Điều chúng ta tin, phần 12: Giáo hội dưới chiều kích luân lý



Joshua J. Whitfield

Thuộc về Giáo hội là thuộc về một sự hiệp thông mang tầm vóc tương ứng với toàn thể công trình tạo dựng, tức Giáo hội hoàn vũ. Và việc thuộc về Giáo hội cũng mở ra một chân trời mới về luân lý. Tin vào Đức Kitô và thuộc về Giáo hội không chỉ thay đổi cách thế ai đó quan niệm về lịch sử và vũ trụ, nhưng còn thay đổi cả các hiểu của người ấy về khả năng luân lý. Nó thay đổi cách mà những kẻ tin quan niệm về chính mình và người khác – đâu là điều thiện hảo và đâu là đích điểm của phận người.

Như thánh Phaolô tuyên bố, đời sống của mỗi kẻ tin “ẩn tàng với Đức Kitô nơi Thiên Chúa” (Cl 3,3). Như thế, chân lý nơi mỗi kẻ tin không tỏ hiện cách hữu hình nhưng chỉ có thể nhận ra trong đức tin. Và hệ quả của nó đưa tới một sự biến đổi về đạo đức, vì giờ đây, những kẻ tin phải đo lường cách ăn nết ở của mình theo tiêu chuẩn nước trời – vốn là định mệnh của chúng ta như thư Êphêsô diễn đạt (Ep 1,11). Những kẻ tin cải biến hành vi luân lý của họ nhờ sự soi dẫn của việc hiểu rằng họ sẽ sống đời đời với anh chị em của mình trên thiên đàng.

Chúng ta có thể suy nghĩ về cách mà thiên đàng làm biến đổi đời sống luân lý theo kiểu này: Hãy tưởng tượng bạn đang trên đường đến một buổi tiệc nhưng lại muộn giờ đôi chút. Sự khó chịu bắt đầu khi có một chiếc xe đi chậm trên cao tốc cản đường bạn nhưng tài xế ấy không nhận ra để tránh. Thật bực bội, bạn bóp còi và bám sát xe của người đó cho đến khi có thể vượt qua. Chắc hẳn, khi vượt nhanh qua, có lẽ bạn còn ra một cử chỉ bằng tay thường thấy để đảm bảo người đó nhận ra sự bất mãn của bạn. Nhưng hãy tưởng tượng tiếp, 10 phút sau, bạn đến buổi tiệc. Bạn đỗ xe lại và nhìn vào gương chiếu hậu thì thấy chiếc xe đi chậm ấy đỗ ngay sau mình. Cùng xuống xe và tiến vào cửa, bạn bắt đầu cảm thấy lúng túng khi nhận ra cả hai đều dự chung một buổi tiệc. Thật ngượng, bạn có thấy vậy không? Rõ là nếu bạn biết rằng tay lái xe chậm chạp này đến cùng một buổi tiệc với bạn – hay nói cách khác, đến cùng một thiên đường với bạn – thì chẳng phải bạn đã hành xử cách khác lúc đi đường hay sao? Còn nói theo ngôn ngữ thần học thì đó là: cánh chung luận ảnh hưởng trực tiếp lên luân lý. Khi một tín hữu thực sự nhận ra rằng sự sống của mình ẩn tàng với Đức Kitô nơi Thiên Chúa – rằng Đức Kitô trên thiên đàng là đích điểm đời mình và anh chị em của mình cũng đang dấn bước về đó – thì cách hành xử sẽ biến đổi. Và đó chính là cách mà Giáo hội dưới chiều kích hoàn vũ định hình Giáo hội dưới chiều kích luân lý.

Vậy luân lý của các Kitô hữu trông ra sao? Chúng ta sẽ đi sâu hơn vào chủ đề này ở phần sau. Còn ở đây, chỉ cần nhắm đến việc các kẻ tin sống cùng nhau trong Đức Kitô, sống như Đức Kitô đối đãi với người khác, như Phaolô đã diễn tả trong thư gửi tín hữu Philipphê. Điều Phaolô viết cũng giống như những lời của Đức Giêsu trong Gioan: “Xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn, là hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau” (Pl 2,2). Cứ như thể là Phaolô đã đọc Gioan chương 17 vậy.

