Suy niệm mỗi ngày, từ 26 tháng12 đến ngày 05 tháng Giêng



Ngày 26 tháng 12

Lễ Thánh Stêphano

Cv 6,8-10.7,54-59; Mt 10,17-22

Hôm qua, trong ngày giáng sinh, chúng ta đã thấy Thiên Chúa làm người. Ngôi Hai Thiên Chúa, hiện hữu từ đời đời, cùng với Cha, đã trở thành một hài nhi, nhận lấy kiếp sống con người với mọi điều kiện, mọi cảnh huống, mọi giai đoạn tiến triển, ngoại trừ tội lỗi…

Hôm nay, với lễ thánh Stephanô, ta thấy một con người làm Thiên Chúa, hay đúng hơn, trở nên một Đức Giêsu Kitô thứ hai. Thật vậy, theo sách Công Vụ, thánh Stêphanô từ khi tin nhận Chúa Kitô, đã sống chết cho Nước Trời, cho việc rao giảng Tin Mừng, bất chấp chống đối hiềm thù. Đời sống của ngài đã giống đời sống Chúa Kitô. Cái chết của ngài lại cũng rất giống cái chết của Chúa Kitô: khi gần tắt thở, ngài nói lại chính những lời của Chúa Giêsu đã nói trên thập giá ("Con xin phó thác hồn con trong tay Chúa… Lạy Chúa, đừng trách cứ họ về tội lỗi này").

Cuộc đởi của thánh nhân đã thực hiện đúng ý định của Chúa Giêsu là Ngài đến trần gian để ta trở nên những con người sống cho Thiên Chúa, không thuộc về thế gian, có thể bị chính người nhà mình ghét bỏ. Và nhất là để con người đối kháng với chính những đam mê hay khuynh hướng xấu nơi mình (điều này còn khó và đau hơn chuyện đối kháng với thế gian) để đáp lại tình yêu Thiên Chúa. Ta xin được ơn như thánh Stêphanô: sống như Chúa Giêsu miệt mài với Nước Trời, và chết như Ngài.



Ngày 27 tháng 12

Thánh Gioan Tông Đồ

1 Ga 1,1-4; Ga 20,2-8

thánh Stêphanô đại diện cho người tin Chúa mà bị cấm cách và chết trẻ. Thánh Gioan đại diện cho người sống lâu, trong cuộc sống tương đối an bình. Nghĩa là bao lâu ta còn sống trên đời, ta có thái độ và lối sống nào? Lời thánh Gioan (mà phụng vụ trích đọc hôm nay) và cuộc đời của ngài trả lời cho ta:

Ta cần có lòng tin đối với Chúa.

Theo với lòng tin của Giáo Hội (Gioan đến mồ trước, nhưng chờ Phêrô đến và mồ rồi, mình mới vào: điều này có nghĩa là các tín hữu có thể được soi sáng, các nhà thần học vẫn phải dành quyền "nói tiếng nói cuối cùng" cho giáo quyền, cho những vị đứng đầu Giáo Hội).

Cần dựa vào lời nói, hành vi, đời sống cụ thể của Chúa Giêsu Ngôi Lời Nhập Thể (như Gioan tin vì thấy những khăn liệm được xếp đặt ngay ngắn) không suy luận vu vơ trên mây…

Có tinh thần chiêm niệm và cầu nguyện như thánh nhân.

Vậy, lễ thánh Gioan nhắc ta nhớ thái độ mình cần có trong lúc còn sống trên đời. Thái độ đó mới giúp ta nhận được hiệu quả của mầu nhiệm giáng sinh, hiểu được tình yêu Thiên Chúa và nhận được sự sống Thiên Chúa như Gioan đã hiểu, đã nhận.

Xin Chúa Giêsu Thánh Thể giúp ta nên "những người môn đệ được Chúa yêu dấu" như thánh Gioan.



Ngày 28 tháng 12

Các Thánh Anh Hài Tử Đạo

1 Ga 1,5-2,2; Mt 2,13-18

Ánh sáng đã rạng lên trong đêm tối. Chúa Giêsu đã giáng sinh xuống thế gian. Đi trong đêm tối mà thấy ánh sáng, tự nhiên ta quay về chỗ ánh sáng phát ra. Đi trong cuộc đời, ta nhìn về Chúa như nguồn sáng, nguồn tình thương.

Ta thấy Chúa thương loài người, không muốn rẫy bỏ ai, nên sinh ra để cứu mọi người. Lễ hôm nay cho thấy Thiên Chúa không để rơi một sợi tóc nhỏ. Các trẻ em chết ở Belem cũng được Người nhớ đến. Bằng chứng là chúng ta đang mừng nhớ các thánh Anh Hài ấy qua lễ này. Khi đã hiểu lòng Chúa như vậy, ta cũng cần có tình thương đối với mọi người, nhất là những kẻ không có gì tự vệ, những em nhỏ vô tội bị thành nạn nhân lòng độc ác của con người. Ta nhớ đến bao kẻ vô tội, bao trẻ em bị giết trong bào thai, bao trẻ em không có đủ điều kiện dinh dưỡng hoặc giáo dục để sống và sống nên người…

Gợi ý 3

Thánh Matthêu kể lại chuyện này có hai chủ đích:

- kể lại một sự kiện bi đát, do lòng dạ ác độc tham lam nhỏ nhen bần tiện của con người gây ra: một vua Hêrôđê quyền thế, chỉ vì cố giữ lấy ngai vàng mà tàn sát hàng loạt trẻ em vô tội. Sự kiện bỉ ổi này luôn đã có và còn vó trên trần gian: biết bao trẻ em và bao người thấp hèn, không có phương thế gì tự vệ, bị ngược đãi và bị coi rẻ.

- Chủ đích thứ hai là cho thấy trẻ bé nằm trong máng cỏ kia chính là Đấng Cứu Thế.

Bằng các từ ngữ, trích dẫn hay hình ảnh Cựu Ước, thánh Matthêu có ý chứng minh rằng Hài nhi đây có sứ mạng cứu thế: vì biến cố Ai cập, biến cố Xuất hành được ám chỉ đến (qua câu Ta gọi con Ta ra khỏi Ai cập) - biến cố lưu đày cũng được ám chỉ đến ( qua việc nhắc lại sự kiện con cái Benjamin bị tập họp về Rama để bị đưa sang Babilon, khiến bà Raken, mẹ của Bejamin phải sầu khổ)

Vậy Chúa Giêsu đến với tư cách người thực hiện cuộc xuất hành và cuộc giải phóng thứ hai.

