Giáo lý Năm Thánh bài 2: Đức Maria lắng nghe và sẵn lòng

GIÁO LÝ NĂM THÁNH: CHÚA GIÊSU KITÔ LÀ NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA

I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU

BÀI 2 - TRUYỀN TIN. ĐỨC MARIA LẮNG NGHE VÀ SẴN LÒNG (x. Lc 1:26-38) 


Bài giáo lý trong Năm thánh của Đức Giáo Hoàng Phanxicô


Anh chị em thân mến!

Hôm nay chúng ta sẽ tiếp tục các bài giáo lý của chu kỳ Năm Thánh về Chúa Giêsu Kitô, niềm hy vọng của chúng ta.

Ngay từ đầu Tin Mừng của mình, Thánh Luca cho thấy tác động của sức mạnh biến đổi của Lời Chúa, không chỉ đến các hành lang của Đền Thờ, mà còn đến nơi ở nghèo nàn của một thiếu nữ, Đức Maria, người đã đính hôn với Thánh Giuse nhưng vẫn còn sống cùng gia đình của mình.

Sau Giêrusalem, sứ giả của những lời loan tin vĩ đại từ Thiên Chúa, là Gabriel, người được gọi với cái tên là sức mạnh của Thiên Chúa, được sai đến một ngôi làng chưa từng được nhắc đến trong Kinh Thánh Do Thái: Nazareth. Vào thời đó, đây là một ngôi làng nhỏ bé ở Galilê, nằm ở vùng ngoại biên của Israel, khu vực giáp ranh với dân ngoại và những ô nhiễm của họ.

Chính tại nơi đó, sứ thần mang đến một sứ điệp với hình thức và nội dung chưa từng có bao giờ, đến nỗi khiến cho tâm hồn của Đức Maria bị xao xuyến và  bối rối. Thay cho lời chào truyền thống “Bình an cho bà”, Gabriel nói với Đức Trinh Nữ bằng lời mời gọi: “Mừng vui lên!”, “Hãy hoan hỉ!” – một lời kêu gọi thân thuộc trong lịch sử thánh, vì các vị ngôn sứ thường sử dụng nó khi loan báo về sự xuất hiện của Đấng Mêsia. (xem Sp 3,14; Goe 2,21-23, Zc 9,9). Đó là lời mời gọi vui mừng mà Chúa gửi đến dân của Ngài khi cuộc lưu đày kết thúc và Chúa làm cho người ta cảm nhận được sự hiện diện sống động và tích cực của Ngài.

Ngoài ra, Thiên Chúa còn gọi Đức Maria bằng một cái tên đầy yêu thương chưa từng xuất hiện trong lịch sử Kinh Thánh: kecharitoméne, có nghĩa là “đầy ân sủng của Thiên Chúa”. Đức Maria được tràn đầy ân sủng của Thiên Chúa. Danh xưng này nói lên rằng tình yêu của Thiên Chúa đã ngự trị từ lâu và vẫn tiếp tục cư ngụ trong tâm hồn của Đức Maria. Danh xưng nói lên rằng Mẹ rất “đẹp lòng Chúa”, và trên hết, ân sủng của Thiên Chúa đã khắc sâu trong Mẹ, làm cho Mẹ trở nên kiệt tác của Ngài: đầy ân sủng.

Biệt danh đầy yêu thương mà Thiên Chúa chỉ dành cho Đức Maria, ngay lập tức được kèm theo một lời trấn an: “Đừng sợ!” “Đừng sợ!” Sự hiện diện của Chúa luôn mang đến cho chúng ta ơn không biết sợ hãi, và Ngài cũng nói điều này với Đức Maria: “Đừng sợ!” “Đừng sợ!” – Thiên Chúa đã nói với Abraham, với Isaac, với Môsê trong dòng lịch sử: “Đừng sợ!” (xem St 15,1; 26:24; Ds 31,8; Gs 8,1). Và Ngài cũng nói với chúng ta: “Đừng sợ, hãy tiến bước; đừng sợ!”. “Cha ơi, con sợ điều này”; “Và bạn sẽ làm gì khi…”. - “Con xin lỗi, thưa Cha, con sẽ nói thật với Cha: Con đi xem bói!”; - “Con đi xem bói à?”. -  “Dạ, con đi xem chỉ tay của mình…”. Làm ơn, đừng sợ! Đừng sợ! Đừng sợ! Điều này tuyệt vời. “Ta là bạn đồng hành của con”: và Ngài nói điều này với Đức Maria. “Đấng Toàn Năng”, Thiên Chúa của những điều “không thể” (Lc 1:37) ở cùng với Đức Maria, ở cùng và ở cạnh Mẹ; Ngài là bạn đồng hành của Mẹ, đồng minh chính của Mẹ, mãi mãi “Ta ở với ngươi”. (x. St 28,15; Xh 3:12; Tl 6,12).