Còn nhiệm vụ của các Kitô hữu là gì? Là nên một. Làm sao để đạt được điều đó? Bằng việc nên giống như Đức Kitô trong cách đối đãi với nhau. Hãy từ bỏ ganh tương, sống khiêm nhường, coi người khác trọng hơn mình. Sự khiêm nhường theo gương mẫu của Đức Kitô như thế là một điều gì đó cực kỳ mới mẽ trong tư duy luân lý. Aristote có lẽ sẽ xem lời khuyên của Phaolô thuần túy là một hình thức giả tạo. Theo Aristote, một người vĩ đại – và nhân tiện, trong suy tư của triết gia này, chỉ có đàn ông mới có thể trở nên vĩ đại – phải nhận thức và cố đạt tới điều mà ông gọi là “cao thượng”. Thế nhưng Đức Giêsu lại đưa ra một mẫu gương hoàn toàn khác cho các kẻ tin. Quả thực Ngài vĩ đại, như Phaolô tuyên bố, “vốn dĩ là Thiên Chúa” nhưng Ngài lại “hủy mình ra không, mặc lấy thân nô lệ” (Pl 2,6-7). Ngài hạ mình xuống để phục vụ và cứu chữa người khác. Và bởi Ngài đã trỗi dậy từ cõi chết và hiện được tôn vinh là Đức Chúa nên không riêng gì những người đàn ông Athen, nhưng giờ tất cả đều có thể trở nên vĩ đại, thậm chí cả những người bị xem là thấp kém nhất, bị đặt ra nơi xa nhất bên lề xã hội. Điều này làm biến đổi xã hội cách triệt để. Mẫu gương luân lý mới này – mẫu gương của Đức Giêsu Kitô – đã gợi hứng cho các Kitô hữu thực hành đức khiêm nhường, mà xét một cách lý tưởng thì đây là nguyên tắc đạo đức của mọi tín hữu, của toàn thể Giáo hội, bởi đó là cách mà các kẻ tin duy trì sự nên một và biểu lộ Đức Kitô cho nhau cũng như cho toàn thế giới. Họ thực hành sự khiêm nhường vì họ tin Đức Kitô là Chúa trời đất, vì chân trời luân lý của họ giờ đây mở rộng xa khỏi đời sống trần thế này.

Có những hậu quả phải chịu khi sống lối sống này, như Gioan đã nói rõ. Thánh nhân viết: “Đừng ngạc nhiên nếu thế gian ghét anh em” (1Ga 3,13). Dĩ nhiên, Đức Giêsu cũng từng dạy như thế (Ga 15,18-25). Cách mà các kẻ tin sống cuộc đời của mình lắm khi khác biệt hoàn toàn với lối sống của kẻ khác. Cũng như lối sống của Đức Kitô từng bị người ta khiêu khích và kết án, những kẻ tin đôi khi cũng bị mọi người xung quanh dè bỉu và phán xét như thế. Nhưng đó không hề là vấn đề hệ trọng nhất, sự thù ghét của thế gian không thể nào phá hủy đời sống mới của các kẻ tin. Vì chưng, các kẻ tin biết rằng, cho dẫu vẫn còn đang sống trong thế giới cũ, nhưng họ đã bước vào một thế giới mới và hoàn toàn khác. Hãy nhớ khi Đức Giêsu nói về việc Ngài không còn ở trong thế gian (Ga 17,11). Còn Gioan diễn tả điều đó bằng các cặp từ chết và sống, ghét và yêu. Ngài viết: “Chúng ta biết rằng chúng ta đã từ cõi chết bước vào cõi sống, vì chúng ta yêu thương anh em mình” (1Ga 3,14). Hoa trái đạo đức của việc thuộc về giáo hội – không chỉ dưới chiều kích bí tích, mà còn cả ở khía cạnh luân lý – là tình yêu hỗ tương, thứ tình yêu mãi tồn tại dù thường phải đơn độc giữa một thế giới đã lãng quên tình yêu. Thuộc về Giáo hội, nên một và yêu mến nhau là kinh nghiệm khởi đầu của sự phục sinh, của đời sống vĩnh cửu, của thiêng đàng. Ở đây, chúng ta nhận ra cách mà chiều kích hoàn vũ định hình chiều kích luân lý; khi từ cõi chết bước vào cõi sống, các kẻ tin yêu theo một cách khác biệt, theo nhãn giới của sự sống đời đời.

Cũng hãy lưu ý đến Giáo hội. Như Gioan tuyên bố, tình yêu này là yêu dành cho “anh em”. Hiển nhiên, ở đây cũng bao gồm cả chị em. Quan trọng là hãy chú tâm về tình yêu mà Gioan đang nhắc đến, đó không phải là thứ tình yêu trừu tượng xa rời thực tế; cũng không thuần túy là cảm xúc hay thái độ. Tình yêu mà Gioan đề cập mang tính Giáo hội cách trọn vẹn. Nghĩa là, thông qua tình yêu, Gioan đang nói về sự hiệp thông của Giáo hội. Như Phaolô tuyên bố, thuộc về “thân thể Đức Kitô” (một hình ảnh khác về Giáo hội), các kẻ tin làm thành “những bộ phận của một thân thể” (Rm 12,5). Thuộc về Đức Kitô là thuộc về nhau, thuộc về Giáo hội tông truyền, một nhóm người có thật, có thể đụng chạm và nhận diện suốt dòng lịch sử. Giáo hội không phải là một mô hình trừu tượng hay một trường phái đạo đức trên mây trên gió nào đó. Chính xác mà nói, Giáo hội là sự hiệp thông sống động của các kẻ tin, trong Đức Kitô, được xác lập nhờ ân sủng Thánh Thần. Chúng ta có thể với lấy và chạm đến Giáo hội, chúng ta có thể nhìn thấy Giáo hội. Giáo hội không chỉ là một ý tưởng. Đây chính là một khẳng quyết cốt yếu của đạo Công giáo.


Grêgôriô Võ Trần Nhựt chuyển ngữ 
Mới hơn Cũ hơn