- Ngài thực hiện ngay từ khi mới vào đời: cả cuộc đời Ngài là cuộc đời cứu thế - cứu thế ngay từ tấm bé: chính vì thế , ngay khi mô tả cuộc giáng sinh, các Tin Mừng đã dùng những hình ảnh và những yếu tố thuộc về cuộc khổ nạn, chẳng hạn:

Chúa Giêsu sinh ra ở ngoài Giêrusalem, như sau này sẽ chết ở ngoài Giêrusalem.

Chúa Giêsu nằm trong máng cỏ do ba bốn tấm gỗ ghép lại, như sau này Ngài sẽ nằm trên thập giá do hai ba thanh gỗ ghép lại.

Những chi tiết đó muốn ám chỉ rằng ngay từ khi sinh ra, Chúa Giêsu đã có sứ mạng cứu thế, đã là Đấng cứu thế và thập giá đã thấp thoán ngay ở hang đá, nghĩa là chi phối đời Ngài ngay từ lúc đầu.

- Và ngay từ đó, Ngài đã cho những Anh hài được thông phần vào ơn cứu rỗi. Các Ngài là hoa quả đầu mùa của ơn cứu rỗi. Cái chết của các Ngài nhắc ta nhớ rằng:

Thiên Chúa không bỏ rơi hay coi thường một ai, Người không chịu để hư đi một kẻ nhỏ hèn nào,

Con người ở mọi lứa tuổi đều được hưởng ơn cứu rỗi và có thể tham gia vào việc cứu thế cách này hay cách khác,

Những việc nhỏ bé thường ngày cũng có thể được đưa vào công cuộc cứu thế và có giá trị lớn lao, có giá trị đời đời.


Ngày 29 tháng 12

1 Ga 2, 3-11; Lc 2, 22-35

việc Chúa Giêsu hài đồng được Đức Mẹ và thánh Giuse đem lên đền thờ Giêrusalem tiến dâng cho Thiên Chúa có hai ý nghĩa:

- Một là Ngôi hai nhập thể muốn chứng tỏ mình là con của Cha trên trời. Nghi lễ dâng con trai đầu lòng đều là của thánh, thuộc về Thiên Chúa. Sau khi dâng con cho Thiên Chúa, cha mẹ chuộc lại con bằng cách dâng lễ vật tùy theo hoàn cảnh giàu nghèo của mình. Đối với người Dothái, nghi lễ này chỉ có tính cách tượng trưng. Đối với Chúa Giêsu thì khác hẳn. Ngài được tiến dâng cho Thiên Chúa là để mãi mãi thuộc về Thiên Chúa. Suốt đời Ngài sẽ là con Thiên Chúa, sẽ sống trọn vẹn cho Thiên Chúa. càng lớn lên về tuổi tác, Ngài càng chứng tỏ tư cách làm con ấy.

Ta sẽ thấy, hồi lên 12 tuổi, Ngài sẽ lên Giêrusalem lần thứ hai. Khi đó ý thức làm con nơi Ngài đã nảy nở. Ngài thưa với Mẹ Maria: lại còn không biết là con phải ở nơi nhà của Cha con sao? Rồi lúc sắp kết thúc sứ mạng, Ngài lại lên Giêrusalem và đó là lần Ngài đi chịu chết, thực hiện đến cùng kết hoặch cứu thế của Cha. Như thế, cả đời Chúa Giêsu là một của lễ tế được tiến dâng cho Cha. Cả đời Ngài là một con đường dâng mình và sống làm con, đi từ hôm Ngài được tiến dâng cho Thiên Chúa đến hôm Ngài chết trên Núi sọ.

Nghĩa thứ hai là với lần Chúa Giêsu được đưa lên Giêrusalem này, Đấng cứu thế lần đầu tiên đi gặp thành thánh. Giáo Hội bên đông phương gọi lễ dâng Chúa Giêsu vào đền thờ này là "lễ gặp gỡ thành thánh". Sau nhiều thế kỷ chuẩn bị dân chọn và loan báo trước về ngày vui mừng, nay Thiên Chúa gữi đấng cữu thế đến với Giêrusalem là thành thánh. Thế nhưng mặc dù đã được Thiên Chúa quí thương và dọn lòng như vậy, Giêrusalem lại đón vua của mình một cách hờ hững. Không một ai thuộc giới lãnh đạo Giêrusalem, không một ai trong hàng tư tế, luật sĩ, tôn sư đã chào đón.

Trái lại, kẻ ra đón chào vua của mình chỉ là ông già Simêon, chỉ là bà già Anna, những kẻ thuộc "nhóm những người nghèo của Giavê". Đúng ngày diễm phúc vĩ đại đến với thành thánh, thì chỉ có hai con người thấp kém, tầm thường; bị quên lãng trước mặt xã hội ấy được ơn nhận biết diễm phúc. Ông Simêon sung sướng mãn nguyện đến nỗi chẳng còn thiết gì ở đời hơn nữa và sẵn sàng ra đi, vì ông đã tận mắt nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Giêrusalem hôm nay hững hờ với c. Nó sẽ còn hững hờ nữa, sẽ còn mù lòa không nhận ra ngày Thiên Chúa đến viếng thăm nó, đến nỗi Chúa Giêsu phải khóc thương trước bất hạnh của nó. Điều này đáng suy nghĩ đối với chúng ta là lắm khi, chính chúng ta cũng đã hoặc đang có thái độ hờ hững ấy của Giêrusalem. Hằng ngày, Chúa đang mời gọi chúng ta đi theo Ngài trong con đường làm con Thiên Chúa, làm của lễ sống động dâng lên Thiên Chúa, nhưng chúng ta chưa đáp lại lời mời gọi ấy cho đủ.

Trong bài đọc I, thánh Gioan định nghĩa một con người sống trong sự sáng của thời cứu rỗi, là một con người tuân giữ giới răn Chúa, thành thực yêu thương anh em và sống như chính Chúa đã sống. Thế mà qua đời sống mình, lắm khi ta còn sống khác Chúa và còn như thành thánh Giêrusalem hờ hững với cuộc ngự đến của Chúa.

