Khi một vị Giáo hoàng nhắm mắt lìa đời, cả thế giới dường như lặng đi. Đức Giáo hoàng Phanxicô, vị Giáo hoàng của lòng thương xót, vừa ra đi, thế giới không chỉ tiễn biệt một nhân vật, nhưng là tiễn biệt một dấu chỉ sống động về lòng nhân hậu của Thiên Chúa.
Cuộc đời ngài, từ những ngày tháng thơ ấu ở Buenos Aires cho đến ngai tòa Phêrô, và giờ đây trong giấc ngủ an bình của kẻ được cứu chuộc, là một hành trình chìm đắm trong đại dương lòng thương xót. Và chính lòng thương xót ấy, một lần nữa, ôm lấy ngài khi bước qua ngưỡng cửa vĩnh hằng.
1. Ơn gọi khởi đầu: được chọn trong lòng thương xót
Jorge Mario Bergoglio sinh ra trong một gia đình di dân Ý nghèo khó ở Argentina. Tuổi thơ của ngài đầy những dấu ấn về sự đơn sơ, tinh thần lao động, và một đức tin sống động trong khung cảnh đời thường.
Trong một lần xưng tội, cậu thanh niên Jorge đã có một kinh nghiệm thiêng liêng sâu sắc về lòng thương xót. Trong sổ tay riêng, ngài viết: “Tôi cảm nhận rằng mình được ai đó chờ đợi. Người ấy không xét đoán tôi, nhưng ôm lấy tôi”. Chính kinh nghiệm cá nhân đó đã trở thành hạt giống ơn gọi, đưa ngài bước vào Dòng Tên, không phải để trở thành một người trí thức cao ngạo, mà để trở thành một khí cụ nhỏ bé trong bàn tay Thiên Chúa nhân hậu.
2. Mục tử giữa những vùng ngoại vi
Trong suốt thời gian làm linh mục, Giám mục, và Hồng y, Đức Phanxicô luôn sống gần với người nghèo, những kẻ bị bỏ rơi, những ai "bên lề" xã hội. Ngài không chọn con đường danh vọng hay quyền lực. Ngài chọn những khu phố ổ chuột, những bệnh viện tâm thần, những trẻ em đường phố, như chính Chúa Giêsu xưa kia.
Một lần, khi được hỏi lý do tại sao ngài hay đi bộ một mình trong những khu vực nguy hiểm, ngài chỉ mỉm cười: - “Để lòng thương xót của Chúa có thể đi trước tôi.”
Cả cuộc đời ngài là một lời đáp trả với lòng thương xót: đi ra ngoài, lắng nghe, chạm vào vết thương của nhân loại, không sợ dơ bẩn, không sợ bị hiểu lầm.
3. Giáo hoàng của lòng thương xót
Khi được bầu làm Giáo hoàng ngày 13/3/2013, Đức Phanxicô đã chọn khẩu hiệu:
"Miserando atque eligendo" – “Ngài đã nhìn tôi bằng ánh mắt thương xót và tuyển chọn tôi”.
Ngay từ những giờ phút đầu tiên, ngài đã bày tỏ một phong cách hoàn toàn khác: Không đứng trên ngai cao, mà xin dân Chúa cầu nguyện cho mình trước. Không mặc lễ phục lộng lẫy, mà vẫn giữ chiếc áo trắng giản dị. Không đóng khung Giáo hoàng trong cung điện, mà đưa Giáo hoàng ra với phố chợ của nhân loại.
Năm 2015, ngài công bố Năm Thánh Lòng Thương Xót (2015-2016), với Cửa Thánh được mở không chỉ ở Vatican mà trên toàn thế giới – tại những nhà tù, bệnh viện, trại tị nạn, xóm nghèo.
Ngài viết trong tông sắc Misericordiae Vultus: “Chúng ta được mời gọi mang lấy lòng thương xót, để trở thành lòng thương xót. Người ta cần những chứng nhân biết ôm lấy vết thương của anh chị em mình”.
