Điều chúng ta tin, phần 13: Giáo hội sơ khai duy nhất



Joshua J. Whitfield

Nếu Giáo hội là duy nhất bởi được đặt nền tảng trên sự nên một của Ba Ngôi – như Gioan chương 17 gợi ra – vậy thì cho đến ngày nay Giáo hội vẫn phải luôn là một.

Điều này không chối bỏ thực tế về sự chia rẽ trong Kitô giáo. Nhưng thêm vào đó, nó càng có ý khẳng định về yếu tính của Giáo hội. Tôi đang bàn về một thực tại thần học, mà không nghi ngờ gì, rất có sức đánh động đối với các tín hữu đang lâm vào, quen thuộc với, và thậm chí bảo vệ cho những mối chia rẽ này. Đức Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha để những kẻ tin vào Ngài được nên một “như Chúng Ta là một” (Ga 17,11), đây là căn nguyên của ý niệm về việc Giáo hội là sự nên một của các môn đệ được bén rễ trong sự nên một của Ba Ngôi – trong tình yêu, niềm vui và vinh quang.

Nếu đúng như thế, chúng ta có thể nhận dạng được Giáo hội duy nhất này bên ngoài Tân ước. Chúng ta có thể lần theo dấu vết của sự nên một, điều làm nên Giáo hội, xuyên suốt dòng lịch sử. Đây là lý do giờ đây chúng ta cùng trở lại với các tác phẩm ngoài Kinh thánh, cụ thể là của các Giáo phụ.

Tuy nhiên, trước khi đến với các nguồn Giáo phụ này, thật hữu ích khi suy tư đôi chút về cách thức tốt nhất để khám phá Kitô giáo – hay ngược lại, về cách thức không phù hợp để làm điều này. Chẳng hạn, một trong những điều tệ hại nhất khi nghiên cứu Kitô giáo đó là đọc Kinh thánh như thể hai ngàn năm lịch sử của tôn giáo này chưa từng tồn tại. Điều này lập tức sẽ làm sai lệch sự hiểu biết về Kitô giáo của ai đó. Mấu chốt nằm ở việc cần nhận ra rằng, đức tin Kitô giáo không những được truyền đạt qua Kinh thánh hay sự soi sáng cá nhân, nhưng còn bởi nhiều phương tiện đa dạng và theo những cách thức khác nhau – bởi lịch sử, nghệ thuật, văn hóa, v.v… Để khám phá cả đức tin Kitô giáo lẫn Công giáo, cũng như Giáo hội một cách đúng đắn, người ta phải xem xét những hình thức đa dạng này bằng một cái nhìn toàn diện nhất có thể: Thánh truyền và các truyền thống của Giáo hội, các phong trào và các cuộc luận chiến, các thời kỳ thử thách và canh tân. Chỉ khi làm được điều này thì một người mới thực sự nhận ra Giáo hội và lần theo thực tại Kinh thánh về Giáo hội suốt dòng lịch sử. Thánh John Henry Newman từng viết: “Hiểu sâu về lịch sử là ngừng làm một người Tin lành” (Khảo luận về sự phát triển giáo thuyết Kitô giáo I.5). Điều ngài đề cập ở đây là sự cần thiết phải mở rộng phạm vi trong việc khám phá Kitô giáo để có được một sự nhận thức về Kitô giáo cách đích thật. Nhưng dĩ nhiên, như lời trích từ Newman gợi ra, hãy cẩn trọng vì điều đó sẽ làm bạn trở thành người Công giáo! Ân sủng và sự hiểu biết về Đức Giêsu vừa có tính trực tiếp theo nghĩa thiêng liêng lại vừa có tính trung gian. Tức là, đức tin Công giáo là đức tin được trao ban cho các kẻ tin trong Thánh Thần, qua Kinh thánh, nhưng lại có cả tính cách văn hóa nữa. Đây là lý do tại sao các vấn đề về truyền thống và lịch sử là chuyện hệ trọng, bởi vì chúng cũng giúp chuyển tải Đức tin.

