THỨ HAI
Is 35,1-10; Lc 5,17-26
Ngày Chúa Nhật hôm qua chúng ta đã nghe thánh Gioan Tẩy Giả hối thúc chúng ta đắp đường san lối cho Chúa đến. Đường đó nằm ngay trong đời sống và con người của chính chúng ta, vì ở nơi chúng ta còn nhiều gồ ghề trong tư tưởng, còn nhiều hố sâu tội lỗi chúng ta muốn rơi vào. chúng ta muốn hoán cải và trở nên thánh thiện. Nhưng thật khó làm sao!
Hôm nay hai bài Kinh Thánh đến an ủi và khích lệ chúng ta. Isaia bấy giờ nói với người đang tuyệt vọng. Họ đang sống nơi lưu đày, nhục nhã, khổ sở, hèn hạ. Họ muốn được trở về quê hương. Nhưng làm sao về được? Ai mở lối cho? Và phỏng quê hương còn gì! Chiến tranh đã tàn phá. Cỏ gai đã mọc đầy, rắn rết tha hồ hoành hành. Ấy là chưa kể hùm beo sư tử cũng đã có thể quyện quanh tìm mồi. Đầu óc người dân lưu đày khi ấy chỉ toàn những tư tưởng đen tối. Isaia đã mở cho họ một mùa vọng. Ông đồng ý chẳng ai sẽ có thể đưa đám lê dân tôi đòi này trở về quê hương đâu. Và đất Giêrusalem của họ quả thật bây giờ cũng chẳng còn gì hấp dẫn. Tất cả như đã chết và trông hơn một bãi tha ma. Nhưng ai trông cậy Chúa sẽ không thất vọng. Người toàn năng. Người chữa lành phục sinh được hết. Quả vậy, chính Người sẽ ưu ái Dân Người. Người sẽ làm cho quê hương của họ bừng tỉnh và tươi tỉnh lên đã. Sa mạc sẽ nở đầy hoa, đồng cỏ sẽ mọc xanh rì. Ác thú không còn qua lại trên những con đường mới nữa. và cũng sẽ chẳng còn bóng ác nhân nào trong xứ sở. Chính lúc đó, khi mọi sự đã sẵn sàng, Chúa mới đưa Dân Người trở về. Những đầu gối rã rời sẽ vui nhảy lên như nai; và những kẻ mù điếc sẽ trông thấy và nói được những điều kỳ diệu. Vì ơn cứu độ không phải do ai mang tới. Đó là chính Chúa toàn năng sẽ làm cho những ai kiên vững trông cậy Người.
Isaia không nói sai. Dân lưu đày đã được trở về quê hương thật. Và đất nước họ lại có lúc phồn thịnh. Nhưng Isaia không phải chỉ muốn nói như vậy. Mùa vọng của ông còn phải mở ra xa hơn nữa. Nhưng ở thời ông không thể nào có ngôn ngữ thích hợp để diễn tả chương trình cứu độ lớn lao của Thiên Chúa. Phải đợi bảy, tám trăm năm sau, Đức Giêsu đến mở ra một chân trời mới nữa, một mùa vọng xa hơn. Thế mà cũng không phải mọi người đều hiểu biết.
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy rõ. Bệnh nhân nằm trên chõng người ta xuống trước mặt Người là ai? Là một kẻ tàn tật không thể đi được, một con người tê bại hoàn toàn. Thuốc thang đã trở thành vô hiệu. Chỉ còn một niềm tin, tin vào con người Đức Giêsu may ra có thần lực mới chữa được. Nhưng Đức Giêsu không có sứ mạng đến đưa người ta đi trên những con đường gồ ghề ở trần gian này. Nhìn người bất toại, Đức Giêsu thấy sứ mạng phải làm cho con người và tất cả loài người có khả năng đi vào con đường thiên quốc, nơi sẽ thực hiện đủ và quá sức tưởng tượng các lời sách Isaia. Tội lỗi làm cho người ta tê liệt. Thế nên, Đức Giêsu bảo kẻ bất toại: Tội con đã được tha… Con hãy đứng lên vác giường mà về.
