Giữa dòng chảy hối hả của cuộc sống, khi những câu hỏi về bản ngã, về lẽ sống cứ vang lên trong tâm trí mỗi người, thì câu hỏi: Tại sao bạn theo đạo Công giáo? lại càng mang đến ý nghĩa đặc biệt. Nó không chỉ là lời thắc mắc đơn thuần về một đức tin, mà còn là lời mời gọi khám phá hành trình thiêng liêng nơi người đang tìm kiếm ý nghĩa và hy vọng cho cuộc đời mình.
Hãy thử tưởng tượng, giữa những cuộc trò chuyện thân mật với bạn bè, đồng nghiệp, hay những người bạn mới quen, bất chợt có ai đó hỏi bạn: Tại sao bạn theo đạo Công giáo? Bạn sẽ trả lời thế nào? Có phải chỉ đơn giản vì gia đình bạn theo đạo, vì bạn được nuôi dạy trong môi trường Công giáo từ nhỏ? Hay bạn sẽ chia sẻ về những trải nghiệm đức tin, về những lần bạn cảm nhận được sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời, về tình yêu dành cho các vị thánh, về niềm an ủi khi được rước Chúa mỗi tuần? Dù bạn đang ở đâu trên hành trình đức tin của mình, Chúa vẫn luôn mời gọi bạn chân thành và ý thức trả lời cho câu hỏi căn bản này:
Thánh Phêrô đã viết : "Anh em hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em" (1Pr 3,15). Khi suy nghĩ về lý do tại sao chúng ta là người Công giáo, hãy bắt đầu bằng câu hỏi đơn giản này: Niềm hy vọng của tôi đặt ở đâu trong cuộc đời này?.
Giữa những bộn bề lo toan của cuộc sống, giữa những thử thách nghiệt ngã mà ta phải đối mặt, liệu bạn có tin rằng rồi mọi thứ sẽ ổn? Liệu bạn có đủ sức mạnh để vượt qua những đau khổ, mất mát, với niềm tin rằng tất cả đều có ý nghĩa trong kế hoạch của Chúa?
Chính những câu hỏi mang tính cá nhân này sẽ mở ra cánh cửa dẫn vào cõi lòng, giúp ta khám phá nơi neo đậu của hy vọng, nơi ta tìm thấy sức mạnh và sự bình an đích thực. Đây chìa khóa để hiểu tại sao chúng ta hy vọng và tin tưởng vào Chúa Kitô. Chúng cũng có thể giúp chúng ta nhận ra những nghi ngờ, sợ hãi đang ẩn giấu trong lòng để mang đến cho Chúa trong lời cầu nguyện, suy tư và học hỏi.
Chia sẻ câu chuyện cuộc đời
Chia sẻ đức tin không chỉ là kể về những giáo lý, những điều ta biết, mà còn là dũng cảm mở lòng, chia sẻ câu chuyện của chính mình. Đó là câu chuyện được viết nên từ những vui buồn, hy vọng và sợ hãi mà ta đã trải qua. Đó là câu chuyện về những lần ta vấp ngã, để rồi nhận ra bàn tay Chúa luôn đưa ra nâng đỡ. Đó là câu chuyện về những lúc ta yếu đuối, để rồi kinh nghiệm được sức mạnh của Chúa tuôn đổ trên ta.
Một bạn trẻ chia sẻ: “Có những lúc mình đã từng nghi ngờ về Chúa, thậm chí trách móc Ngài. Nhất là khi gia đình mình gặp biến cố lớn, mình cảm thấy như cả thế giới sụp đổ, tương lai mù mịt. Mình đã khóc rất nhiều, cầu nguyện rất nhiều, nhưng dường như chẳng có lời hồi đáp.
Lúc ấy, mình cảm thấy lạc lõng và bơ vơ. Mình tự hỏi, nếu Chúa thực sự tồn tại, tại sao Ngài lại để những điều tồi tệ xảy ra với gia đình mình? Mình bắt đầu thôi cầu nguyện, xa rời nhà thờ.
