Suy niệm mỗi ngày, Tuần 2 Thường niên, năm lẻ



TUẦN HAI

THỨ HAI

Dt 5,1-10; Mc 2,18-22

Chắc chắn mọi lúc Chúa Giêsu hằng ý thức sứ mạng Cứu Thế của Ngài và mọi lúc tâm trí Ngài chỉ nghĩ đến Nước Trời và đến việc làm cho mọi người nhận biết, đón nhận Nước Trời mà thôi. Chính vì thế, Ngài dùng mọi cách để nói về Nước Trời, Ngài lợi dụng mọi dịp để hướng người ta về Nước Trời. Hôm nay các đối thủ của Ngài là môn đồ của Gioan và nhóm biệt phái muốn hỏi Ngài về việc ăn chay, vì họ khó chịu thấy nhóm của Ngài sống phè phẽn chẳng biết đến chay kiêng là gì? Họ tự cho là chỉ có họ mới đáng chí thú dọn đường cho Nước Trời đến và tất cả những ai không lo ăn chay hãm mình như họ đều là hạng tội lỗi và làm cho Nước Trời chậm đến. Chúa Giêsu đã lợi dụng ngay cơ hội này không phải để tranh luận hơn thua với họ để khiến họ bẽ mặt, nhưng để soi sáng cho họ và để lập tức hướng họ về Nước Trời. Qua câu trả lời trong đó Ngài tự ví mình là tân lang và các môn đệ là phụ rể, Ngài muốn cho họ hiểu rằng với sự có mặt của Ngài, Nước Trời mà họ chờ mong đang có đây rồi, và sự có đây của Nước Trời chính là lý do độc nhất khiến nhóm môn đệ của Ngài không ăn chay, vì chẳng có ai lại ăn chay giữa khi tiệc cưới đang hân hoan diễn ra. Vậy đã lợi dụng cơ hội đó để giúp hiểu cho đúng về Nước Trời và loan cho họ tin vui mà họ còn mù quáng chưa nhận ra.

Họ cần hiểu cho đúng rằng Nước Trời hay việc Thiên Chúa đến chỉ là việc của Thiên Chúa, chỉ là ân huệ Thiên Chúa ban một cách nhưng không. Không ai làm cho Nước Trời đến được cả. Người ta có bổn phận ăn chay hãm mình để mở tâm hồn mình chờ đón Nước Trời, chứ không thể kiêu căng khoe khoang, cho là nhờ việc mình ăn chay mà Thiên Chúa phải đến. Đối với Nước Trời, con người chỉ nên có một thái độ là khiêm tốn đón nhận, dù mình bất xứng, vì Thiên Chúa ban Nước Trời cho mọi người như một ân huệ nhưng không. Ân huệ ấy đang có chính lúc này, với sự có mặt của Ngài. Đây là Tin Mừng mà họ nên đón nhận, để không lỡ mất dịp may.

Như thế, chủ đích của Chúa Giêsu ở đây là hướng lòng các đối thủ của Ngài về sự có mặt của Nước Trời. Ta đừng nghĩ là Ngài có ý bài bác hay phế bỏ việc ăn chay. Chắc chắn Ngài vẫn thán phục việc các nhóm kia hãm mình để ráo riết dọn đường cho Thiên Chúa đến. Nếu có trách họ, có lẽ Ngài chỉ trách việc đôi khi họ đã giả hình, đã phô trương, hoặc đã khoe khoang và cậy mình khi ăn chay mà thôi. Còn chính Ngài, dĩ nhiên không ăn chay theo kiểu của họ, nhưng cả đời của Ngài đã là một đời ăn chay một cách hết sức đích thực, qua việc lúc nào cũng hãm dẹp cái tôi và ý riêng của mình vì Cha, vì sứ mạng, vì mọi người. hay như thơ Dothái nói, Ngài đã làm vị thượng tế từng phải lớn tiếng và rơi lệ, từng phải qua bao đau khổ để học biết sự vâng phục và trở nên căn nguyên mang lại ơn cứu rỗi cho loài người. Ngài không lúc nào đã là người không ăn chay và phế bỏ việc hãm mình.

