Khi người vô thần viết về lễ giáng sinh


Khi người vô thần Sartre viết về Lễ Giáng sinh

Trong truyện "Bariona hay đứa con của sấm sét", một trong những mô tả nhân văn và thiêng liêng nhất về Tình mẫu tử của Đức Trinh Nữ Maria.



Antonio Tarallo

“Điều mà người ta nên vẽ lên khuôn mặt của Đức Maria là một sự ngạc nhiên đầy lo lắng, một sự ngạc nhiên chưa từng xuất hiện trên bất kỳ khuôn mặt con người nào. Bởi vì Chúa Kitô là con của Mẹ, là xương thịt của Mẹ và là hoa quả từ cung lòng Mẹ. Mẹ đã cưu mang Ngài trong chín tháng, cho Ngài bú, và sữa của Mẹ sẽ trở thành máu của Chúa. (...) Chưa hề có đứa trẻ nào bị tách khỏi mẹ một cách tàn nhẫn và nhanh chóng đến vậy, bởi vì Ngài là Chúa và vượt xa mọi thứ mà bạn có thể tưởng tượng. Và thật là một thử thách khó khăn cho một người mẹ khi phải xấu hổ về bản thân và về thân phận con người của mình trước mặt người con của mình. Nhưng tôi nghĩ rằng cũng có những khoảnh khắc khác, ngắn ngủi và khó khăn, khi Mẹ đồng thời cảm thấy rằng Chúa Kitô là con trai của Mẹ. Mẹ nhìn Ngài và nghĩ: vị Chúa này là con trai của tôi. Thịt thần thánh này là thịt của tôi. Nó được tạo nên từ tôi, nó có đôi mắt của tôi và hình dáng đôi môi này là hình dáng của đôi môi tôi. Nó giống tôi. Nó là Chúa và nó giống tôi. Và không có người phụ nữ nào có được may mắn có Chúa cho riêng mình mình. Một Thiên Chúa nhỏ bé, có thể ôm vào lòng và hôn được, một Thiên Chúa ấm áp, mỉm cười và hít thở, một Thiên Chúa có thể chạm vào và sống động”.

Đoạn trích trên không thể được tóm tắt, rút gọn hoặc cấu trúc lại. Đó là của nhà văn vĩ đại người Pháp Jean-Paul Sartre. Điều ấn tượng nhất trong những lời này đó là sự dịu dàng của chúng. Nhưng không chỉ vậy, chúng ta đang đứng trước mô tả về Giáng sinh của một người vô thần. Thật không đơn giản khi chúng ta nghĩ về điều đó. Liệu một người xa lạ với Giáo hội, với đức tin có thể tạo ra một trang thơ ca cao quý đến vậy, một trang mang màu sắc gần như thần bí? Và những dòng này lại xuất hiện trong một câu chuyện - kịch mà nhà tư tưởng người Pháp đã viết vào một thời điểm đặc biệt trong cuộc đời mình.

Chúng ta đang nói về "Bariona, ou le Fils du tonnerre" ("Bariona hay đứa con của sấm sét. Một câu chuyện Giáng sinh dành cho người kitô giáo và ngoài kitô giáo) của nhà văn nổi tiếng thế kỷ 20. Và thật khó để kìm nén sự ngạc nhiên khi lướt qua những trang sách đậm chất tâm linh này. Nó gần như khiến chúng ta sững sờ.

Tác phẩm này ra đời trong hoàn cảnh rất đặc biệt. Jean-Paul Sartre là tù binh của quân Đức tại Treviri, trong Thế chiến II. Vào tháng 6 năm 1940, quân đội Pháp thất bại, ông bị người Đức bắt làm tù binh. Vào tháng 8, ông được chuyển sang Đức, đến trại giam Trier, nơi ông bị giam giữ cho đến tháng 4 năm 1941. Kinh nghiệm về tình đoàn kết giữa các tù nhân đã đưa ông thoát khỏi sự cô độc và sự khinh miệt của thế giới. Ông đã sống kinh nghiệm đó, ánh sáng trong bóng tối. Và chính tia sáng nhỏ nhoi đó khiến không viết "Bariona". Trong trại tù, ông quen biết một số linh mục, trong đó có Cha Marius Perrin, và tình bạn này đã ảnh hưởng sâu sắc đến ông. Tác phẩm được xuất bản lần đầu vào năm 1962, với số lượng in rất hạn chế, 500 bản.

