Richard Ounsworth OP
Nhiều người Công giáo cảm thấy rất lo lắng về một số đoạn trong các Phúc âm dường như ám chỉ rằng, thay vì giữ gìn sự trinh khiết trọn đời sau khi sinh Chúa Giêsu, Đức Mẹ đã tiếp tục có thêm những người con - chắc chắn là con trai, nhưng có lẽ có cả con gái. Trong Marcô chương 3, và những đoạn tương tự như trong Matthêu và Luca, chúng ta đọc: “Mẹ và anh em của [Chúa Giêsu] đến, đứng ở ngoài, cho gọi Người ra. Lúc ấy, đám đông đang ngồi chung quanh Người, và họ nói với Người: "Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy! " (Mc 3,31).
Nổi tiếng là câu trả lời của Chúa Giêsu: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi? " Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: "Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi” (Mc 3,3-5). Chúng ta sẽ trở lại với câu trả lời này, nhưng rõ ràng nó có vẻ như mặc nhiên thừa nhận sự tồn tại của những người thực sự là anh em của Chúa Giêsu, như thể Ngài có một người mẹ phàm trần theo nghĩa đen. Và điều chắc chắn thú vị là không hề nhắc đến người cha nào.
Trong Phúc âm của Matthêu, quanh việc Chúa Giêsu bị từ chối tại hội đường ở quê nhà, chúng ta đọc thấy: “Người về quê, giảng dạy dân chúng trong hội đường của họ, khiến họ sửng sốt và nói: "Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế? Ông không phải là con bác thợ sao? Mẹ của ông không phải là bà Maria; anh em của ông không phải là các ông Giacôbê, Giuse, Simon và Giuđa sao? Và chị em của ông không phải đều là bà con lối xóm với chúng ta sao? Vậy bởi đâu ông ta được như thế? " (Mt 13,54-56).
Cách mà truyền thống Công giáo giải quyết cái gọi là khó khăn này – và tôi nghĩ đó cũng là cách đúng đắn – là chỉ ra rằng Kinh thánh rất thường xuyên sử dụng từ “anh em” (adelphos trong tiếng Hy Lạp của Tân Ước và trong bản dịch tiếng Hy Lạp của Cựu Ước) để chỉ những người không phải là anh em theo nghĩa đen. Trong Sáng thế 13,8, Abram nói với Lot rằng họ không nên tranh chấp nhau vì họ là anh em, trong khi thực tế họ là chú và cháu. Trong quyển 1 Sử Biên niên 23,21, từ “chị em” (adelphai) được sử dụng để chỉ về anh em họ.
Tiếng Do Thái, và ngôn ngữ Aramaic được nói ở Đất Thánh vào thời Chúa Kitô, không có từ nào để chỉ anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc anh em họ - các mối quan hệ kiểu thế này được bao hàm trong các từ "anh em" và "chị em". Vì vậy, "anh em và chị em" của Chúa Giêsu có thể dễ dàng là anh em họ của Ngài. Một trong số đó là Giacôbê, "anh em của Chúa", sau này trở thành người lãnh đạo của Giáo hội tại Giêrusalem thời gian sau Lễ Ngũ tuần, mặc dù dường như ngài không phải là một môn đệ trước Phục sinh. Phải thừa nhận rằng trong tiếng Hy Lạp có một từ hoàn toàn phù hợp để chỉ anh em họ (anepsios), nhưng không được sử dụng trong Tân Ước. Tuy nhiên, các tác giả Tin mừng có thể đã cố tình bắt chước phong cách mơ hồ hơn của phiên bản bằng tiếng Hy Lạp của Cựu Ước.
Có một truyền thống lâu đời trong các Kitô hữu Đông phương và bắt nguồn từ Protoevangelium ngụy thư của Giacôbê, cho rằng Thánh Giuse là một người đã lớn tuổi, góa vợ và có con riêng, vào thời điểm hứa hôn với Đức Maria. Trong trường hợp đó những người anh chị em này sẽ là anh chị em cùng cha khác mẹ của Chúa Giêsu. Cho dù họ là anh chị em cùng cha khác mẹ hay anh chị em họ, đời trước hay đời sau, nếu họ sống ở Nazareth thì hoàn toàn có thể Chúa Giêsu đã được họ nuôi nấng giữa họ, Đức Mẹ có thể là một trong số nhiều phụ nữ chăm sóc tất cả một cách không phân biệt, và việc gọi họ như là adelphoi (anh em) là điều hoàn toàn tự nhiên.
Các học giả Công giáo thường nêu thời điểm Chúa Giêsu giao phó Đức Mẹ cho Thánh Gioan chăm sóc (và có vẻ ngược lại) khi họ đứng dưới chân Thánh giá (Ga 19,26f). Nếu Đức Mẹ có những đứa con khác, thì cần gì phải làm như vậy? Mặc dù có thể lập luận rằng vào thời điểm đó, những người con giả định này dường như không phải là những người theo Chúa Giêsu, nhưng vẫn sẽ rất kỳ lạ nếu họ không đưa mẹ của mình về nhà.
Mấu chốt của câu chuyện giờ đây – ngoài việc chỉ kể cho chúng ta biết điều gì đã xảy ra – là để đảm bảo với chúng ta rằng chúng ta đã được nhận vào gia đình của Chúa Giêsu. Là những môn đệ yêu dấu của Ngài, giống như Thánh Gioan, chúng ta là con của Đức Maria và là anh chị em của Chúa Kitô – như chính Ngài đã hứa trong văn mạch mà tôi đề cập ban đầu. Chính vì vậy, ngay từ thuở sơ khai, Hội thánh sử dụng thuật ngữ “anh em” cho tất cả các Kitô hữu. Tư cách làm con độc nhất của Chúa Giêsu với Đức Maria được chia sẻ với chúng ta qua sự nhận làm con nuôi, giống như tư cách làm Con Thiên Chúa duy nhất của Ngài được chia sẻ với chúng ta qua việc chúng ta là chi thể trong Thân Mình của Ngài. Và với tư cách là các chi thể của thân thể Ngài, chúng ta chấp nhận truyền thống cổ xưa của Giáo hội rằng Chúa Giêsu Kitô là con tự nhiên của Đức Trinh Nữ Maria, và chỉ mình Ngài mà thôi.
G. Võ Tá Hoàng