Rồi sau đó, sứ thần Gabriel loan báo cho Đức Trinh Nữ về sứ mạng của Mẹ, làm vang lên trong tâm hồn Mẹ nhiều đoạn Kinh Thánh liên quan đến vương quyền và tính thiên sai của người con mà Mẹ sẽ sinh hạ, và đứa trẻ sẽ được giới thiệu như sự ứng nghiệm cho những lời tiên tri xưa kia.

Lời Chúa từ trời cao mời gọi Đức Maria làm mẹ của Đấng Mêsia, Đấng Mêsia thuộc dòng dõi vua Đavít mà dân Chúa hằng mong đợi. Mẹ chính là mẹ của Đấng Mêsia. Người sẽ làm vua, nhưng không theo cách thế nhân loại hay xác thịt, mà theo cách thế thần linh và thiêng liêng. Tên của Người là “Giêsu,” nghĩa là “Thiên Chúa cứu độ” (x. Lc 1,31; Mt 1,21), điều đó nhắc nhở chúng ta biết rằng mãi mãi chỉ có Thiên Chúa cứu rỗi chứ không phải con người. Chúa Giêsu là Đấng sẽ hoàn tất những lời này của tiên tri Isaia: “Không phải là một sứ giả hay một thiên thần đã cứu thoát họ, nhưng là chính tôn nhan Người” (Is 63:9).

Tình mẫu tử này đã làm lay động Maria từ tận gốc rễ. Là một phụ nữ thông minh, nghĩa là có khả năng đọc sâu vào ý nghĩa các biến cố (x. Lc 2,19.51), Maria tìm cách hiểu và phân định những gì đang xảy ra. Đức Maria không tìm câu trả lời từ bên ngoài mà quay về nội tâm, bởi như Thánh Augustinô dạy: «In interiore homine habitat veritas» – “Chân lý ngự trị ở nội tâm con người” (De vera religione 39,72). Và ở đó, trong sâu thẳm của tâm hồn rộng mở và nhạy cảm của mình, Mẹ đã nghe thấy lời mời gọi hãy tin tưởng vào Thiên Chúa, Đấng đã chuẩn bị cho Mẹ một “Lễ Ngũ Tuần” đặc biệt. Cũng như lúc bắt đầu công cuộc sáng tạo (x. St 1,2), Thiên Chúa muốn ấp ủ Đức Maria bằng Thánh Thần của Ngài, một sức mạnh có khả năng mở ra những gì đã đóng mà không cưỡng chế nó, không tấn công vào quyền tự do của con người; Ngài muốn bao bọc Hội thánh trong “đám mây” hiện diện của Ngài (x. 1 Cor 10,1-2) vì Con Thiên Chúa sống trong Hội thánh và Hội thánh sống trong Ngài.

Và Đức Maria bừng lên niềm tin tưởng: Mẹ là “ngọn đèn có nhiều ánh sáng”, như lời của thánh Theophane trong Canone dell’Annunciazione. Mẹ phó thác, vâng phục và mở lòng, để Chúa có thể hoạt động nơi Mẹ: Mẹ trở thành “phòng tiệc cưới được Thiên Chúa dựng nên” (ibid.). Đức Maria đón nhận Ngôi Lời trong thân xác của mình và do đó khởi động sứ mạng cao cả nhất từng được giao phó cho một người phụ nữ, cho một loài thọ nhân. Mẹ đặt mình vào việc phục vụ: Mẹ đầy tràn mọi sự, không phải như một nô lệ nhưng như một người cộng tác với Thiên Chúa Cha, đầy phẩm giá và thẩm quyền để quản lý các kho tàng ân sủng thiêng liêng, như Mẹ sẽ làm tại Cana, để nhiều người có thể múc lấy từ nó bằng cả hai tay.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy học nơi Đức Maria, Mẹ Chúa Cứu Thế và là Mẹ chúng ta, biết để cho Lời Chúa mở đôi tai mình, biết đón nhận và bảo vệ Lời Chúa, để Lời Chúa có thể biến đổi tâm hồn mình thành những nhà tạm cho sự hiện diện của Ngài, thành những ngôi nhà hiếu khách, nơi niềm hy vọng được nuôi dưỡng và lớn lên. Xin cảm ơn!

G. Võ Tá Hoàng

https://www.vatican.va/

Mới hơn Cũ hơn