Đối với chúng ta ngày nay, chúng ta cũng có hai lý do để ăn chay, nghĩa là sống trong sự hãm mình và khổ chế để nên giống Chúa chúng ta: lý do thứ nhất là Tân Lang đã ra đi, đã về trời chưa trở lại; và lý do thứ hai là ta đã thuộc về Nước Trời. Hai lý do này khiến ta phải ăn chay, nhưng là ăn chay một cách chân thành, một cách có thực chất, để ngay trong hiện tại, Nước Trời có mặt sự nơi bản thân ta.


THỨ BA

Dt 6,10-20; Mc 2,23-28

Đoạn Tin Mừng Marcô hôm nay tuy ngắn ngủi nhưng thật quí giá đối chúng ta. Nó cho thấy thái độ vụ luật cứng ngắc của nhóm biệt phái. Nó chứng tỏ rằng khi sống theo suy nghĩ riêng của mình, con người có thể lệch lạc thế nào trong việc hiểu luật Chúa hay thi hành luật Chúa. Họ có thể trở nên cứng cỏi, hẹp hòi, cố chấp lúc nào không biết. Họ có thể tự châm chước cho mình khi mình mắc những lỗi phạm tầy trời, nhưng lại  khắt khe lên án khi kẻ khác có những vi phạm nhỏ bé. Việc nhóm biệt phái giữ luật hưu lễ là đúng, nhưng khi họ vịn vào cớ phải giữ luật đó mà phạm những điều bất nhân thì không đúng.

Đoạn văn hôm nay cũng giúp chúng ta hiểu thêm về Chúa Giêsu. Ngài thật là một vị sứ giả của Nước Trời, đến để uốn nắn những sai lạc, tái lập nếp sống mà Thiên Chúa muốn gầy tạo giữa nhân loại. Qua việc trả lời cho nhóm biệt phái, Ngài muốn soi sáng thêm cho họ và mở mắt họ cho những điều đúng đắn. Trước hết, Ngài không lên án việc các môn đồ bứt lúa trong ngày hưu lễ, vì đây chỉ là một vi phạm không đáng kể. Thứ đến, Ngài xác định cho rõ về mục đích của luật hưu lễ: luật đó được Thiên Chúa đặt ra chính là để giúp ích cho con người, chứ không phải để làm hại cho con người. Nghỉ hưu lễ là để cho con người được bồi dưỡng sức khỏe, có giờ rảnh để nghĩ đến Đấng Tạo Hóa của mình và nghĩ đến nhau, nghĩ đến nghệ thuật, văn hóa, sự suy tư, nghĩa là để mở ra cho những chân trời rộng lớn cao đẹp hơn việc đầu tắt mặt tối lao động. Luật hưu lễ được đặt ra vì con người. Bởi đó, luật ấy phải được phục vụ con người, phải ở dưới con người. khi có một việc phải giúp đáp một người anh em lâm nạn, ta được phép vượt lên trên luật hưu lễ, khi con người rơi vào tình cảnh ngặt nghèo, như vua Đavit và các cận vệ của ông, người ta được làm quá những gì luật hưu lễ đòi buộc.

Chúa Giêsu muốn xác định rằng con người có quyền được coi trọng hơn mọi luật lệ. Ý tưởng hôm nay của Ngài sẽ dọn đường cho lập trường còn táo bạo và còn mới mẻ hơn của Ngài sau này: như làm hòa với anh em còn quí hơn là đến đền thờ dâng lễ cho Thiên Chúa, bác ái đối với tha nhân là yêu mến chính Ngài, mến Chúa và yêu người chỉ là một, phục vụ con người chính là phục vụ Thiên Chúa và là tiêu chuẩn đo lường lòng mến Thiên Chúa…

Chúa Giêsu đã để lại cho ta hai tấm gương: Ngài không khinh thường luật hưu lễ, trái lại, Ngài đã tôn trọng luật ấy. Ngài đã nhiều lần dến hội đường vào các ngày hưu lễ, nhưng không giữ luật ấy một cách máy móc, mà theo đúng ý ban đầu của Thiên Chúa, nhất là Ngài yêu thương con người đến cùng, đã hy mọi sự vì con người tức là đã sống đến cùng luật bác ái mà Ngài công bố. Theo thơ Dothái, Ngài đã được Thiên Chúa thưởng công và cho vào cõi trời, phong làm thượng tế đời đời, Ngài chính là bảo đảm và chiếc neo vững chắc cho chúng ta, để khích lệ ta bền đỗ phục vụ con người để được hưởng lời hứa của Thiên Chúa như những kẻ đã nhờ kiên nhẫn đến cùng mà được nhận phần thưởng của Thiên Chúa.