Còn giờ hãy trở lại với hành trình khám phá của chúng ta. Giáo hội duy nhất từ sơ khai nằm ở đâu? Để tìm thấy nó, cách tốt nhất là thu thập lại một tuyển tập nhỏ các bản văn Giáo phụ, một “florilegium” [hợp tuyển] theo cách dùng thuật ngữ cổ. Nói cách khác, chúng ta có thể tìm thấy các Giáo phụ mô tả về Giáo hội đúng như Tân ước đã mô tả, nghĩa là sự nên một ở đó hay không? Một trong những nguồn sớm nhất có thể tìm kiếm là ở Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô của thánh Clêmentê thành Rôma. Thánh Clêmentê thường được xếp ở vị trí thứ tư trong danh sách các Giám mục Rôma – một danh sách dĩ nhiên bắt đầu với thánh Phêrô. Qua đời vào cuối thế kỷ thứ nhất, toàn bộ nội dung lá thư mang tên ngài đều xoay quanh sự nên một của Giáo hội. Lá thư bắt đầu bằng lời than trách về “sự rạn nứt đầy ghê tởm và báng bổ đối với sự hiệp nhất” (1Clêmentê 1). Viết cho anh em ở Côrintô, như Phaolô đã làm trước đây, ngài nài nỉ họ “quay lại tình trạng bình an đã được đặt để nơi chúng ta từ ban đầu”. Trong cùng một mạch văn, ngài mời gọi người đọc suy ngẫm về sự bình an của Thiên Chúa, thực hành kiên nhẫn để cộng đoàn có thể nên một, tránh khỏi “bất kỳ xích mích nào” (1Clêmentê 19). Bức thư kêu gọi cộng đoàn Côrintô, bị bủa vây bởi những mối bất hòa và sự lãnh đạo yếu kém, nỗ lực vì sự nên một như Tân ước đã đề ra. Điều mà Đức Giêsu và thánh Phaolô xem là quan trọng, thì đối với thánh Clêmentê cũng không hề khác.

Một thế kỷ sau đó, chúng ta gặp được thánh Irênê thành Lyon. Ngài là một nhà hộ giáo tiên phong của đức tin Công giáo – một đức tin chân chính, có tính chất chính thống – trong một thời đại đầy rẫy những cách giải thích đối chọi, khi những thiết định về đức tin và giáo huấn Kitô giáo chân chính còn rất nhiều điểm chưa rõ ràng. Vào thời gian đó, thánh Irênê đã giúp các Kitô hữu đứng vững trước những dòng chảy hỗn loạn ấy, và một trong những cách ngài thực hiện đó là nhắc cho họ nhớ điều làm nên yếu tính của Giáo hội. Ngài mô tả Giáo hội bằng các thuật ngữ không chỉ thuần túy mang tính lịch sử hay cơ cấu, mà còn cả chiều kích thiêng liêng và hữu cơ. Ngài viết, “Ở đâu có Giáo hội, ở đó có Thần khí Thiên Chúa”. Và “ở đâu có Thần khí Thiên Chúa, ở đó có Giáo hội”. Không dừng lại ở lịch sử và thể chế, thánh Irênê xem Giáo hội như là một thực tại có tính cách thiêng liêng ngay tự bản chất. Giống như Phaolô, ngài sử dụng hình tượng về thân thể. Ngài cho rằng, “Những ai không thông phần vào Người [Thánh Thần] thì cũng không được nuôi dưỡng trong sự sống kín múc từ dòng sữa mẹ, lại cũng không được vui hưởng suối nguồn tinh nguyên tuôn tràn từ thân thẩn Đức Kitô” (Chống Lạc thuyết 3.24.1). Thánh Irênê sử dụng những hình ảnh cụ thể, gần gũi và trực quan để mô tả không chỉ về bản tính của Giáo hội mà còn về ý nghĩa của việc thuộc về Giáo hội. Các kẻ tin thuộc về Giáo hội, không theo kiểu đăng ký làm thành viên một câu lạc bộ, nhưng như những người con thuộc về một người mẹ. Chúng ta được sinh ra trong Giáo hội. Hình ảnh Giáo hội như người mẹ đã có từ xa xưa. Thậm chí Đức Giêsu cũng dùng hình ảnh này ở cuối Tin mừng Matthêô khi Ngài tuyên bố Ngài những ước mong tập hợp con cái Giêrusalem như gà mẹ qui tụ gà con dưới cánh (Mt 23,27). Hình ảnh này có mục đích nhấn mạnh rằng Giáo hội không giống với các thể chế khác – những tổ chức thuần túy do con người tạo ra hoặc vận hành. Thay vào đó, Giáo hội là một sự hiệp thông có tính chất hữu cơ. Vì thế, cách mà chúng ta tương liên với Giáo hội thật khác biệt – có tính gắn kết tự nhiên và bí tích chứ không phải theo kiểu khế ước. Khi suy tư về Giáo hội, tiên vàn phải nghĩ về những thuật ngữ hữu cơ này: thân thể, hiền thê, mẹ hiền, nếu không chúng ta chẳng thể hiểu cách tường tận về Giáo hội.

