Giáo lý Năm thánh, bài 6: Cuộc viếng thăm của các đạo sĩ



Bài Giáo lý Năm Thánh 2025 của Giáo Hoàng Phanxicô

GIÁO LÝ NĂM THÁNH - CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA

I. Thời thơ ấu của Chúa Giêsu.

Bài 6. "Họ thấy Hài Nhi… họ liền sấp mình xuống thờ lạy Người" (Mt 2, 11). Cuộc viếng thăm vị Vua mới sinh của các đạo sĩ

Anh chị em thân mến,

Trong các Tin Mừng thời thơ ấu của Chúa Giêsu, có một tình tiết, chính xác là trình thuật của Tin Mừng Mátthêu: cuộc viếng thăm của các Đạo sĩ. Bị thu hút bởi sự xuất hiện của một ngôi sao, mà trong nhiều nền văn hóa nó được coi là điềm báo về sự ra đời của những con người phi thường, một số nhà thông thái đã lên đường từ phương Đông, mà không biết chính xác đích đến của họ. Đó là các Đạo sĩ, những người không thuộc về dân của giao ước.

Lần trước, chúng ta đã nói về các mục đồng Bêlem, những người bị gạt ra ngoài lề xã hội Do Thái vì họ bị coi là “ô uế”; hôm nay chúng ta gặp một hạng người khác, những người ngoại quốc, họ lập tức đến để bày tỏ lòng tôn kính Con Thiên Chúa, Đấng đã bước vào lịch sử với một vương quyền hoàn toàn mới mẻ. Như vậy, các sách Tin Mừng nói rõ với chúng ta rằng những người nghèo và người ngoại quốc là những người đầu tiên được mời gặp gỡ Thiên Chúa nơi một đứa trẻ, là Đấng Cứu Thế.

Các Đạo sĩ được xem là đại diện cho các chủng tộc nguyên thủy, được sinh ra từ ba người con trai của ông Nôe, cũng như ba lục địa được biết đến trong thời cổ đại: Á châu, Phi châu và Âu châu, và ba giai đoạn của cuộc đời con người: tuổi trẻ, tuổi trưởng thành và tuổi già. Vượt lên trên mọi cách giải thích có thể, thì họ là những người không đứng yên, nhưng như những nhân vật vĩ đại được kêu gọi trong lịch sử Kinh Thánh, họ cảm thấy lời mời gọi thúc giục họ di chuyển, lên đường. Họ là những người biết nhìn xa hơn bản thân, biết hướng tầm mắt lên cao.

Sự hấp dẫn của ngôi sao xuất hiện trên bầu trời đã thúc đẩy họ lên đường tiến về miền đất Giuđa, đến tận Giêrusalem, nơi họ gặp vua Hêrôđê. Sự ngây thơ và tin tưởng của họ khi hỏi thông tin về vị vua mới sinh của người Do Thái đã va phải sự xảo quyệt của Hêrôđê, người đang hoang mang sợ mất ngai vàng, liền tìm cách làm sáng tỏ sự việc, bằng cách liên lạc với các kinh sư và yêu cầu họ điều tra.

Như vậy, quyền lực của vị vua trần gian bộc lộ tất cả sự yếu nhược của nó. Các nhà thông luật biết Kinh Thánh và tâu cho vua biết nơi mà theo lời tiên tri Mica, vị lãnh đạo và mục tử của dân Israel sẽ được sinh ra (Mi 5, 1): Bêlem nhỏ bé chứ không phải Giêrusalem vĩ đại! Thật vậy, như Thánh Phaolô nhắc nhở người Côrintô, “những gì thế gian coi là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ bệ những kẻ hùng mạnh” (1Cr 1, 27).

Tuy nhiên, các kinh sư, những người biết chính xác nơi sinh của Đấng Mêsia, chỉ đường cho người khác nhưng chính họ lại không di chuyển! Thật vậy, chỉ hiểu biết các bản văn tiên tri thôi thì chưa đủ để hòa nhịp với các tần số thần thiêng, cần phải để cho Lời Chúa đào sâu tâm can và khơi dậy lòng khao khát tìm kiếm, thắp lên ước muốn được nhìn thấy Thiên Chúa.

Lúc này, Hêrôđê, một cách bí mật, như những kẻ lừa dối và bạo lực vẫn làm, hỏi các Đạo sĩ về thời điểm chính xác ngôi sao xuất hiện và thúc giục họ tiếp tục cuộc hành trình và sau đó trở lại báo tin cho ông, để ông cũng có thể đến thờ lạy Hài Nhi. Đối với những ai bám víu vào quyền lực, Chúa Giêsu không phải là niềm hy vọng cần đón nhận, mà là một mối đe dọa cần phải loại bỏ!

Khi các Đạo sĩ ra đi, ngôi sao lại xuất hiện và dẫn họ đến tận nơi Chúa Giêsu, dấu chỉ cho thấy thụ tạo và lời tiên tri là bảng chữ cái mà Thiên Chúa dùng để nói và để cho con người tìm thấy Ngài. Việc nhìn thấy ngôi sao đã khơi dậy trong những người này một niềm vui khôn tả, bởi vì Chúa Thánh Thần, Đấng thúc đẩy trái tim của bất cứ ai tìm kiếm Thiên Chúa với lòng thành, cũng đổ đầy niềm vui trong họ. Khi vào nhà, các Đạo sĩ đã sấp mình xuống, thờ lạy Chúa Giêsu và dâng lên Người những món quà quý giá, xứng với một vị vua, xứng với Thiên Chúa. Tại sao? Họ thấy gì? Một tác giả cổ xưa đã viết: họ thấy “một thân xác bé nhỏ hèn mọn mà Ngôi Lời đã mặc lấy; nhưng vinh quang của thần tính không hề bị che khuất khỏi họ. Người ta thấy một hài nhi; nhưng họ thờ lạy Thiên Chúa” (Cromazio di Aquileia, Bài giảng Tin Mừng theo Thánh Mátthêu 5, 1). Như vậy, các Đạo sĩ trở thành những tín hữu đầu tiên giữa dân ngoại, hình ảnh của Giáo Hội được quy tụ từ mọi ngôn ngữ và quốc gia.

Anh chị em thân mến, chúng ta cũng hãy học hỏi nơi trường học của các Đạo sĩ, những “lữ khách của niềm hy vọng” này, những người với lòng dũng cảm lớn lao, đã hướng bước chân, trái tim và của cải của họ về Đấng là niềm hy vọng không chỉ của Israel mà của tất cả các dân tộc. Chúng ta hãy học cách thờ lạy Thiên Chúa trong sự nhỏ bé của Người, trong vương quyền của Người, một vương quyền không áp bức nhưng giải phóng và làm cho chúng ta có khả năng phục vụ với phẩm giá. Và chúng ta hãy dâng lên Người những món quà đẹp nhất, để bày tỏ đức tin và tình yêu của chúng ta đối với Người.

G. Võ Tá Hoàng

Mới hơn Cũ hơn