Xin Chúa Giêsu Thánh Thể uốn nắn những lệch lạc của ta trong việc tuân giữ luật Chúa, giúp ta nhiệt tâm nhưng khiêm tốn trong việc tuân giữ luật Chúa, nhất là việc quí trọng phục vụanh chị em mình.


THỨ TƯ

Dt 7, 1-17; Mc 3,1-6

Ta vừa nghe về việc Chúa Giêsu làm phép lạ chữa người có tay khô bại. Thật ra, chủ đích của thánh Marcô là mô tả việc đối đầu lần thứ năm giữa Chúa Giêsu và các đối thủ của Ngài, khi Ngài vừa hoạt động công khai. Cuộc đối đầu này cho thấy thêm sự khác biệt sâu xa giữa hai bên.

Các đối thủ của Chúa trước hết tỏ ra là những con người quá đề cao cái tôi của mình. Họ tự coi mình là hạng người lãnh đạo xã hội, cầm cân nảy mực về mọi chuyện và bắt mọi người phải theo họ, tùng phục quyền họ. Chúa Giêsu không thuộc nhóm họ và không cư xử như họ đã lập tức bị họ rình mò và chỉ trích. Họ chỉ biết một điều là bắt mọi người giữ luật cách nghiêm nhặt, nhất là luật nghỉ ngày hưu lễ. Họ không ý thức rằng có những cách giữ luật đúng ra lại là đi ngược với mục đích của luật và tuy được tiếng là đang giữ luật, họ lại đang phạm tội giết chết anh em, chẳng hạn khi họ không cho chữa lành anh em trong ngày hưu lễ hôm nay. Rồi tuy tự hào là hạng sống đẹp lòng Thiên Chúa, thật ra họ đã vào thái độ cứng lòng, tức là không còn khả năng nhận ra tình thương và công việc của Thiên Chúa, chai lỳ trước mọi dấu hiệu của Thiên Chúa. họ đã khiến Chúa Giêsu phải thịnh nộ và buồn phiền đưa mắt nhìn họ.

Ngược với họ, Chúa Giêsu hôm nay tuy chỉ có một mình, đã hiên ngang đương đầu với họ. Họ im lặng từ đầu đến cuối, Ngài còn hành động và nói năng một cách công khai, với tư cách một con người tự do, tự chủ, không sợ sệt. Ngài tỏ ra mình là kẻ xuất từ "vị Thiên Chúa của kẻ sống và kẻ chết", nên Ngài đứng hẳn về phía sự sống. Ngài muốn khôi phục lại ý nghĩa cho ngày hưu lễ: nó phải là dấu chỉ của tình thương của Thiên Chúa đối với dân của Người, nó chính là giờ cứu độ, đến nỗi không chữa lành người bệnh chính là giết chết họ. Ngài chỉ bắt các đối thủ Ngài phải chọn lựa giữa những ý kiến khác nhau có thể giữa nhiều nhóm, mà phải đi đến những chọn lựa triệt để: đó là phải xác định rõ xem mình muốn làm điều thiện hay điều ác, muốn cứu hay muốn giết một linh hồn, phải nói rõ thái độ của mình đối với giới răn cơ bản "chớ giết người".

Cuộc đối đầu này sẽ đưa đến việc cấu kết lạ kỳ giữa Biệt phái và nhóm Hêrôđê là hai nhóm vốn thù ghét nhau, để tìm cách tiêu diệt Chúa Giêsu. Nhưng cuộc đối đầu này cũng cho thấy rõ con người Chúa Giêsu, một con người đối chọi hẳn với các đối thủ. Ngài thật khác họ, Ngài đúng là vị Thiên Sai yêu thương con người. Ngài thể hiện đúng điều mà thơ Dothái hôm nay gởi đến: đó là suốt đời, Ngài đã là tư tế, hiểu theo nghĩa là suốt đời, Ngài xóa bỏ cái tôi của mình, Ngài tự hủy chính mình vì yêu thương con người, yêu thương thật sự.

