Bài ca tình yêu dành cho Thiên Chúa: “Cantare amantis est”



Bài ca tình yêu dành cho Thiên Chúa: “Cantare amantis est”


(Bênêđictô XVI, Dẫn nhập vào tinh thần phụng vụ, tr. 136-138)

Trong sách Khải Huyền, chúng ta đã thấy được chiều kích mở rộng của lời tuyên xưng đức tin vào Chúa Kitô, nơi đó, bài ca của những người chiến thắng được gọi là bài ca của Môsê, tôi tớ của Thiên Chúa và của Con Chiên. Điều này nhấn mạnh đến một khía cạnh khác của bài ca trước nhan Thiên Chúa.

Trong Kinh thánh của Israel, chúng ta nhận ra hai lý do chính để họ ca hát trước mặt Thiên Chúa: hoàn cảnh thiếu thốn và niềm vui, sự khốn cực và ơn cứu rỗi. Mối tương quan với Thiên Chúa thường được mô tả bởi nỗi sợ hãi về quyền năng vĩnh cửu của Đấng Tạo Hóa, đến nỗi không dám coi những bài hát dâng lên Chúa như những bài ca tình yêu dành cho Ngài, mặc dù trong niềm tin, điều đặc trưng cho tất cả các văn bản, cuối cùng chính là tình yêu - nhưng nó vẫn e dè, đúng hơn là ẩn giấu.

Sự kết nối chặt chẽ giữa tình yêu và bài ca lần đầu tiên xuất hiện trong Cựu ước, mà theo cách ban đầu có thể gây ngạc nhiên, tức là với sự xuất hiện của sách Diễm Ca, vốn là một tuyển tập những bài thơ tình của nhân loại. Tuy nhiên, khi được đưa vào quy điển Kinh thánh, Diễm Ca đã được hiểu theo một ý nghĩa rộng hơn. Người ta có thể hiểu bài thơ tình tuyệt diệu này của dân Israel như là những lời được gợi hứng của Kinh thánh, vì họ tin rằng, nó không chỉ là những vần thơ nhân loại mà còn phản ánh mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa với dân Israel. Trong ngôn ngữ của các ngôn sứ, việc thờ cúng các thần ngoại bang được ví như sự mại dâm (điều này có ý nghĩa cụ thể vì các nghi lễ thờ cúng thần sinh sản thường bao gồm cả hành động mại dâm trong đền thờ). Trái lại, việc Chúa chọn Israel được miêu tả như một câu chuyện tình giữa Thiên Chúa và dân của Người. Giao ước giữa Thiên Chúa và dân Israel được ví như mối quan hệ hôn ước, hôn nhân, là sự gắn kết tình yêu giữa Thiên Chúa với con người và của con người với Thiên Chúa. Do đó, tình yêu con người có thể trở thành hình ảnh thực sự về hành động của Thiên Chúa đối với dân Israel.

Chúa Giêsu đã tiếp nhận truyền thống này của Israel, đến nỗi một trong những dụ ngôn đầu tiên Ngài đã nói về chính mình như một Chàng Rể. Khi được hỏi tại sao các môn đệ của Ngài không ăn chay như môn đệ của Gioan hay những người Pharisiêu, Ngài trả lời:

“Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ? Bao lâu chàng rể còn ở với họ, họ không thể ăn chay được. Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay trong ngày đó” (Mc 2,19-20).

Đây là lời tiên báo về cuộc thương khó, đồng thời cũng là lời loan báo về tiệc cưới, một chủ đề được nhắc lại trong các dụ ngôn của Đức Giêsu xoay quanh tiệc cưới và trở thành chủ đề chính trong cuốn sách cuối cùng của Tân ước, sách Khải huyền: qua cuộc thương khó, mọi thứ đều hướng về tiệc cưới của Chiên Con. Vì trong các thị kiến về phụng vụ thiên đình, tiệc cưới này luôn được báo trước, các Kitô hữu nhận ra rằng Thánh Thể chính là sự hiện diện của Chàng Rể, vì thế, là sự tiên báo về tiệc cưới của Thiên Chúa. Trong tiệc cưới đó, diễn ra sự hiệp thông tương ứng với sự kết hợp giữa người nam và người nữ trong hôn nhân: họ trở nên “một xương một thịt” thế nào thì tất cả chúng ta trong sự hiệp thông cũng trở nên “một tinh thần”, duy nhất với Ngài như vậy. Mầu nhiệm hôn nhân giữa Thiên Chúa và con người được tiên báo trong Cựu ước trở nên hiện thực trong Bí tích Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, qua cuộc thương khó của Ngài. (x. Ep 5,29-32; 1 Cor 6,17; Gal 3,28).

Bài ca của Giáo hội cuối cùng xuất phát từ tình yêu: chính tình yêu là nguồn gốc sâu xa của việc ca hát. Thánh Augustinô nói: “Cantare amantis est” – “Ca hát là việc của người yêu thương”. Điều này đưa chúng ta trở lại với cách giải thích tam vị nhất thể về âm nhạc trong Giáo Hội: Chúa Thánh Thần là tình yêu, và chính Ngài là nguồn gốc của bài ca. Ngài là Thần Khí của Chúa Kitô, Ngài lôi kéo chúng ta vào tình yêu dành cho Chúa Kitô và do đó dẫn chúng ta đến với Chúa Cha.

G. Võ Tá Hoàng
Mới hơn Cũ hơn