Bài giảng lễ Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội của ĐTC Phanxicô 8/12/2024




BÀI GIẢNG LỄ ĐỨC MARIA VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI
CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
TẠI ĐỀN THỜ THÁNH PHÊRÔ SÁNG 08/12/2024


“Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng” (Lc 1,28). Với lời chào này, trong ngôi nhà nhỏ bé tại Nazareth, Thiên Thần đã tỏ cho Đức Maria mầu nhiệm về Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ, ngay từ khi thụ thai Mẹ đã “được gìn giữ khỏi mọi vết nhơ của tội nguyên tổ” (Đức Piô IX, Tông hiến Ineffabilis Deus, 8 tháng 12 năm 1854). Qua nhiều thế kỷ, bằng lời nói và hình ảnh, các Kitô hữu đã tìm cách mô tả món quà đó, bằng cách nhấn mạnh đến ân sủng và sự dịu dàng trong dung mạo của “Đấng được chúc phúc hơn mọi người nữ” (x. Lc 1,42), qua những nét đặc thù và đặc trưng của người bản địa và các nền văn hóa khác nhau.

Và thực sự, như Thánh Phaolô VI đã nhận xét - Đức Mẹ cho chúng ta thấy “điều mà tất cả chúng ta đều có trong sâu thẳm trái tim mình: hình ảnh đích thực của nhân loại […] trong trắng, thánh thiện, […] bởi vì con người của Mẹ là sự hài hòa, thuần khiết, giản dị - đó chính là Maria: hài hòa, thuần khiết, giản dị -; là sự tinh trong, dịu dàng, hoàn hảo; là tất cả vẻ đẹp” (Bài giảng trong Lễ Trọng Kính Đức Mẹ Vô Nhiễm).

Chúng ta hãy dừng lại một chút để chiêm ngắm vẻ đẹp này, dưới ánh sáng của Lời Chúa, trong ba khía cạnh của cuộc đời Đức Maria, khiến Mẹ trở nên gần gũi và thân thuộc với chúng ta. Ba khía cạnh đó là gì? Đức Maria là thiếu nữ, là hiền thê và là người mẹ.

Trước hết, chúng ta hãy nhìn Đức Maria Vô Nhiễm như một thiếu nữ. Kinh Thánh không nói về thời thơ ấu của Mẹ. Thay vào đó, Tin mừng giới thiệu Mẹ cho chúng ta, khi Mẹ bước vào bối cảnh lịch sử, như một thiếu nữ giàu đức tin, khiêm nhường và giản dị. Mẹ là “trinh nữ” (x. Lc 1,27), trong ánh mắt của Mẹ phản chiếu tình yêu của Chúa Cha và trong trái tim tinh tuyền của Mẹ, tình yêu vô vị lợi và lòng biết ơn đã mang lại màu sắc và hương thơm của sự thánh thiện. Ở đây, Mẹ hiện ra trước mặt chúng ta xinh đẹp như một bông hoa, âm thầm lớn lên và cuối cùng sẵn sàng nở rộ trong sự hiến dâng bản thân. Bởi vì cuộc đời của Đức Maria là một sự hiến dâng chính mình liên tục.

Điều này đưa chúng ta đến khía cạnh thứ hai về vẻ đẹp của Mẹ: vẻ đẹp của hiền thê, người được Thiên Chúa chọn làm cộng sự viên cho chương trình cứu rỗi của Ngài (x. Công đồng Vatican II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 61). Công đồng nói: Thiên Chúa đã chọn Đức Maria, một người phụ nữ làm cộng sự viên cho kế hoạch cứu rỗi của Ngài. Không có ơn cứu độ nào nếu không có người phụ nữ bởi vì chính Giáo hội cũng là phụ nữ. Và Mẹ thưa “xin vâng” bằng cách nói: “Vâng, này tôi là tôi tớ Chúa” (Lc 1,38). “Tôi tớ” không có nghĩa là “nô lệ” và “bị sỉ nhục”, mà là người “đáng tin cậy”, “được quý trọng”, người mà Chúa giao phó những kho tàng quý giá nhất và sứ mạng quan trọng nhất. Vẻ đẹp của Mẹ lúc này, đa diện như một viên kim cương, hé lộ một khía cạnh mới: đó là sự trung thành, lòng trung thực và ân cần vốn đặc trưng cho tình yêu vợ chồng. Thánh Gioan Phaolô II hiểu rõ điều này khi ngài viết rằng Đức Trinh nữ Vô Nhiễm “đã chấp nhận được chọn làm Mẹ của Con Thiên Chúa, được dẫn dắt bởi tình yêu phu thê, tình yêu “thánh hiến” hoàn toàn con người mình cho Thiên Chúa” (Thông điệp Redemptoris Mater, 39).

Giờ đây chúng ta đến với khía cạnh thứ ba của vẻ đẹp. Khía cạnh thứ ba của vẻ đẹp Đức Maria là gì? Đó là Đức Maria như người mẹ. Mẹ thường được mô tả tay bồng Chúa Giêsu Hài Đồng, hoặc trong hang đá, Mẹ cúi xuống nhìn Con Thiên Chúa khi Người nằm trong máng cỏ (x. Lc 2,7). Mẹ luôn hiện diện bên cạnh Con của mình trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống: gần gũi trong sự chăm sóc và ẩn mình trong sự khiêm nhường. Chúng ta chứng kiến sự gần gũi này ở Cana, nơi Mẹ chuyển cầu cho đôi tân hôn (x. Ga 2,3-5), hoặc ở Capharnaum, nơi Mẹ được ca ngợi vì đã lắng nghe Lời Chúa (x. Lc 11,27-28) hoặc cuối cùng dưới chân thập giá - mẹ của một người bị kết án -, nơi chính Chúa Giêsu trao phó Mẹ cho chúng ta như một người mẹ (x. Ga 19,25-27), ở đó, Đức Maria Vô Nhiễm xinh đẹp trong sự sinh hoa kết trái của Mẹ, vì Mẹ biết chết đi để đem lại sự sống, biết quên mình để chăm sóc những người bé nhỏ và không chỗ tựa nương, đang nép mình vào Mẹ.