Qua thánh lễ hôm nay, xin Chúa biến đổi cõi lòng ta, để ta có thái độ mở ra cho Chúa như thái độ của Mẹ Maria, thánh Giuse, ông Simêon, bà Anna - để ta sống theo Chúa: cả đời là một lễ tế sống động dâng lên Thiên Chúa, cả đời là một đời làm con, kính yêu và phục vụ Cha.



Ngày 30 tháng 12

1 Ga 2,12-17; Lc 2,36-40

Bầu khí từng bừng nhộn nhịp của ngày mừng lễ giáng sinh này để làm chúng ta quên đi một sự kiện rất quan trọng của biến cố giáng sinh: đó là con Thiên Chúa muốn đến trần gian một cách hết sức nhẹ nhàng, êm thấm. Ngài không khua chiêng đánh trống. Ngài không phô trương, hòa nhoáng. Bởi vì Ngài đến vì yêu thương mà tình yêu chân thực bao giờ cũng đi đôi với tế nhị, với kín đáo, với thâm trầm. Việc Ngài chọn sinh ra giữa đêm khuya, ở mãi tận hang lừa xa vắng diễn tả việc Ngài muốn xuất hiện một cách rất tế nhị. Cả đời Ngài sau đó cũng gồm 30 năm ẩn dật và một lối sống luôn luôn khiêm tốn. Ngài chỉ đến để yêu thương, chứ không phải để quảng cáo phô trương. Ngài muốn đến âm thầm như hạt giống nhỏ dần dần mọc lên, như nấm men từ từ làm dậy cả khối bột. Ngài không đến để phút chốc làm đảo lộn tất cả nhịp sống bình thường của con người, như chỉ tế nhị dần thay đổi từ từ cỏi lòng và đời sống mỗi người bằng tình thương dịu dàng của Ngài.

Chính vì thế, chỉ những người nhỏ bé, trầm tư mới dễ gặp Ngài. Cũng chính vì thế, những con người mà Ngài tác động để biến nên những con người thánh thường là những con người sống rất bình dị, âm thầm.

Bà tiên tri Anna mà bài Tin Mừng hôm nay nói đến gợi cho ta nhớ đến một mẫu người thánh thiện. Tuy là không thuộc chế độ Tân ước, nhưng lối sống của bà thực sự đã là hình ảnh báo trước mẫu người thánh thiện trong Tân Ước. Họ sẽ giống như bà: đêm ngày kết hợp với Chúa một cách âm thầm, nhưng nồng nàn bằng việc ăn chay cầu nguyện phụng sự Chúa. Đời họ không có gì hào nhoáng, nỗi bật bề ngoài. Nhưng cỏi lòng họ là một lò lửa, lò lửa của tình mến âm thầm.

Thế nhưng, mặc dù bình dị êm ả, cuộc sống của những con người thánh thiện không phải là cuộc sống của dễ dãi, cuộc sống nhẹ trôi theo dòng đời tự nhiên. Không ! Cuộc sống bình dị của họ luôn là một cuộc chiến đấu, một sự phấn đấu quyết liệt. Khía cạnh này được mô tả qu đoạn thư của thánh Gioan hôm nay. Người nói: mọi hạng người trong Giáo Hội là những kẻ đã nhận biết Thiên Chúa, đã được tha tội, đã chiến thắng quỉ dữ. Đó là diễm pphúc lớn lao của họ. Để giữ vững diễm phúc ấy, họ phải quyết liệt sống ngược với nọi điều thuộc thế gian và kiên tâm thực thi thánh ý Thiên Chúa. đó là điều kiện tất yếu của mọi kẻ muốn nên giống con Thiên Chúa. Thật vậy, để có thể thủ tiết và phụng sự Thiên Chúa suốt nhiều năm trường, bbà tiên tri Anna đã phải phấn đấu quyết liệt. Để có thể " ngày càng lớn lên thêm mạnh mẻm đầy khôn ngoan" trong những năm ở Nazareth, Chúa Giêsu đã phải không ngừng cố gắng.

Con Thiên Chúa đã sinh ra không phải để thế gian có một cuộc lễ tưng bừng nhộn nhịp trong một số ngày, mà để cứu rỗi con người, thánh hóa con người. Muốn sống đúng tinh thần muà giáng sinh, chúng ta cần đặt cái nhìn vào Hài nhi nằm yên lặng trong máng cỏ, trong thái đôn nhìn lên trời và chiêm ngắm Cha. Rồi theo chân Ngài, ta trở về với cuộc sống bình dị mỗi ngày, nhưng đem nỗ lực và tình mến diệt trừ ảnh hưởng thế gian nơi mình để mọi lúc khiêm tốn chân thành phụng sự Cha trên trời. Trên bàn thờ mỗi ngày, Chúa Giêsu Thánh Thể đâng mời gọi ta vào nếp sông âm thầm nhưng quyết kiệt phấn đấu đó, để dần dần ánh sáng cõi trời từ hang đã Bêlem chiếu sáng tất cả cõi lòng và cuộc sống phàm hèn của ta.


Ngày 31 tháng 12

1 Ga 2,18-21; Ga 1,1-18

hôm nay là ngày cuối năm cũng là ngày áp cuối trong tuần bát nhật lễ giáng sinh. Thời gian đang trôi qua. Vì chúng ta sống trong thời gian, nên có một điều khiến chúng ta, nhất là những người có tuổi, thường nghĩ đến không ít: đó là sự mau qua của thời gian và của kiếp người,đó là tình trạng trở thành già nua dần dần của mình, tình trạng những khả năng tự nhiên nơi mình sút kém theo ngày tháng. Đây là một sự thật buộc ta phải nghĩ tới và nhiều khi, người ta tìm mọi cách (như sống dửng dưng, sống quay cuồng) để quên sự thật ấy đi, nhưng sâu xa ra, vẫn không thể quên được nó.