Đọc hai bài Kinh Thánh hôm nay như vậy, ai còn hồ nghi gì về các việc phải làm trong mùa vọng này và trong suốt đời nữa. Chỉ có Chúa mới đưa chúng ta đi được về quê hương thật, quê hương cuối cùng của loài người. Tội lỗi khiến chúng ta tê liệt không đi vào con đường đó đâu. Nhưng Đức Giêsu đã đến, Người sắp đến trong thánh lễ này, trong dịp lễ Noel này. Người muốn dùng Máu của Người để rửa sạch tội lỗi chúng ta và dùng giáo lý Phúc Âm dẫn đưa chúng ta đi trên đường thánh thiện cho đến khi chúng ta đi gặp Người trở lại để chúng ta sung sướng đi vào nhà Cha trên trời. Chúng ta hãy lãnh nhận Máu Người và tuân giữ Lời Người.
THỨ BA
Is 40,1-11; Mt 13,12-14
Nhiều khi chúng ta cứ nghĩ: mùa vọng là thời gian chúng ta chờ đón Chúa và chúng ta phải san đường sửa lối cho Người đến. Điều đó cũng chỉ đúng một phần thôi. Rõ ràng bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta một lối nhìn khác: mùa vọng lại là chính thời gian Chúa đang vất vả đi tìm hết mọi con chiên lạc.
Thật vậy, con người thường chủ quan và ích kỷ, chỉ nhìn thấy mình, công việc của mình, lao nhọc của mình, và rất ít khi nghĩ đến người khác lúc nào cũng đang vất vả vì mình. Điều này rất đúng ở bình diện xã hội, chỉ cần suy nghĩ một tí là thấy ngay: bản thân và cá nhân mình làm cho người khác được mấy tí, đang khi có thể nói cả xã hội làm việc ngày đêm cho cá nhân mình. Nhưng điều kia còn thật hơn nữa ở bình diện đạo đức và Nước Trời. Nỗ lực của chúng ta để nên thánh hầu được sự sống mai ngày vĩnh viễn và hạnh phúc, là gì và đi đến đâu? Tất cả không do Chúa làm hết cả sao?
Ngay Isaia ngày xưa cũng đã thấy như vậy. Ông đã vâng lệnh Chúa trèo lên núi cao, đứng trên đỉnh Sion, nói với con cái Israel rằng: mọi xác phàm như cỏ dại, mọi vinh quang của nó như hoa ngoài đồng. Cỏ đã khô, hoa đã tàn. Còn gì đáng kể nữa đâu. Có sức đâu mà vươn dậy nữa. chỉ còn một chỗ cậy trông, một nơi mong chờ. Đó là Lời Hứa của Thiên Chúa. Người đã dựng nên con người; Người hứa ban cho họ phúc trường sinh bất tử. Con người có thể đi xa Chúa như đứa con hoang đàng, như con chiên lạc lối; nhưng Chúa không thể cư xử khác người mục tử tốt, Chúa đi tìm con chiên lạc về. Người phải đi tìm lại hình ảnh mà Người đã in vào thân thể con người. Thế nên chính Chúa phải lo cứu dân, phải đưa dân lưu lạc trở về, phải xây dựng lại đời sống cho họ. Công việc cứu độ không ai có thể làm thay Chúa. Cũng như đối với cỏ khô hoang tàn, chỉ còn hơi thở ban sự sống của Tạo Hóa mới làm cho chúng hồi sinh và tươi tốt lại được.
Isaia nói với dân Cựu ước những lời chân thật ấy, để họ nhận ra sự thật: hiểu Chúa hơn, tin Chúa hơn, và trông cậy vào Chúa. Bài Tin Mừng theo thánh Matthêu hôm nay cũng vậy. Đức Giêsu dùng những lời lẽ rất bình dân để nói lên chân lý rất sâu xa này là Thiên Chúa không muốn để mất một con chiên nào. Chính vì vậy mà Con Thiên Chúa đã phải sinh ra và làm người, đi vào con đường chông gai thập giá, vất vả cực nhọc và đau đớn để tìm về cho được những con chiên đang bị lạc trong các bụi gai. Không có công việc tìm kiếm vất vả này, làm sao chiên lạc có thể trở về? Bên nào vất vả hơn?