Chúa đã đến khai trương một kỷ nguyên yêu thương, một nền văn minh của tình yêu, một thời đại tôn trọng con người, coi con người là đối tượng phục vụ hàng đầu. Đây là dịp để chúng ta hun đúc lại lòng tin vào Chúa Giêsu, kiểm điểm lại lòng tôn trọng đối với anh em.


THỨ NĂM

Dt 7,25-8,6; Mc 3,7-12

Đến hôm nay, theo sự tường thuật của thánh Marcô, một tam giác do ba nhóm khác nhau đã thành hình: nhóm Chúa Giêsu và các môn đệ; nhóm dân chúng; nhóm các đối thủ của Chúa Giêsu. Sau khi Biệt phái và phe Hêrôđê cấu kết với nhau để khử trừ Ngài, Chúa Giêsu đã rút về miền duyên hải. Dĩ nhiên, Ngài rút là chỉ để tránh họ chứ không phải để ngưng nhiệm vụ, trái lại Ngài càng mở rộng hoạt động hơn, càng đón tiếp dân chúng từ nhiều miền khác nhau tuôn đến. Đây là sự kiện báo trước sứ vụ phổ quát hay hoạt động mở ra cho muôn dân sau này. Thánh Marcô kể đến tên của bảy miền khác nhau để ám chỉ trước đến đoàn người thuộc mọi dân nước sẽ đến với Chúa Giêsu và tin vào Ngài.

Lúc này, chỉ có nhóm môn đệ là thiết thân với Ngài hơn cả. Thánh Marcô cho thấy Ngài và các môn đệ cộng tác với nhau: các ông đi theo Ngài, lo tìm cho Ngài một chiếc thuyền để Ngài đứng cách bờ, khỏi bi chen lấn. Liên hệ giữa các ông và Ngài sẽ ngày càng keo sơn hơn nữa.

Còn dân chúng, tuy bỏ ăn bỏ việc và đi bộ từ xa đến với Ngài vẫn chỉ có một niềm tin hời hợt. Họ tìm đến với Ngài với chủ đích được hưởng phép lạ hoặc trông thấy phép lạ của Ngài mà thôi. Sự gắn bó của họ đối với Ngài còn nông cạn. Tuy vậy, Chúa Giêsu châm chước cho họ, Ngài quí trọng một niềm tin đang bắt đầu chớm nở như thế. Ngài chiều theo họ, không nỡ tránh xa và bỏ rơi họ. Dù bị chen lấn và quấy rầy. Ngài vẫn nhượng bộ.

Có kẽ đàng sau đoạn văn của mình, thánh Marcô muốn gợi ý rằng: Chúa Giêsu chính là người tôi tớ hiền lành và khiêm tốn của Giavê. Ngài cư xử rất nhẹ nhàng để làm tắt một ngọn lửa còn yếu ớt. Ngài cũng hết sức kín đáo, không đề cao mình, không khua chiêng gõ mõ, không chấn động quản cáo. Ma quỉ biết rõ tư cách Ngài nhưng Ngài cấm nó xưng Ngài ra, vì Ngài không muốn thu hút quần chúng, bởi biết rằng tình cảm náo nhiệt không phải là đức tin.

Cách sử sự này của Ngài ăn khớp với cả những điều mà đoạn thư Do thái hôm nay nói về Ngài: thay vì đề cao mình, khoe khoang, tự tôn, Ngài sẽ hiến dâng chính mình, sẽ đổ máu mình với tư cách là người tôi tớ và thượng tế đời đời, để nên con người mẫu mực cho nhân loại và để có được ơn cứu độ cho muôn dân.

