Suy niệm mỗi ngày, Tuần III Mùa vọng

SUY NIỆM MỖI NGÀY 

TUẦN III - 23/12




THỨ HAI

Ds 24,2-7; Mt 21,23-27

Lời Chúa hôm nay đặt Balaam một bên và các thượng tế kỳ lão một bên như hai mẫu người trái ngược nhau. Balaam là một thầy bói thuộc dân ngoại, được người ngoại cậy nhờ trong các việc khẩn cầu, chúc lành, chúc dữ. Tuy không thuộc dân Israel nhưng ông được Giavê tác động nên đã tin nhận Giavê mà nói theo điều Giavê đã soi dẫn. Thay vì chúc dữ thì ông đã chúc lành cho Israel, một dân mới xuất hành từ Aicập, đang di chuyển và đánh bại các bộ lạc hoặc các dân mà họ gặp. Balaam tuyên sấm rằng một ngôi sao và một phủ việt sẽ từ Israel xuất hiện. Các lời tuyên sấm của ông chứng tỏ ông là người được thấy điều bí nhiệm Giavê đặt để cho tương lai Israel.

Ngược với ông, các thượng tế, kỳ lão mà đoạn Tin Mừng hôm nay nói đến là những người thuộc về dân Israel và là hàng lãnh đạo Israel. Họ có vai trò hướng dẫn dân, giáo huấn dân hiểu biết về Giavê. Nhưng việc họ chất vấn Chúa Giêsu chứng tỏ họ lại là hạng đui mù, chẳng nhận ra tư cách của Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai và chẳng công việc Chúa Giêsu đang làm là những công việc bởi Thiên Chúa. lòng dạ kiêu căng tự mãn của họ đã làm cho họ ra mù tối trước các dấu chỉ rành rành của Thiên Chúa và cũng khiến họ bị Thiên Chúa khước từ, không thèm soi sáng cho nữa.

Qua hai bài đọc hôm nay, Chúa muốn chúng ta cùng với cả Giáo Hội nhìn vào Chúa Giêsu - Con Một của Người - và tin nhận Ngài là Đấng đến từ Thiên Chúa Cha là Cứu Thế. Ngài chính là ngôi sao từ Giacop mọc lên, là Phủ việt của Israel xuất hiện như lời sấm ngôn của Balaam. Nhờ Ngài, chúng ta đã được cứu độ và thuộc về Israel mới, Dân tộc hùng cường của Thiên Chúa.

Đồng thời, Chúa cũng muốn chúng ta suy nghĩ về hồng ân Chúa đã ban là mở mắt cho chúng ta, để chúng ta được thấy và tin vào công việc cũng như tình thương của Ngài. Để qua đó, chúng ta vừa biết cảm tạ Ngài, vừa biết cầu nguyện cho những anh em còn sống trong tối tăm, chưa tin nhận Chúa Giêsu và chưa biết ơn cứu độ của Thiên Chúa muốn ban cho họ. Nơi Đức Giêsu Kitô, thậm chí có kẻ chai đá trong thái độ cứng tin - có bóp méo sự thật về con người Chúa Giêsu và tìm cách giảm khinh các lời và việc làm của Ngài - một thái độ khiến họ tự tách rời khỏi ơn cứu độ quí giá của Thiên Chúa.

Trong khi hướng về ngày Chúa đến hoàn tất công việc của Ngài nơi nhân loại và nơi chúng ta, theo tinh thần mùa vọng, chúng ta xin Chúa tiếp tục mở mắt cho chúng ta, chỉ bảo cho chúng ta biết đường lối Ngài và giúp chúng ta ngày một tiến xa trên đường lối ấy.


THỨ BA

Xp 3,1-2.9-13; Mt 21,28-32

Lời Chúa Giêsu chê trách các thươngj tế và kỳ lão trong dân Dothái lập tức khiến ta nghĩ ngay đến tội lỗi của nhóm người đó và cả tội lỗi của dân Dothái nói chung. Suốt dòng lịch sử của họ, thật sự họ đã là một dân cứng cổ, liên tiếp làm mất lòng Thiên Chúa. họ mang hai thứ tội chính: một là thiếu lòng tin đối với Thiên Chúa và quay mặt khỏi Thiên Chúa, hai là thờ kính Thiên Chúa bằng môi bằng miệng, không có thực chất, không có việc làm chứng minh.

Sau khi vào Đất Hứa, nơi đời sống được ổn định, có nhà cửa sản nghiệp, có tổ chức qui củ về mặt quốc gia và xã hội, có vua quan, chính quyền, thay vì biết ơn Thiên Chúa và chu toàn sứ mạng của Dân được Thiên Chúa kén chọn để cứu thế cùng với Thiên Chúa, họ đã phản bội Người. từ vua quan chí dân thường, họ lây nhiễm thói xấu của các dân chung quanh, họ thờ ngẫu tượng, hay như bài đọc I hôm nay nói: "Họ là thành phần phản nghịch và ô uế, không nghe lời Thiên Chúa, không chịu sửa dạy, không tin tưởng vào Thiên Chúa, không đến gần Chúa mình…". Do tội của họ, Thiên Chúa đã để họ bị mất nước, bị lưu đày.