Chúng ta hãy suy nghĩ, nghĩ đến công lao vất vả của Thiên Chúa và cụ thể là của Đức Giêsu Kitô đối với chúng ta. Ai còn có thể bảo mình phải chịu khổ vì Chúa nữa? chúng ta có cố gắng một tí chẳng qua cũng chỉ vì hạnh phúc của mình. Đang khi chính Chúa vì muốn hạnh phúc cho chúng ta nên đã phải chịu khổ hình thập giá. chúng ta không còn được nghĩ mùa vọng là thời gian chúng ta phải cố gắng don đường cho Chúa, mà chính Chúa đang phải đến để san bằng đường lối gồ ghề, quanh co ở nơi chúng ta. Người chỉ mong chúng ta nghe Lời Người, để Người uốn nắn, hầu đời sống chúng ta chóng được bằng phẳng và chơn tru. Ngay tại thánh lễ này, Chúa đến trong mầu nhiệm thập giá, nói lên công lao vất vả Người dành cho chúng ta. Còn chúng ta đâu phải đóng góp gì nhiều. Chỉ cần lắng nghe Lời Người, giữ lấy suy niệm, rước lấy Mình Thánh Người, để sức mạnh của Người làm cho hồi sinh, được sự sống mới, đi đến sự sống muôn đời.
THỨ TƯ
Is 40,25-31; Mt 11,28-30
Chúng ta khó có thể hiểu hết được ý nghĩa của mấy câu Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe, nếu không hình dung, nhớ lại bối cảnh ngày trước, khi Đức Giêsu tuyên bố những lời ấy. Bấy giờ Người nói với Isael, những người đang giữ pháp luật như Môisen để trông chờ Nước Thiên Chúa. Có người thấy luật pháp đó an ủi, mặc dầu đòi hỏi và khắt khe vì họ sẵn sàng chấp nhận hy sinh để thi hành, hầu sống trung thành với luật pháp mà được hưởng Lời Hứa. Nhiều người khác trái lại không nhìn đến khía cạnh hứa hẹn của luật pháp bao nhiêu và chỉ thấy các lệnh truyền gò bó nặng nề.
Đối với tất cả con cái Israel thời ấy, Đức Giêsu đầy lòng nhân hậu, mở ra cho họ con đường giải thoát. Người kêu gọi: hết thảy những ai khó nhọc và gánh nặng, hãy đến với Tôi, Tôi sẽ nâng đỡ, bổ sức cho. Người gọi các người đang sống dưới ách luật pháp Môisen; Người nói với con cái Israel hãy đến với Người. Bỏ luật cũ đi, họ hãy nhận lấy luật mới, luật của Người. Và luật này Người đã tuyên bố. Nói đúng hơn, đã có lúc Người nói đến luật này, luật kia; nhưng chưa khi nào Người kết chúng lại thành một bộ luật nào cả. Và giả như người ta có chép lại tất cả các luật Người đã ra, người ta cũng chỉ ghi được trên một vài trang giấy và sẽ thấy nó nhẹ nhàng quá sức, sánh với luật cũ của Môisen vừa dày vừa nặng. Thật vậy, Đức Giêsu có lý khi nói rằng: ách của Người êm ái và gánh của Người nhẹ nhàng.
Thế mà sao người Dothái khi ấy không sẵn sàng bỏ luật Môisen để nhận ngay lấy một vài lời khuyên nhủ của Đức Giêsu? vì xét cho cùng, Đức Giêsu không lấy một vài lời khuyên nhẹ nhàng để thay đổi luật pháp Môisen đâu. Người lấy chính Người để thay thế Môisen. Người bảo người ta đừng học luật Môisen nữa vì đó chỉ là chữ viết, không đem lại gì cả; nhưng hãy học lấy Người mà sống "hiền lành và khiêm nhường trong lòng". Môisen đã mở ra mùa vọng dùng việc giữ luật để đi đến sự sống. Con đường đó vất vả nặng nề, vì phải giữ không biết bao nhiêu lệnh truyền mà không biết có đi đến sự sống không, vì ai có thể giữ mình không vi phạm luật pháp được? Còn Đức Giêsu thì đem ngay đến sự sống, sự sống dịu hiền khiêm nhường trong lòng, để tâm hồn mọi người bình an và phát triển cho đến sự sống muôn đời. Mùa vọng Người mở ra không xa, nó bắt đầu ngay va không bỏ rơi một giai đoạn nào. Lúc này cũng đã bắt đầu ở trong sự sống đời đời rồi.
Ngày nay chúng ta hiểu được như vậy. Nhưng ở thời Chúa Giêsu con cái Israel đâu đã có thể nhận ra như thế? Bởi vì họ chưa tin được như Isaia. Họ thờ Chúa nhưng chưa xác tín Người toàn năng và cao cả hơn hết và chẳng ai sánh được với Người. Trước mắt họ chỉ thấy sự thành công của những con người chạy theo thế gian. Họ muốn lao đầu chạy theo; nhưng tiếng Isaia ngăn họ lại, bảo họ nghĩ xem ai là Tạo Hóa, ai sẽ hướng dẫn lịch sử đến chỗ cuối cùng?
