻ nghèo. Con Chúa Giêsu, Ngài nghĩ gì về vấn đề này?
Thánh Luca đã đề cập nhiều đến vấn đề tiền của, đặc biệt trong Bài Giảng Trên Núi (x. Lc 6,20-26), đã minh họa thái độ phải có đối với tiền của qua các dụ ngôn: Người Phú Hộ Và Lazarô (x. Lc 16,19tt), Dụ Ngôn Người Quản Lý Bất Lương (x. Lc 16,1-13), Dụ Ngôn Mười Nén Bạc (x. Lc 19,11-26)…. Chúa Giêsu đã nhìn vấn đề từ trong thâm căn: giàu nghèo trong tâm hồn. Nhân cơ hội chứng kiến hai hạng người bố thí nơi đền thờ, Chúa Giêsu bắt chúng ta suy nghĩ và đánh giá việc làm của người khác và của chính chúng ta.
Nếu dựa trên số lượng tiền cúng thì những người có bỏ vào hòm tiền nhiều gấp bội so với số tiền ít ỏi của bà góa. Nhưng Chúa Giêsu đã khen và cho rằng bà ta đã dâng cúng nhiều hơn tất cả. Vì sao? Đơn giản là bà ta đã dâng cúng những của nuôi mình, trong khi những người giàu có chỉ bỏ những cái thừa. Quả thật cùng một việc dâng cúng, hai hạng người đã để lộ ra hai tâm hồn khác nhau: người giàu cho cái mình “còn”, bà góa nghèo dâng cái mình “cần”.
Chính Chúa Giêsu đánh giá công việc từ tâm hồn người cho. Chúa Giêsu chú trọng đến cách cho hơn là của cho. Cách suy nghĩ của Chúa Giêsu quả thật khác với đa số con người mọi thời: bà góa này đã bỏ vào hòm tiền nhiều hơn tất cả.
Lời Chúa hôm nay có chất vấn chúng ta về sự chia sẻ cho anh chị em túng thiếu cũng như dâng cúng cho Thiên Chúa không? Đừng mặc cảm nghèo khi đến với Chúa Giêsu, nhưng hãy tỏ ra “thảo” khi dâng cho Chúa. Tại sao chúng ta lại không dâng sự nghèo khó bên ngoài và bên trong cho Chúa? Sự khiêm tốn và quảng đại đối với Chúa có thúc đẩy chúng ta đóng góp, chia sẻ cho anh em chúng ta đang thiếu thốn, từ mặt vật chất đến tinh thần chăng?
Chúa Giêsu chia sẻ cho chúng ta sự sống của Ngài qua bàn tiệc mà Ngài muốn thiết đãi cho chúng ta. Chúng ta hãy sốt sắng tham dự để tình yêu của Ngài tăng cường lòng mến của chúng ta đối với tha nhân qua mọi tâm tình và hành động của chúng ta.
Gợi ý 2:
Tuy là vua trên hết các vua, Chúa Giêsu lại là vua tình yêu. Nước của Chúa Giêsu là nước của tình yêu. Công dân Nước Ngài là những kẻ thực thi tình yêu. Vì thế, sách Khải Huyền thường mô tả Chúa Giêsu bằng hình ảnh “Con Chiên bị sát tế”, bởi vì Chúa Giêsu yêu thương đến thí mạng sống mình.
Và đứng trước hay đứng chung quanh Chúa Giêsu, là một trăm bốn mươi ngàn người trong trắng, không nhơ uế, không gian ngoa. Những tiếng này có nghĩa là họ không thờ tà thần, không “ngoại tình dâm bôn” theo nghĩa tôn giáo, trái lại trung tín trong lòng mến và đức tin, tuyên nhận Đức Giêsu Kitô là Chúa duy nhất, sống chết cho Thiên Chúa. Họ hát bài ca không ai hát được, vì đó là bài ca yêu thương.
Họ đã diễn tả lòng trung tín đó:
Hoặc qua tử đạo, anh hùng tuyên tín công khai, như các tử đạo Việt Nam mà chúng ta mới (hoặc sắp) mừng lễ.
Hoặc qua những cử chỉ, những hành động anh hùng hằng ngày như cử chỉ âm thầm của bà góa trong bài Tin Mừng.