Tuy vây, lòng Người không ngớt yêu thương họ. Qua miệng các ngôn sứ, Thiên Chúa đã tuyên bố Người xóa bỏ mọi tội cho họ. Giữa khi họ chưa làm gì nhiều để trở về với Người, Người đã hứa sẽ duy trì một Số Sót đạo đức, sẽ thanh tẩy toàn Dân, ban cho Dân môi miệng thanh sạch, gầy tạo giữa Dân một nhóm người tin tưởng vào Danh Người, không biết làm điều gian ác, không gian dối phỉnh gạt.

Mặc dù được thương như vậy, họ vẫn không rút lấy bài học từ cuộc đi lưu đày đau thương. Với thời gian, tội lỗi lại xuất hiện trong Dân Chọn. Vào thời Chúa Giêsu, nhóm biệt phái, thượng tế và kỳ lão đã ngày càng mắc vào thói sống đạo giả hình, chiếu lệ. Họ cho mình là giới lãnh đạo toàn dân về mặt tôn giáo. Họ vỗ ngực tự xưng là giữ luật đạo hơn mọi người, nhưng thật ra họ không làm gì cả. Họ chỉ sống đạo và giữ luật bằng môi bằng miệng. Họ giống đứa con thứ hai, miệng thưa vâng ngọt xớt, nhưng lại chẳng thi hành lời của người cha. Chúa Giêsu bảo họ: vâng lời đích thực không phải là ở ngoài miệng, mà ở việc làm.

Sự vâng lời phải được minh chứng bằng hành động. Hạng thu thuế và đàng điếm trước kia không giữ luật, nay nghe lời Gioan, họ đang trở lại hối hận tội lỗi mình, trong khi biệt phái, thượng tế , kỳ lão bảo mình giữ luật mà chẳng ăn năn thống hối gì theo lời rao giảng của Gioan, cho dù đã và đang thấy bao nhiêu người trở lại.

Những điều đó vẫn có giá trị đối với chúng ta ngày nay. Chúng ta đang sống thời gian chờ Chúa trở lại trong vinh quang. Chúng ta hãy nhớ rằng: chúng ta chỉ đáng khen khi thi hành ý Thiên Chúa, còn nói suông, nhiệt thành bề ngoài, có địa vị, có một số việc làm khoa trương chỉ là vô ích trước mặt Chúa.

Chúng ta cũng hãy trở nên những con người chăm chú nghe Lời Chúa và chân thành thực thi ý Chúa, đừng sống vật vờ, lúc vâng lời, lúc ngang bướng, lúc là đứa con thứ nhất, lúc là đứa con thứ hai. Nhất là giờ đây tham dự thánh lễ, chúng ta hãy xin được trở nên giống Chúa Giêsu, Đấng mà trọn kiếp chỉ là vâng phục Cha, nong nả thi hành thánh ý Cha, trọn kiếp chỉ hướng mãi đến chỗ yêu mến Cha tột mức, đến cái chết thập giá tế dâng tất cả thân kiếp mình vì Cha. Chúng ta hãy luôn nhìn vào Chúa Giêsu để đo lường mức độ lòng mến của mình và thường xuyên lo sám hối, lo thăng tiến.



Ngày 17 tháng 12

St 49,2,8-10; Mt 1,1-17

Thiên Chúa vẫn yêu thương Dân Người, nhất là những ai trung tín với Người. Lòng yêu thương của Người không mơ hồ trừu tượng nhưng rất cụ thể như trong bài đọc I hôm nay diễn tả: Người cho họ được nhiều người mến phục; cho kẻ thù vô phương chống lại họ và nhất là cho vương quyền của họ được tồn tại mãi mãi. Nhưng đó mới chỉ là hình bóng của một tình yêu lớn lao gấp bội mà Người sẽ dành cho họ sau này. Đó là điều mà thánh Matthêu đã nói tới trong bài Tin Mừng hôm nay: Con Thiên Chúa là Thiên Chúa thật đã nhập thể làm người, đã đứng chung trong một gia ;hả của loài người.

Gia phả là sự xác định tương quan máu huyết của một người với những người khác thuộc cùng một dòng tộc. Khi thuộc vào gia phả nào đó, thân phận và số mệnh của chúng ta luôn gắn chặt và đồng nhất với những người thuộc về dòng tộc đó. Dòng tộc của Abraham là một dòng tộc dù đã được Thiên Chúa yêu thương, tuyển chọn, nhưng lại là một dòng tộc đã từng bất trung, phản bội; đã từng bỏ Thiên Chúa để tôn thờ bò vàng và các thần ngoại bang. Sự phản bội của họ có lần đã khiến Thiên Chúa phải đẩy họ vào cảnh nước mất nhà tan, phải lưu đầy ở Babylon. Khi đưa Chúa Giêsu vào gia phả của dòng tộc thất trung ấy, thánh Matthêu nhẫn mạnh hai điều chủ yếu này: một là, dẫu dòng tộc Abraham và Đavit là một dòng tộc bất trung, phản nghịch, Thiên Chúa vẫn luôn trung thành với lời ngài đã hứa. Từ nơi dòng tộc họ, Thiên Chúa đã cho xuất hiện một Đấng sẽ làm cho ngôi báu Đavit được trường tồn vạn kỷ và cho dòng tộc Abraham đông như sao trên trời, như cát dưới biển. Như thé, tình yêu của Thiên Chúa luôn lớn hơn tội lỗi của loài người và không một tội lỗi, phản nghịch nào nơi loài người có thể phá hủy được kế hoạch yêu thương đời đời của Thiên Chúa. Hai là, khi chấp nhận đứng chung trong gia phả loài người, Chúa Giêsu đã trở thành ruột thịt của những người tội lỗi. Ngài đã mang vào thân mình Ngài thân phận và định mệnh chung của loài người, làm cho vận mẹnh chung của nhân loại tội lỗi nên chính vận mệnh của Ngài.