Lời Isaia còn có giá trị đối với chúng ta hôm nay. Chúng ta cũng nhiều khi bị cám dỗ như con cái Israel. Trước mắt mọi người mọi sự dường như không có Chúa và như vậy con người dễ bị lôi vào cuộc cạnh tranh ở đời này, bất chấp tiếng nói của lương tâm. Nhưng nếu con người suy đến Đấng Tạo Hóa, tin Con Thiên Chúa đã giáng trần, biết đường lối hiền lành, khiêm nhường Người đã đi, họ sẽ nghĩ lại, được Chúa mời gọi nhận lấy ách đơn sơ của Người, để dễ được bình an tâm hồn và an tâm về hạnh phúc mai ngày. Ngày nào Chúa Giêsu cũng đến đặc biệt qua bí tích Thánh Thể. Người làm gương không bon chen, giành giật, nhưng dịu hiền, khiêm nhường và phục vụ. Người hướng dẫn tâm hồn mọi người vọng về thời gian cứu độ, về Nước Trời dành cho những ai hiền lành, hiền hòa, trong khi chờ đợi ngày Chúa trở lại.
THỨ NĂM
Is 41,13-20; Mt 11,11-15
Ở đời, những người thấp cổ bé họng thường hay bị thiệt thòi. Nhất là ở những thời đại xa xưa, chưa có dân chủ và lớn lên không được bình đẳng trước pháp luật và xã hội. Giai cấp, tiền của và danh vọng ưu đãi một số người và dìm xuống bùn sâu đa số người khác. Ngay giữa các dân tộc với nhau cũng thế, nước lớn ăn hiếp nước nhỏ, gây ra xâm lược và buôn bán nô lệ, làm nhơ bẩn và nhục nhã lịch sử loài người.
Isaia là người chứng kiến những cảnh thương tâm đó. Ông gióng lên tiếng nói tràn ngập hy vọng. Chính Chúa sẽ giơ tay ra giải thoát cứu độ những con người thấp cổ bé họng. Người còn dùng chính họ để lập lại công lý trên mặt đất. Dân nhỏ cũng sẽ thấy đất nước phồn vinh để mọi người thấy rõ Người mới là Chúa trời đất.
Lời của Isaia tạo nên mùa vọng Cựu ước, hướng lòng con cái Israel về ngày cứu độ của Chúa. Nghe nói nhiều lời tiên tri khác họ nghĩ rằng ngày nào Êlia trở lại thì Nước Chúa sẽ đến gần.
Hôm nay trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu khẳng định: Êlia đã đến nơi con người con người Gioan Tẩy Giả. Không những ai cũng thấy Gioan ăn mặc không khác Êlia; nhất là cũng công nhận ông có sự thánh thiện và sức mạnh của Thần Khí y như nhà tiên tri ngày trước. Do đó, ngay cả các biệt phái và những người vị vọng trong dân cũng đã đổ xô đến nghe lời Gioan, đấm ngực thống hối tội lỗi và xin Gioan làm phép rửa cho mình. Chính Gioan cũng đã tuyên bố: ông chỉ là tiền hô, là người đi trước Đấng Cứu Thế sẽ đến. Và Đấng ấy chính là Đức Giêsu. nhưng nhìn vào Đức Giêsu, người ta chưa chịu tin. Làm sao con người sinh sống đơn giản như thế kia lại có thể thực hiện những điều mùa vọng Cựu ước mong đợi?
Chúa Giêsu hiểu biết tâm tư mọi người, nên Người lên tiếng khẳng định mở ra một tư duy mới, chuyển hướng lòng trông đợi trước đây. Mọi người chờ Nước Thiên Chúa ư? Này đây, Nước Thiên Chúa đã đến rồi. Người ta trông đợi những kẻ thấp cổ bé họng được ưu đãi ư? Thì này, Nước Trời là của những ai bé nhỏ. Đồng ý, Gioan là người lớn nhất trong số các người mà phụ nữ đã sinh ra. Ông vai Êlia như con cái Israel vẫn tin đó. Nhưng kẻ bé mọn nhất trong Nước Trời còn lớn hơn cả ông.