Tất cả những chiều kích này được gói gọn trong trái tim tinh tuyền của Đức Maria, một trái tim không vướng bợn nhơ, ngoan ngoãn trước tác động của Chúa Thánh Thần (x. Thánh Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris Mater, 13), và sẵn sàng dâng lên Thiên Chúa, vì tình yêu, “sự vâng phục trọn vẹn của trí tuệ và ý chí” (Công đồng Vatican II, Dei Verbum, 5; x. Công đồng Vatican I, Dei Filius, 3).

Tuy nhiên, chúng ta có nguy cơ nghĩ rằng đó là một vẻ đẹp xa vời, một vẻ đẹp quá cao siêu, không thể với tới được. Không phải vậy. Thực ra, chúng ta cũng nhận được vẻ đẹp đó như một món quà, trong Bí tích Rửa tội, khi chúng ta được giải thoát khỏi tội lỗi và trở thành con cái Chúa. Giống như Đức Trinh nữ Maria chúng ta được kêu gọi vun trồng vẻ đẹp này với tình con thảo, tình phu thê và tình mẫu tử, biết ơn khi nhận lãnh và quảng đại khi cho đi. Mong sao chúng ta, những người nam nữ không chỉ nói bằng “lời cảm tạ” và “lời xin vâng”, nhưng trên hết là bằng cuộc sống; sẵn sàng dành chỗ cho Chúa trong các kế hoạch của chúng ta và chào đón với tình mẫu tử dịu dàng tất cả anh chị em mà chúng ta gặp gỡ trên đường đời. Vậy thì, Đức Trinh nữ Vô Nhiễm không phải là một huyền thoại, một học thuyết trừu tượng hay một lý tưởng bất khả thi: đó là đề xuất của một kế hoạch đẹp đẽ và cụ thể, Mẹ là kiểu mẫu hoàn hảo đối với nhân loại của chúng ta. Khi chúng ta noi gương Mẹ, ước gì tất cả chúng ta, nhờ ân sủng của Thiên Chúa, giúp thay đổi thế giới của chúng ta tốt đẹp hơn.

Đáng buồn thay, khi nhìn xung quanh chúng ta, như yêu sách của tội lỗi đầu tiên, muốn được “như Thiên Chúa” (x. St 3,1-6), tiếp tục làm tổn thương nhân loại. Sự tự phụ tự mãn này không sinh ra tình yêu thương cũng như hạnh phúc. Những người coi việc từ chối bất kỳ mối ràng buộc ổn định và lâu dài nào trong cuộc sống là tiến bộ sẽ không mang lại tự do. Những kẻ tước đoạt lòng kính trọng cha mẹ, những kẻ không muốn có con, những kẻ coi người khác như đồ vật hoặc coi họ như những mối phiền toái, những kẻ coi việc chia sẻ với người khác là lãng phí, và đoàn kết là làm bần cùng hóa, những kẻ coi việc chia sẻ với người khác là lãng phí, và đoàn kết là làm bần cùng hóa, không thể lan tỏa niềm vui hay xây dựng tương lai. Tiền bạc trong ngân hàng, tiện nghi trong căn hộ, những “mối quan hệ” giả tạo của thế giới ảo để làm gì, nếu sau đó trái tim vẫn lạnh lẽo, trống rỗng, khép kín? Mức tăng trưởng tài chính cao của các quốc gia giàu có để làm gì, nếu sau đó nửa thế giới chết vì đói và chiến tranh, và những người khác vẫn thờ ơ đứng nhìn? Du lịch khắp hành tinh để làm gì, nếu sau đó mỗi cuộc gặp gỡ chỉ là cảm xúc thoáng qua, một bức ảnh mà không ai nhớ đến nữa trong vòng vài ngày hoặc vài tháng?

Anh chị em thân mến, hôm nay chúng ta hãy nhìn lên Đức Maria Vô Nhiễm, xin Mẹ chinh phục chúng ta bằng Trái Tim tràn đầy yêu thương của Mẹ, hoán cải chúng ta và biến chúng ta thành một cộng đoàn, nơi đó tình con thảo, tình phu thê và tình mẫu tử là quy tắc và tiêu chí sống: nơi các gia đình đoàn tụ, vợ chồng chia sẻ mọi thứ, cha mẹ hiện diện bằng xương bằng thịt bên cạnh con cái và con cái chăm sóc cha mẹ. Đó là vẻ đẹp mà chúng ta thấy nới Đức Trinh nữ Vô Nhiễm, đó là “vẻ đẹp cứu rỗi thế giới”, và trước vẻ đẹp đó, giống như Đức Maria, chúng ta cũng muốn đáp lại với Chúa: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền” (Lc 1,38).

Chúng ta cử hành Thánh Lễ này cùng với các Tân Hồng Y. Họ là anh em mà tôi đã yêu cầu hỗ trợ tôi trong việc phục vụ mục vụ của Giáo hội hoàn vũ. Họ đến từ nhiều nơi trên thế giới, mang theo một sự Khôn Ngoan duy nhất với nhiều khuôn mặt, để góp phần vào sự tăng trưởng và lan tỏa Nước Thiên Chúa. Chúng ta đặc biệt phó thác họ cho lời chuyển cầu của Mẹ Đấng Cứu Thế.

G. Võ Tá Hoàng 
Mới hơn Cũ hơn