Nhờ thế,loài người đã được liên đới với Ngài một cách mật thiết đến độ Ngài với họ là một. Chính vì thế, khi Ngài được tôn vinh, loài người cũng được tôn vinh; Ngài là Con Thiên Chúa, loài người cũng được nên con cái Thiên Chúa. Lại một lần nữa, tình yêu của Thiên Chúa vượt mọi mơ ước của loài người. Nhờ Chúa Giêsu làm người, thân phận nhân loại của chúng ta đã được biến đổi cách thâm sâu nhất. Từ nay vì Con Thiên Chúa đứng chung trong một gia phả với chúng ta, nên chúng ta cũng được thực sự tham dự vào địa vị, chức phận và quyền lợi của con cái Thiên Chúa.

Bản gia phả của Abraham đã chấm dứt nơi Đức Giêsu Kitô, vì nhờ Ngài, nơi Ngài, Thiên Chúa đã hoàn tất lời thề hứa với ông là cho dòng tộc của ông đông như sao trời, cát biển. Từ nay mọi người sinh ra trên trần gian đều thuộc về dòng tộc được Thiên Chúa yêu thương, miễn là họ tin vào Ngài, và yêu mến như Ngài.

Ta đã được sinh ra trên trần gian này, không phải để lây lất một kiếp đời lắm lo âu, sầu khổ, nhưng để sống kiếp sống của những người con được Thiên Chúa yêu thương; và để sống chính cuộc sống của Đức Giêsu Kitô, để khi mãn kiếp đời này, chúng ta được đưa thẳng về trời với Ngài.

Vậy trong thánh lễ này, chúng ta hãy hiệp nhất với Chúa, Đấng đã yêu thương đến sẵn sàng hy sinh chết và vẫn đang phó nộp mình làm lương thực nuôi sống chúng ta. Ước gì sau thánh lễ này, chúng ta có thể hiên ngang tuyên bố như thánh Phaolô: "Tôi sống nào có phải là tôi, mà là chính Đức Giêsu Kitô sống trong tôi".


Ngày 18 tháng 12

Yr 23,5-8; Mt 1,18-24

Giữa lúc dân Israel đang bị tan tác trong cảnh lưu đày ở Babylon, Thiên Chúa đã sai tiên tri Giêrêmia loan báo cho họ một Tin Mừng là Người sẽ ban cho họ một vị vua có thực quyền chứ không phải bù nhìn như Giôgiakim. Người sẽ đưa dân lưu đày về lại quê hương để thiết lập lại một dân Israel mới. Vị vua ấy đã được thánh Matthêu giới thiệu đích danh là Đấng Emmanul, vị Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

Ngay từ thuở đầu, Thiên Chúa đã ở giữa dân Người. Người đã ở với họ trong áng mây, cột lửa; đã ở với họ trong hòm bia giao ước và nơi các nhân vật đặc tuyển. Vì muốn ở với họ cách sâu thẳm hơn, nên Người đã trở nên vị Emmanuel, một Thiên Chúa ở giữa loài người. nhưng để có thể ở cùng chúng ta, Thiên Chúa đã mời tất cả chúng ta thực hiện ké hoạch Emmanul này. Đức Maria là người đầu tiên và cũng là gương mẫu của việc thực hiện kế hoạch đó. Đứng trước kế hoạch của Thiên Chúa hoàn toàn trái ngược với toan tính, hoài bão và mơ ước của mình, Mẹ đã xóa bỏ mình, bất chấp những nguy hiểm, đã hoàn toàn giao phó đời mình cho Thiên Chúa đến nỗi đã trở thành một tớ nữ chỉ biết vâng phục Người. Kế đến là thánh Giuse, khi được biết kế hoạch của Thiên Chúa về Đấng Emmanuel, thánh Giuse đã bói rối đến hột hoảng, vì thấy mình không xứng đáng ở cùng Thiên Chúa. Nhưng khi được Thiên Chúa ngỏ ý xin ngài đón nhận, nuôi dưỡng và che chở Đấng Cứu Thế như con ruột của mình, thánh Giuse lại vui lòng xóa bỏ mình, để ý định của Thiên Chúa được hoàn tất nơi mình. Chính việc tự xóa mình, hoàn toàn giao phó đời mình cho Thiên Chúa, đã làm cho đời sống vợ chồng thánh Giuse và Đức Maria khác hẳn với mọi cặp vợ chồng khác. Chính Đấng Emmanuel đã làm cho tình yêu của các ngài sung mãn và đạt đến mức độ của thiên giới mà không cần quan hệ đến những giới tính.

