Hỏi đáp Phụng vụ: Làm phép Dầu Thánh



Trả lời của cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô, giáo sư phụng vụ và thần học bí tích, giám đốc Học viện Sacerdos tại Đại học Giáo hoàng Regina Apostolorum.

Hỏi: 

Nếu dầu được giám mục làm phép trong Thánh lễ Truyền Dầu đã được pha sẵn và đóng bình sẵn trước khi làm phép, thì liệu dầu đó có thực sự được thánh hiến khi giám mục đọc lời nguyện trên dầu trong Thánh lễ không?

Trong Thánh lễ Truyền Dầu, giám mục làm dấu Thánh giá và thổi hơi vào bình chứa dầu thánh. Hơi thở của ngài tượng trưng cho việc khẩn cầu Chúa Thánh Thần ngự xuống trên dầu. Nếu một giám mục không thực hiện nghi thức thổi hơi này, thì dầu đó có thành sự không? Và nếu không thành sự, thì các bí tích truyền chức và thêm sức được cử hành với dầu đó có bị vô hiệu không?

Giáo lý Giêrusalem, Giờ Kinh Sách, vào Thứ Sáu trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh dạy rằng:

"Đức Kitô đã được xức dầu thiêng hoan lạc là Chúa Thánh Thần. Thánh Thần được gọi là dầu hoan lạc, vì là Đấng ban niềm hoan lạc thiêng liêng. Còn anh em đã được xức dầu thiêng, anh em là bạn hữu của Đức Kitô và được chung phần với Người. Nhưng hãy coi chừng, đừng tưởng rằng đây chỉ là thứ dầu tầm thường : sau lời nguyện thánh hiến, dầu thiêng không còn chỉ là dầu thuần tuý, hay dầu thông thường, nếu có ai muốn gọi như thế. Dầu đó trở thành hồng ân của Đức Kitô và của Chúa Thánh Thần, một hồng ân hữu hiệu nhờ có Chúa Thánh Thần hiện diện. Dầu đó được xức trên trán và các giác quan khác của bạn như một biểu tượng. Đang khi thân xác bạn được xức dầu hữu hình, thì linh hồn bạn được hiến thánh nhờ Chúa Thánh Thần là Đấng Thánh và là Đấng ban sự sống".

Vậy có đúng không khi nói rằng nếu không có việc khẩn cầu Chúa Thánh Thần khi làm phép dầu, thì dầu đó vẫn chỉ là dầu thường chứ không trở thành dầu thiêng liêng được dùng trong các bí tích như một dấu chỉ bên ngoài để thông ban ân sủng?
— E.K., Little River, Kansas

Trả lời: 

Mặc dù việc làm phép dầu thánh không phải là một bí tích, nhưng cần phải thực hiện đúng cách vì dầu thánh là chất thể cần thiết cho các Bí tích Thêm Sức và Xức Dầu Bệnh Nhân, và trong trường hợp của dầu thánh hiến (Chrism), chỉ có dầu được giám mục làm phép mới là chất thể hợp lệ cho bí tích.

Câu hỏi đặt ra là những phần nào của nghi thức cần thiết để việc làm phép dầu có hiệu lực.

Đầu tiên, độc giả hỏi liệu dầu thánh đã được chuẩn bị trước có thể được làm phép không.

Câu trả lời cho câu hỏi này là có.

Trong số 278 của Nghi thức Giám mục có quy định:

"Để làm phép các dầu thánh, cần chuẩn bị những điều sau đây ngoài các vật dụng cần thiết cho cử hành Thánh lễ theo quy định:

a. Trong phòng mặc áo hoặc nơi thuận tiện khác:

— Các bình đựng dầu;

— Nhựa thơm hoặc hương liệu để pha trộn dầu thánh, nếu Giám mục muốn pha dầu thánh trong chính cử hành phụng vụ…”

Tiếp theo, chúng ta tìm thấy diễn giải này trong số 282:

"Sau đó, Giám mục ngồi trên ghế, đầu đội mũ mitra. Các phó tế và thừa tác viên được chỉ định mang các bình dầu, hoặc nếu họ vắng mặt, một số linh mục và thừa tác viên khác, cùng với các tín hữu mang bánh, rượu và nước, đi thành đoàn rước vào phòng mặc áo (hoặc nơi khác đã chuẩn bị dầu thánh và các phẩm vật khác). Khi quay lại bàn thờ, họ đi theo thứ tự sau: trước hết là thừa tác viên mang bình đựng nhựa thơm, nếu giám mục muốn pha vào dầu; sau đó là thừa tác viên mang bình dầu dự tòng, nếu dầu này cần làm phép; tiếp theo là thừa tác viên mang bình dầu bệnh nhân; và cuối cùng là một phó tế hoặc linh mục mang dầu thánh. Các thừa tác viên hoặc tín hữu mang bánh, rượu và nước để cử hành bí tích Thánh Thể đi theo sau họ”.

