Hổ thẹn, bào chữa và lười biếng: 3 kẻ thù của Bí tích Hòa giải



Verónica Tito

Xưng tội là một hành động anh hùng của thời nay. Biết bao người không dám hoặc không muốn làm điều đó, kiếm cớ để hạ thấp tầm quan trọng của bí tích mà Thiên Chúa đã để lại cho chúng ta trong lòng thương xót vô biên của Ngài! Điều gì ngăn cản bạn đến với Bí tích Hòa giải?

Tôi đề cập đến 3 trong số những rào cản thường gặp nhất.

1. Sợ bị trừng phạt

"Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 10,32-33).

Trong những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo, nhiều người đã hy sinh mạng sống của mình để không chối bỏ Đấng Cứu Chuộc, và mặc dù chúng ta có thể cảm thấy phiền phức khi phải xếp hàng xưng tội, nhưng đây là một cách làm chứng cho đức tin.

Chúng ta có thể cảm thấy xấu hổ vì linh mục nghe hết tội lỗi của mình; thường là như vậy. Nhưng chính Chúa Kitô mới là Đấng tiếp nhận chúng ta trong tòa giải tội. Các linh mục biết rõ sự yếu đuối của con người, các ngài cũng xưng tội và bị cấm tiết lộ tội lỗi, ngay cả khi các ngài biết rõ về chúng ta. Cũng vậy, chúng ta có thể đến gặp bất kỳ cha giải tội nào, thậm chí ở giáo xứ xa xôi nhất trong thành phố.

2. Có người nói: "Tôi xưng tội trực tiếp với Chúa"

“Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,22-23). Những người kế vị các tông đồ là các giám mục và linh mục, những cộng sự viên của giám mục. Các ngài là những người đã lãnh nhận Bí tích Truyền Chức Thánh để tha thứ nhân danh Chúa Kitô.

Đấng tạo thành chúng ta biết rõ lòng dạ, hành động và ý định của mỗi người. Vấn đề không phải là làm theo ý riêng mình, mà làm theo ý Chúa, vì vậy việc chỉ nói với Đấng thấu suốt mọi tội lỗi của mình và tin rằng nhờ đó mà chúng ta đã được ơn là không đúng. Hãy tưởng tượng một kẻ sát nhân, không có ý định thay đổi, mỗi lần hắn giết người đều cầu xin Chúa tha thứ. Liệu điều đó có đúng không?

“Trong số các tín hữu, có nhiều người đến thú nhận và kể ra những phù phép của mình” (Cv 19, 18). Đoạn này không nói rằng “họ nhốt mình trong phòng”, mà đúng hơn là họ chuyển từ nơi này sang nơi khác, họ đã vượt qua sự lười biếng và từ bỏ tiện nghi trong ngôi nhà của mình.

Ngoài ra, có 5 bước cần thiết để xưng tội tốt : xét mình, ăn năn, dốc lòng chừa, xưng tội với cha giải tội và hoàn tất việc đền tội.

3. Tôi sẽ xưng tội vào một ngày khác: thiếu thời gian hoặc không ưu tiên cho bí tích hòa giải

Cuộc sống bận rộn và những bổn phận hằng ngày có thể khiến chúng ta trì hoãn việc xưng tội, coi đó là việc thứ yếu hoặc không khẩn cấp. Đây là một cái cớ rất quen thuộc. Nhưng dù chúng ta có bận rộn đến đâu, đừng tự lừa dối chính mình.

Điều răn thứ ba trong năm điều luật của Hội thánh dạy: “Xưng tội trong một năm ít là một lần”. Chúng ta không ăn uống, không xem TV, không sử dụng điện thoại di động hoặc tắm mỗi năm một lần có được không ? Trừ khi chúng ta sống ở góc trời nào đó của hành tinh hoặc đất nước, nơi rất khó để linh mục đến, hoặc chúng ta nằm liệt giường và không ai có thể giúp đỡ, thì không có lý do gì để không đi xưng tội thường xuyên hơn.

Nếu chúng ta quen với việc trì hoãn, có thể chúng ta sẽ không bao giờ xưng tội được. Và chúng ta không biết khi nào Thiên Chúa sẽ gọi chúng ta đến trước nhan Ngài.

Bằng cách vượt qua những rào cản và đi xưng tội, chúng ta nhận được vô số ân sủng , giống như 3 ân sủng mà tôi chia sẻ với bạn dưới đây.

1. Con đường dẫn đến sự đổi mới tâm linh sâu sắc

Nếu chúng ta có bệnh tật hay đau đớn gì, rất có thể chúng ta sẽ đi gặp bác sĩ. Vì vậy, để chữa lành đời sống tinh thần, tâm hồn và cả những bệnh tật thể xác, điều chúng ta cần là Bí tích Hòa Giải. Đó là lý do tại sao nó được gọi là bí tích chữa lành.

Xưng tội mang lại một cơ hội tuyệt vời để đổi mới tâm hồn và giải thoát bản thân khỏi gánh nặng của tội lỗi, trải nghiệm sự bình an và ân sủng của Đấng Toàn Năng. Chúa Giêsu đã tha thứ tội lỗi cho người bất toại và phục hồi sức khỏe thể xác cho anh ta (Mc 2, 1-12).

2. Bí tích hòa giải là cuộc gặp gỡ lòng thương xót của Thiên Chúa

Bí tích Hòa giải

Bạn đã bao giờ đọc dụ ngôn người con hoang đàng chưa? (Lc 15, 20-24). Thiên Chúa là Người Cha nhân lành luôn sẵn sàng tha thứ cho chúng ta và đón nhận chúng ta với lòng thương xót.

Trong một bài giảng vào tháng 3 năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý:

"Thật không dễ dàng để tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa, bởi đó là một vực thẳm vượt quá tầm hiểu biết của chúng ta. Nhưng tôi phải làm điều đó! … Ôi, tôi là một tội nhân lớn! Tốt hơn! Hãy đến với Chúa Giêsu: Ngài thích khi bạn nói những điều này với Ngài! Ngài quên, bởi Ngài có một khả năng để quên rất đặc biệt. Ngài quên, Ngài hôn bạn, ôm bạn và chỉ nói đơn giản: Ta cũng không kết án con, hãy đi và đừng phạm tội nữa".

3. Một cơ hội để trưởng thành trong đời sống Kitô hữu

Mục tiêu là Nước Trời; do đó, việc xưng tội là điều rất cần thiết. Hoán cải có nghĩa là tìm lại sự tha thứ và sức mạnh từ Thiên Chúa qua Bí tích Hòa Giải, và do đó luôn bắt đầu lại, tiến về phía trước mỗi ngày (Thánh Gioan Phaolô II).

Hãy nhớ lời Thánh Augustinô: "Ma quỷ lấy đi sự xấu hổ của bạn để bạn phạm tội và trả lại sự xấu hổ đó để bạn không xưng tội". Chúng ta hãy can đảm vượt qua mọi trở ngại và thường xuyên đến với bí tích cao cả này.


G. Võ Tá Hoàng

Mới hơn Cũ hơn