12 câu nói then chốt định hình 12 năm triều đại giáo hoàng Phanxicô




Kristina Millare

Trong suốt 12 năm giáo hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có nhiều bài diễn văn, bài nói chuyện, và tuyên bố, đồng thời ngài đã viết nhiều thông điệp và tông huấn nhấn mạnh các chủ đề về niềm hy vọng, lòng thương xót, lòng trắc ẩn và niềm vui.

Lời của ngài thường tập trung vào phẩm giá của người nghèo, người di cư, người tị nạn và người cao tuổi cũng như tầm quan trọng của hôn nhân, đời sống gia đình và việc chăm sóc môi trường. Bằng việc cổ vũ "tính hiệp hành”, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng kêu gọi một Giáo hội biết lắng nghe và cùng nhau bước đi.

Dưới đây là tuyển tập những câu nói phản ánh tầm nhìn của Đức Thánh Cha Phanxicô về một thế giới giàu lòng trắc ẩn hơn và lấy Chúa Kitô làm trung tâm hơn.

1. Niềm hy vọng

Trong thông điệp đầu tiên Lumen Fidei (Ánh Sáng Đức Tin), Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng đức tin vào Chúa Giêsu Kitô giúp người tín hữu sống trọn vẹn đời sống với “đôi cánh của niềm hy vọng”.

Khuyến khích mọi người quay về với Thiên Chúa, Đức Thánh Cha đã khai mở Năm Thánh Hy Vọng 2025 qua Tông thư Spes Non Confundit (Niềm Hy Vọng Không Thất Vọng): "Niềm hy vọng Kitô giáo không lừa dối hay gây thất vọng vì nó đặt nền trên sự chắc chắn rằng không có gì và không một ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa… Cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu là trái tim đức tin của chúng ta và là nền tảng niềm hy vọng của chúng ta”.

2. Lòng Thương Xót

Đức Thánh Cha Phanxicô thường nói rằng phong cách của Thiên Chúa là "gần gũi, thương xót và dịu dàng”.

Đúng hai năm trước khi bế mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót, Đức Thánh Cha đã viết Tông huấn đầu tiên của ngài, Evangelii Gaudium (Niềm Vui Tin Mừng), vào Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ năm 2013: "“Tôi muốn lặp lại điều này: Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi trong việc tha thứ cho chúng ta; chính chúng ta mới là những người mệt mỏi trong việc tìm kiếm lòng thương xót của Người… Bao lần Người đã vác chúng ta trên vai. Không ai có thể tước đoạt phẩm giá được ban cho chúng ta bởi tình yêu vô biên và không bao giờ cạn của Người”.

3. Niềm vui

Là vị giáo hoàng đầu tiên trong lịch sử phê bình "những người mặt ủ mày chau" trong một văn kiện giáo hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc lại tầm quan trọng Phúc Âm của niềm vui, hoa quả của Chúa Thánh Thần, trong Evangelii Gaudium.

Trong sứ điệp gửi những người tham dự hội nghị chuyên đề "Nên Thánh Ngày Nay" năm 2022 của Bộ Tuyên Thánh, ngài nói: “Không có niềm vui ấy, đức tin trở thành một gánh nặng ngột ngạt và u ám; các thánh không phải là những người u sầu, nhưng là những người có trái tim vui tươi, rộng mở trước niềm hy vọng… Chân phước Carlo Acutis là mẫu gương sống động về niềm vui Kitô giáo cho giới trẻ. Và niềm vui ‘trọn hảo’ đầy nghịch lý của Thánh Phanxicô Assisi vẫn luôn đánh động chúng ta”.

4. Tình yêu đối với người nghèo

Việc chọn danh hiệu "Phanxicô" để tôn vinh Thánh Phanxicô Assisi là một dấu hiệu mạnh mẽ cho thế giới thấy rằng Đức Thánh Cha mong muốn một “Giáo hội nghèo và cho người nghèo!”

Với khát khao cháy bỏng muốn tình yêu của Chúa Giêsu Kitô chạm đến các vùng ngoại biên của thế giới, vị giáo hoàng người Argentina nhấn mạnh rằng người nghèo là những người loan báo Tin Mừng đích thực và không được làm ngơ.

Trong chuyến tông du đến Philippines năm 2015 nhân Năm Người Nghèo của đất nước này, Đức Thánh Cha đã hỏi các bạn trẻ: "Các con, những người sống bằng cách luôn cho đi, và nghĩ rằng mình không cần gì cả, các con có nhận ra rằng chính mình cũng nghèo khó không? Các con có nhận ra rằng mình rất nghèo và cần những gì họ có thể trao tặng không? Các con có để cho mình được người nghèo, người bệnh, những người các con trợ giúp loan báo Tin Mừng không?"