Nghi thức làm phép dầu bệnh nhân thường diễn ra trước khi kết thúc Kinh nguyện Thánh Thể. Việc làm phép dầu dự tòng và dầu thánh hiến được mô tả như sau:

286. Sau lời nguyện hiệp lễ, các phó tế đặt dầu dự tòng cần được làm phép và dầu thánh cần được thánh hiến trên một bàn nhỏ được đặt giữa cung thánh.

287. Giám mục cùng các linh mục đồng tế tiến đến vị trí đó cùng với các phó tế và thừa tác viên. Giám mục đứng đối diện với cộng đoàn, các linh mục đồng tế đứng hai bên theo hình bán nguyệt, các phó tế và thừa tác viên khác đứng phía sau.

288. Khi mọi sự đã sẵn sàng, Giám mục tiến hành làm phép dầu dự tòng, nếu dầu này cần phải làm phép. Ngài bỏ mũ mitra, đứng đối diện với cộng đoàn, dang tay, đọc lời nguyện: "Lạy Chúa là Đấng bảo vệ những ai tin cậy vào Ngài…"

289. Sau đó, Giám mục ngồi, đầu đội mitra, rồi đổ dầu thơm hoặc hương liệu vào dầu và pha trộn dầu thánh trong im lặng, trừ khi việc này đã được thực hiện trước đó.

290. Giám mục bỏ mũ mitra, đứng dậy và hát hoặc đọc lời mời gọi: "Chúng ta hãy cầu nguyện để Thiên Chúa…" Tùy hoàn cảnh, ngài có thể thổi hơi trên bình dầu thánh hiến. Sau đó, dang tay, ngài đọc một trong các lời nguyện thánh hiến. Khi đọc đến lời 'Vì thế, lạy Cha, chúng con nài xin Cha…' cho đến cuối lời nguyện thánh hiến, tất cả các linh mục đồng tế giơ tay phải hướng về dầu thánh trong im lặng".

Do đó, vì Giám mục có thể chọn không pha dầu thánh trong cử hành phụng vụ, vì nghi thức dự liệu khả năng dầu thánh được pha trộn trước, nên việc làm phép dầu thánh hiến (Chrism) đã chuẩn bị trước không ảnh hưởng đến tính thành sự của việc làm phép dầu. Tương tự, theo số 290, việc thổi hơi trên dầu thánh cũng là một nghi thức tùy chọn, không ảnh hưởng đến hiệu lực của dầu thánh.

Đúng vậy, nghi thức thổi hơi vào dầu là biểu tượng của Chúa Thánh Thần, Đấng đã thổi hơi trên mặt nước trước khi tạo dựng (St 1,2), và của Chúa Giêsu Phục Sinh, Đấng đã hiện ra với các môn đệ và thổi hơi trên họ mà phán: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần…" (Ga 20,22-23). Dù biểu tượng này làm phong phú thêm cho nghi thức, nhưng nó không phải là yếu tố thiết yếu để đạt được hiệu quả của nghi thức.

Chính Chúa Thánh Thần thánh hiến dầu này qua lời khẩn nguyện của Giám mục. Ngài có thể chọn một trong hai lời nguyện thánh hiến, cả hai đều nhấn mạnh đến việc sai Chúa Thánh Thần đến. Chính lời nguyện, chứ không phải cử chỉ thổi hơi, mới thánh hiến dầu thánh, biến nó thành dầu thiêng liêng như được tìm thấy trong bài Giáo lý Giêrusalem mà độc giả của tôi trích dẫn.

Trong trường hợp khẩn cấp, bất kỳ Giám mục nào cũng có thể thánh hiến dầu thánh ngay cả ngoài thời gian thông thường. Tuy nhiên, phải là Giám mục thực hiện. Giáo luật không cho phép trao quyền này cho linh mục để thánh hiến dầu.

Cuối cùng, chúng ta đề cập đến trường hợp giả định về việc sử dụng dầu thánh không hợp lệ và chưa được thánh hiến cho các bí tích:

— Trong trường hợp truyền chức linh mục, sẽ có khiếm khuyết về nghi thức, nhưng không ảnh hưởng đến việc thành sự của bí tích, vì các yếu tố chính yếu là việc đặt tay và lời nguyện phong chức. Việc xức dầu vào bàn tay là một phần của các nghi thức bổ sung.

— Mọi việc sẽ khác đối với bí tích Thêm Sức, vì việc xức dầu đã được làm phép hợp lệ là một phần chất thể chính yếu của bí tích này. Nếu dầu không hợp lệ, bí tích Thêm Sức bất thành và nghi thức phải được cử hành lại.

G. Võ Tá Hoàng
Mới hơn Cũ hơn