Các trang nói về Giáng sinh, nhờ một câu chuyện "hư cấu" hấp dẫn. Về cơ bản, tác phẩm kể về câu chuyện của một già làng người Do Thái tên là Bariona, đã chấp nhận tăng thuế theo yêu cầu của thống đốc Rôma, trong khi yêu cầu dân làng không sinh thêm con nữa. Người Rôma sẽ chỉ có thể thực thi quyền lực của mình trên sa mạc. Trong quyết định tự hủy diệt của mình, Bariona không biết rằng vợ ông, Sara, đang mang thai. Khám phá đầy kịch tính không khiến ông từ bỏ sự lựa chọn của mình, một quyết định mà vợ ông đã phản đối. Chính trong bối cảnh này, Bariona được các mục đồng thông báo về sự ra đời của Đấng Mêsia trong một chuồng bò ở Bêlem; thông tin này, trong mắt ông, có vẻ là điều quá ảo tưởng, một sự lừa dối. Vị trưởng làng người Do Thái đã nung nấu ý định giết đứa trẻ, để dập tắt hy vọng hão huyền này. Khi đến Bêlem, ông nhìn thấy Sara đang ở đó và cạnh túp lều một đám đông đang quỳ lạy, xúc động và vui sướng. Quá ngạc nhiên, ông từ bỏ ý định của mình và khi nghe tin Hêrôđê muốn giết Chúa Giêsu, ông đã tập hợp dân làng, thu tập vũ khí, dù biết rằng mình sẽ chết, ông đã đối đầu với bọn lính của nhà vua.

Moeller, một linh mục và là văn sĩ của thế kỷ trước, trong tác phẩm “Văn học hiện đại và Kitô giáo” (1966), đã nhắc đến “Bariona hoặc Con của sấm sét” một cách thoáng qua: “Trong một trại giam, ông đã sáng tác một bài ca tụng Giáng Sinh để đọc trong một căn lều”. Trong đó, Moeller phân tích chủ nghĩa vô thần của Sartre và đi đến kết luận rằng triết gia người Pháp này không làm gì khác ngoài việc “cự tuyệt” số phận của mình như là một “đứa con của Chúa”. Sartre đã từ chối tôn giáo, sự thánh thiêng, để có thể dành trọn cuộc đời mình cho Văn học và Triết học. Ông quả thật đã "từ chối" sự thánh thiêng và tôn giáo, thế nhưng qua những trang viết này, người ta hiểu được khao khát tìm kiếm cái Vô tận vẫn luôn hiện hữu trong tâm hồn ông, một tâm hồn luôn trăn trở trước bóng tối của thế gian.

Trong nghiên cứu này, "Bariona" tiêu biểu cho một phần quá khứ của Sartre, trong đó ông thậm chí minh chứng cách tích cực về sự Hiện hữu. (Có lẽ, văn bản này thể hiện trải nghiệm văn học và con người "tích cực" duy nhất trong cuộc đời nhà văn). Để diễn tả điều này, Sartre tập trung chú ý vào sự kiện Giáng Sinh của Hài Nhi Giêsu, đặt "ống kính" của câu chuyện chủ yếu lên gương mặt của Đức Trinh Nữ Maria. Đây là một cuộc gặp gỡ tuyệt vời, một sự kiện thiêng liêng tiếp tục vang vọng cho đến ngày nay và sẽ sống mãi trong các trang văn học của thế giới.

G. Võ Tá Hoàng
Mới hơn Cũ hơn