Chỉ có điều là với tư cách những kẻ đã biết đến Thiên Chúa và Nước Trời, có thế nói chúng ta không con thuộc về thế gian này nữa. chúng ta đã vượt trên thời gian. Chúng ta đã ra ngòai giòng đời bấp bênh và vùn vụt qua mau để ở vào một "thời cố định" tức là thời cứu độ của Thiên Chúa. đối với chúng ta, điều đáng ta suy nghĩ không còn phải là sự mau qua của thời gian nữa. Trái lại, điều đáng ta suy nghĩ nhiều hơn, vấn đề có tính cách quyết định nhiều hơn, đó là chúng ta có thái độ nào, có lập trường nào đối với biến cố Giêsu Kitô, đối với sự kiện con Thiên Chúa đã đến trần gian.

Bởi vì, đối với đời (làm người của) ta, chỉ có biến cố ấy là có tính chất chủ chốt, định đoạt tất cả. Theo đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu chính là Ngôi Lời hằng ở với Cha. Ngài được giới thiệu ở phần đầu Tin Mừng là Đấng Tạo Thành: "Mọi vật đều do Ngài làm nên, và không có Ngài thì chẳng có vật chi đã được tác thành". Ở phần cuối, Ngài được giới thiệu như là Đấng Cứu Độ: "Chính do sự sung mãn của Ngài mà chúng ta hết thảy tiếp nhận hết ơn này đến ơn khác". Ngài đã đến trần gian như sự sáng rạng lên giữa đêm đen, để chiếu soi bóng đêm đau khổ chết chóc và mang lại sự sống cho trần gian. Ngài cũng đến với tư cách Con Một hằng ở trong cung lòng Cha để mạc khải cho ta được biết về Cha. Cuối cùng, Ngài đến để giới thiệu cho ta cách sống làm con trước mặt Cha và mang đến cho ta diễm phúc được trở nên con cái Thiên Chúa.

Đứng trước biến cố vừa lớn lao, vui mừng, vừa có tính cách quyết định như thế, lập trường và sự lựa chọn của chúng ta sẽ thế nào? Đó là vấn đề ta phải đặt ra, phải nghĩ tới. Chúng ta sẽ là những phản Kitô, tức là những kẻ kịch liệt chống lại lòng tin chân chính của Đức Kitô hay sao? Hay chúng ta sẽ giống như Gioan Tẩy Giả, trở nên nhân chứng nhiệt thành về Đức Kitô., trở nên những con người dành cả đời sống mình cho một việc là đi trước Chúa Kitô loan báo về Ngài, don đường cho Ngài đến. Hoặc giống như các tông đồ, những kẻ đã tìm đến với Chúa Giêsu, đã ở lại với Ngài, đã "nhìn thấy vinh quang của Ngài" và cũng bỏ mọi sự sống chết cho Ngài?

Vậy đối với kẻ tin chúng ta, vấn đề năm cùng tháng tận, thời gian qua mau không còn quan trọng cho bằng vấn đề ta sống thế nào trước việc Ngôi Lời đã đến trần gian. Với biến cố ấy, chúng ta đã được đưa ra ngoài thời gian để sống trong thời gian cuối cùng hay như thánh Gioan vừa viết, sống trong "giờ sau hết". Người Công giáo không phải là những người thắc mắc bao giờ thì tận thế, bao giờ mình mới phải sống đàng hoàng và don mình. Trái lại, họ là những kẻ quyết định sống như bây giờ đã là giờ sau hết.

Qua thánh lễ hôm nay, chúng ta cảm tạ Chúa đã ban cho chúng ta một năm đầy ơn lành do sự quan phòng nhân ái của Ngài. Chúng ta cũng xin Chúa củng cố đức tin của mọi người, để ngay trong hiện tại chúng ta nhiệt tâm sống cho Chúa, làm chứng tá cho Chúa, có như thế chúng ta mọi lúc được ổn định, bấp chấp những biến động thăng trầm của thời gian và cuộc sống.



Ngày 01 tháng Giêng

Lễ Đức Mẹ Là Mẹ Thiên Chúa

Ds 6,22-27; Lc 2,16-21

Có lẽ chẳng có một tước hiệu xứng hợp hơn để nói về Đức Maria trong mầu nhiệm Nhập Thể bằng tước hiệu "Mẹ Thiên Chúa". Tước hiệu này đã có từ lâu đời trong Giáo Hội. Công Đồng Vatican II trong Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, đã viết: "Từ thời xa xưa, Đức Trinh Nữ đã được tôn kính dưới tước hiệu là Mẹ Thiên Chúa, và các tín hữu đã khẩn cầu cùng ẩn náu dưới sự che chở của Người trong mọi cơn gian nan khốn khổ".

Tước hiệu này đã được sử dụng một cách thản nhiên, không hề gặp một sự chống đối nào trong toàn cõi Đông Phương thời đó. Mãi cho tới thế kỷ thứ V mới gặp khó khăn do sự chống đối của giáo chủ Nestoriô. Ông này chủ trương rằng chỉ nên gọi Đức Maria là Mẹ của Đức Giêsu Kitô, chứ không được gọi là Mẹ Thiên Chúa. Theo ông này thì Đức Kitô do Mẹ Maria sinh ra chỉ là một người được diễm phúc mặc lấy thiên tính mà thôi. Còn chính Thiên Chúa, bởi vì Người là Đấng hằng có đời đời, do đó Người không thể phát xuất từ một loài thụ tạo là Đức Maria.

Thế là đã xảy ra một cuộc xung đột lớn trong Giáo Hội, xoay quanh vấn đề Ngôi Hai Nhập Thể. Năm 431 Giáo Hội đã triệu tập Công Đồng Êphêsô, dưới quyền chủ tọa của thánh Cyrillô, tuyên bố cắt chức giáo chủ Nestoriô, đồng thời đánh đổ luôn lạc thuyết của ông này.

Công Đồng Êphêsô đã tuyên xưng rằng: vì Ngôi Lời Nhập Thể là một chủ vị duy nhất, cho nên điều gì mà ta có thể nói về nhân tính của Đức Kitô, thì ta cũng có thể nói về thiên tính của Ngài. Con Thiên Chúa đã được thụ thai, đã sinh ra do Mẹ Maria, đã sống giữa chúng ta và đã tử nạn vì chúng ta. Vậy theo nghĩa này ta có thể gọi Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ Thiên Chúa, bởi vì Người cũng đã thực sự sinh ra Đấng Thiên Chúa làm người.

