Joshua J. Whitfield
Như một lẽ tự nhiên, bắt đầu với Đức Giêsu, rồi sau đó xem xét Tân ước cũng như một số bản văn tiêu biểu của Kitô giáo thời kỳ đầu, chúng ta đã phần nào đó đã phân định được yếu tính của Giáo hội. Giờ đây, chúng ta cùng tập trung vào việc khám phá Giáo hội ngày nay.
Nhưng trước hết, cần nhắc lại một số điểm toát yếu. Hãy nhớ rằng, Giáo hội là ecclesia, một cộng đoàn của các kẻ tin được kêu gọi. Yếu tính của cộng đoàn ấy nằm ở sự hiệp thông Ba Ngôi, được mở ra cho các kẻ tin trong Đức Giêsu Kitô; nhờ đức tin, họ chân nhận Ngài là Con Thiên Chúa nhập thể. Khi các kẻ tin sống trong Đức Giêsu thì Ngài cũng sống trong họ, đây là cách mà các kẻ tin, trong Đức Kitô, nhận thấy chính mình ở trong sự hiệp thông với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Đó là cách làm nên sự thánh thiện của Giáo hội.
Tuy nhiên, sự hiệp thông với Thiên Chúa cũng đồng thời là sự hiệp thông với những kẻ tin khác, với adelphoi [anh chị em], tất cả họ cùng chia sẻ với nhau một đức tin vào Đức Kitô. Sự hiệp thông ấy ngày một tăng trưởng nhờ lời rao giảng của các Tông đồ; chẳng hạn, điều mà Gioan đã thấy và đã nghe thì ngài đã loan báo cho anh em, tạo ra mối hiệp thông giữa những người ấy cả “với chúng tôi” và “với Chúa Cha” (1Ga 1,3), như ngài cho biết. Điều đó cho thấy sự hiệp thông của Giáo hội mang cả tính cách thần linh lẫn nhân loại, không chỉ thánh thiện nhưng còn công giáo và tông truyền. Giáo hội được xây dựng dựa trên lời rao giảng của các Tông đồ và mối hiệp thông với các ngài, cũng như bao gồm hết thảy các kẻ tin. Nhưng mối hiệp thông này cũng luôn lấy sự nên một làm đặc trưng, là điều trỗi vượt hơn cả tinh thần đồng đội [esprit de corps] thuần túy, hơn cả một hình thức ẩn dụ, như Đức Giêsu đã cầu nguyện trong Gioan chương 17. Đức Giêsu đã nói bằng thứ ngôn ngữ có tính cách đòi buộc thay vì một thứ hiệp nhất tư tưởng hay tình cảm; những kẻ bước theo Ngài phải trở nên một. Dĩ nhiên là cần phải bàn kỹ hơn về cách để Giáo hội duy trì sự nên một, nhưng chúng ta sẽ thực hiện khi tìm hiểu các bí tích cũng như chức vụ giáo hoàng.
Còn trước mắt, tất cả đều cho thấy rõ về một Giáo hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền [unam, sanctam, catholicam et apostolicam]. Dù chúng ta có nhìn nhận Giáo hội dưới góc độ lịch sử, xã hội, chính trị, bộ máy hành chính, thì đó vẫn là yếu tính của Giáo hội – một sự hiệp thông vừa thần linh vừa nhân loại. Đây là điểm quan trọng cần ghi nhớ, vì một số lý do. Trước hết, nó giúp ta nhớ rằng, Giáo hội, một cách huyền nhiệm, là điều gì đó bền vững và đẹp đẽ hơn so với những gì chúng ta quan sát thấy ở bất kỳ thời điểm nào. Khi không thể nhận ra vẻ đẹp của Giáo hội, điều này lại càng đáng ghi nhớ. Nó cũng quan trọng vì giúp chúng ta nhìn nhận lại những suy nghĩ đôi khi quá cá nhân về niềm tin Kitô giáo. Nó nhắc nhớ chúng ta rằng, lời Kinh của Chúa luôn cất lên hướng về “Cha chúng con” chứ không phải “Cha tôi”. Nó giúp chúng ta ghi tạc cách hiểu về đức tin Kitô giáo và sự thuộc về theo chiều hướng Kinh thánh nhiều hơn: theo hình ảnh Phaolô sử dụng, Giáo hội là thân thể Đức Kitô; hoặc theo cách dùng gợi lại sách Diễm ca trong Gioan, Giáo hội là hiền thê Đức Kitô. Như chúng ta sẽ thấy, còn rất nhiều hình ảnh nữa được dùng để diễn tả mối hiệp thông mầu nhiệm này, tuy nhiên chân lý nền tảng luôn giống nhau: Giáo hội là