Nhưng dù sao, những hành vi anh hùng lớn lao (như tử đạo) chỉ có thể có, nếu được chuẩn bị lâu trước bằng vô vàn hành vi trung tín nhỏ bé và hằng ngày. Có những hành vi âm thầm kín ẩn mà lại là hành vi anh hùng, lại là hành vi diễn tả tột đỉnh. Như hành vi của bà góa, tuy bỏ có hai xu, mà thực sự là bỏ cả sự no đủ, sự sung sướng và bỏ cả sự sống ngày hôm đó của mình.
Hôm nay, chúng ta được mời gọi xét lại xem trong “đời thường”, trong “cái thường ngày”, chúng ta có thực sự có một số phút, một số việc trong đó chúng ta hoàn toàn chỉ sống cho Chúa mà thôi hay không? Quá nhiều khi chúng ta sống rất vô ý thức, hoàn toàn không nghĩ gì đến Chúa, sống như kẻ không hồn, hoặc sống cho ý chúng ta, cho con người của chúng ta, cho sở thích của chúng ta nhiều hơn.
Chúng ta xin ơn tập sống cho Chúa nhiều hơn. Tập có những phút sống cho một mình Chúa – qua việc nhớ đến Chúa, giục lòng yêu mến Chúa – có những việc trong đó chúng ta làm chỉ vì mến Chúa hoặc để tỏ lòng mến Chúa – qua việc chúng ta dâng việc ấy cho Chúa.
Khi có những phút, những việc nhỏ sống cho Chúa, chúng ta mới dần dần có những ngày, những tháng, rồi những năm sống cho Chúa và cuối đời, có hành vi trung tín trong tình mến và đức tin đối với Chúa như số một trăm bốn mươi ngàn người của sách Khải Huyền.
THỨ BA
Kh 14,14-19; Lc 21,5-11
Gợi ý 1:
Thế giới khởi đầu thì cũng có cùng tận. Con người có sinh ra, lớn lên và có lúc phải chết. Điều này thật bình thường. Chuyện đáng quan tâm là tâm tình và thái độ chúng ta phải có đối với các biến cố xảy ra cho thế giới và cho mỗi một người chúng ta.
Nhân cơ hội các môn đệ của Chúa Giêsu trầm trồ khen ngợi vẻ đẹp hùng vĩ của đền thờ Giêrusalem, Chúa Giêsu cho biết: tất cả sẽ tiêu tan, đến đỗi “không còn hòn đá nào chồng lên hòn đá nào”. Chúa Giêsu đã nói tiên tri về số phận của đền thờ thánh này. Trong thực tế thành này đã bị tàn phá hầu như hoàn toàn vào năm 70.
Từ sự kiện trên, chúng ta nghĩ đến sự mỏng dòn của thân phận con người cũng như sự cùng tận của thế giới. Không có gì vật chất trên thế gian này tồn tại mãi với thời gian. Điều gì còn lại sau khi vật chất biến tan đi? Chúa Giêsu cho biết: lúc Con Người trở lại trong vinh quang thì các thiên thần sẽ đến thu hoạch mùa màng. Lúc ấy, số phận mỗi người sẽ bị định đoạt: được hưởng hạnh phúc với Chúa hay bị trầm luôn đời đời. Điều gì sẽ xảy ra trước biến cố trọng đại và quyết định đó? Đó là chiến tranh, loạn lạc, động đất… cùng với những điềm lạ lớn lao. Dưới đất còn có người lừa dối nhau và xuất hiện các tiên tri giả. Thái độ của những người chỉ tin vào Chúa Kitô phục sinh là phải cảnh giác đề phòng. Như con người ngày nay mỗi ngày dự đoán thời tiết, lẽ nào trong đời sống thiêng liêng con cái Chúa không có thái độ tương tự. Hơn thế nữa, người tin vào Chúa càng tỏ lòng phó thác vào Chúa hơn. Hành trang của chúng ta cần mang theo là lòng tin, niềm cậy trông, và tình yêu đối với Chúa và tha nhân.
Ngày quang lâm của Chúa không ai trong chúng ta đoán trước được. Điều quan trọng là chúng ta ra gặp Chúa với tâm trạng và hành trang nào? Ngay bây giờ Chúa đang đến với chúng ta trong hình bánh bé nhỏ. Chúng ta hãy khiêm tốn và vui sướng đón tiếp Ngài.
