Giáo hội chính thức thêm vào lịch phụng vụ lễ nhớ Thánh Têrêsa Calcutta, vào ngày 5 tháng 9 hàng năm.
Ngày 11 tháng 2 năm 2025, Tòa Thánh Vatican cho biết Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chính thức thêm vào lịch phụng vụ của Giáo hội Công giáo toàn cầu lễ nhớ Thánh Têrêsa Calcutta (Mẹ Têrêsa). Lễ này sẽ được cử hành vào ngày 5 tháng 9 hàng năm, kỷ niệm ngày mất của Mẹ Têrêsa vào năm 1997. Sắc lệnh được công bố bởi Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, do Đức Hồng Y Arthur Roche, ghi nhận một số yêu cầu từ các giám mục, linh mục, cộng đồng tu sĩ và giáo dân mong muốn có một ngày tưởng niệm chính thức dành cho Mẹ trong đời sống phụng vụ của Giáo hội.
Mẹ Têrêsa, tên thật là Anjeze Gonxhe Bojaxhiu, sinh năm 1910 tại Bắc Macedonia, rời quê hương khi còn trẻ để gia nhập dòng các Nữ tu Loreto tại Ireland. Sau đó, đến Ấn Độ, tại đây Mẹ được kêu gọi dấn thân phục vụ “những người nghèo nhất trong những người nghèo”. Rời khỏi nhà dòng, Mẹ Têrêsa ra đi trên các nẻo đường ở Calcutta và dấn thân phục vụ những người hấp hối, bị bỏ rơi và túng thiếu. Năm 1950, Mẹ thành lập Dòng Thừa Sai Bác Ái, cho đến nay vẫn phục vụ những người bị gạt ra ngoài lề xã hội tại hơn 130 quốc gia.
Trong sắc lệnh, Mẹ Têrêsa được mô tả là “người lao công không mệt mỏi của tình thương”, người đã mang lại phẩm giá cho những con người bị thế giới ruồng bỏ. Hình ảnh của Mẹ gắn liền với bài Tin Mừng Marcô: “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em”. Cuộc đời Mẹ được ví như người Samaritanô nhân hậu thời hiện đại, luôn hành động trước nỗi đau khổ không chỉ như một khái niệm trừu tượng, mà là một lời kêu gọi cá nhân. Mẹ là hiện thân của lòng thương xót, trở thành “muối” làm gia tăng hương vị của tình yêu và “ánh sáng” soi rọi bóng tối của sự đau khổ.
Một trong những động lực mạnh mẽ nhất của Mẹ Têrêsa chính là lời kêu gọi từ Chúa Giêsu trên thập giá: «Ta khát». Với Mẹ, đây không chỉ là sự khát khao thể chất mà còn là lời mời gọi yêu thương và hiện diện. Mọi hành động của Mẹ đều xuất phát từ mong muốn làm dịu «cơn khát» của Chúa qua việc phục vụ những người đau khổ nhất.
Việc thêm tên Mẹ Têrêsa vào lịch phụng vụ không chỉ tôn vinh một vị thánh, mà còn là lời mời gọi mọi tín hữu noi gương tình yêu thương và sự phục vụ khiêm nhường của Mẹ. Các bài đọc và lời nguyện trong Thánh Lễ và Giờ Kinh Phụng Vụ sẽ giúp mọi người suy ngẫm về cuộc đời phi thường của Mẹ, và nhấn mạnh bài học tình yêu đích thực được thể hiện rõ nhất qua việc phục vụ người khác.
Tầm ảnh hưởng của Mẹ Têrêsa vượt ra ngoài Giáo hội. Mẹ Têrêsa được trao giải Nobel Hòa bình năm 1979 nhưng từ chối tiệc vinh danh, yêu cầu dùng số tiền đó cho người nghèo tại Ấn Độ. Mẹ đã đến những nơi không ai dám bước vào, như các khu ổ chuột, những nơi dành cho người phong cùi hay bệnh nhân AIDS, và mạnh mẽ kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới chịu trách nhiệm trước những bất công xã hội.
Dòng Thừa Sai Bác Ái do Mẹ thành lập vẫn tiếp tục hiện diện ở những góc khuất của thế giới. Sau khi qua đời năm 1997, Mẹ Têrêsa được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong chân phước vào năm 2003 và được Đức Giáo Hoàng Phanxicô phong thánh năm 2016 trong Năm Thánh Lòng Thương Xót. Việc đưa Mẹ Têrêsa vào lịch phụng vụ là lời nhắc nhở rằng bài học lớn nhất của Mẹ — tình yêu, trong hình thức tinh khiết nhất, chính là phục vụ tha nhân — vẫn luôn cần thiết cho thế giới và cho mọi người.
G. Võ Tá Hoàng