ecclesia, là thân mình và hiền thê của Đức Kitô, là một mối hiệp thông có nguồn gốc từ Thiên Chúa. Như diễn tả của Henri de Lubac, một thần học gia vĩ đại: “Giáo hội của Thiên Chúa chỉ có một: chỉ có duy nhất một Thân thể, một Hiền thê Đức Kitô, một đàn chiên dưới quyền một Chủ chăn duy nhất” (Mẫu tính của Giáo hội, 171). Đây là chân lý mà tôi đã cố gắng diễn tả một cách chậm rãi, chân lý về yếu tính của Giáo hội, điều vẫn tồn tại cho đến hôm nay, cũng là điều chúng ta sẽ phải ghi nhớ khi tiếp tục khám phá đạo Công giáo. Còn lúc này, nhiệm vụ của chúng ta chỉ đơn giản là khám phá yếu tính ấy trong hiện tại, trong Giáo hội ngày nay.
Vậy hãy lướt nhanh đến thời hiện đại. Để hiểu Giáo hội Công giáo ngày nay, người ta cần hiểu về Công đồng Vatican II – những gì đã diễn ra và ảnh hưởng còn để lại. Công đồng này được triệu tập bởi Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII vào ngày 25/01/1959 sau Thánh lễ tại Đền Thánh Phaolô Ngoại thành ở Rôma. Công đồng khai mạc ba năm sau đó, năm 1962 và bế mạc vào năm 1965. Đáng chú ý, thời điểm năm 1959, Đức Gioan XXIII đã triệu tập công đồng chỉ sau 10 tuần từ lúc ngài lên ngôi giáo hoàng, đây là một cú sốc không những cho Giáo hội mà còn cho cả thế giới. Chính Đức Gioan XXIII lúc bấy giờ đã là một bất ngờ. Khá lớn tuổi khi được bầu, nhiều người cho rằng ngài chỉ đơn thuần là vị “chuyển tiếp” trong khi chờ đợi một giáo hoàng trẻ trung hơn kế nhiệm. Ít ai có thể ngờ rằng, ngài lại làm nên những điều gây chấn động. Là con người ngập tràn niềm vui – khiêm nhường, khôi hài và thánh thiện, ngài từng thổ lộ rằng ý tưởng triệu tập một công đồng chung là điều đột ngột và bất ngờ. Và tin tức về công đồng không chỉ làm nhiều người phải sốc, nhưng còn làm biến đổi cả thế giới. Đó là một cuộc họp có tầm mức quan trọng to lớn đối với mọi Kitô hữu chứ không chỉ những người theo Công giáo Rôma; và cho dù bạn có biết đến nó hay không thì bạn cũng đã và đang chịu sự tác động của Vatican II.
Hiểu cách đơn giản, công đồng chung là một cuộc họp lớn của các giám mục và những thành viên khác trong Giáo hội, nó thuộc về một truyền thống lâu đời. Giáo hội đã nhóm họp các công đồng ngay từ những ngày đầu, kể từ sự kiện được gọi là Công đồng Giêrusalem trong chương 13 sách Công vụ Tông đồ. Khi ấy, vấn đề xoay quanh việc phải làm thế nào với những người thuộc dân ngoại gia nhập Giáo hội. Họ có cần giữ luật ăn kiêng của Do Thái giáo? Họ có phải chịu cắt bì? Chúng là những điểm gây tranh cãi nghiêm trọng, đưa đến những cuộc tranh luận căng thẳng. Mà thực ra, kể từ đó, Giáo hội vẫn không ngừng tranh luận, gặp mặt nhau – chính thức và không chính thức, quy mô lớn hoặc nhỏ, trong sự kiện được truyền thống gọi là các công đồng – để bàn cãi những điểm quan trọng về thần học hoặc kỷ luật, và đôi khi có cả những vấn đề khác. Chúng ta thừa hưởng rất nhiều thứ từ truyền thống này. Chẳng hạn, kinh Tin kính mà chúng ta đọc mỗi Chúa nhật là kết quả của hai công đồng – Công đồng Nicêa năm 325 và Công đồng Constantinốp năm 381. Giáo hội Công giáo gọi một số công đồng là công đồng chung [hay công đồng đại kết], nghĩa là chúng có liên hệ đến toàn thể Giáo hội. Các truyền thống khác nhau có cách tính số lượng công đồng chung khác nhau – một số chỉ thừa nhận bảy công đồng, số khác chỉ thừa nhận ba công đồng. Riêng Giáo hội Công giáo Rôma thừa nhận có 21 công đồng chung.