5. Người di cư và người tị nạn

Người di cư, người phải rời bỏ quê hương, người tị nạn và nạn nhân của nạn buôn người luôn giữ một vị trí đặc biệt trong trái tim của vị giáo hoàng Dòng Tên.

Năm 2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thiết lập Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện của Vatican và kêu gọi người Công giáo trên toàn thế giới vào năm 2020, qua Thông điệp Fratelli Tutti (Tất cả là anh em), hãy mở rộng vòng tay đón nhận những người bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, bách hại, nghèo đói và thiên tai.

Trong Sứ điệp Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn năm 2018, ngài nói: "Chúa ủy thác cho tình yêu hiền mẫu của Giáo hội mọi người buộc phải rời bỏ quê hương để tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn… Về vấn đề này, tôi muốn tái khẳng định rằng ‘phản ứng chung của chúng ta có thể được diễn tả bằng bốn động từ: tiếp đón, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập.’”

6. Môi trường và Biến đổi Khí hậu

Đức Thánh Cha Phanxicô đã phát biểu tại các diễn đàn Công giáo và thế tục về những tác động bất lợi của "văn hóa vứt bỏ" được duy trì bởi việc trục lợi vô lương tâm và chủ nghĩa tiêu dùng tràn lan.

Sau khi viết hai văn kiện quan trọng – bao gồm cả Laudate Deum (Hãy Ngợi Khen Thiên Chúa) – dành riêng cho việc chăm sóc thụ tạo của Thiên Chúa, ngài đã viết trong Laudato Si' (Ngợi Khen Chúa) vào năm 2015: "Chúng ta phải nhận ra rằng phương pháp sinh thái đích thực luôn dẫn tới một phương pháp xã hội; nghĩa là cần tích hợp các câu hỏi về công lý trong những cuộc thảo luận về môi trường, để chúng ta có thể lắng nghe tiếng kêu của trái đất và tiếng kêu của người nghèo”.

7. Thú cưng và con người

Đức Thánh Cha tin tưởng mạnh mẽ rằng thú cưng không bao giờ nên thay thế con cái.

Trong bài phát biểu năm 2023 tại Hội nghị về Tình hình Sinh sản Chung được tổ chức ở Ý, Đức Thánh Cha đã kể lại một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi: "Tôi chào người phụ nữ, bà ấy mở một cái túi và nói: 'Xin cha chúc lành cho nó, con của con?' Một con chó!"

"Lúc đó tôi không còn chút kiên nhẫn nào... 'Thưa bà, nhiều trẻ em đang đói khổ, còn bà thì ở đây với một con chó!' Anh chị em thân mến, đây là thực tại hôm nay, và nếu cứ tiếp diễn như thế, nó sẽ trở thành thói quen của tương lai: hãy cẩn trọng!”.

8. Hôn nhân và Đời sống Gia đình

Trong số nhiều lời khuyên thực tế đầy khôn ngoan cho các gia đình – bao gồm cả lời khuyên các bà mẹ "ngừng ủi áo sơ mi" cho con trai để chúng sớm kết hôn – Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với các cặp vợ chồng mới cưới vào năm 2016 rằng những từ: "Xin phép?", "Cám ơn”, và "Xin lỗi" là chìa khóa để duy trì sự bình an trong gia đình.

"Luôn có những vấn đề và tranh cãi trong đời sống hôn nhân”, Đức Thánh Cha nói. "Việc vợ chồng cãi nhau và lớn tiếng là bình thường; họ gây gổ, và thậm chí ném cả đĩa! Vì vậy, đừng sợ hãi khi điều đó xảy ra. Tôi xin cho các bạn một lời khuyên: Đừng bao giờ kết thúc một ngày mà không làm hòa”.

9. Giới trẻ và người cao tuổi

Được biết đến như "người ông của các trẻ em" tại Nhà thờ Thánh Gia ở Gaza, Đức Thánh Cha Phanxicô thường sử dụng các buổi tiếp kiến chung hàng tuần của mình để truyền đạt sự gần gũi thiêng liêng với cả giới trẻ và người cao tuổi.