Từ đó tước hiệu này đã trở thành tước hiệu chính của Đức Maria. Và chúng ta cũng đừng sợ tước hiệu này sẽ xúc phạm đến sự cao cả của Thiên Chúa. Bởi vì nếu Người đã chấp nhận giáng sinh làm người để trở nên như chúng ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi, thì tại sao chúng ta lại sợ xúc phạm đến Người, khi bảo rằng Người là con của một người Mẹ.

Chúng ta phải coi đây là một vinh dự, bởi vì nếu Thiên Chúa muốn gọi chúng ta là anh em với Người, thì càng có lý để chúng ta tuyên xưng Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa.

Với tâm tình đó, chúng ta hãy hân hoan chúc tụng, cảm mến Mẹ là đấng ơn phúc, và nhất là noi gương Mẹ trong thái độ cầu nguyện mà bài Tin Mừng hôm nay đã trình bày cho ta.

Không ai có thể biết rõ nhưng chi tiết về biến cố Giáng sinh hơn Mẹ Maria. Vậy mà khi nói về Đức Maria, Thánh Luca chỉ vắn tắt: "Còn Mẹ Maria thì ghi nhớ tất cả những sự việc đó và suy niệm trong lòng"

Sự thinh lặng của Mẹ Maria không có nghĩa là Mẹ thờ ơ lãnh đạm, đứng ở bên ngoài biến cố Giáng sinh, nhưng trái lại Mẹ đã đi sâu vào biến cố Giáng sinh một cách mật thiết, đến nỗi Mẹ không diễn tả bằng lời.

Đàng khác qua biến cố Giáng sinh Con Mẹ, Mẹ đã hiểu giá trị của việc từ bỏ hoàn tòan, chấp nhận trở nên nghèo nàn. Giữa cảnh huy hoàng của đêm Giáng sinh mà thánh Luca đã mô tả, chúng ta thấy Mẹ Maria chỉ im lặng qùy thờ lạy Con mình.

Chắc chắn Mẹ đã sống tâm tình của một nữ tỳ khiêm tốn của Thiên Chúa. Mẹ chỉ xin được phục vụ Chúa trong âm thầm, còn các vinh quang hãnh diện Mẹ xin dành cho những người khác.

Chính vì thế Mẹ đã lãnh nhận được phần thưởng vinh quang mà Thiên Chúa đã dành cho Mẹ, đó là tước hiệu Mẹ Thiên Chúa mà hôm nay Giáo Hội long trọng tuyên dương.

Khi suy nghĩ về tước hiệu Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, chúng ta hãy ghi nhớ rằng: trước khi cưu mang Chúa Giêsu trong lòng, thì Mẹ đã đón nhận Ngôi Hai Thiên Chúa trong tâm hồn khi biết lắng nghe và suy niệm Lời Chúa.

Xin cho chúng ta cũng biết bắt chước Mẹ Maria để biết lấy đức tin mà đón nhận Lời Hằng Sống và đem ra thực hành trong đời sống. được như vậy, chúng ta cũng sẽ đón nhận được vinh quang mà Chúa đã hứa: "Ai làm theo ý Cha TA trên trời, kẻ ấy là anh chị em và là Mẹ Ta".



Ngày 02 tháng Giêng

1 Ga 2,22-28; Ga 1,19-28

Chúa Giêsu đã đến trần gian, mang cứu rỗi đến cho nhân loại. Nhưng ơn cứu rỗi ấy chưa đạt đến mọi người. Nó còn phải được mọi dân trên khắp cùng bờ cõi trái đất nghe biết và tin nhận. Để đạt mục đích ấy, chúng ta được mời gọi dấn thân vào công cuộc truyền giáo.

Hai bài đọc hôm nay gợi ra cho chúng ta những ý tưởng quen thuộc nhưng căn bản về việc truyền giáo. Trước hết, nói đến truyền giáo không phải là nói đến phương pháp, cách thức truyền giáo cho bằng nói đến những con người tông đồ. Ở đây, con người tông đồ được xác định là có hai khía cạnh: đó là một con người "ở lại với Chúa" và một con người làm chứng cho Chúa bằng đời sống và lời nói.

Thánh Gioan định nghĩa con người "ở lại với Thiên Chúa" là con người tin Chúa Giêsu là Đức Kitô mà Thiên Chúa sai đến trần gian và mãi mãi tin như thế, mãi mãi kiên định trong đức tin ấy. Kẻ đó sẽ là kẻ nắm giữ được sự thật, kử ở lại trong Thiên Chúa, nhờ đó có Chúa Cha và sự sống đời đời. Chúng ta thuộc về hạng người ở lại trong Thiên Chúa này khi chúng ta gắn bó với Thiên Chúa, chuyên chăm cầu nguyện, sống đời chiêm niệm thầm lặng. Chúng ta là tông đồ của Chúa khi ở lại trong Chúa, khi không tiếp xúc với thế gian, nhưng luôn củng cố mối dây liên kết giữa mình với Chúa. Đó là hình thức thứ nhất để truyền giáo.

Nhưng ngày nay đa số các tu sĩ và hầu hết mọi người giáo dân đều sống giữa đời, đều tiếp xúc gần gũi với người đời. Bởi đó là việc làm tông đồ bằng đời sống và lời nói trở nên thông dụng và quan trọng hơn. Trong trường hợp này, chính lối sống hay lời làm chứng của ta sẽ làm cho việc tông đồ nên hữu hiệu.

Qua bài Tin Mừng, ta thấy thánh Gioan Tẩy Giả phải có một lối sống khác lạ, kèm theo nxx lời rao giảng đặc biệt mới khiến biệt phái và luật sĩ thắc mắc về Ngài và sai người đến hỏi về tông tích cùng tư cách của Ngài. Chính lối sống của Ngài đã trở nên câu hỏi và sức thu hút đối với họ.

Ta cũng nghe nói có nhiều miền anh em ngoại giáo đang xin trở lại đạo ồ ạt, đông đảo. Đây là kết quả của hằng trăm hay mấy trăm năm truyền giáo của lớp cha ông, lớp thừa sai ngày trước. Nhiều khi, các thừa sai đó đã không nói rõ ràng về đạo, mà chỉ sống đúng tư cách và đạo đức của người có đạo. Thế nhưng chính lối sống có nhiều tính tốt, nhiều việc thiện đã thu hút người ta và là lời làm chứng, tỏ cho người ta nhận ra Chúa.

