Joshua J. Whitfield
Đâu là phạm vi và công việc mà Công đồng Vatican II thực hiện? “Điều diễn ra tại Vatican II”, một cuốn sách tuyệt vời của John W. O’Malley đã nhận định rằng, công đồng này “rất có thể là cuộc họp lớn nhất trong lịch sử thế giới” (tr.18). Bởi đó, thật hữu ích việc dành ra chút thời gian để nắm bắt quy mô to lớn và phạm vi sâu rộng của nó. Trong lịch sử Kitô giáo, chưa từng có một sự kiện nào như vậy.
Vatican II được khai mạc vào ngày 11/10/1962, và bế mạc vào ngày 8/12/1965. Công đồng đã nhóm họp 4 khóa, mỗi khóa dài khoảng 10 tuần trong các mùa thu liên tiếp, chưa kể hàng loạt các phiên họp và làm việc công khai. Các giám mục và những nhà lãnh đạo tôn giáo tham dự công đồng đã quy tụ lại từ khắp thế giới để thảo luận và bỏ phiếu trong các phiên họp chính thức, thường là về các vấn đề trước đó đã được các thần học gia và hàng giáo phẩm cấp cao tranh luận trong các bài diễn thuyết, các tài liệu làm việc và những cuộc trao đổi ở hậu trường. Đó là một tiến trình lâu dài, phức tạp, lắm khi hỗn loạn và kịch tính. Yves Congar, vị thần học gia lớn có tiếng nói và ảnh hưởng suốt thời gian công đồng, đã viết trong nhật ký của mình ngay khi sự kiện này bắt đầu rằng, rõ ràng là công đồng “không có phương pháp làm việc”. Ngài cũng viết: “Chúng ta đang mất phương hướng”.
Nhìn từ góc độ nào đó, công đồng này thể hiện bộ mặt tẻ nhạt nhất trong cách Giáo hội vận hành. Thế nhưng Giáo hội cũng là sự hòa quyện giữa yếu tố phàm trần và thánh thiêng, và Congar đã nhiều lần lặp đi lặp lại khía cạnh huyền nhiệm ấy. Ngài viết: “Tôi nhận thấy Công đồng luôn trải qua những giai đoạn của bóng tối và ánh sáng. Tôi tin vào Chúa Thánh Thần. Ngài hành động qua con người” (Nhật ký Công đồng, 10/11/1962; 26/11/1962).
Như Congar đã làm rõ và chúng ta từng đề cập, khi suy tư về Công đồng Vatican II, người ta không được xem nó chỉ như một biến cố đơn lẻ nào đó giữa lịch sử, nhưng là công trình của Thần Khí. Dẫu Công đồng là một nỗ lực đậm nét con người và đôi khi còn bất toàn, nhưng đó cũng là nỗ lực của Giáo hội. Nhớ về DNA của Giáo hội, điều mà Gioan chương 17 đề cập, sẽ giúp cho chúng ta hiểu rõ về Vatican II. Đức Giêsu hứa ban cho các môn đệ của Ngài – cả những môn đệ hôm nay – sức mạnh của vinh quang và tình yêu. Như thế, cuộc quy tụ này của Giáo hội trước hết là một cuộc quy tụ thiêng liêng; và do đó, để có thể thấu hiểu, người ta phải nhìn nhận Công đồng dưới chiều kích thiêng liêng.