Đấng Emmanuel, vị Thiên Chúa ở cùng chúng ta vẫn đang làm cho nhân loại này được hợp nhất lại trong tình yêu nồng thắm nhất của thiên giới; đang xóa bỏ tất cả những ngăn cách, đó kị chia rẽ giữa người với người để họ được hợp nhất với nhau khắng khít như các chi thể trong một thân mình. Thế mà đã 2000 năm rồi, loài người vẫn xào xáo, chém giết, sát hại nhau. Các gia đình Công giáo vẫn lục đục, cấu xé, ly thân, ly dị. Các họ đạo Công giáo vẫn còn phe này nhóm nọ, vẫn khép lòng trước những người nghèo khó, vẫn bịt tai trước những kêu cứu của những người đau khổ, bị oan ức, bóc lột bất công. Vì là tình yêu, Đấng Emmanuel vẫn không và vẫn mãi không có được một chỗ trọ trong nhân loại còn đầy những ích kỷ, đố kị, hờn ghen này.

Hôm nay nhiều xứ đạo đã bắt đầu làm hang đá, bắt đầu trang điểm nhà thờ… Chúa không cần những hang đá nức dầu thơm với những đèn chớp xanh đỏ hiện đại. Người chỉ cần những tấm lòng biết quên mình, để đem cơm áo cho người nghèo khó, xoa dịu những người thương tật, ủi an những người sầu khổ… Đó là chỗ trọ duy nhất của Người trong trần gian này.

Thiên Chúa là Đấng Emmanuel, là vị Thiên Chúa ở cùng chúng ta, nhưng nếu Người không có một chỗ nào trong lòng chúng ta, thì cũng chẳng có gì lợi cho chúng ta. Người sắp hiến mình cho chúng ta trên bàn tiệc thánh này để tiếp tục ở cùng chúng ta, chúng ta hãy lột bỏ những ích kỷ, để đón lấy Người, nên một với Người và nên một với nhau trong Người, có thế Người mới mãi mãi là Đấng Emmanuel cho chúng ta và cho nhân loại hôm nay.



Ngày 19 tháng 12

Tp 13,2-7,24-25; Lc 1,5-25

Mỗi người được sinh ra trong trần gian đều mang một vai trò, một nhiệm vụ đặc biệt cho công cuộc cứu chuộc của Thiên Chúa. Samson được sinh ra để giải thoát dân Dothái khỏ sự thống trị của người Philitinh. Gioan Tẩy Giả được tràn đầy Thánh Thần khi còn trong lòng mẹ để nên vị tiền hô dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Cả Samson và Gioan đều được sinh ra nhờ sự can thiệp lạ lùng của Thiên Chúa, được sinh bởi những bà mẹ son sẻ. Cả hai ông đều được tràn đầy Thánh Thần, được Thiên Chúa hướng dẫn, nên cả hai đã sống giữa thế gian mà không thuộc về thế gian: cả hai ông đã trở thành dấu chỉ của sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân Người.

Nhưng từ khi Chúa Giêsu sinh ra, Thiên Chúa không cần những người được sinh ra cách lạ lùng như thế nữa. Vì khi Chúa Giêsu làm người, vận mệnh loài người đã thực sự được biến đổi; từ những người thuộc trần gian nên những người của Nước Trời; từ thân phận bị hư đi nên phận làm con Thiên Chúa. Khi nhập thể làm người,

Con Thiên Chúa đã thực sự liên đới với tất cả mọi người. Như thân mình được liên kết với và sống như đầu như thế nào, thì chúng ta cũng được sống nhờ Ngài như thế. Từ khi Chúa Giêsu giáng sinh, đảm nhận cuộc sống nhân loại của chúng ta, thì mỗi người được sinh ra trong trần gian này đều là một can thiệp đặc biệt của Thiên Chúa.

Sự can thiệp này còn lớn lao hơn cả sự can thiệp của việc sinh ra của Samson và Gioan. Samson và Gioan được sinh ra chỉ để don đường cho Thiên Chúa, còn tất cả Kitô hữu chúng ta được sinh ra để gắn bó với Đức Kitô, nên một với Ngài, và nhờ Ngài nên như những Thiên Chúa. Chúa Giêsu giáng sinh đã thay đổi tất cả cục diện của nhân loại này. Đó là sự can thiệp chung cuộc của Thiên Chúa. Từ nay Thiên Chúa không cần những can thiệp độc đáo nơi một nhân vật đặc tuyển nào nữa, vì mỗi người đã trở nên nhân vật đặc tuyển của Người: được nên một với Đức Giêsu, được trở nên hiện thân của Ngài mà tiếp tục công việc yêu thương và cứu chuộc của Ngài nơi thế gian này. Chính vì thế mà có lần Chúa Giêsu đã khẳng định: "Kẻ nhỏ nhất trong Nước Thiên Chúa vẫn cao trọng hơn Gioan".

Thiên Chúa ban cho cuộc sống ở thế gian này không phải để ngày một đưa dẫn ta về cõi chết mà để chúng ta học cho biết sống như Thiên Chúa khi yêu thương như Thiên Chúa. chỉ những ai biết yêu thương như Thiên Chúa, mới thực sự là con cái của Người. Ai yêu thương sẽ không phải chết, vì tình yêu luôn mạnh hơn sự chết nhưng chỉ khi nào tình yêu lớn hơn mạng sống, khi ấy tình yêu mới mạnh hơn sự chết.

