Dưới lớp vỏ ngôn ngữ khô khan, lạnh lùng của nhiều tầng lớp xã hội vẫn luôn tồn tại một thứ ngôn ngữ khác, ngôn ngữ của sự sống. Đó là lời nói ấm áp như dòng suối mát, là cử chỉ yêu thương như vòng tay ôm ấp, nơi những số phận của con người được trân trọng, được cứu vớt và rồi lại lan tỏa thành nguồn mạch của lòng tốt.
Câu chuyện về cuộc đời của Lamine cùng các bạn tại trung tâm Kayros đem lại cho chúng ta một bài học thật quý giá về lòng trắc ẩn và sẽ mãi lan tỏa như đóa hoa mang hương vị dịu dàng.
Mười ba tuổi, Lamine rời bỏ mảnh đất Senegal nắng gió, mang trong tim khát vọng về một tương lai tươi sáng, một nhân phẩm được tôn trọng. Hành trình của cậu bé ấy đầy những khó khăn, gập ghềnh qua Mali, Burkina Faso, Niger, để rồi đặt chân đến nơi mà người ta gọi là địa ngục trần gian: Libya. Tại đó, cậu bị tước đoạt tự do, trở thành nô lệ không hơn không kém. "Nếu bạn chưa từng trải qua hai năm như tôi, bạn không thể hiểu nó kinh khủng thế nào", Lamine nghẹn ngào nhớ lại.
Nhưng thử thách chưa dừng lại ở đó. Để thoát khỏi xiềng xích áp bức, Lamine phải vượt qua biển Địa Trung Hải mênh mông và nguy hiểm. Trên chiếc thuyền mong manh chòng chành giữa sóng dữ, cuối cùng cậu đặt chân lên đất Ý, nằm trong số những "trẻ vị thành niên nước ngoài không có người lớn đi kèm”. Cậu có một cái tên, có một câu chuyện đầy gian truân, và một tương lai đang chờ được dựng xây. May mắn thay, cậu tìm thấy mái ấm mới trong Cộng đồng Kayros của cha Claudio Burgio tại Vimodrone. Nơi ấy, cậu không chỉ được chào đón bằng tấm lòng rộng mở mà còn được gọi bằng một cái tên đầy trân trọng: "người hùng".
Vì sao lại là người hùng? Hãy để chính Lamine kể lại: "Một ngày nọ, trên đường đi làm, tôi đi ngang qua một ngôi nhà bốc cháy. Người cứu hộ chưa đến. Đám đông đứng đó, nhưng chỉ để quay video. Trên tầng hai, có người tuyệt vọng kêu cứu. Tôi và một người bạn lao lên, cứu được bốn người và một con chó". Đó có phải là hành động anh hùng? "Không, đó là chuyện bình thường thôi", Lamine cười. "Khi tôi lênh đênh trên biển, có người đã cứu tôi. Giờ đây, tôi biết mình cũng phải cứu người khác".
Thiện lành nối tiếp thiện lành, như một vòng tròn lan tỏa. Đó là cách duy nhất để đẩy lùi bóng tối của cái ác. Và đó cũng chính là thông điệp sâu sắc từ câu chuyện của Lamine. Một thông điệp được lan tỏa mạnh mẽ qua những lời kể chân thật khác, được chia sẻ trong một buổi tối ấm áp thứ Hai, ngày 17 tháng Ba, bởi những thành viên của Cộng đồng Kayros – một tổ chức mà suốt 25 năm qua dang rộng vòng tay chào đón những thanh thiếu niên lầm lỡ, giúp họ tìm lại lẽ sống và tái sinh cuộc đời. Buổi gặp gỡ này là một phần sáng kiến của Đức Tổng Giám Delpini - Milano nằm trong khuôn khổ Năm Thánh 2025, khuyến khích các bạn trẻ trở thành những "người hành hương của hy vọng".