Khi Đức Thánh Cha thiết lập Ngày Thế giới Ông Bà và Người Cao tuổi giữa đại dịch COVID-19 vào năm 2021, ngài nói: "Tương lai của thế giới phụ thuộc vào giao ước giữa người trẻ và người già. Ai có thể chấp cánh những giấc mơ của người già và biến chúng thành hiện thực nếu không phải là người trẻ? Tuy nhiên, để điều này xảy ra, cần phải tiếp tục mơ ước”.

"Những giấc mơ của chúng ta về công lý, hòa bình, tình liên đới có thể giúp những người trẻ của chúng ta có những tầm nhìn mới; bằng cách này, chúng ta có thể cùng nhau xây dựng tương lai”, Đức Thánh Cha nói.

10. Hiệp Hành

Vị giáo hoàng người Argentina thường nói rằng ngài thích một Giáo hội đi ra ngay cả khi "bị bầm dập, tổn thương và nhơ bẩn vì đã ra đường”.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh các linh mục phải là những mục tử "mang mùi chiên”, thúc giục các tu sĩ nam nữ thánh hiến mang "ánh sáng của Thiên Chúa đến cho những người nam nữ thời đại chúng ta”, và kêu gọi giáo dân "mang sự mới mẻ và niềm vui của Tin Mừng đến bất cứ nơi nào anh chị em hiện diện”.

Thúc giục tất cả các tín hữu Công giáo học cách lắng nghe và cùng nhau bước đi như một Giáo hội truyền giáo duy nhất, Đức Thánh Cha đã nói khi bế mạc phiên họp Thượng Hội đồng Giám mục về Tính Hiệp hành năm 2024 tại Vatican: "Tất cả, tất cả, tất cả!” Không ai bị bỏ rơi bên ngoài: tất cả mọi người… Việc của chúng ta là khuếch đại âm thanh của lời thì thầm này, không bao giờ cản trở nó; mở rộng các cánh cửa, không bao giờ xây những bức tường”.

"Biết bao nhiêu thiệt hại mà những người nam nữ trong Giáo hội gây ra khi họ xây những bức tường, biết bao nhiêu thiệt hại! Mọi người đều được chào đón, mọi người, mọi người!" ngài nói.

11. Lòng đạo đức bình dân: Đức Mẹ, Thánh Giuse và Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Đức Thánh Cha Phanxicô được biết đến là người yêu mến đức tin đơn sơ và lòng sùng mộ của dân chúng. Lòng yêu mến như trẻ thơ của chính ngài đối với Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, và Thánh Giuse đã hiển nhiên đối với hàng triệu người.

Tuy nhiên, niềm tin của Đức Thánh Cha vào sức mạnh của lòng đạo đức bình dân đã đạt đến đỉnh cao trong thông điệp cuối cùng và dài của ngài, Dilexit Nos (Người Đã Yêu Thương Chúng Ta), trong đó ngài viết: " Ngọn lửa tình yêu của Thánh Tâm Chúa Giêsu cũng lan tỏa qua tầm vươn ra của sứ mạng Giáo hội, nhằm công bố sứ điệp về tình yêu của Thiên Chúa được mặc khải nơi Chúa Kitô.… Khi chúng ta chiêm ngắm Thánh Tâm, sứ vụ trở thành vấn đề của tình yêu”.

12. Ẩm thực

Vị giáo hoàng người Mỹ Latinh đầu tiên của Giáo hội hiểu tầm quan trọng việc nuôi dưỡng thể chất và tinh thần.

Bên cạnh việc chia sẻ những bài học rút ra từ bộ phim yêu thích của ngài, "Babette's Feast" (Bữa tiệc của Babette), Đức Thánh Cha luôn nói với những người cùng ngài đọc Kinh Truyền Tin Chúa Nhật rằng "Chúc mọi người bữa trưa ngon miệng!"

Trong Dilexit Nos, Đức Thánh Cha nhấn mạnh tầm quan trọng của truyền thống ẩm thực đối với đời sống gia đình khi ngài viết:

"Trong thời đại trí tuệ nhân tạo này, chúng ta không thể quên rằng thi ca và tình yêu thật cần thiết để cứu nhân loại chúng ta. Sẽ không có thuật toán nào nắm bắt được, chẳng hạn, nỗi hoài vọng mà tất cả chúng ta đều cảm thấy, bất kể tuổi tác và bất kể ta đang sống ở đâu, khi chúng ta nhớ lại lần đầu tiên mình dùng một cái nĩa để dán mép vỏ những chiếc bánh nhân mà ta giúp mẹ hay bà của mình làm ở nhà.

G. Võ Tá Hoàng
Mới hơn Cũ hơn