Và theo một nghĩa nào đó, nếu thuộc về Giáo hội có tính gắn kết tự nhiên, vậy thì sự thuộc về này là điều thiết yếu. Để trở thành một Kitô hữu, người ta phải được sinh ra, vậy thì chúng ta phải được sinh ra bởi người mẹ nào đó, mà theo những hình ảnh Kinh thánh thì chính là mẹ Giáo hội, thân thể Đức Kitô. Điều đó cũng có nghĩa, các Kitô hữu chỉ có một người mẹ duy nhất. Logic của hình ảnh này nằm ở mối dây liên kết các kẻ tin thành một gia đình, một mối dây không chỉ có tính cách sinh học mà còn chứa đựng cả chiều kích dù thiêng liêng nhưng vẫn luôn cụ thể và hữu hình. Dựa vào lý lẽ này, các giáo phụ như thánh Cyprianô thành Carthagô, vị thánh giám mục, tử đạo từ thế kỷ thứ ba, đã đưa ra những tuyên bố cứng rắn. Ngài viết: “Ai quay lưng lại với Giáo hội sẽ không đạt được phần thưởng Đức Kitô: người đó là một kẻ xa lạ, một kẻ thuộc về thế gian, một kẻ thù”. “Bạn không thể có Thiên Chúa là Cha nếu không có Giáo hội là mẹ” (Về sự hiệp nhất của Giáo hội Công giáo 1.6).

Ngày nay, nhiều người hẳn cảm thấy chướng tai gai mắt với tuyên bố này vì nó đối nghịch với cảm thức cá nhân chủ nghĩa của thời đại chúng ta; đây là chuyện dễ hiểu. Tuy nhiên, cũng có đôi điều cần phải nói để bênh vực thánh Cyprianô. Đầu tiên, điều này được ngài, một vị tử đạo, viết ra trong những năm tháng bách hại khốc liệt, khi chuyện thuộc về Giáo hội là điều hết sức nguy hiểm. Riêng điểm này mà thôi – tôi luôn cho là vậy – đã đáng được tôn trọng. Đối với ngài, Kitô giáo không phải là một thú vui tiêu khiển như đối với nhiều người trong chúng ta hôm nay. Thứ nữa, thánh Cyprianô viết điều ấy trong thời điểm mà bởi sự bách hại, nhiều Kitô hữu đã chối bỏ Đức tin vì sợ hãi cái chết. Để tránh bị bách hại, tất cả những gì các Kitô hữu ấy cần làm là dâng ít hương tôn vinh các vị thần trên đồi Capitolinus rồi tiếp tục cuộc sống của mình, để cho sự trung thành tuyệt đối vào Đức Kitô mà họ đã tuyên xưng im hơi lặng tiếng trong chốc lát. Các Kitô hữu phân làm đôi ngã, và vấn đề phải làm gì đối với những tín hữu “sa ngã” này khiến Giáo hội chia rẽ làm hai, theo đúng nghĩa đen của từ này. Bách hại nhường chỗ cho ly giáo. Thánh Cyprianô - vì ưu tư về hiểm họa đối với phần rỗi linh hồn của mọi người, chứ không theo quan điểm dửng dưng đối sự chia rẽ Kitô giáo như chúng ta ngày nay – đã đưa ra những lời lẽ không khoan nhượng: “Bạn không thể có Thiên Chúa là Cha nếu không có Giáo hội là mẹ”. Đúng là nghe thật chói tai, nhưng nếu những gì chúng ta đang nói về Giáo hội là đúng, thì thánh Cyprianô còn có thể nói gì khác? Thánh Cyprianô không nói bằng những thuật ngữ có tính thể chế, quan liêu cứng nhắc, cũng không theo quan niệm hiện đại về sự lựa chọn hoặc kết nạp, nhưng giống như thánh Irênê, ngài bàn về Giáo hội dưới sự gắn kết tự nhiên. Ngài không đặt trọng tâm vào sự trung thành với thể chế nhưng là sự sinh ra và sự sống. Ngài tin rằng mọi người được sinh ra trong Giáo hội cách mầu nhiệm, chứ không đơn thuần gia nhập vào. Do đó, ngài cho rằng việc thuộc về Giáo hội là chuyện sống còn. Một người không thể từ bỏ Giáo hội rồi lại hy vọng tiếp tục tồn tại, cũng như một em bé không thể sinh tồn nếu không có sự dưỡng nuôi của mẹ mình. Nhiều người có thể không nghĩ về Kitô giáo hay về Giáo hội ngày nay theo kiểu này, nhưng đó là cách suy nghĩ của các Kitô hữu sơ thời, và nó cũng rất gần với quan điểm Kinh thánh. Với một số điều chỉnh, đây cũng là quan điểm của Công giáo đến tận hôm nay.