Gợi ý 2:
Có nhiều người ngày nay vẫn loay hoay với thắc mắc là bao giờ thì tận thế. Họ cố tìm biết. Họ nghe những suy đoán về năm này, năm nọ. Mục đích là để còn hưởng cái thế gian này, còn vững dạ làm ăn, kiến thiết…
Đối với các Tông Đồ và các kẻ tin nhiệt thành, vấn đề đó không quan trọng. Mắt họ nhìn thấy cảnh Thiên Đàng, cảnh Trời Mới Đất Mới và họ chỉ còn hướng về cảnh đó (như những thị kiến của thánh Gioan). Thậm chí họ xác tín rằng cùng với Chúa Giêsu phục sinh, họ đã bước vào cuộc sống mới. Bởi đó, ngay từ hiện tại, họ đã sống như kẻ đã ở cõi trời, họ không bám víu vào thế gian nữa, họ sẵn sàng bỏ mọi sự (Nếu có vị thánh mừng trong ngày thì thêm: như đời thánh…).
Vậy, thay vì hỏi bao giờ tận thế, bao giờ Chúa đến, thì người ta hỏi bây giờ đây tôi đã đến với Chúa chưa, đã sống cho Chúa chưa, đã làm cho cái thế giới, cái con người cũ nơi tôi qua đi, hết đi để tôi bước vào thế giới mới chưa?
Gợi ý 3:
Thế gian này sẽ qua đi. Vì thế, chúng ta đừng quan trọng hóa nó cũng như mọi giá trị của nó, mọi công việc chúng ta là ở đời. Bao nhiêu con người tài ba bằng mấy chúng ta, thực hiện được những công việc to tát bằng mấy chúng ta, cuối cùng đều nằm xuống. Tháng 11 này là tháng nhớ đến các kẻ đã qua đời. Chúng ta chỉ cần đến một nghĩa trang là thấy tại đó bao nhiêu con người khác nhau, làm được những việc khác nhau, tài cán khác nhau, cuối cùng chỉ còn là những nấm mồ, trên đó chỉ còn một cây Thánh Giá như niềm hy vọng cuối cùng. Vì thế, chúng ta đừng tìm kiếm đời này và những giá trị phù vân mau qua, mà hãy tìm kiếm những điều con mãi, tức là Chúa, là Thiên Đàng.
Mỗi khi cử hành thánh lễ, chúng ta hãy nhớ thế gian này đang qua đi và chúng ta gắn bó với mầu nhiệm Chúa Kitô.
THỨ TƯ
Kh 15,1-4 – Lc 21,12-19
Gợi ý 1
Khi nói chuyện với các môn đệ, Chúa Giêsu không còn nói úp mở hay dùng những lời lẽ ngon ngọt để che đậy nội dung nhiều khi đắng cay. Ngài nói rõ, nói hết với các ông.
Trước tiên Ngài cho biết số phận hẫm hiu của những người trung thành với Ngaìu. Họ sẽ bị ghét bỏ, loại trừ. Ngoài ra họ còn bị bách hại bởi vua chúa, quan quyền. Đau xót hơn nữa khi chính bà con ruột thịt tố cáo và giao nộp họ cho kẻ dữ. Nghe những lời đó ai mà chẳng sợ hãi. Những lời Chúa tiếp theo là một niềm an ủi, một bảo đảm khiến họ an tâm, Thiên Chúa ở cùng họ. Thiên Chúa sẽ gìn giữ họ, bảo vệ họ: “một sợi tóc trên đầu cũng không hư mất”. Không chỉ gìn giữ họ, Ngài còn soi sáng cho họ biết ứng xử làm sao trước mặt những kẻ bắt bớ họ.
Đó là dịp tốt để họ làm chứng bằng lời và đời sống cho Chúa Giêsu. Đó cũng là sứ mạng của Hội Thánh trong quá trình lịch sử. Biết bao Kitô hữu đã sẳn sàng đổ máu mình ra để tuyên xưng Thiên Chúa tình yêu, Đức Kitô Phục sinh. Số lượng đông đảo các thánh tử đạo đã nói lên phần nào lòng trung thành với Chúa và Hội Thánh.
Ngày nay, dù ít có dịp làm chứng bằng mạng sống , nhưng chúng ta có vô số cơ hội để “tử đạo” như: sống yêu thương và tha thứ, sống hy sinh và nhận nhục… trong cuộc sống gia đình và xã hội. Việc làm chứng đó đòi hỏi phải kiên trì và hiệp thông với Chúa Giêsu và Hội Thánh Ngài. Sự bồn bột và nhiệt tâm nhất thời không bảo đảm cho lòng trung thành.
