Bài giáo lý Năm Thánh 2025 của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Giáo lý Năm Thánh 2025 - Chúa Giêsu Kitô, niềm hy vọng của chúng ta.
II. Cuộc đời Chúa Giêsu. Các cuộc gặp gỡ
4. Người thanh niên giàu có. "Người nhìn anh ta và đem lòng yêu mến" (Mc 10,21)
Anh chị em thân mến,
Hôm nay chúng ta quan sát một cuộc gặp gỡ khác của Chúa Giêsu, được các sách Tin Mừng thuật lại. Tuy nhiên, lần này, người được gặp lại không có tên. Thánh sử Marcô chỉ đơn giản giới thiệu anh ta là “một người” (10,17). Anh ta là người đã tuân giữ các điều răn từ thời niên thiếu, dù vậy, anh ta vẫn chưa tìm thấy ý nghĩa cuộc đời mình. Anh ta đang tìm kiếm điều đó. Có lẽ anh là người chưa thực sự đưa ra quyết định dứt khoát, dù bề ngoài tỏ ra là một người tận tâm. Thật vậy, vượt trên những việc chúng ta làm, những hy sinh và thành công của chúng ta, điều thực sự quan trọng để được hạnh phúc là những gì chúng ta mang trong lòng. Nếu một con tàu phải nhổ neo rời bến cảng để ra khơi, nó có thể là một con tàu tuyệt vời, với một thủy thủ đoàn xuất sắc, nhưng nếu nó không kéo lên những vật dằn và neo đang giữ chặt nó, nó sẽ không bao giờ khởi hành được. Người này đã đóng cho mình một con tàu sang trọng, nhưng lại bị mắc kẹt trong bến cảng!
Khi Chúa Giêsu đang đi trên đường, người này chạy đến, quỳ gối trước mặt Người và hỏi: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” (Mc 10,17). Hãy chú ý đến các động từ: “tôi phải làm gì để có được sự sống đời đời”. Vì việc tuân giữ Lề Luật không mang lại cho anh hạnh phúc và sự bảo đảm được cứu độ, nên anh tìm đến Thầy Giêsu. Điều đáng chú ý là người này không biết đến ngôn ngữ của sự cho không! Với anh ấy, mọi thứ dường như là bổn phận phải có. Mọi thứ đều là nghĩa vụ. Sự sống đời đời đối với anh là một gia sản, một thứ có được nhờ quyền lợi, qua việc tuân giữ tỉ mỉ các bổn phận. Nhưng trong một cuộc sống được sống theo cách này, dù chắc chắn là vì mục đích tốt, tình yêu có thể có chỗ đứng nào?
Như mọi khi, Chúa Giêsu nhìn xa hơn vẻ bề ngoài. Trong khi một mặt người này trình bày cho Chúa Giêsu bản lý lịch tốt đẹp của mình, thì Chúa Giêsu lại nhìn xa hơn và nhìn vào bên trong. Động từ mà thánh Marcô sử dụng rất có ý nghĩa: “đưa mắt nhìn anh ta” (c. 21). Chính vì Chúa Giêsu nhìn xuyên thấu tâm hồn mỗi người chúng ta, nên Người yêu thương chúng ta như con người thật của chúng ta. Thật sự, Người đã nhìn thấy điều gì bên trong con người này? Chúa Giêsu nhìn thấy gì khi Người nhìn vào trong sâu thẳm của mỗi người chúng ta và yêu thương chúng ta, bất chấp những sự xao lãng và tội lỗi của chúng ta? Người thấy sự yếu đuối của chúng ta, Người cũng thấy cả khao khát được yêu thương như chính con người mình.
Tin Mừng nói, khi nhìn anh ta, Người “đem lòng yêu mến” (c. 21). Chúa Giêsu yêu thương người này cả trước khi Người ngỏ lời mời gọi đi theo Người. Người yêu thương anh như chính con người anh. Tình yêu của Chúa Giêsu là nhưng không: hoàn toàn trái ngược với logic công trạng đã ám ảnh người này. Chúng ta thực sự hạnh phúc khi nhận ra mình được yêu thương theo cách đó, một cách nhưng không, nhờ ân sủng. Và điều này cũng áp dụng cho các mối quan hệ giữa chúng ta: chừng nào chúng ta còn cố gắng mua chuộc tình yêu hay van xin tình cảm, thì những mối quan hệ đó sẽ không bao giờ khiến chúng ta cảm thấy hạnh phúc.
Lời đề nghị Chúa Giêsu đưa ra cho người này là thay đổi cách sống và mối tương quan với Thiên Chúa. Thật vậy, Chúa Giêsu nhận ra rằng bên trong anh ta, cũng như trong tất cả chúng ta, còn thiếu một điều gì đó. Đó là khao khát được yêu thương mà chúng ta mang trong lòng. Có một vết thương thuộc về con người chúng ta, vết thương mà qua đó tình yêu đi vào. Để lấp đầy sự thiếu thốn này, chúng ta không cần phải “mua” sự công nhận, tình cảm, sự coi trọng: thay vào đó, chúng ta cần “bán đi” mọi thứ đang đè nặng chúng ta, để làm cho tâm hồn chúng ta được tự do hơn. Không cần phải tiếp tục giữ lấy cho riêng mình, mà là cho người nghèo, sẵn sàng phục vụ, sẵn sàng chia sẻ.
Cuối cùng, Chúa Giêsu mời gọi người này đừng ở một mình. Người mời anh đi theo Người, ở trong một mối liên kết, sống một mối tương quan. Thật vậy, chỉ có như vậy mới có thể thoát khỏi tình trạng vô danh của mình. Chúng ta chỉ có thể nghe thấy tên của mình trong một mối tương quan, khi có ai đó gọi chúng ta. Nếu chúng ta cứ ở một mình, chúng ta sẽ không bao giờ nghe thấy tên mình được gọi, và sẽ tiếp tục là “con người” vô danh đó. Có lẽ ngày nay, chính vì chúng ta sống trong một nền văn hóa tự mãn và chủ nghĩa cá nhân, chúng ta thấy mình bất hạnh hơn, bởi vì chúng ta không còn nghe thấy ai đó gọi tên mình bằng tình yêu nhưng không nữa.
Người đàn ông này không chấp nhận lời mời của Chúa Giêsu và ở lại một mình bởi vì những vật dằn của cuộc đời giữ anh lại trong bến cảng. Nỗi buồn của anh là dấu hiệu cho thấy anh đã không thể rời đi. Đôi khi, những gì chúng ta nghĩ là của cải thực ra chỉ là những gánh nặng đang kìm giữ chúng ta lại. Hy vọng là người này, cũng như mỗi người chúng ta, sớm hay muộn sẽ thay đổi và quyết định ra khơi.
Thưa anh chị em, chúng ta hãy phó thác cho Thánh Tâm Chúa Giêsu tất cả những người đang buồn sầu và do dự, để họ có thể cảm nhận được ánh nhìn yêu thương của Chúa, Đấng động lòng trắc ẩn khi nhìn vào lòng chúng ta với sự dịu dàng.
G. Võ Tá Hoàng