Nhưng cách cụ thể, Công đồng này bàn thảo về điều gì? Dù có tin được hay không thì qua Hồng y Tardini, Quốc vụ khanh Tòa thánh, Đức Gioan XXIII đã gửi đi một bản câu hỏi tham khảo. Hồng y Tardini viết: “Đức Thánh cha khả kính muốn lắng nghe ý kiến hoặc quan điểm… của quý Đức cha”. Bởi vì không có một vấn đề nào được xem là khẩn cấp để giải quyết, Hồng y Tardini cần những đề xuất của các Giám mục “để chuẩn bị các đề tài sẽ được thảo luận tại công đồng”. Các Giám mục được mời gọi phản hồi “với tinh thần hoàn toàn tự do và chân thành”. Cánh cửa đã mở toang để thảo luận bất kỳ vấn đề nào, và thực tế, Rôma đã nhận về cả núi tài liệu từ bản khảo sát này – 2.598 ý kiến được hỏi, và 1.998 phản hồi. Một số Giám mục trả lời trong vỏn vẹn một trang giấy, nhưng nhiều vị khác gửi về những tập tài liệu dày như sách. Gần khoảng 3.000 lời mời đã được gửi đi khắp thế giới. Các giám mục, hàng giáo phẩm cấp cao và các nhà lãnh đạo tôn giáo khác đến từ 116 quốc gia đã về tham dự. Châu Âu và châu Mỹ chiếm 70% trong số này. Phần lớn kinh phí tổ chức sự kiện được người Mỹ tài trợ. Nếu có một công đồng chung được triệu tập ngày nay, hẳn nhiên là cơ cấu thành phần tham dự sẽ hoàn toàn khác. Karl Rahner, vị thần học gia người Đức có ảnh hưởng rõ nét tại công đồng, từng nói rằng, tại Vatican II, cuối cùng thì Giáo hội đã trở thành một “Giáo hội Hoàn cầu” (Karl Rahner, “Hồi ức”, 89). Mỗi khóa họp có khoảng 2.400 nghị phụ tham dự; tổng số có 2.860 người các nghị phụ góp mặt tại Vatican II. So với những con số này, chỉ có 750 vị tham dự Vatican I, còn Công đồng Trentô chỉ có từ 29 đến hơn 200 vị tham dự tùy từng giai đoạn. Khi Vatican II diễn ra, có thể có tới 5.000 đến 10.000 người ở Rôma chỉ để làm các công tác hỗ trợ cho công đồng. Suốt thời gian ấy, Rôma trở thành một nơi đầy hối hả và náo nhiệt. Vương cung Thánh đường thánh Phêrô biến thành một diễn đàn quy mô hơn bất kỳ mọi nghị viện và quốc hội. Thậm chí có cả một quầy bar nằm ở gian giữa ngay sau các dãy ghế họp được gọi là Bar Jonah!
Có 3 “dự thính viên” giáo dân đã phát biểu tại công đồng, và dù có 15 phụ nữ làm việc trong tư cách dự thính viên, không ai trong số họ lên tiếng nói. Trong số các chuyên viên thần học hiện diện – gọi là periti – nhiều vị là những thần học gia vĩ đại nhất của thế hệ bấy giờ, thậm chí của cả thế kỷ. Một vị peritus như vậy là Đức Joseph Ratzinger, Giáo hoàng Bênêđictô XVI tương lai. Thêm nữa, còn có những thần học gia như Yves Congar, người được nhắc đến đầu bài viết, dù chưa bao giờ chính thức được công nhận là peritus, cùng với Henri de Lubac và Karl Rahner. Nhiều thần học gia lớn đã đóng góp khối óc, con tim và tiếng nói qua việc soạn thảo kỹ lưỡng nhiều tài liệu cho công đồng.