Khái quát mà nói, cho đến Vatican II, các công đồng chung được triệu tập là để ứng phó với tranh cãi nào đó về thần học hoặc kỷ luật. Chẳng hạn, Công đồng Nicêa được triệu tập để đáp trả tranh cãi gây ra bởi Ariô, một vị linh mục có tài hùng biện đến từ Alexandria ở Ai Cập, ông rao giảng khắp nơi rằng Đức Giêsu là một “thụ tạo”, rằng Ngài được “tạo thành”, được “dựng nên”, chứ không hoàn toàn là Thiên Chúa như Chúa Cha. Do đó, Giáo hội đã qui tụ tại Nicêa để phi bác Ariô. Và nếu bạn biết chút gì đó về lịch sử cuộc tranh cãi liên quan đến lạc thuyết Ariô, thì lắng nghe Tín biểu Nicêa cơ bản cũng giống như nghe Giáo hội khiển trách Ariô vậy. Chẳng hạn, khi tuyên bố “[Đức Giêsu] được sinh ra mà không phải được tạo thành”, thực ra Tín biểu đang chỉ trích thẳng mặt Ariô. Có thể chúng ta không còn nghe ra dụng ý ấy, nhưng các giám mục thế kỷ thứ tư chắc chắn là có. Công đồng Êphêsô vào thế kỷ thứ tư đáp trả Nestôriô, Công đồng Trentô vào thế kỷ XVI phản ứng lại nhóm Cải cách Tin lành, v.v… Còn về vấn đề kỷ luật, tại Nicêa, các nghị phụ công đồng ngăn cấm các giáo sĩ tự thiến – khá lạ thường nhưng đó lại là vấn đề hết sức nghiêm trọng thời bấy giờ!
Tuy nhiên, khi Đức Gioan XXIII triệu tập Công đồng Vatican II, thực ra chẳng ai thấy có bất kỳ vấn đề khẩn cấp nào. Chắc chắn là vào nửa đầu thế kỷ XX, có cả những mối căng thẳng gây kìm hãm lẫn kích thích đổi mới trong Giáo hội. Thế giới đương đại đang biến đổi chóng mặt, và có những bàn luận rất ý nghĩa trong lòng Giáo hội về cách ứng phó tốt nhất trước những biến chuyển ấy. Chẳng hạn, các thần học gia và giới lãnh đạo Công giáo ở Pháp muốn tiếp cận thế giới theo một cách hoàn toàn khác với những vị ở Ý. Thậm chí trước đó đã có những tiếng đồn về một công đồng khác dưới thời Đức Piô XII – vị giáo hoàng mà triều đại của ngài phản ánh rất rõ những mối căng thẳng sâu rộng đang diễn ra lúc bấy giờ – nhưng ý tưởng đó không lôi kéo được nhiều sự quan tâm. Nhìn chung các tín hữu Công giáo đều cảm thấy mọi chuyện ổn thỏa, hầu hết đều cho là vậy. Bấy kỳ mối căng thẳng nào còn tồn tại đều có thể được kiểm soát cách tốt đẹp bằng những phương cách thường thấy như tranh luận, phạt vạ và biện pháp chính trị theo kiểu cũ của Giáo hội. Vậy nên khi Đức Gioan XXIII triệu tập Công đồng vào năm 1959, hầu hết đều tự hỏi mục đích của việc này là gì. Đây là câu hỏi liên quan đến tinh thần [của Công đồng Vatican II], và thực tế, cho đến hôm nay điều đó vẫn còn gây thắc mắc. Chúng ta sẽ tìm hiểu thêm trong bài tiếp theo.
Grêgôriô Võ Trần Nhựt chuyển ngữ