Tại sao vậy? Tại Nước Trời không giống như người ta nghĩ. Nó không thuộc về thế gian này. Nó không phải là một trong bao nhiêu nước ở trần gian này. Nó chẳng được lập ra để tranh chỗ và tranh giành với bất cứ nước nào trên mặt đất chóng qua này. Nó sẽ mở ra đón mọi dân tộc vào trong một nhân loại duy nhất, bất biến và hạnh phúc tuyệt vời. Người ở trong Nước đó vì thế khác hẳn mọi người bất cứ nơi nào trên mặt đất này. Gioan Tẩy Giả như người Israel thấy ngày xưa, cũng không sao sánh được, vì một đàng còn ở trần gian, còn đàng kia đi vào sự sống vĩnh hằng viên mãn. Chúng ta hãy hiểu lời Chúa Giêsu nói như vậy, chứ không phải Người không biết đánh giá đúng vai trò và vinh dự của Gioan đâu. Và như thế, Người mở ra cho mọi người một chân trời mới lạ, một mùa vọng mới. Ai ai cũng có thể đi vào Nước Trời, kể cả và nhất là những ai thấp cổ bé họng. Tại sao? Tại vì từ trước đến nay, người ta cứ tưởng kẻ mạnh là đạt được hạnh phúc. Ngay cả trong tôn giáo người ta cũng nghĩ ai mạnh làm được nhiều điều đạo đức, giữ được đủ các luật pháp Môisen là được vào Nước Thiên Chúa. Không, Nước Trời cao cả, mọi người đều bất xứng và bất lực. Thiên Chúa không ban cho kẻ mạnh, tin vào sức mình, nhưng ban không cho những người phận nhỏ đặt tất cả niềm tin vào Chúa. Đừng ai tự phụ có thể vào được Nước Trời. Mùa vọng bảo người ta chờ đợi ơn Chúa đến giúp sức. Mùa vọng dạy chúng ta biết dự thánh lễ hằng ngày để có Chúa vào sống trong mình chúng ta mới tránh xa được sự tội, nhờ đó chúng ta tập được nhân đức. Còn ai tưởng mình là lớn, là mạnh, sẽ không được hưởng lời loan báo của Isaia và của Chúa Giêsu như bài Kinh Thánh mà chúng ta vừa được nghe.
THỨ SÁU
Is 48,17-19; Mt 11,16-19
Con người sinh ra phải học: học ăn học nói, học gói học mở. Không học, chúng ta không thể tiếp thu được lời dạy của người đi trước truyền lại, con người sẽ không tiến bộ được. Chẳng ai bắt đầu bằng con số không, nghĩa là không nhờ đến kinh nghiệm của người đi trước làm vốn liếng xây dựng cho cuộc đời của mình. Đời sống trần gian còn như vậy, huống gì là đời sống đạo đức và tôn giáo hướng về đời sau! Nếu có lời dạy dỗ của Thiên Chúa, được các sứ giả của Người truyền lại, chúng ta biết đời sống vĩnh hằng ở đâu mà hướng tới? Và chúng ta biết đi vào đường lối nào cho bảo đảm? Chúa nhân hậu và yêu thương loài người. Người không muốn thấy loài người bơ vơ lạc lối. Người đã xé màn trời, để giáo huấn của Người vang vọng xuống trần gian. Người đã nói với Dân cũ. Người nhờ các tiên tri đến nói thay Người. Và hôm nay, phán qua miệng tiên tri Isaia: Người là Thiên Chúa; Người phán dạy lời cứu độ; Người dẫn dắt ai muốn nghe đi vào con đường hạnh phúc. Đời sống của họ nếu thi hành giáo huấn của Người, sẽ phong phú và trường sinh. Nhất là từ khi Người sai Con Một của Người xuống thế, thì con đường dẫn đến Nước Trời vinh quang đã rõ ràng quá rồi. Không những Đức Giêsu đã tỏ hết các chân lý cần cho hạnh phúc của con người, mà chính Người còn tạo ra một nếp sống mới và kêu gọi: nếu ai bỏ mọi sự mà đi theo Ta sẽ có sự sống đời đời.