Lần theo hợp tuyển các Giáo phụ, giờ đây chúng ta cùng bước sang một vài thế kỷ tiếp theo để đến với thánh Augustinô, vị giám mục Bắc phi vĩ đại của thế kỷ thứ sáu. Trong tác phẩm Thành đô Thiên Chúa, thánh Augustinô làm vang vọng trở lại lời lẽ của Thư gửi tín hữu Dothái: “những vị bất tử và được chúc phúc” trên trời – tức các thiên thần – yêu thương chúng ta. Họ cảm thông với chúng ta, vì “mục đích của các ngài là vì sự bất tử và vinh phúc của chúng ta”. Và đó là lý do các thiên thần “cùng với chúng ta làm nên cùng một Thành đô Thiên Chúa”. Họ cũng thuộc về Giáo hội. “Một phần của Thành đô này – phần bao gồm chúng ta – đang trên đường lữ hành; phần còn lại – bao gồm các thiên thần – đang nâng đỡ chúng ta trên hành trình ấy” (Thành đô Thiên Chúa 10.17). Hãy nhớ lại kinh Thánh Thánh Thánh trong Thánh lễ. Hãy nhớ lại Giáo hội hoàn vũ. Một lần nữa, chúng ta không nói về một thể chế thuần túy nhân loại, một sự kiện xã hội tùy ngẫu nào đó, nhưng là Thành đô Thiên Chúa – là thân thể, hiền thê, mẹ hiền, là sự hiệp thông duy nhất sinh ra từ trong Thiên Chúa Ba Ngôi.

Nhưng dĩ nhiên sự nên một, sự hiệp thông này sẽ không đạt đến mức hoàn hảo trong đời sống này. Điều này không có ý muốn nói công cuộc đại kết Kitô giáo là điều không thể; đúng hơn, nó nhắc nhớ rằng, sự hiệp thông của Giáo hội duy nhất chỉ trở nên hoàn hảo trên thiên đàng. Nó cũng nhắc nhớ rằng, Giáo hội duy nhất mà chúng ta tìm kiếm xét cho cùng là công trình của Thiên Chúa chứ không phải của chúng ta. Thánh Augustinô thường suy tư về các cộng đoàn Kitô hữu theo ngôn ngữ của Công vụ Tông đồ 4,32: Giáo hội là những người cùng một lòng một ý. Ngài nghĩ về các các tu sĩ nam nữ theo cách thế ấy, cả các linh mục sống với ngài và các cặp đôi sống đời hôn nhân cũng vậy. Ngài viết: “Từ nhiều linh hồn, sẽ nảy sinh một thành đô của con người với chỉ một linh hồn và một trái tim hướng về Thiên Chúa”. Nhưng dĩ nhiên, “mối hiệp nhất của chúng ta chỉ tiến đến mức hoàn hảo sau cuộc lữ hành trần thế này”, khi mà cuối cùng, “không còn ai bất hòa với ai về bất cứ điều gì” (Về sự thiện hảo của hôn nhân 18.21). Đây quả là một suy tư tuyệt diệu – Giáo hội, một mối hiệp thông sống động trong bình an, đạt đến sự toàn hảo tối hậu trên thiên đàng. Đây chính là Giáo hội, thân thể Đức Kitô, hiền thê, mẹ hiền. Còn nhiều hình ảnh nữa mà chúng ta chưa đề cập đến, nhưng mỗi hình ảnh đều gợi lên cùng một chân lý. Giáo hội không thuần túy là một thể chế nhân loại, nhưng là sự hiệp thông, sự nên một của Cha và Con trong Thánh Thần. Đây là niềm tin Công giáo mà chúng ta tin.


Grêgôriô Võ Trần Nhựt chuyển ngữ 
Mới hơn Cũ hơn