Giờ đây Ngài vẫn ở giữa chúng ta như đấng sống chết cho sứ mạng cứu thế. Mọi lúc Ngài là vị thượng tế đầy lòng xót thương, đang chuyển cầu cho muôn người. Ngài đang đợi chờ để đón tiếp mỗi người trong chúng ta. Ta hãy đến với Ngài, xin Ngài ban cho ta một đức tin sâu sắc, để ta mãi mãi gắn bó với Ngài, để ta ngày càng hiểu biết về Ngài hơn và nhận được nhiều ơn sức thiêng liêng từ co người Ngài ban ra.



THỨ SÁU

Dt 8, 6-13; Mc 3, 13-19

Như ta đã nói, một sự gắn bó mật thiết giữa Chúa Giêsu và những kẻ tin nhận Ngài ngày càng lộ hiện. Hôm nay nhóm của Ngài được củng cố thêm khi Ngài chọn nhóm 12, tách riêng họ thành nhóm thân thiết với Ngài đặc biệt. Nhóm này sẽ khác những người khác ở chỗ là được đi theo Ngài và được ở với Ngài mọi lúc, được chia sẻ quyền năng của Ngài, được làm chính những công việc Ngài đang làm: đó là rao giảng Tin Mừng, xua trừ ma quỉ, dọn đường cho nước trời. Nhưng nhất là họ sẽ nên giống Ngài, nên những hiện thân sống động của Ngài. Chính vì thế, việc kén chọn họ đã được đánh dấu bằng một số dự kiện đặc biệt:

- Chúa Giêsu là nơi tượng trưng cho chốn cầu nguyện, chốn gặp gỡ thưa trình với Cha, chốn xin ơn soi sáng cho những quyết định quan trọng, nghĩa là Chúa đã phải vào một nơi chốn, một không gian khác với khi Ngài gặp quần chúng, để thực hiện một việc quan trọng khác thường.

- Ngài cũng đã ý thức về việc mình làm, đã có suy nghĩ chín chắn khi làm, qua việc gọi những kẻ Ngài muốn gọi.

- Rồi ngay khi vừa gọi, Ngài đã bắt đầu đặt biệt danh hay tên mới cho một số môn đệ, tức là bắt đầu đổi đời cho một số trong họ.

Chắc chắn Chúa coi việc chọn gọi hôm nay là một việc trọng đại. Và chắc chắn Ngài có một kỳ vọng cao xa về những người Ngài chọn hôm nay. Ngài muốn họ trở thành những Giêsu khác, những hiện thân của Ngài. Bởi vì Ngài đến trần gian là để khai trương một kỷ nguyên mới, gầy tạo một mẫu người mới, khác với mẫu người cũ kỹ của quá khứ. Mẫu người mới sẽ là những con người mới có lối sống khác, có bận tâm khác với người đời, có ưu tư duy nhất trong đầu trong tim là lo việc nước trời.

Bởi vì như đoạn thư Do Thái viết, chính Ngài là vị thượng tế khác với mọi tư tế cựu ước khác. Ngài đến thiết lập giao ước mới, hòan hảo hơn giao ước cũ, phế bỏ giao ước cũ và mang lại những hậu quả mới: người sống thời giao ước mới được khắc lề luật Thiên Chúa trong trí, được hiểu biết Thiên Chúa cách tự nhiên và sống nên dân xứng đáng của Thiên Chúa.

Dĩ nhiên nhóm 12 tông đồ là nhóm người được diễm phúc trong nhân loại. Nhưng diễm phúc ấy của họ không là sự độc quyền của họ mà là diễm phúc được chia sẻ cho các kẻ tin khác nữa. Nối gót các tông đồ, chúng ta cũng có thể nên môn đệ nghĩa thiết của Chúa Giêsu, nên bạn hữu thân tình của Ngài, nếu ta cũng nên giống Ngài, và sống theo tinh thần giao ước mới mà Ngài đã thiết lập. Chính việc chúng ta đang là Kitô hữu đã là bằng chứng về việc Chúa thương ta và đích thân gọi ta. Bởi lẽ không ai trong chúng ta đã tự mình vào đạo và chọn Chúa, trái lại chỉ một mình Chúa đã đoái thương nhìn đến ta và gọi ta, bởi vì Ngài muốn: Ngài muốn thương ta, Ngài muốn gọi ta. Ta hãy cảm tạ Ngài thiết tha và sốt mến đáp đền tình thương đi bước trước đó của Ngài.