Chúng ta được sinh ra để học cho biết sống như Thiên Chúa, sống như Thiên Chúa là yêu thương cho đến cùng, là xóa bỏ chính mình để sống cho người khác và thực sự chỉ cảm thấy hạnh phúc khi người khác hạnh phúc. Chúa Giêsu đã xóa bỏ địa vị Con Thiên Chúa, để sống trọn kiếp phàm nhân của chúng ta, đã hoàn tự hủy để nên lương thực nuôi sống chúng ta, mà làm cho chúng ta nên con cái Cha trên trời. Chúng ta cũng hãy tự xóa mình để sống cho Thiên Chúa và tha nhân. Đó là con đường duy nhất để chúng ta được nên con cái Thiên Chúa. Đó cũng là cách thế duy nhất làm cho sự sinh ra của chúng ta trở thành niềm vui, thành Tin Mừng cho chúng ta và cho đồng loại của chúng ta.

Chúa Giêsu vẫn đang ở giữa chúng ta, đang thông chia sự sống của Thiên Chúa cho chúng ta, đang mời gọi chúng ta tham dự địa vị con Thiên Chúa của Ngài. Hằng ngày Ngài vẫn ban mình cho chúng ta để chúng ta được nên một với Ngài. Ước gì hôm nay chúng ta được sống chính sự sống của Ngài, để niềm vui được làm con Thiên Chúa nơi chúng ta ngày một được lan tỏa sang tất cả mọi người đang sống trên thế gian này.



Ngày 20 tháng 12

Is 7,10-14; Lc 1,26-38

Thiên Chúa sẽ cho các ngươi một dấu lạ: này, trinh nữ sẽ thụ thai, bà sẽ gọi tên con là Emmanuel nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Thiên Chúa, Đấng mà "không ai đã thấy mà không phải chết" lại đã được cưu mang trong lòng một con người, đã trở thành một xương, một thịt với loài người. Đó là một dấu lạ lớn lao nhất, một dấu lạ có một không hai trong lịch sử nhân loại này. Do thói quen "gần chùa gọi bụt bằng anh" con người hôm qua cũng như chúng ta hôm nay đã không nhận ra được dấu lạ lớn lao đó, và nếu có thì lại nghĩ đó chỉ là đặc ân riêng dành cho Trinh Nữ Maria; người mà thánh sử Luca trong Tin Mừng hôm nay đã miêu tả: "Bà có phúc, vì được Thiên Chúa ở cùng".

Dấu lạ vĩ đại ấy không phải là của riêng Đức Maria và tiên tri Isaia đã không loan báo việc Thiên Chúa ở cùng ở cùng một người nhưng "ở cùng chúng ta". Như thế, nếu Thiên Chúa đã trở thành một xương, một thịt với Đức Maria, chắc chắn Ngài cũng sẽ trở thành một xương, một thịt với chúng ta. Vì chính Ngài đã tuyên bố: "Mẹ Ta là người nghe và giữ Lời Thiên Chúa" và lúc khác Ngài nói: "Những gì các con làm cho một trong những kẻ bé mon nhất này, là các con làm chó chính Thầy". Chính Ngài đã thực hiện lời tuyên bố đó khi quả quyết răng: "Ai giữ lời Thầy thì ở trong Thầy", và nhất là vào lúc cuối đời, khi biết rằng đã đến giờ Ngài không con hiện diện cách hữu hình với các môn đệ của Ngài nữa, Ngài đã cầm lấy bánh, âu yếm nhìn họ và nói: "Hãy cầm lấy mà ăn, vì này là mình Thầy. Ai ăn Thầy thì ở trong Thầy và Thầy ở trong kẻ ấy". Ở trong Ngài là gì nếu không phải nên một với Ngài? Thiên Chúa đã thực sự nên một với chúng ta. Đó là dấu lạ vĩ đại nhất, lớn lao nhất, một dấu lạ làm đảo lôn tất cả thân phận và vận mệnh của con người và vũ trụ này, đến độ ta có nói rằng vì đã được nên một với Thiên Chúa, nên ta cũng là những hiện thân của Thiên Chúa.

Thế nhưng, cuộc sống cứ lặng lẽ trôi. Những khuynh hướng tội lỗi trong ta cứ ngày một vùi dập đời ta. Những thất trung phản bội ngày một lan tràn trong nhân loại. Thêm vào đó, những tham muốn tiền bạc, của cải, những đam mê nhục dục cứ mãi lồng lôn trong ta. Có lúc ta tưởng chừng như không có Thiên Chúa. Có lúc cũng như người Dothái đã thách thức Ngài: "Ông hãy làm dấu lạ gì đi, để chúng tôi tin ông. Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy xuống khỏi thập giá đi!". Trước những thách thức ấy của ta, trước những gào thét đắc thắng của nhân loại hôm nay, Thiên Chúa vẫn im lặng. Ngài vẫn âm thầm thực hiện một dấu lạ vĩ đại nhất là nên một với loài người tội lỗi chúng ta. Tiếc rằng chẳng mấy ai nhận ra được dấu lạ ấy, chẳng mấy ai đón tiếp Ngài.

Để Thiên Chúa có thể nên một với mình, Đức Maria đã hoàn toàn xóa bỏ mình để thưa "vang" với Người trong tất cả những biến cố vui mừng và bi đát nhất trong đời mình. Để có thể nên một với Thiên Chúa, Đức Maria đã hoàn toàn bỏ mình, hối hả ra đi khỏi nhà đem tin vui cho bà Elizabeth. Mẹ đã thực sự chết đi đối với tất cả những gì là của mình, để chỉ biết sống cho Thiên Chúa và cho loài người.