Thánh lễ là nơi chúng ta gặp gỡ Chúa và anh chị em. Chúng ta có thật sự hiệp nhất với nhau khi cùng đón nhận cùng một lời Chúa, chia sẻ cùng nhau một Tấm Bánh Hằng Sống? Xin Chúa Giêsu nối kết chúng ta lại với nhau bằn tình yêu và sự sống thần linh của Ngài.
Gợi ý 2.
Cả hai đoạn Thánh kinh hôm nay đều đề cập đến hoàn cảnh thử thách và đen tối mà Hội Thánh Chúa Kitô sẽ gặp phải. Đoạn sách Khải huyền chắc đã được viết khi Hội Thánh gặp phải gian khó. Đoạn Tin mừng cũng thế, hoặc đó là cái nhìn của Chúa Giêsu về tương lai Hội Thánh Ngài. Cả hai đoạn đều rất thực tế: nói đến số phận kẻ tin là phải chiến đấu với mãnh thú – là sẽ bị chẳng những người ngoài mà chính cha mẹ, cha em trao nộp, giết hại.
Thế nhưng trước mắt kẻ tin là một viễn tượng nhiều hứa hẹn: họ luôn sẽ có Chúa ở cùng, do đó họ đừng sợ sẽ phải kháng lý hay ăn nói đối đáp ra sao với kẻ bách hại họ - họ chỉ cần kiên nhẫn trong lòng tin thì chắc chắn không sợi tóc nào của họ bị hại và họ sẽ được cứu độ. Thậm chí, cùng với Chúa, họ kể như là khải hoàn, đã thoát khỏi tay mãnh thú như dân Do Thái ngày xưa thoát khỏi tay người Ai cập. Như Môisen và dân Do Thái trong cuộc xuất hành, họ sẽ hát lên bài ca vãn khải hoàn, ca tụng Thiên Chúa vì muôn vàn kỳ công của Người và vì muôn dân tin thờ Người.
Đối với chúng ta ngày hôm nay, cảnh bách hại hầu như ít xảy ra. Thế nhưng, vấn đề thắng sự dữ vẫn là vấn đề rất hiện tại. Ta được mời gọi ý thức về những chi phối của sự dữ, của những đam êm xấu và tích cực gắn bó với Chúa, đem hết nổ lực để dần dần chế ngự và chiến thắng sự dữ còn tạo ảnh hưởng nơi chính cá nhân mình hoặc chính xã hội chung quanh.
THỨ NĂM
Kh 18, 1-2.21-23; 19,1-3.9a – Lc 21,20-28
Có một điều bình thường, nhưng xem ra không hợp lý lắm, thỉnh thoảng xảy ra với người lớn tuổi. Đó là việc kêu tên Chúa, Mẹ mỗi khi gặp khó khăn, nguy hiểm. Trước sự dữ đe doạ, cầu với một người có sức trấn áp là chuyện tự nhiên. Nhưng phải chăng Thiên Chúa vắng mặt trong một giây phút đời sống con người khiến con người phải kêu gọi ?
Phải chăng khẳng định rằng Thiên Chúa luôn có mặt ở mọi biến cố trong đời sống cá nhân và xã hội. Ngài ở bên cạnh con người và luôn lo lắng tai nghe họ. Vì thế con người không có gì phải lo âu sợ hãi. Tuy nhiên thánh Luca tường thuật bằng lối văn Khải huyền thời cuối cùng của thành Giêrusalem: thành thị bị tàn phá, dân bị đau khổ, bị kẻ ngoại xâm lăng và bắt bớ. Từ biến cố này Chúa Giêsu tiên báo ngày thế mạc. Nhưng tai hoạ trên không trung, to lớn hơn, khủng khiếp hơn giáng trên con người, chính lúc đó Chúa Giêsu quang lâm. Đây là thời kỳ con người được giải thoát khỏi ách nô lệ của thế gian. Đó là giờ được cứu độ. Thị kiến của thánh Gioan trong sách Khải huyền: sự sụp đổ của thành Giêrusalem cùng với thành Babylon vĩ đại và tháp Babel là một điểm báo trước sự sụp đổ của thế gian kiêu ngạo và tội lỗi.