THỨ BẢY

Dt 9,2 - 14; Mc 3, 20- 21

Thư Dothái tiếp tục đề cao Chúa Giêsu thượng tế. Ngài trỗi vượt hơn hàng tư tế trong thời Cựu ước. Trong khi các tư tế kia chỉ bước vào đền thờ bằng gỗ đá, chỉ dâng tiến máu dê bò thì Ngài hiến tế chính mình và được bước vào đền thờ cõi trời, mang lại ơn cứu rỗi và tẩy sạch lương tâm cho nhân loại. Ngài là vị Thượng tế đã thực hiện cuộc Vượt qua siêu vời, không phải chỉ là bước qua bức màn để vào nhà tạm ở gian thứ nhất hay là gian cực thánh của đền thờ Giêruslem, nhưng là bước ra khỏi thế gian để đến cùng Thiên Chúa qua việc chết hẳn cho con người xác thịt.

Cuộc Vượt qua đưa Chúa Giêsu lên địa vị Thượng tế cõi trời này đã hoàn tất trong cuộc khổ nạn của Ngài. Nhưng trong thực tế nó đã khởi sự từ lâu trước trong đời dương thế của Ngài. Từ rất sớm ngài đã tập chết đi cho thế gian, tập bước ra khỏi cõi thế. Theo sự gợi ý của đoạn Tin Mừng hôm nay, điều đó xảy ra ngay từ lúc đầu quãng đời hoạt động công khai của Ngài.

Trước hết, Ngài đã trở thành con người ra khỏi cái tôi, không còn sống cho mình nữa mà tận tụy sống cho ta. Ngày sống của Ngài từ sáng tới chiều bị thí cho quần chúng. Bất kỳ lúc nào họ ập đến, Ngài cũng sẵn sàng tiếp nhận và giúp đáp. Ngài để mình bị quấy rầy, bị sâu xé, đến nỗi chẳng còn giờ mà ăn uống. Ngài trở thành con người của mọi người, ở đâu người ta cũng đồn thổi về Ngài và tuốn đến với Ngài. Những tiếng vang về Ngài đần dần tới tai giới lãnh đạo ở Giêrusalem và tới tai cả những người nhà của Ngài nữa. những người anh em, bà con của Ngài cho Ngài là kẻ mất trí, theo nghĩa là kẻ phấn khởi cuồng nhiệt, có thể đi đến chỗ là làm những việc ngoại thường và động trời, nên họ tìm cách Ngài trở về làng. Đây là lúc Ngài sẽ có thái độ với chính họ hàng ruột thịt của mình. Ngài sẽ bước một bước mạnh hơn lần ở lại trong đền thờ khi lên mười hai tuổi, nghĩa là sẽ từ rẫy những liên hệ máu mủ và tự nhiên để gắn bó với một gia đình mới gồm những kẻ tin Ngài. Từ ít lâu nay, nhà của Ngài chẳng còn phải là "căn nhà Nazareth" khi trước hoặc nhà những người bà con nữa, mà là nhà của Phêrô - thầy trò cùng nhau về căn nhà ấy sau những chuyến ra đi hoạt động, như đoạn Tin Mừng vừa ghi chú. Những hành vi ấy của Ngài đều là những yếu tố kết dệt nên cuộc Vượt qua của Ngài, cuộc ra khỏi thế gian, chết cho thế gian để bước vào cõi trời.

Chính cuộc ra khỏi thế gian ấy đã làm cho Ngài trở nên vị Thượng tế cao cả và đã mang lại ơn cứu rỗi cho chúng ta. Do đó, Chúa Giêsu cũng khao khát được nhìn thấy chúng ta nối gót ngài trong cuộc Vượt qua cứu rỗi ấy. Ơn phúc của Ngài do thánh lễ mỗi ngày chính là phương thế Ngài muốn ta nhận lấy để ta ngày càng giết chết những gì là xác thịt và trần tục nơi ta, hầu ta được đến gần ngưỡng cửa thánh điện cõi trời và phần rỗi đời đời của ta.
Mới hơn Cũ hơn