Vậy nếu không phải là những nhà giảng thuyết làm chứng bằng lời nói, người ta vẫn có thể là những nhà truyền giáo bằng việc "ở lại với Chúa", mật thiết gắn bó với Chúa và sống cầu nguyện, chiêm niệm, hoặc bằng đời sống gương mẫu của mình.

Qua thánh lễ này, chúng ta xin cho mình được ơn giống thánh Gioan Tẩy Giả luôn sống cho Chúa, dành trọn tâm trí, sức lực, thời giờ của mình cho việc làm tiền hô don đường cho Chúa đến. Chúng ta cũng xin được ơn giống thánh Gioan Tông Đồ và cả nhóm môn đệ của Người, những con người vững vàng trong đức tin đối với Chúa Giêsu và nhờ đó luôn luôn "ở lại trong Chúa". Để khi trở thành những con người tông đồ, chúng ta đắc lực góp phần vào công cuộc truyền giáo, một công cuộc mà trong những năm này, Giáo Hội đang hết sức quan tâm và nỗ lực thực hiện.



Ngày 03 tháng Giêng

1 Ga 2,29-3,6; Ga 1,29-34

Với việc Con Thiên Chúa Giáng sinh làm người, sự sáng đã rạng lên giữa đêm tối và Thiên Chúa đã bắt đầu thực hiện việc cứu thế. Nhưng việc cứu thế đó còn phải được mở rộng ra cho mọi dân nước. Chính vì thế, Thiên Chúa còn trao cho Giáo Hội chúng ta một nhiệm vụ truyền giáo. Điều ấy đã được Chúa Giêsu khẳng định: "Các con hãy đi khắp thế gian, làm phép rửa cho họ, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần". Hôm nay, chúng ta tiếp tục suy nghĩ về vấn đề truyền giáo. Dựa vào hai bài Kinh Thánh, chúng ta sẽ tìm hiểu về con người tông đồ đích thực và ảnh hưởng của con người tông đồ đích thực đó.

Theo đoạn Tin Mừng, con người tông đồ đích thực được diễn tả qua con người của thánh Gioan Tẩy Giả. Có hai điểm nổi bật nơi thánh Gioan: Người nhận ra Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, là Đấng Thiên Sai, hoạt động nhờ bởi quyền năng Chúa Thánh Thần và Người xóa mình đi, có thái độ quên mình, khiêm hạ trước mặt Chúa Giêsu. Theo gương thánh Gioan Tẩy Giả, con người tông đồ đích thực sẽ là con người nhận chân rằng Chúa Giêsu đã cứu thế bằng quyền năng của Chúa Thánh Thần và do đó, đến lượt các vị tông đồ ngày nay và mọi thời, họ cũng chỉ cứu thế được nếu cậy dựa vào quyền năng của Chúa Thánh Thần. Muốn cứu thế, người ta không thể và không cần sử dụng đến những phương cách hay đường lối của thế gian. Người tông đồ sẽ không bám víu vào thế gian, sẽ không nhờ cậy gì đến thế gian. Trái lại, trước sau họ chỉ gắn chặt vào Chúa và ơn thiêng của Chúa như điều kiện thành công của mình. Đồng thời noi gương thánh Gioan xóa mình đi trước Chúa Cứu Thế, người tông đồ cũng mọi lúc xóa mình đi vì Chúa, vì công cuộc của Chúa. Người tông đồ không lo làm nổi bật cá nhân mình, không lo củng cố quyền lợi tư riêng của mình, không lo roa giảng quảng cáo về chính mình. Mọi lúc chỉ có Chúa là đối tượng để mình rao truyền, để mình làm nổi bật lên.

Công việc tông đồ của một con người như thế dĩ nhiên sẽ dễ có hiệu quả. Ảnh hưởng của một con người tông đồ đích thực như thế cũng rất lớn lao. Đó là điều ta thấy nơi thánh Gioan Tông Đồ và nhóm môn đệ sau đó của ngài. Khi trước, Gioan từng đi theo Gioan Tẩy Giả, làm thành một nhóm người đạo đức dọn lòng chờ Đấng Thiên Sai. Khi Gioan Tiền Hô nhận ra Chúa Giêsu chính là chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian và giới thiệu Chúa Giêsu cho mọi người, Gioan đã rời bỏ thầy mình đi theo Chúa Giêsu. Càng sống với Chúa Giêsu, thánh Gioan Tông Đồ càng thấm nhuần đạo lý của Chúa Giêsu và trở nên tông đồ nhiệt thành nối tiếp công cuộc cứu thế của Chúa Giêsu.

Theo bài đọc I, thánh Gioan và nhóm môn đệ của ngài là những con người đi theo Chúa Giêsu, gắn bó với Chúa Giêsu và có một lối sống mới. Họ xác tín mình được diễm phúc được trở nên con cái Thiên Chúa, bởi đó, lúc còn trên đời, họ cố gắng sống khác thế gian, cố gắng thực hành sự công chính và tự thánh hóa mình, để nên giống Chúa Giêsu và sau này được nên giống chính Thiên Chúa. Đời sống của họ là một đời sống không phạm tội, nhưng thuộc về Thiên Chúa, ở trong Thiên Chúa. Đây là lớp đồ đệ đức hạnh do thánh Gioan Tiền Hô chuẩn bị và Chúa Giêsu đào luyện. Từ con người tông đồ đích thực, đã phát sinh lớp môn đệ gương mẫu.

Vì thế, qua thánh lễ này, chúng ta xin cho mình được trở nên những con người tông đồ đích thực như thánh Gioan Tiền Hô, để nhờ đó trở nên những người thừa kế xứng đáng cho công cuộc cứu thế của Chúa và khả dĩ tạo được ảnh hưởng tốt đẹp đối với mọi người sống quanh mình, biến họ nên những con người mới của Chúa và những tông đồ đắc lực của Nước Trời.


