Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi chấm dứt nạn bắt nạt học đường


Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đưa ra lời kêu gọi mạnh mẽ chống lại nạn bắt nạt học đường trong một buổi tiếp kiến tại Vatican sáng nay, Thứ Bảy ngày 4 tháng Giêng, với sự tham dự của hơn hai ngàn thành viên thuộc các tổ chức Công giáo liên quan đến lĩnh vực giáo dục, bao gồm Hiệp hội Giáo viên Công giáo Ý (Aimc), Hiệp hội Giáo viên, Nhà quản lý, Nhà giáo dục, Huấn luyện viên Công giáo Ý (Uciim) và Hiệp hội Phụ huynh Trường Công giáo Ý (Agesc). Thông điệp của ngài rất rõ ràng: “Đừng bao giờ bắt nạt!” và ngài cảnh báo rằng hành vi này không chỉ không xây dựng hòa bình mà còn chuẩn bị cho trẻ em và thanh thiếu niên "sẵn sàng cho chiến tranh".

Trong bài phát biểu, Đức Thánh Cha nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng một môi trường hòa bình trong các trường học. Ngài nói: “Nếu trong trường học, mọi người gây chiến tranh lạnh với nhau, nếu trong trường học có những kẻ bắt nạt các bạn nam sinh hay nữ sinh đang gặp vấn đề, thì đó là chuẩn bị cho chiến tranh, chứ không phải cho hòa bình!”. Sau đó, ngài khích lệ: “Làm ơn, đừng bao giờ bắt nạt! Các con hiểu điều này chứ? Đừng bao giờ bắt nạt! Chúng ta cùng nói lớn điều này nhé! Đi nào! Đừng bao giờ bắt nạt! Hãy can đảm lên và tiếp tục nỗ lực trong vấn đề này”.

Nhân dịp này, Đức Giáo Hoàng kết nối thông điệp giáo dục của mình với tinh thần Giáng Sinh, nhấn mạnh về “sư phạm của Thiên Chúa”. Ngài nói: “Phương pháp giáo dục của Ngài là gì? Đó là sự gần gũi, sự gần gũi đầy lòng trắc ẩn và sự dịu dàng”. Đồng thời, Đức Thánh Cha nhấn mạnh vai trò trung tâm của gia đình: “Sư phạm của Thiên Chúa là một món quà, một lời kêu gọi sống hiệp thông với Ngài và với người khác, trong một dự án về tình huynh đệ toàn cầu, một dự án mà gia đình giữ vị trí trung tâm và không thể thay thế. Gia đình chính là nền tảng!”

Gia đình và đối thoại: Chìa khóa trong giáo dục

Để minh họa tầm quan trọng của sự đối thoại trong gia đình, Đức Giáo Hoàng đã chia sẻ một câu chuyện ngài từng nghe: “Có người kể với tôi rằng một lần họ ăn trưa tại một nhà hàng vào Chúa Nhật và thấy ở bàn bên cạnh có một gia đình: bố, mẹ, con trai và con gái, cả bốn người đều cầm điện thoại, không ai nói chuyện với nhau”. Sau khi quan sát, người đàn ông này liền tiến đến và hỏi: “Các bạn là một gia đình, tại sao lại không nói chuyện với nhau?”. Họ nghe xong, không để ý và tiếp tục dán mắt vào điện thoại. Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Làm ơn, trong gia đình hãy nói chuyện với nhau! Gia đình là đối thoại, và đối thoại chính là điều làm cho gia đình trưởng thành”.

Năm Thánh Hy Vọng và vai trò của người giáo viên

Đức Giáo Hoàng cũng nhắc đến khẩu hiệu của Năm Thánh Hy Vọng, bắt đầu từ ngày 24 tháng 12: “Những người hành hương của hy vọng”. Ngài khẳng định rằng một người thầy giỏi là “một người nam nữ của hy vọng”. Theo ngài, một người thầy tốt luôn đặt niềm tin và sự kiên nhẫn vào sự phát triển nhân bản của học sinh.

“Hy vọng của họ không phải là ngây thơ, mà bắt nguồn từ thực tế, được củng cố bởi niềm tin rằng mọi nỗ lực giáo dục đều có giá trị và rằng mỗi con người đều có phẩm giá và một ơn gọi cần được nuôi dưỡng,” Đức Thánh Cha giải thích.

Để giữ vững niềm hy vọng đó, ngài khuyên các giáo viên hãy nhìn về Chúa Giêsu, “vị Thầy và người bạn đồng hành trên đường”, nhấn mạnh rằng: “Điều này sẽ giúp chúng ta trở thành những người hành hương thực sự của hy vọng.”

Kết thúc, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh một sự khác biệt quan trọng: “Đừng quên rằng hy vọng không làm chúng ta thất vọng. Sự lạc quan có thể làm ta thất vọng, nhưng hy vọng thì không bao giờ”. Ngài khẳng định rằng hy vọng mở rộng tâm trí và con tim, hướng về cuộc sống và vẻ đẹp vĩnh cửu, và đó chính là điều mà trường học cần: “Trường học cần điều này!”


G. Võ Tá Hoàng

Mới hơn Cũ hơn