Thiên Chúa vừa ngỏ với ta một Tin Mừng lớn lao nhất là cho ta được nên một với Người. Chúa Giêsu sắp mời ta dùng bữa với Ngài để Ngài thực sự nên một với ta. Hơn bao giờ hết, nhất là trong những ngày chuẩn bị mừng sinh nhật Chúa Giêsu, Đấng đã sinh vào trong trần thế để cho ta được nên một với Ngài và nên con cái Thiên Chúa, ta hãy noi gương Đức Maria, luôn biết xóa bỏ mình, sẵn sàng vui lòng đón nhận mọi biến cố vui buồn Thiên Chúa gởi đến cho ta trong tâm tình biết ơn Người và nhất là biết đối sử với anh em trong tình yêu thương, tha thứ, vì giống như ta, họ chính là hiện thân của Đức Kitô, Đấng đã nộp mình vì ta để ta được nên một với Ngài và nên một với nhau.

Xin Chúa Giêsu Giáng sinh biến đổi tất cả chúng ta thành mộ nhân loại mới luôn được nên một với Ngài ngay từ hôm nay.


Ngày 21 tháng 12

Dc 2,8-14; Lc 1, 35-45

Tác giả sách Diệu ca trong bài đọc I hôm nay đã diễn tả niềm vui bằng một hình ảnh thật sống động: người yêu của tôi đang đến, chàng chờ bên cửa sổ, chàng nói với tôi; chàng nời tôi đồng hành với chàng giữa thiên nhiên rực nắng và rộn tiếng chim ca.

Không niềm vui nào sâu đậm hơn cuộc tao ngộ của đôi bạn tình và cũng không một đau khổ nào chua xót hơn cảnh ly tán của hai người yêu nhau: "người đi một nữa hồn tôi chết, một nữa hồn kia bổng dại khờ".

Chúa Giêsu đã từng ví mình như người bạn tình của Giáo Hội. Ngài chính là niềm vui của mọi người chúng ta. Ơ đâu có Ngài ở đó có hoan lạc. Nơi đâu Ngài hiện diện, nơi ấy chan hòa hạnh phúc. Những ai có Ngài sẽ trở thành niềm vui cho mọi người. đó là một thực hiện đã được thánh Luca mô tả trong bài Tin Mừng hôm nay. Sau khi đã được cưu mang con Thiên Chúa, Đức Maria đã đon đả đi lên miền núi. Mẹ mang trong lòng một niềm vui và niềm vui ấy đã thôi thúc Mẹ phải ra đi gieo rắc cho mọi người.

Quả thế, khi Mẹ vừa gặp bà Elizabeth, niềm vui nơi mẹ đã bùng nổ ra, làm cho không chỉ mình bà Elizabeth được chìm ngập trong hạnh phúc mà con bà cũng hân hoan và nhảy mừng trong lòng bà. Niềm vui mà Đức Maria đem đến cho bà không phải là niềm vui thuộc về thế gian nhưng là niềm vui xuất phát từ Thiên Chúa. điều làm cho bà Elizabeth ngây ngất chính là vì bà đã được mẹ Thiên Chúa viếng thăm. Như thế, Chúa Giêsu chính là nhuồn hoan lạc và hạnh phúc của tất cả chúng ta, như Ngài đã khẳng định với người biệt phái: "bao lâu tân lang còn ở với họ, họ sẽ không ăn chay".

Thiên Chúa không dựng nên ta để ta phải đắm chìm trong sầu khổ, trái lại Người đã dựng nên ta để ta được hạnh phúc ngay ở đời này và trở thành niềm vui cho những người khác.

Chúng ta đã từng được tham dự những cuộc vui của thế gian này. Những cuộc vui ấy đã ngắn ngủi mau qua và khi đã qua rồi, lại còn để lại trong ta những trống rỗng, héo tàn. Chỉ một mình Thiên Chúa mới là niềm vui bất diệt của ta. Ai biết đón nhận Người sẽ ngây ngất, sẽ hạnh phúc suốt đời.

Có lẽ nhiều người trong chúng ta sẽ tự hỏi: ta đã được thánh tẩy, ta đi lễ hằng ngày, có khi rước lễ hằng ngày, đời ta đã có Chúa. thế sao ta cứ vẫn đau khổ, đã thế ta lại còn gieo tắc khổ đau cho cả những thân nhân, bạn bè?

Khi có Chúa nơi mình, Đức Maria đã nên một với Ngài, đã hoàn toàn để Ngài hướng dẫn mình. Đời Mẹ, lẽ sống của mẹ chỉ còn là một lời "xin vâng" tuyệt đối. Chính vì thế mà những lao đao cơ cực, những nhọc nhằn đắng đót đã không dập tắt được niềm vui và sự bình an trong lòng mẹ.

Kể cả khi phải sinh con trong chuồng bò rét nướt, khi lạc mất con trong đền thờ, cho tới khi phải bồng xác con giá lạnh bầm dập những vết đòn roi, mẹ đau khổ thật, nhưng những đau khổ ấy vẫn không nùi lấp được sự bình an của người biết phó thác mọi sự cho Thiên Chúa.

Chúa Giêsu, niềm hoan lạc của ta đang đến. Ngài cũng sẽ mời gọi ta cùng đồng hành với Ngài trong cuộc đời lao nhọc này. Ngài sẽ cùng ta chung chia gánh nặng đời chồng chất. Nếu ta biết hoàn toàn phó thác đời ta cho Ngài, biết luôn thưa với Ngài lời xin vâng chân thành, chắc chắn, dù gian truân, cấm cách, bắt bớ, đau khổ và chết chóc, không gì có thể tách ta ra khỏi lòng yêu mến Thiên Chúa trong Đức Kitô. Khi đó, không những ta được hạnh phúc mà còn là niềm vui cho mọi người ta gặp gơc trong đời.