Nhưng rồi, giữa những ngày tháng tối tăm ấy, mình nhận ra rằng mình không hề đơn độc. Mình có gia đình, bạn bè luôn ở bên cạnh, chia sẻ và động viên. Mình cũng nhận ra rằng, chính trong những lúc tuyệt vọng nhất, mình vẫn luôn tìm thấy niềm an ủi trong lời cầu nguyện, trong những trang Kinh Thánh. Dù không nhìn thấy Chúa, nhưng mình cảm nhận được sự hiện diện của Ngài, âm thầm chở che và nâng đỡ mình.
Dần dần, mình hiểu ra rằng những thử thách, khó khăn trong cuộc sống chính là cách Chúa tôi luyện đức tin của mình. Và mình tin rằng, Chúa có một kế hoạch tuyệt vời cho cuộc đời mình, dù hiện tại mình chưa thể hiểu hết được”.
Khi chia sẻ về niềm hy vọng của mình, chúng ta không cần phải tô vẽ một câu chuyện hoàn hảo hay một cuộc sống toàn màu hồng. Đôi khi, những chứng tá chân thực nhất lại đến từ chính những khó khăn, thử thách mà chúng ta đã vượt qua nhờ đức tin, ngay cả khi chúng ta chưa có tất cả câu trả lời. Đức Phaolô VI, trong Tông huấn "Loan báo Tin Mừng", đã khẳng định: "Con người thời nay sẵn sàng lắng nghe những chứng nhân hơn là những thầy dạy, và nếu họ có lắng nghe những thầy dạy đi nữa, thì đó là vì họ cũng là những chứng nhân" (số 41). Điều này nhắc nhở chúng ta rằng, chỉ cần chia sẻ những trải nghiệm cuộc sống và đức tin của bản thân một cách chân thành, chúng ta đã có thể gieo những hạt giống hy vọng vào lòng người khác.
Đó có thể là những khó khăn trong học tập, những so sánh bản thân với người khác, những lúc cảm thấy cô đơn, lạc lõng, và cách chúng ta tìm thấy niềm an ủi nơi Chúa giữa những bóng tối của cuộc đời. Đó cũng có thể là lời thú nhận rằng, đã có những lúc chúng ta là người Công giáo chỉ vì "mẹ bắt phải theo đạo", nhưng rồi chính chúng ta đã gặp gỡ Chúa Kitô và Giáo hội của Ngài giữa những yếu đuối, tội lỗi, chữa lành và hy vọng.
Giống như Thánh Augustinô, người đã từng lạc lối trong những thú vui trần tục trước khi tìm thấy ánh sáng đức tin, hay như Thánh Phanxicô Assisi, người đã từ bỏ cuộc sống giàu sang để sống trong khó nghèo và phục vụ người nghèo, mỗi chúng ta đều có một kinh nghiệm đức tin để kể.
Câu hỏi tại sao bạn theo đạo Công giáo? không có một đáp án duy nhất, mà thay vào đó là lời mời gọi bước vào hành trình khám phá đức tin, là cơ hội để ta đào sâu vào kho tàng giáo huấn của Giáo hội, để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của các bí tích, để học hỏi từ cuộc đời của các thánh. Mỗi ngày sống là một cơ hội để ta vun đắp cho ngôi nhà đức tin thêm vững chắc, để ta lớn lên trong tình yêu Chúa và tình yêu thương tha nhân.
Nói tóm lại, để trả lời câu hỏi tại sao bạn theo đạo Công giáo?, ta cần lắng nghe tiếng nói từ trái tim mình, chia sẻ câu chuyện của bản thân với sự chân thành và cởi mở. Đó chính là cách ta làm chứng cho niềm hy vọng, cho tình yêu và cho đức tin của mình, đồng thời truyền cảm hứng cho những người xung quanh cùng bước vào hành trình tìm kiếm hạnh phúc đích thực.
G. Võ Tá Hoàng