Nhưng loài người không khác đám trẻ nói trong bài Tin Mừng hôm nay. Chúng kỳ quặc, muốn riêng rẽ, khác biệt, chứ không thích hòa hợp. Lúc bạn chúng chơi nhạc nhảy, chúng không nhảy. Khi bạn chúng ngâm thơ sầu, chúng không buồn. Chúng luôn muốn làm khác ý bạn chúng, vì âm thầm trong chúng vẫn có một khuynh hướng rất mạnh là không muốn hòa hợp và cứ muốn đánh mảnh và độc tôn. Hiện tượng này chúng ta dễ nhận thấy khi nhìn đám trẻ gọi là chơi chung với nhau. Thật ra khi chơi chúng vẫn có khuynh hướng muốn kéo cánh chơi riêng, khiến người lớn nhiều khi phải can thiệp, bảo chúng phải biết nghe nhau và chơi chung với nhau mới đẹp, mới vui.
Nhưng chính người lớn lại quên họ cũng có khuynh hướng như vậy, và còn trầm trọng hơn. Có mấy khi, nhất là ngày xưa ngồi chung với nhau mà nhất trí với nhau được đâu. Và trí rồi, chưa chắc đã nhiều người quyết tâm thi hành. Vì ai cũng có khuynh hướng cho mình là hay; nếu không thì cũng chẳng chịu nghe lời một ai. Nhìn bất cứ người nào họ cũng có thể phê bình được. Hôm nay Đức Giêsu bảo: người Dothái thấy Gioan khắc khổ thì bảo ông bị qỷi ám; lúc thấy Đức Giêsu sống bình dị thì lại chê Người tầm thường. Họ chẳng muốn học theo một người nào cho dù người đó rõ ràng trổi vượt hơn họ.
Tính tự cao, không muốn nghe lời, đã là một sự dại dột và ngu xuẩn trong đời sống ở trần gian, vì như ta đã nói, như vậy là không biết dùng kinh nghiệm của người đi trước làm vốn liếng xây dựng đời sống cho mình. Nhưng đối với đời sống tôn giáo và đạo đức, tính tự mãn kia bịt mắt không cho người ta nhìn thấy con đường nên thánh nữa. Do đó, thái độ căn bản của người tín hữu đã biết lắng nghe Lời Chúa giáo huấn, phải để đời sống của Đức Giêsu và của các thánh dẫn dắt, phải theo lời khuyên nhủ đạo đức. Không vậy, con người sẽ sống theo ý riêng, theo dục vọng riêng, không những không thể thánh thiện hơn mà càng ngày càng tỏ ra chẳng hòa hợp được với ai. Và thiếu sự hòa hợp này là dấu hiệu khó vào thiên đàng được là nơi tất cả đều chan hòa trong một nhân loại duy nhất được cứu rỗi.
Đó là mùa vọng vươn tới thiên đàng là thời gian tập lắng nghe lời giáo huấn của Chúa, để dần dần bớt ý riêng, biết sống kết hợp với mọi người. Các cử hành phụng vụ và nhất là thánh lễ là những caon điểm để tất cả cùng biết lắng nghe Lời Chúa, quyết tâm theo Người và dần dần chan hòa với nhau trong một Giáo Hội và một xã hội. Chúng ta hãy tham dự thánh lễ này với những tâm tình như vậy.
THỨ BẢY
Is 48, 1-4.9-11; Mt 17,10-23
Sách Huấn Ca hôm nay ca tụng Êlia. Muốn hiểu được nhiều lời xác tích đó, chúng ta phải đọc lại truyện tiên tri Êlia trong hai quyển sách các Vua. Ít nhất chúng ta còn nhớ Êlia là vị tiên tri thật lớn. Ông đã mạnh mẽ chiến đấu cho danh Giavê. Thời bấy giờ con cái Israel không những sa sút lòng đạo đức, mà hơn nữa còn như bỏ Chúa để thờ các tượng thần của dân chung quanh. Nhất là nhà vua và triều đình bấy giờ, hầu như đã hoàn toàn theo tà giáo. Êlia một mình đứng ra thách đố mọi người trên núi Camêlô. Ông bảo 450 pháp sư tà giáo dựng lên một tế đàn đối diện với tế đàn của ông và đêm đặt tế vật lên trên.