Ngày 04 tháng Giêng

1 Ga 3,7-10; Ga 1,35-42

Trong niềm vui to tát của lễ Giáng sinh, một niềm vui còn muốn ngày càng lan rộng tới tận cùng trái đất - chúng ta tiếp tục suy nghĩ về công cuộc và trách nhiệm truyền giáo của chúng ta. Hai bài đọc hôm nay muốn nói với chúng ta về một điều kiện tiên quyết: muốn cộng tác với Chúa trong việc cứu thế và truyền giáo, người ta phải làm tông đồ ở ngay nơi bản thân mình trước, nghĩa là chính mình trở nên tông đồ đã.

Bài Tin Mừng cho ta biết con người tông đồ là con người đi theo Chúa Giêsu, đến nơi ở của Ngài, xem cách Ngài sống và bắt chước Ngài. Sau khi nghe Gioan Tẩy Giả giới thiệu Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa, hai môn đệ của ông đã đi theo Chúa Giêsu, để trở nên môn đệ của Chúa Giêsu. Người môn đệ sẽ có nhiệm vụ sống như Thầy nên giống như Thầy. Nhưng Chúa Giêsu không phải là người tự khoe khoang về mình, tự phô trương quảng cáo về mình hoặc bắt buộc người ta nên giống như mình: Ngài tỏ ra bằng chính lối sống hằng ngày và cụ thể của Ngài, hơn là bằng lời giới thiệu về mình.

Bởi đó, hai môn đệ đầu tiên được mời gọi hãy đến mà xem. Cứ đến nơi Ngài ở, đến lưu lại với Ngài và quan sát hành vi cử chỉ của Ngài rồi bắt chước theo dần dần. Chúa Giêsu để họ được tự do trong việc xem và bắt chước. Ngài cũng tôn trọng mức tiến triển nhanh hay chậm của mỗi người, tùy theo thiện chí và khả năng riêng. Điều chính yếu là người ta chỉ dần dần trở nên người môn đệ khi chấp nhận đi theo Ngài, chấp nhận ở lại với Ngài, nhìn lối sống của Ngài và bắt chước. Người nào muốn nên tông đồ cũng đều phải bắt đầu từ đó. Họ đến với Chúa Giêsu bằng con người cụ thể của mình. Họ sẽ từ từ uốn nắn con người của mình theo với lối sống của Chúa. Phía Chúa, Ngài cũng sẽ thay đổi con người của mỗi kẻ theo Ngài, sẽ đặt định cho mỗi người một địa vị hay một vai trò - như trường hợp của Phêrô, khi trước ông là Simon, nhưng khi đến với Chúa, ông đã được đổi tên là Phêrô và từ đó đến mãi mãi, ông trở nên tảng đá nên móng của Giáo Hội.

Vậy người tông đồ đến với Chúa để dần dần bắt chước Chúa và để được Chúa bắt đầu thay đổi con người cho mình. Bên cạnh điểm đó người tông đồ còn có lối sống mới. theo đoạn thơ của thánh Gioan, lối sống mới đó có mặt tiêu cực và mặt tích cực: người ta sẽ tách lìa lhỏi tội lỗi, khỏi ảnh hưởng của ma quỉ - đồng thời người ta sẽ thực thi sự công chính, như chính Thiên Chúa là Đấng công chính, và sự công chính đây cụ thể là sống bác ái yêu thương đối với tha nhân. Nói cách khác, đây là lối sống của những kẻ thuộc về Thiên Chúa, do bởi Thiên Chúa sinh ra.

Với những đặc điểm như thế, người ta bắt đầu làm tông đồ ở ngay nơi bản thân mình. Người ta làm cho Nước Trời có ảnh hưởng cứu rỗi và biến đổi ở nơi con người mình, từ đó Nước Trời sẽ dần dần lan rộng ra cho những người khác.

Ta cùng nhau nhìn vào các con đường các tông đồ đầu tiên đã đi: con đường đến với Chúa Giêsu, chân thành ở lại với Ngài, quan sát Ngài, bắt chước Ngài và có lối sống mới đầy sự đạo hạnh và lòng bác ái, để đến lượt mình, chúng ta cũng đi theo con đường đó, cũng trở nên môn đệ của Chúa, đón ơn cứu độ vào trong đời sống của mình, và nhờ thế trở nên những tông đồ mới, đắc lực tham gia vào công cuộc cứu thế vĩ đại của Chúa.



Ngày 05 tháng Giêng

1 Ga 3,11-21; Ga 1,43-51

"Các ngươi sẽ thấy trời mở ra, và các Thiên Thần Chúa lên xuống trên Con Người". Câu nói này của Chúa Giêsu gợi lại giấc mơ ngày xưa của Giacop khi ông ngủ trong sa mạc. Với câu nói này Chúa Giêsu muốn tự giới mình chính là cái thang Giacop, chính là trung gian nối liền trời với đất, đem cõi trời xuống cõi đất. Từ nay, bất kỳ Chúa Giêsu ở đâu, thì cõi trời và nếp sống của cõi trời có ở đó. Cõi trời không còn là một cõi xa vời và lạ lẫm nữa. Người ta không cần tìm cõi trời trên mây xanh nữa, mà có thể gặp được cõi trời khi gặp và thấy Chúa Giêsu.

Bất kỳ Chúa Giêsu ở đâu và ở trong trạng thái nào, ta cũng thấy cõi trời đang được hiện diện. Dù Ngài là một trẻ bé nằm trong hang đá, máng cỏ, cõi trời cũng có đó, bởi lúc đó Ngài ở trong tư thế một người con thơ bé trước mặt Cha, giang tay đón mọi ý Cha, giang tay phó thác cả con người mình trong tay Cha. Rồi sau đó khi Ngài thành người lớn, dùng quyền năng siêu phàm để làm các phép lạ, để chữa lành mọi kẻ tật nguyền, khi đó chính là khi sức mạnh của cõi trời tỏ lộ.

Nhưng đặc biệt, theo Lời Chúa hôm nay, ta có thể nói cõi trời đã xuất hiện trong chính những lúc bình thường quen thuộc trong đời sống của Chúa, khi Ngài sống với các môn đệ, và đặc điểm của cõi trời khi ấy chính là tinh thần bác ái, yêu thương.

