Vào tối Thứ Sáu Tuần Thánh, ngày 18 tháng 4 năm 2025, trong khung cảnh linh thiêng tại đấu trường Colosseum cổ kính, hàng ngàn tín hữu đã quy tụ để tham dự nghi thức Đàng Thánh Giá truyền thống. Dù không thể hiện diện trực tiếp vì tình trạng sức khỏe, Đức Thánh Cha Phanxicô đã để lại dấu ấn sâu sắc qua những suy niệm mà ngài soạn thảo cho 14 chặng Đàng Thánh Giá năm nay.
Đây là năm thứ ba liên tiếp Đức Thánh Cha không thể tham dự trực tiếp nghi thức Đàng Thánh Giá tại Colosseum. Tuy nhiên, ngài đã chuẩn bị những bài suy niệm, phản ánh về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu và mời gọi tín hữu suy ngẫm về những thách đố của thế giới hiện đại. Ngài nhấn mạnh đến "kế hoạch của Thiên Chúa" – một kế hoạch không loại trừ, không nghiền nát, trái ngược với thế giới ngày nay dựa trên "tính toán và thuật toán, lý trí lạnh lùng và lợi ích không khoan nhượng". Ngài lưu ý rằng nền kế hoạch thần thiêng này “khiêm tốn, trung thành với trần gian” và đi theo “con đường của các Mối Phúc” là con đường “không nghiền nát, nhưng vun trồng, chữa lành và bảo vệ”.
Nghi thức bắt đầu lúc 21 giờ 15 phút (giờ địa phương), do Đức Hồng y Baldassare Reina, Đại diện Giáo hoàng tại Giáo phận Rôma, chủ sự. Thay mặt Đức Thánh Cha, Đức Hồng y mang Thánh Giá trong chặng đầu tiên. Sau đó, Thánh Giá được chuyển qua tay các nhóm đại diện cho nhiều thành phần trong Giáo hội và xã hội: giới trẻ, tình nguyện viên Caritas, gia đình, người khuyết tật, di dân, nhân viên y tế, giáo lý viên và tình nguyện viên Năm Thánh.
Đức Thánh Cha mô tả Đàng Thánh Giá là “lời cầu nguyện của những người trên đường lữ hành”, một lời nguyện “phá vỡ thói quen thường ngày của chúng ta”, để dẫn từ “sự mệt mỏi đến niềm vui”. Các bài suy niệm của ngài nhấn mạnh rằng con đường đau khổ của Chúa Kitô tượng trưng cho “một sự thay đổi hướng đi và thay đổi nhịp độ — một sự hoán cải khôi phục niềm vui và đưa chúng ta trở về nhà”.
Trong lời mở đầu ngài viết: "Con đường lên đồi Canvê đi qua những con đường chúng ta bước đi mỗi ngày. Thường thì, lạy Chúa, chúng con đi ngược chiều, và có thể chính vì thế mà chúng con gặp được Ngài, nhìn thấy khuôn mặt Ngài, gặp ánh mắt Ngài".
Nhấn mạnh đến sự yếu đuối của con người và lòng thương xót của Thiên Chúa
Trong chặng thứ bảy, khi Chúa Giêsu ngã lần thứ hai, Đức Thánh Cha suy niệm: "Ngã xuống và đứng dậy, đó là cách Ngài dạy chúng con sống cuộc phiêu lưu của đời người." Ngài nhấn mạnh rằng con người "không phải là sản phẩm hàng loạt mà là tác phẩm thủ công: mỗi người là một kho báu độc đáo, sự kết hợp giữa ân sủng và trách nhiệm".
Tại chặng thứ mười, khi Chúa Giêsu bị lột áo, ĐTC viết: "Ngài là Tân Lang để cho mình bị bắt và chạm đến, biến mọi sự thành điều tốt lành... Ngài biết từng người chúng con, để cứu tất cả chúng con: mọi người, từng người một."
Nghi thức kết thúc với lời cầu nguyện của Thánh Phanxicô Assisi: "Lạy Thiên Chúa Tối Cao và vinh hiển, xin chiếu ánh sáng vào bóng tối trong lòng con. Xin ban cho con đức tin ngay chính, niềm hy vọng vững vàng, đức ái hoàn hảo và lòng khiêm nhường sâu sắc".
Tình trạng sức khỏe của Đức Thánh Cha
Dù không thể tham dự trực tiếp, Đức Thánh Cha vẫn tiếp tục thực hiện một số hoạt động mục vụ. Ngài đã đến thăm Nhà tù Regina Caeli ở Rôma vào Thứ Năm Tuần Thánh, gặp gỡ khoảng 70 tù nhân. Tuy không thực hiện nghi thức rửa chân truyền thống do sức khỏe, nhưng ngài muốn hiện diện và "làm điều Chúa Giêsu đã làm vào Thứ Năm Tuần Thánh".
Hiện tại, Đức Thánh Cha đang hồi phục sau 38 ngày điều trị viêm phổi tại Bệnh viện Gemelli. Ngài đang dần giảm sự phụ thuộc vào liệu pháp oxy và tiếp tục các liệu pháp phục hồi chức năng. Việc ngài có thể tham dự Thánh lễ Phục Sinh và ban phép lành "Urbi et Orbi" vẫn chưa được xác định.
G. Võ Tá Hoàng