Trước mặt toàn dân, họ hãy kêu cầu thần linh của họ đến chấp nhận lễ dâng. Họ kêu la từ sáng tới chiều cũng chẳng thấy gì xảy ra. Bấy giờ đến lượt Êlia, một mình ông vừa cất tiếng kêu cầu danh Chúa, lập tức lửa trời đã xuống thiêu đốt tất cả lễ vật và bàn thờ. Toàn dân mừng rỡ nhận ra chỉ có Chúa là Chúa và họ tin vào Êlia. Ông đã cứu dân ra khỏi tà đạo. Ông đã củng cố miềm tin của mọi người vào Chúa. Ông còn làm bao nhiêu sự lạ khác với quyền năng của Chúa, như cho kẻ chết sống lại, đóng cửa trời để không có mưa, rồi lại xin Chúa cho mưa đổ xuống. Người ta kính sợ ông và chẳng dám nghĩ ai có thể hơn ông. Nhất là khi thấy một cơn lốc đột xuất thổi đến, mang theo một cỗ xe bằng lửa, cuộn ông lên trời. Con cái Israel từ đó tin rằng ông vẫn sống và ông sẽ trở lại, don đường cho Đấng Thiên Sai. Họ ao ước được nhìn thấy ngày đó. Vì vậy, mùa vọng Cựu ước cũng hướng về ông, cố tìm ra dấu vết xuất hiện của ông để biết rằng Đấng Thiên Sai Cứu Thế sắp đến.
Hôm nay, Đức Giêsu nói rõ cho các môn đệ của Người: Êlia đã đến rồi. Ông đến nơi con người của Gioan Tẩy Giả. Hãy nhìn mà xem, Gioan đã xuất hiện từ nơi sa mạc, nơi ông sống với Thiên Chúa. Ông ăn mặc y như Êlia. Nhất là ông như Elia một mình đứng ra rao giảng việc trở về với Chúa Giavê, chứ đừng chạy theo thói đời bỏ rơi luật pháp của Chúa nữa. ngay những người đứng đầu dân cũng phải trở lại, tin vào sự cứu độ của một mình Chúa, chứ đừng tựa vào sức mạnh giả dối của trần gian. Nhưng mà người ta đã đối xử với Gioan như thế nào? Không giống như Êlia ngày trước sao? Các môn đệ Đức Giêsu còn nhớ: sau cuộc thách đố trên núi Camêlô, Êlia đã chẳng phải vội vã chạy trốn sự trả thù của phe tà giáo được triều đình hỗ trợ sao? Gioan cũng đã bị chặt đầu do lệnh vua Hêrôđê. Số phận của các tiên tri thật đều như thế. Số phận của Đức Giêsu rồi đây sẽ như thế nào? Hôm nay Người gợi lên vấn đề cho môn đệ suy nghĩ. Hơn nữa, Người muốn cho họ phải lựa chọn: đứng về phía các tiên tri và đi vào con đường Người sẽ đi, hay là đi theo các ngã đường dễ dãi ở trần gian này?
Mùa vọng đặt mọi người chúng ta trước một sự lựa chọn. Chúng ta có dứt khoát đi trong con đường dẫn đến việc gặp Chúa trở lại trong vinh quang không? Hay chúng ta còn như con cái Israel thời Elia, đi dệu dạo, nghiêng bên này, ngã bên kia, vì thấy đi vào đường lối của Chúa thì mất nhiều thú vui của dục vọng? nhưng sa vào các cơn cám dỗ này xong, sẽ thấy trơ trẽn vì đã làm những cái xấu xa, những nét tiêu cực. Còn kiên vững trong đường ngay nẻo chính, tuy phải cố gắng, nhưng sau mỗi khi nỗ lực lại thấy mình cao thượng hơn, giống Elia và Gioan nhiều. Mình sẽ có những sự mừng thanh tao không thể nào diễn tả nỗi.
Chúng ta hết thảy đều có những kinh nghiệm như thế. Thành thật các kinh nghiệm này bảo chúng ta hãy sống luôn trong đường nhân đức chứ đừng nghe theo cám dỗ. Nhưng khốn nỗi: tinh thần thì sáng suốt, còn xác thịt lại yếu đuối. Do đó, Con Thiên Chúa vì yêu thương loài người đã vui lòng giáng sinh mặc lấy xác thịt yếu đuối để đem sức mạnh Thiên Chúa vào trong nó để nâng đỡ, tăng sức mạnh cho nó và giúp nó chiến thắng. Từ ngày có lễ Noel, mùa vọng Tân ước được một sức mạnh mà mùa vọng Cựu ước không có. Chúng ta hãy biết ơn Chúa và tiếp nhận ơn Chúa nhập thể để mạnh mẽ sống mùa vọng hiện nay.