Quang cảnh ngày tận thế làm cho chúng ta e ngại và mong cho ngày đó chậm đến. Thế nhưng điều quang trọng là việc xuất hiện của Đức Kitô, Đấng mà chúng ta mong chờ. Lần này Ngài đến để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Ngài sẽ xử phạt công minh. Vô phúc cho những ai không sống theo đường lối Chúa và chưa kịp hoán cải. Hạnh phúc cho những người đã chuẩn bị sẵn sàng đón tiếp Ngài.
Ngày tận thế xảy ra lúc nào không ai biết được. Điều chúng ta phải làm là luôn sống thánh thiện công chính để khỏi bị bất ngờ. Giờ đây Ngài đang tới trong thánh lễ. Hãy chuẩn bị tâm hồn để tiếp đón yêu thương và ban sự sống Ngài cho chúng ta.
THỨ SÁU
Kh 20,1-4.11;21,2 – Lc 21,29-33
Gợi ý 1
Làm sao nói về việc Nước Chúa đã đến cho các môn đệ ? Chúa Giêsu dùng hình ảnh cây vả đâm chồi nảy lộc. Có lẽ thính giả dễ hiểu hơn khi đi từ bình diện vật chất đến bình diện thiêng liêng.
Sự kiện Đức Kitô đến trần gian khởi đầu cho việc cứu chuộc. Đó là mùa xuân Nước Trời. Công việc sẽ chấm dứt khi Chúa Kitô quang lâm. Đó là mùa thu hoạch, mùa gặt hái của thời gian…. Cây cối đã đâm lộc nở hoa thì sẽ kết trái.
Chúng ta đang sống vào thời kỳ chờ đợi thu hoạch. Đây là lúc làm việc khẩn trương. Người nông dân phải lo chăm sóc cây trái mới mong được kết quả tốt. Trong đời sống thiêng liêng chúng ta không thể ở yên. Một mặt chúng ta phải cam đảm chiến đấu với tội lỗi, với thế gian và ma quỉ: mặt khác chúng ta phải vun trồng các nhân đức, sống trọn ven phúc âm để trở thành người môn đệ chân chinh của Chúa Giêsu. Những khó khăn mà chúng ta gặp phải có tính cách quyết định. Nhiều lúc chúng ta cảm thấy mệt nhọc và muốn buông xuôi. Tin vào quyền năng và sự trợ giúp của Chúa, chúng ta hãy mạnh dạn tiến bước. Sách Khải huyền vẽ ra cho chúng ta một viễn ảnh chan chứa hy vọng: Satan bị đánh bại, kẻ chết sống lại và thế giới mới xuất hiện. Niềm tin và Chúa Giêsu Phục sinh từ cỏi chết thúc bách chúng ta kiên tâm.
Chúng ta hãy dâng tất cả đời sống chúng ta, hiệp với của lễ hy sinh trên thánh giá của Chúa Giêsu. Như thế đời sống chúng ta Đức hiệp thông với Ngài và Ngài sẽ biến đổi chúng ta thành con người mới, trong khi chờ đời Ngài lại đến trong vinh quang.
Gợi ý 2
Lời Chúa không giấu giếm kẻ tin về hai thực tế: đó là kẻ tin sẽ gặp gian khó – nhưng chính cảnh họ bị bách hại lại là dấu hiệu báo trước là Chúa sắp đến và chắc chắn Ngài sẽ vinh thắng trên con rồng tức là mãnh thú hoặc Satan.
Khi tin theo Chúa, ta đừng ngây thơ tưởng rằng đó sẽ là một cuộc sống dễ dãi thơ thới. Ta hãy nhớ bước đường theo Chúa đầy gian khó, do việc ta phái liên lỉ đi ngược với những quan niệm sống của xã hội chung quanh, đi ngược với bao nhiêu hướng chiều xấu của bản thân. Thế nhưng ta cũng không được quên rằng mình đã là thuộc hạ của một Đấng chiến thắng trên sự dữ rồi. Và chính việc ta gặp gian khó là dấu hiệu báo trước về việc Chúa đến, và gian khó ta chịu chính là con đường dẫn đến khải hoàn, một cách chắc chắn.
Điều này chẳng những đã đúng cho các vị tử đạo mọi thời, những kẻ được quyền phán xét và cùng làm vua với Đức Kitô, mà còn đúng cho mọi gian khó thử thách ta đang chấp nhận hằng ngày trong hiện tại vì lòng mến đối với Đức Kitô.