Daniel Zaccaro là một minh chứng sống động cho điều đó. Anh đã tìm thấy một cuộc đời mới ở Kayros, hoàn thành chương trình đại học và trở thành một nhà giáo dục đầy tâm huyết. Bilal, một chàng trai 18 tuổi, rời Maroc khi mới 14 tuổi, lang bạt qua Tây Ban Nha, Pháp, Hà Lan, rồi cuối cùng đến Ý. Tuổi trẻ của anh từng chìm trong tội lỗi, ma túy và những vụ trộm cắp. Nhưng ở Kayros, anh cảm nhận được sự khác biệt: "Ở đây, bạn được tự do và được mọi người đón nhận. Những người bạn ở đây có thể cùng nhau xây dựng một tương lai tốt đẹp”.
Luca, trong một khoảnh khắc tuyệt vọng tột cùng, đã gửi một tin nhắn cầu cứu đến Daniel Zaccaro: "Nếu anh không giúp tôi, tôi sẽ phải vào tù hoặc chết mất”. Giờ đây, Luca đã tìm thấy sự đồng hành và biết rằng mình không còn đơn độc trên con đường phía trước. Endryw, 19 tuổi, đã nhìn thấy tia sáng đầu tiên của hy vọng ngay trong bóng tối của nhà tù: "Ở đó, tôi gặp Bryan, người bây giờ cũng đang ở Kayros. Chúng tôi trở thành bạn thân của nhau. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng từ cùng một nỗi đau, một điều đẹp đẽ như tình bạn lại có thể nảy sinh”.
Kayros không xây dựng trên những luật lệ cứng nhắc, mà dựa trên nền tảng của những mối quan hệ chân thành. "Luật lệ chỉ đến sau, và chúng tôi cùng nhau xây dựng nên chúng”, Daniel chia sẻ. "Những chàng trai tìm đến đây từng bị cuốn hút bởi những điều xấu xa. Nhưng chúng tôi tin rằng cái thiện cũng có một sức hấp dẫn mạnh mẽ không kém”.
Những người sáng lập Kayros – Giusy Re và cha Burgio – cũng cởi mở chia sẻ những tâm huyết của mình. "Tôi đã gặp rất nhiều bạn trẻ, và tôi vẫn đang tiếp tục trưởng thành cùng với họ”, Giusy nói với ánh mắt đầy trìu mến. Còn cha Burgio, người đồng thời cũng là tuyên úy tại trại giam thiếu niên Beccaria, chân thành bộc bạch: "Trải nghiệm này giúp tôi trở thành một linh mục có đức tin vững vàng hơn, và giúp tôi chấp nhận, hòa giải với những giới hạn của chính mình”.
Buổi tối hôm ấy là một không gian của những trái tim rộng mở, nơi những câu hỏi được đặt ra một cách chân thật và không hề giấu giếm. Willy, một chàng trai trẻ, nhìn thẳng vào mắt Đức Tổng Giám mục và hỏi một câu hỏi mà có lẽ nhiều người cũng đang trăn trở: "Thưa Đức Tổng, Chúa có thực sự tồn tại không? Làm sao con có thể tin vào Ngài, làm sao có thể giữ vững đức tin, khi cuộc sống này đầy rẫy những bất hạnh và khổ đau?"
Câu trả lời của Đức Tổng không phải là một lời trấn an sáo rỗng, mà là một lời mời gọi đầy ý nghĩa: Hãy từ bỏ hình ảnh về một "Thiên Chúa của những giải pháp tạm thời, đã cứu chúng ta khỏi các vấn đề một cách kỳ diệu". Thay vào đó "hãy vun đắp tình bạn với Chúa Giêsu”. Bởi vì Ngài chính là hiện thân của một Thiên Chúa đã gánh lấy thập giá, mời gọi chúng ta cùng bước đi trên con đường ấy, và yêu thương chúng ta vô điều kiện, ngay cả khi chúng ta còn đầy những khiếm khuyết. "Không ai có thể tự cứu lấy mình, nhưng chúng ta được cứu rỗi cùng nhau”.
Đó là bài học mà Lamine và những "người hành hương của hy vọng" ở Kayros đã học được trên hành trình đầy gian nan của họ. Và đó cũng là lời mời gọi dành cho tất cả chúng ta – hãy khám phá sức mạnh của tình yêu thương và sự sẻ chia, giữa những vết thương lòng, giữa những khó khăn của cuộc đời, nhưng luôn tin tưởng vào vòng tay bao dung của Chúa.
G. Võ Tá Hoàng
Theo avvenire