Xin Chúa Giêsu, Đấng đang đến với ta trên bàn thờ này, hợp nhất ta lại với Ngài để hạnh phúc của Thiên Chúa triển nở mãi trong đời ta và toả lan sang tất cả mọi người ngay từ hôm nay.


Ngày 22 tháng 12

I Samuel 1, 24-28 ; Lc 1, 46-56

Không một biến cố buồn, vui lớn nhỏ nào mà lại không phải là ân huệ của Thiên Chúa và không có lợi cho sự sống đời đời của ta. Bà Anna, mẹ tiên tri Samuel, vì son sẻ không con, đã bị khinh khi, nhục mạ. Trước cảnh cùng cực đó bà đã than khóc với Thiên Chúa và chỉ biết tin tưởng tựa nương nơi Người. tiếng than khóc đầy tin tưởng của con người cùng khổ ấy đã thấu tới tai Thiên Chúa. Người đã cho bà sinh hạ một con trai mà hôm nay để đền đáp tình yêu Thiên Chúa bà đã dâng hiến cho Thiên Chúa, để Thiên Chúa tự do sử dụng. Thân phận bất hạnh của bà đã được Thiên Chúa biến đổi hoàn toàn để trở nên thân phận diễm phúc được làm mẹ của một tiên tri. Nhưng bà Anna chỉ là hình bóng của một phụ nữ tuyệt vời khác, Người mới hát mừng Thiên Chúa bài ca tạ ơn: "Magnificat" mà chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng hôm nay.

Đức Maria đã được đặc ân vô nhiễm nguyên tội, được diễm phúc làm mẹ Thiên Chúa. Đó là một vinh dự lớn lao nhất của một người "làm mẹ", đến nỗi Thiên thần Gabriel đã phải chào kính mẹ là người đầy ơn phúc; bà Elizabeth phải xúc động thốt lên: "bởi đâu tôi được mẹ Thiên Chúa viếng thăm tôi". Diễm phúc ấy có lần đã được ca tụng công khai trước công chúng: "phúc cho lòng dạ đã cưu mang Thầy". Đức Maria không dửng dưng trước diễm phúc ấy nhưng hoàn toàn trái ngược với ta, mẹ không vênh vang, không lên mặt mà trái lại, mẹ đã ngước mắt nhìn trời, đã thưa cùng Thiên Chúa: "linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa, vì Người đã đoái thương thân phận hèn mọn của tôi tớ nữ Người".

Thánh Luca đã đưa Đức Maria vào trong chương đầu của Tin Mừng của Ngài và suốt cả 23 chương tiếp theo, đã phải hề nhắc gì đến tên của mẹ. Ơn cứu độ của Thiên Chúa chỉ được ban cho loài người nhờ sự chết và phục sinh của Đức Kitô, thế mà cả trong biến cố trung tâm ấy, thánh Luca cũng không hề nhắc đến sự hiện diện của mẹ. Bởi theo thánh nhân, ngay khi được đầu thai trong lòng mẹ mình, Đức Maria đã được hiến thánh, đã được cứu chuộc rồi.

Cuộc đời Đức Maria, con người được cứu chuộc đó, đã được thánh Luca mô tả bằng hai từ duy nhất này "fiat" xin vâng và " magnificat" tạ ơn. Quả thế, lời xinh vâng và tạ ơn ấy chỉ một lần vang lên nhưng lại vang lên trong suốt đời mẹ. Cả khi phải sinh con trong chuồng bò, đến khi phải bế con chạy trốn; cả lúc bị lạc mất con, đến khi phải ôm lấy xác con giá lạnh. Lời xin vâng và tạ ơn vẫn mãi mãi vọng vang trong đời mẹ đến nỗi đời mẹ đã được thêu dệt bằng hai lời tuyệt diệu đó.

Chúng ta đã được Thiên Chúa cứu chuộc, đã được nên ruột thịt của Chúa Giêsu, được nên một với Ngài, thế mà dừng như ta vẫn ở ngoài ơn cứu độ của Thiên Chúa, Chúa Giêsu dừng như vẫn là một người xa lạ đối với ta. Có lẽ tại đời ta thiếu hẵn lới xin vâng và tạ ơn của Đức Maria, hoặc lời xin vâng và tạ ơn ấy mới chỉ là lý thuyết, chưa trở thành sự sống, chưa trở thành hành động cụ thể trong đời ta.

Hôm nay, Thiên Chúa vẫn đang nói với Thiên Chúa qua Lời Ngài, qua các biến cố lớn nhỏ trong đời của chúng ta, qua bạn bè, qua cả những kẻ thù ghét chúng ta. Người vẫn đang đợi chờ lời "xin vâng" và "tạ ơn" của chúng ta. Nếu ta biết "xin vâng" và "tạ ơn" như Đức Maria, Chúa Giêsu sẽ thực sự nhập thể trong chúng ta, và cùng với chúng ta, Ngài sẽ biến cuộc đời của chúng ta thành lời "xin vâng" của chính Ngài và của Mẹ Maria. Vậy ngay lúc này đây, chúng ta hãy thưa "vâng" với Thiên Chúa, để Chúa Giêsu Thánh Thể thực sự có một chỗ trọ trong lòng của chúng ta.