Đức Phanxicô không chỉ giảng về lòng thương xót. Ngài sống lòng thương xót bằng những hành động rất cụ thể: rửa chân cho tù nhân, ôm hôn người bệnh cùi, thăm viếng những vùng chiến tranh. Ngài không tìm cách chinh phục bằng lý luận, mà bằng ánh mắt biết xót thương.
4. Người thợ vá lại tấm áo rách
Giáo hội đầu thế kỷ XXI đầy thương tích: lạm dụng, chia rẽ, giáo sĩ trị, thờ ơ với người nghèo...
Đức Phanxicô nhìn thấy tất cả. Nhưng thay vì lên án, ngài bắt đầu bằng lòng thương xót.
Ngài cải tổ Giáo triều Roma không chỉ bằng luật lệ, mà bằng tinh thần phục vụ.
Ngài cổ võ một Giáo hội hiệp hành, một Giáo hội biết lắng nghe trước khi lên tiếng.
Ngài đưa ra những cải cách mạnh mẽ chống lại nạn lạm dụng, kêu gọi "không che đậy, không bao che", vì chỉ có sự thật mới đem lại chữa lành.
Trong tâm thư gửi Hội nghị thế giới về giáo sĩ năm 2023, ngài viết:
“Chúng ta không được sợ nước mắt của Giáo hội. Những vết thương là dấu chỉ rằng Giáo hội vẫn còn sống, vẫn còn biết yêu thương”.
Chỉ ai đã từng nhận được lòng thương xót sâu xa mới có thể yêu Giáo hội bị thương tích như thế.
5. Di ngôn đơn sơ nhất “đừng quên cầu nguyện cho tôi”
Giây phút cuối cùng của Đức Phanxicô, như truyền thông đưa tin, diễn ra rất nhẹ nhàng, không đau đớn, không gây náo động cho mọi người. Một cái chết âm thầm, khiêm tốn phù hợp với tính cách của một vị giáo hoàng như ngài.
Trong các bài chia sẻ ngài thường kết thúc bằng việc kêu mời mọi người đừng quên cầu nguyện cho mình. Đó chính là một di ngôn đơn sơ: xin mọi người cầu nguyện cho ngài, nhớ đến ngài như "một người được Chúa xót thương".
Cái chết của Đức Phanxicô không phải là kết thúc. Đó là cửa ngõ đi vào sự viên mãn của lòng thương xót – nơi mà ngài đã tin tưởng, rao giảng, và sống từng ngày.
6. Di sản của một người con lòng thương xót
Di sản lớn nhất Đức Phanxicô để lại không phải là những văn kiện đồ sộ, dù chúng rất quý giá (Evangelii Gaudium, Laudato Si', Fratelli Tutti...).
Di sản của ngài chính là một con đường: Con đường của lòng thương xót.
Một Giáo hội:
Không khép kín nhưng "đi ra", gặp gỡ thế giới.
Không chỉ nói về công lý, mà còn dám tha thứ.
Không xây dựng trên sức mạnh, mà trên sự yếu đuối được cứu độ.
Ngài đã nhắc đi nhắc lại:
“Tôi mơ một Giáo hội như bệnh viện dã chiến, sẵn sàng băng bó mọi vết thương cho con cái mình, bất chấp sự hy sinh và mệt nhọc và đau khổ đến đâu chăng nữa”
Và đó cũng chính là mơ ước cuối đời của ngài: một nhân loại biết thương xót hơn, một Giáo hội biết cúi mình hơn.
Lạy Chúa Giêsu giàu lòng thương xót,
Chúa đã chọn Đức Phanxicô làm người cha hiền của chúng con trong thời đại đầy thương tích này.
Chúng con tạ ơn Chúa vì cuộc đời của ngài – một cuộc đời nhỏ bé nhưng rực rỡ ánh sáng lòng thương xót.
Xin Chúa thương đón nhận ngài vào vòng tay Cha, như một người con đã chiến đấu xong trận chiến tốt lành, đã giữ vững đức tin và đã rao giảng lòng Chúa yêu thương cho muôn dân.
Xin cho Giáo hội tiếp tục hành trình lòng thương xót mà ngài đã khai mở.
Xin cho mỗi người chúng con cũng biết sống, biết yêu, biết tha thứ như ngài.
Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa!
Amen.
G. Võ Tá Hoàng