THỨ BẢY
Kh 22, 1-7 – Lc 21,34-36
Gợi ý 1
Thánh Đaminh Saviô, khi còn nhỏ, đã có một đời sống nhân đức thánh thiện. Một hôm cha sở hỏi ngài: nếu Chúa muốn con phải chết ngay lúc này, con phải làm gì ? Thánh nhân không ngần ngại thưa: dạ con vẫn tiếp tục chơi. Câu trả lời thoạt xem ra không khôn ngoan, nhưng nói lên một thái độ bình thản, tự tin, vì tâm hồn thánh nhân luôn sẵn sàng đón Chúa.
Không phải tất cả chúng ta luôn có một tâm hồn sẵn sàng như thế. Chúa Giêsu đến với chúng ta mỗi người một thời điểm mà không ai ngờ trước được. Thái độ khôn ngoan nhât là luôn luôn sẵn sàng tỉnh thức. Tỉnh thức có nghĩa là đừng để cho lòng trí ra nặng nề, ngu muội và đam mê những thú vui trần tục. Đối với người công giáo, tỉnh thức không chỉ có nghĩa thụ động: ngồi chờ. Nó bao hàm một thái độ cầu nguyện, nghĩa là luôn đặt mình trước mặt Chúa để lắng nghe.
Ngày cuối cùng trong niên lịch phụng vụ mở ra cho chúng ta một viễn ảnh đầy hoan lạc chứ không phải một bầu khí ảm đảm, đầy lo âu sợ hãi. Thánh Gioan, trong thị kiến cuối cùng cũng diễn tả hình ảnh một Giêrusalem mới, với con sông có nước trường sinh, cảnh những cây cổ thụ cùng với ánh sáng chói loà hơn cả ánh sáng mặt trời. Đó phải chăng là thiên đàng nơi con người được Chúa Giêsu dẫn đến nếu đã sẵn sàng và xứng đáng.
Lòng hướng về tương lai, nhưng thể xác chúng ta vẫn còn hiện hữu ở những giây phút hiện tại. Chúng ta phải tận dụng khoảng thời gian quí báu Chúa ban cho. Mỗi khoảng khắc là một nén vàng Chúa trao cho chúng ta để sinh lợi cho Ngài. Hạnh phúc cho chúng ta nếu lúc trình diện Ngài, Ngài nói với chúng ta : “hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín… hãy vào hưởng hạnh phúc của chủ ngươi.
Chúng ta hãy tưj chất vấn mỗi ngày: Chúa Giêsu chiếm chỗ nào trong sinh hoạt hiện tại của tôi. Tôi chuẩn bị ra sao để đón tiếp Ngài, dù Ngài có đến thình lình?
Gợi ý 2
Lời Chúa của ngày cuối năm phụng vụ Hội Thánh hướng ta đến cảnh huy hoàng của thời bế mạc: loài người sống cạnh dòng nước sự sống từ đó tuông trào cảnh sống sung túc no đủ. Mọi án nguyền rủa sẽ chấm dứt. Đêm tối cũng sẽ không còn, vì các kẻ tin được Thiên Chúa chiếu sáng. Họ sẽ làm vua đời đời kiếp kiếp.
Thực sự cả Hội Thánh Đức Kitô đang tiến dần đến cảnh huy hoàng đó. Từ khi lãnh nhận đức tin, ta xác tín đó là hứa hẹn chắc thực là của Chúa và đó cũng là cùng đích ta đang chấp nhận mọi hy sinh thua thiệt trên đời để đạt tới. Chúa tha thiết căn dặn ta hãy tin vào lời chân thật của Ngài, hãy giữ vững các điều Ngài loan hứa. Đồng thời, trong khi chờ đợi Chúa đến, hãy canh chừng, đừng để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say xưa hoặc vì lo lắng sự đời, trái lại hãy tỉnh thức và xin cho được ơn đứng vững đến cùng.
Phần ta, ta cũng hãy ý thức tương lai tươi sáng đó chính là cùng đích mà vì yêu thương, Chúa đặt định sẵn từ muôn kiếp cho đời ta, cùng đích đó phải luôn trước mắt ta khi ta sinh sống, làm lụng, phấn đấu vì cuộc sống. Nó đáng ta nhớ đến luôn và ngày ngày nổ lực để hướng đời mình về đó.