Xin Chúa Giêsu dạy chúng ta biết "xin vâng" và "tạ ơn" như Ngài, để nhân loại hôm nay còn thấy được sự hiện diện của Ngài giữa thế gian này.


Ngày 23 tháng 12

Ma 3,1-3;5-6; Lc 1,57-66

Trong phần phụng lời Chúa ngày cuối cùng của mùa vọng hôm nay, tiên tri Malaki đã loan báo việc Thiên Chúa sẽ sai một sứ thần đi trước để dọn lối cho Người. Đó là vị thần sứ giao ước mà dân luôn mong chờ. Nhưng vị thần sứ đó là ai?

Theo thánh Luca, có lẽ, đó chính là Gioan tiền hô. Chính ngài đã tự nhận mình là tiếng kêu trong sa mạc: "Hãy dọn đường cho Chúa, hãy bạc lối Người đi". Chính Chúa Giêsu có lần cũng coi Gioan như một Êlia phải đến trước để dọn lối cho Ngài. Như thế, ta có thể nói Gioan là một ngôn sứ đã được tuyển chọn không để chỉ công bố cho dân ý định của Thiên Chúa, mà còn để dọn đường cho con người đón nhận Đấng Cứu Độ. Nhưng Gioan là vị ngôn sứ cuối cùng. Và khi Chúa Giêsu nhập thể, làm người, Thiên Chúa đã nói toạc ra những gì thâm sâu nhất của cõi lòng Người cho ta. Với Người Con nhập thể của Người, Thiên Chúa không chỉ nói với ta bằng lời mà còn nói với ta bằng chính hành động và cuộc sống của một con người cụ thể.

Tất cả đời sống và hoạt động của Người Con ấy là: loan Tin Mừng cho người nghèo khó, giải thoát kẻ giam cầm, cho người đói được ăn, kẻ què đi được, người phong được sạch, kẻ bệnh được lành và người chết sống lại. Rồi vào lúc cuối đời, Người Con ấy đã hiến mình cho loài người bằng hy tế thập giá để nuôi dưỡng ho bằng chính Thịt Máu Ngài, để ai ăn Ngài thì được nên một với Ngài. Tất cả những gì Thiên Chúa muốn nói với ta có thể tóm gọn trong lời duy nhất này: "Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Người". Người Con ấy như một hạt giống đã được Thiên Chúa quăng vào trong đám ruộng nhân loại, để sưng phồng và thối rữa ra làm cho ức ức triệu triệu người khác được nên giống con Thiên Chúa. Người Con ấy như một dúm men, Thiên Chúa đã vùi vào trong đám bột nhân loại này, để tất cả mọi người được dậy men Giêsu mà nên con cái Thiên Chúa.

Chúng ta không chỉ là ngôn sứ như Gioan, mà hơn thế nữa, ta đã được dậy men Giêsu để nên những Giêsu khác. Chúng ta không chỉ dọn lối cho Thiên Chúa, mà còn là những công bố cho loài người một tin mừng lớn lao này: "Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Người". Vì đã được dậy men Giêsu, chúng ta không chỉ công bố bằng môi miệng mà bằng chính cuộc sống của chúng ta, cuộc sống đã được tiên tri Malaki mô tả: chống lại ngoại tình, chống thế gian, chống áp bức đồng loại và tuyệt đối kính sợ Thiên Chúa. Cuộc sống mà chính Chúa Giêsu đã nêu lên như tiêu chuẩn của những con cái Thiên Chúa, những người được chúc phúc và được hạnh phúc với Cha trên trời là: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho người rách mặc, an ủi kẻ sầu khổ, viếng thăm kẻ liệt lào, tù tội, giải thoát kẻ bị áp bức bất công.

Đêm mai, chúng ta sẽ tưởng niệm việc Chúa Giêsu làm người như ta và với ta. Mỗi người sẽ trở thành hiện thân của Ngài, sẽ được dậy men Giêsu để nên những Giêsu khác giữa thế gian này. Chúng ta may mắn hơn đã được nên một với Ngài. Nhưng còn biết bao nhiêu những Giêsu khác đang cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, đang bị cử xử bất công, đang trở thành những người thiếu nhân phẩm. Với tư cách là hiện thân của Đức Giêsu Kitô, chúng ta có bổn phận phục hồi phẩm giá cho họ, phải làm cho phẩm giá của họ được thực sự ngang tầm với phẩm giá của con cái Thiên Chúa, phải làm cho họ thành những Đức Giêsu Kitô khác bằng chính cuộc đời yêu thương và tôn trọng họ của ta. Đó là những chuẩn bị cần thiết nhất để dọn lòng đón Chúa giáng sinh.

Ước gì ngay hôm nay, khi được nên một với Chúa Giêsu trong thánh lễ này, ta thực sự trở thành hạt giống Giêsu, sưng phồng và thối rữa đi để làm nẩy sinh muôn ngàn Đức Giêsu Kitô khác trong nhân loại hiện nay. Xin Chúa Giêsu giáng sinh trong lòng chúng ta, để từ nay ta trở thành chính Ngài, luôn biết đem tình thương của Thiên Chúa đến cho mọi người.
Mới hơn Cũ hơn