Công đồng này là sự kiện có tính thu hút toàn cầu, 1.000 thẻ tác nghiệp báo chí được cấp. Tin tức về các khóa họp xuất hiện ở các trang nhất – có thể kể đến loạt bài của Francis Murphy trên tờ New Yorker với bút danh Xavier Rynne. Trong số các quan sát viên ngoài Công giáo có cả các thần học gia Tin lành và các nhà lãnh đạo đến từ khắp nơi trên thế giới. Cố giáo sư Geoffrey Wainwright, một nhà thần học hệ thống của giáo hội Giám lý [Methodist] và là thầy của tôi tại Đại học Duke, là một quan sát viên. Các thần học gia Tin lành khác như Albert Outler từ Đại học Southern Methodist và Oscar Cullman cũng là các quan sát viên. Sự hiện diện của họ có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt đối với Đức Gioan XXIII. Có một giai thoại minh họa cho điều này. Theo phong cách tổ chức điển hình của Công giáo Rôma, tại một phiên họp, các quan sát viên Tin lành được mời ngồi vào một góc khuất sau cột. Tại sao? Dĩ nhiên thôi, bởi họ là người Tin lành. Tuy nhiên, khi Đức Gioan XXIII phát hiện, ngài cho dừng mọi việc và đưa tất cả các quan sát viên Tin lành lên hàng đầu, dành cho họ những ghế ngồi trang trọng nhất. Về sau, khi một quan sát viên Tin lành nói với Đức Gioan XXIII: “Giờ tôi mới thấy tại sao có một Giáo hoàng lại là chuyện tốt!”, ngài đã trả lời: “Còn với tôi, Công đồng giờ mới thực sự bắt đầu!”. Một lần nữa, hãy nhớ việc ngài triệu tập công đồng vào ngày 25/1, thời điểm kết thúc Tuần Bát nhật Hiệp nhất Kitô giáo trước đây. Ngài hoàn toàn ý thức điều mình đang làm!
Về mặt lý thuyết mà nói, thành quả của Vatican II là một lượng lớn văn kiện – hơn 3.000 trang văn bản bằng tiếng Latin. Những văn kiện này được phân loại thành 4 hiến chế, 9 sắc lệnh và 3 tuyên ngôn. Các hiến chế mang tầm mức quan trọng nhất, tiếp đến là các sắc lệnh và sau nữa mới là các tuyên ngôn. Tuy nhiên, một khi đã được ban hành, mỗi văn kiện lại có một sức sống của riêng mình. Một số văn kiện rõ ràng bị xem là xưa cũ – thật đáng quan tâm, nhưng nó là thành quả của thời đại bấy giờ. Một số lại là những bản văn thần học tuyệt diệu nhất trong thế kỷ XX. Với riêng cá nhân tôi, những văn kiện này đã giúp tôi khám phá về đạo công giáo, bởi chúng khắc họa một đức tin và một Giáo hội mà tôi cảm thấy thật tươi đẹp và trọn vẹn từ góc độ Kinh thánh. Những mô tả về Giáo hội trong Lumen Gentium (Hiến chế tín lý về Giáo hội) và Unitatis Redintegratio (Sắc lệnh về Đại kết) đọng sâu cảm xúc trong tôi. Sacrosanctum Concilium (Hiến chế về Phụng vụ thánh), bằng sự sáng rõ giàu tính Kinh thánh, giúp tôi hiểu tỏ tường về ý nghĩa của việc các Kitô hữu chúng ta quy tụ cùng nhau để thờ phượng Thiên Chúa. Dei Verbum (Hiến chế tín lý về Mặc khải Thiên Chúa) giúp tôi thông suốt mối tương quan giữa Kinh thánh và truyền thống. Còn hiến chế cuối cùng, Gaudium et Spes (Hiến chế mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay) – một bản văn gây nhiều tranh cãi thời bấy giờ và ngay cả với một số người thời nay – diễn đạt tốt nhất có thể mối tương quan vừa căng thẳng vừa có tính sáng tạo [giữa Giáo hội và thế giới] lúc bấy giờ.
Dĩ nhiên, những văn kiện vừa nhắc chỉ là một số trong các bản văn của công đồng, và chúng đáng được chúng ta quan tâm hơn nữa. Tuy nhiên, ngay lúc này, cần nhớ rằng, để hiểu về điều mà chúng ta tin trong tư cách là những người Công giáo, và để hiểu về Giáo hội, chúng ta phải khám phá và hiểu được Vatican II, bởi Công đồng này là sự thể hiện sống động của đạo Công giáo trong thời đại chúng ta.
Grêgôriô Võ Trần Nhựt chuyển ngữ