Chúa Giêsu đã đem cõi trời xuống cõi đất, không phải chỉ khi Ngài tỏ quyền năng siêu phàm, khi Ngài để lộ thần tính chói lọi, mà ngay khi Ngài gầy tạo tình yêu thương: khi Ngài qui tụ một nhóm môn đệ chung quanh Ngài, làm thành một cộng đồng yêu thương, khi Ngài lên tiếng dịu dàng gọi các môn đệ: "Hãy theo Ta", bất chấp họ là những con người ít học, tầm thường. Khi Ngài tế nhị với họ, quan tâm đến con người cụ thể của họ: "Ta đã thấy ngươi lúc ngươi còn ở dưới cây vả, trước khi Philiphê gọi ngươi". Cõi trời đã được đưa xuống cõi đất không ở đâu khác, mà chính lối sống đầy tình yêu thương, đầy sự tế nhị đó.

Đến lượt chúng ta, chúng ta cũng làm cho cõi trời cũng nên có thực được mỗi khi ta thực thi bác ái. Đó là điều thánh Gioan cũng nói đến trong bài đọc I, khi ngài đề cao lòng bác ái. Theo ngài, ai yêu thương anh em thì được chuyển từ cõi chết sang cõi sống, được có sự sống đời đời nơi mình. Ai yêu thương tha nhân thật lòng, bằng những việc làm cụ thể, chứ không phải một cách hời hợt và đầu môi chót lưỡi, kẻ đó nên giống Thiên Chúa, Đấng đã thí mạng sống mình vì yêu thương chúng ta. Vậy khi ta sống yêu thương, ta không còn thuộc về thế gian nữa, mà thuộc về sự thật và thuộc về cõi trời.

Chúng ta đang sống trong mùa Giáng sinh. Ta được mời gọi sống trọn vẹn mầu nhiệm Giáng sinh cao cả, mầu nhiệm cõi trời được đưa xuống cõi thế. Ta cảm tạ Thiên Chúa đã cho chúng ta được chiêm ngắm Con Một của Người, Đấng trung gian nối liền cõi trời với cõi đất. Chúng ta cũng xin Người giúp ta kiểm xét lại những thiếu xót của ta trong tình bác ái đối với tha nhân - những lần ta còn bẳn gắt, nặng lời, hẹp hòi đối xử với nhau, những lần ta làm khổ nhau… - để ta gầy dựng một đời sống cộng đồng dạt dào tình thương hơn, nhờ đó cũng thể hiện được tinh thần và nếp sống cõi trời giữa cuộc sống hôm nay, đúng theo mong muốn của Con Thiên Chúa giáng trần, đúng theo ý nghĩa và mục đích của mầu nhiệm giáng sinh.



Ngày 06 tháng Giêng

1 Ga 5,5-6.8-13; Mc 1,6-11

Đoạn Tin Mừng hôm nay cần được tách ra làm hai, thì ta mới có thể hiểu được thời điểm mà Chúa Giêsu chịu phép rửa.

Nữa đoạn Tin Mừng đầu nói về việc rao giảng của thánh Gioan Tiền Hô. Đây là thời gian mà Dân Chúa đang nóng lòng chờ đợi Đấng Thiên Sai. Gioan Tiền Hô xuất hiện với những lời giảng dạy, đôi khi kèm theo cả những lời răn đe, để dần chúng biết ăn năn sám hối mà trở về với Chúa. Đàng khác, khi nhìn vào đời sống thánh thiện và khổ hạnh của Gioan, dân chúng đã lầm tưởng ông là Đấng Thiên Sai nên đã nô nức đến với ông.

Gioan đã thấy được sự ngộ nhận của dân chúng về mình nên ông đã vội vàng cải chính. Ông nói: "Có Đấng sẽ đến sau tôi, nhưng quyền lực hơn tôi, phần tôi không xứng đáng cúi xuống cởi dây giầy cho Người".

Thế nhưng khi Chúa Cứu Thế Giáng sinh ở Bêlem, thì chẳng có ai nhận ra Ngài, ngoại trừ một vài anh em mục đồng và một số các nhà đạo sĩ ở phương xa nhận ra Ngài là Con Thiên Chúa mà thôi.

Các sách Tin Mừng đã không nói nhiều đến quãng thời gian niên thiếu của Chúa Giêsu tại Nazareth. Điều đó cho phép ta hiểu rằng quãng thời gian 30 năm ẩn dật của Chúa, vẫn là thời gian bị quên lãng, người ta vẫn chưa nhận ra được sứ mạng Thiên Sai của Ngài.

Vì vậy trong suốt cả thời gian này, Gioan vẫn tiếp tục rao giảng và làm phép rửa sám hối cho dân chúng. Rồi đến một hôm kia Chúa Giêsu đã xuất hiện công khai bên bờ sông Giorđan, nơi Gioan đang làm phép rửa.

Khi ấy Chúa Giêsu đã 30 tuổi. Ngài đến gần Gioan và xin ông làm phép rửa cho mình. Được ơn soi sáng, Gioan biết rằng mình đang đứng trước mặt "Đấng sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần", nên ông đã từ chối rằng: "Chính tôi mới phải xin Ngài rửa cho, tại sao Ngài lại xin tôi".

Nhưng Chúa Giêsu đã thuyết phục Gioan là hãy làm theo ý của Thiên Chúa Cha. Khi Chúa Giêsu vừa lên khỏi nước, thì trời mở ra Thánh Thần Chúa lấy hình bồ câu đậu xuống trên Ngài, và có tiếng từ trời phán: "Này là Con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng".

Phép rửa mà Chúa Giêsu lãnh nhận đã khai mào cho sứ vụ và con đường cứu thế của Ngài. Đó là con đường của mỗi tôi tớ đau khổ, con đường hiền lành, hòa bình và khiêm tốn.

Mỗi người Kitô hữu chúng ta cũng đã được lãnh nhận phép rửa trong Chúa Thánh Thần, nhờ đó chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa. Phép rửa đó, đã phép chúng ta thành tạo vật mới, và chính cuộc sống mới này đời chúng ta phải đi vào con đường của Chúa Giêsu, con đường của người tôi tớ : khiêm tốn, hòa bình và hiền lành. Chỉ với sống như thế, chúng ta mới thực sự là người sống theo ánh sáng của bí tích rửa tội. Chúng ta chỉ được cứu độ khi chúng ta biết đi vào con đường cứu thế của Chúa, đó là con đường trở thành tôi tớ của Thiên Chúa, hiến thân phục vụ vì hạnh phúc của mọi người.
Mới hơn Cũ hơn