![]() |
Hình chụp từ website vatican.va |
Daniel Esparza
Đây không chỉ đơn thuần là khoảng lặng mang tính tổ chức, mà còn là một khoảnh khắc thiêng liêng đầy ý nghĩa đối với các tín hữu Công giáo trên toàn thế giới.
Khi một vị Giáo hoàng qua đời hoặc từ nhiệm, Giáo Hội Công Giáo bước vào một giai đoạn được gọi là sede vacante — tiếng Latinh có nghĩa là “trống tòa”. Đây là thời điểm trang nghiêm nhưng cũng chứa chan hy vọng, khi Ngai Tòa Thánh Phêrô tạm thời bỏ trống và Giáo Hội chuẩn bị chọn vị mục tử mới.
Cụm từ sede vacante ám chỉ chính xác đến tình trạng vắng mặt của một vị Giáo hoàng. Đây không chỉ là khoảng lặng về mặt tổ chức, mà là một thời gian thiêng liêng mang nhiều ý nghĩa đối với toàn thể người Công giáo trên toàn thế giới. Biểu tượng trung tâm của giai đoạn trống tòa này là huy hiệu của Giáo hoàng: trong thời gian này, huy hiệu xuất hiện không có mũ ba tầng (vương miện của Giáo hoàng) và thay vào đó là hai chìa khóa chéo nhau dưới một tán che.
Trang mạng chính thức của Vatican cũng thay đổi hình ảnh để nhắc nhở thời khắc đặc biệt này, với hình ảnh sede vacante thay cho chân dung của vị Giáo hoàng đương nhiệm.
Trong thực tế, thời điểm gọi là sede vacante bắt đầu ngay sau khi Đức Giáo hoàng băng hà — hoặc, như trường hợp hiếm hoi của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, sau khi ngài từ nhiệm. Kể từ khoảnh khắc đó, tất cả các viên chức lãnh đạo các cơ quan trung ương Tòa Thánh, chẳng hạn như Quốc Vụ Khanh hay các vị Tổng trưởng các Bộ, đều tự động mất quyền điều hành. Chỉ một số ít văn phòng thiết yếu, như Văn phòng Hồng y Nhiếp chính (Camerlengo), tiếp tục hoạt động trong phạm vi giới hạn nhằm duy trì những công việc quản trị cơ bản.
Giám chức quản lý tông tòa, thường là một vị hồng y, đảm nhận trách nhiệm nặng nề và đặc biệt trong việc quản lý tài sản vật chất của Giáo Hội trong thời gian trống tòa. Nhiệm vụ đầu tiên của ngài sau khi Đức Giáo hoàng qua đời là một nghi thức mang tính biểu tượng sâu sắc: theo truyền thống, ngài xác nhận sự qua đời của Giáo hoàng, thường bằng cách gọi tên thánh rửa tội của Giáo hoàng ba lần. Sau khi xác nhận, việc tổ chức lễ tang và an táng mới bắt đầu. Trong thời gian này, không quyết định quan trọng nào có thể được đưa ra ảnh hưởng đến tương lai của Giáo Hội. Nguyên tắc nền tảng rất rõ ràng: Giáo Hội không thể được điều hành mà thiếu vắng Thánh Phêrô.
Thời gian sede vacante đạt đỉnh điểm bằng việc triệu tập Hồng y đoàn để tham dự mật nghị bầu Giáo hoàng mới (conclave). Bắt nguồn từ tiếng Latinh, thuật ngữ cum clave (“mật nghị”), phản ánh quy định nghiêm ngặt về bảo mật nhằm nhấn mạnh tầm mức thiêng liêng của sứ vụ này. Trong bầu khí cầu nguyện và phân định, các Hồng y sẽ bầu ra vị Giáo hoàng mới kế vị Thánh Phêrô.
Nguồn mạch và nền tảng của sự hiệp nhất
Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo nhắc nhở chúng ta rằng “Đức Giáo Hoàng, là Giám mục Rôma và vị kế nhiệm thánh Phêrô, “là nguyên lý và nền tảng hữu hình và trường tồn của sự hợp nhất, cả của cộng đoàn các Giám mục, cả của cộng đoàn các tín hữu” (GLCG số 882).
Vì thế, sede vacante không chỉ là một khoảng trống hành chính. Đó là một khoảng dừng tạm thời, qua đó bày tỏ sâu sắc sự hiệp nhất của Giáo Hội được ký thác vào thừa tác vụ của một con người — không phải như biểu tượng của quyền lực nhân loại, nhưng như chứng tá sống động cho sự chăm sóc của Đức Kitô dành cho dân Ngài.
Dù một vị Giáo hoàng vắng mặt có thể gây nên cảm giác bất an, nhưng đây cũng là một thời khắc của sự phó thác đầy tin tưởng trong cầu nguyện. Giáo Hội không thuộc về bất cứ một cá nhân nào, mà thuộc về chính Đức Kitô. Thời gian sede vacante mời gọi các tín hữu khắp nơi hiệp ý cầu nguyện cho các Hồng y, cho vị Giáo hoàng tương lai, và cho sứ vụ không ngừng của Giáo Hội trong thế giới hôm nay.
Tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, trong thời gian sede vacante, chuông nhà thờ ngân vang với âm điệu khác thường, và ngọn cờ Vatican không có phù hiệu Giáo hoàng. Tuy nhiên, dưới những dấu chỉ tang thương hữu hình ấy, vẫn âm ỉ một dòng suối hy vọng. Trong mỗi lần sede vacante, Giáo Hội lại cất lên lời kinh nguyện cổ xưa: Veni, Creator Spiritus — “Lạy Thánh Thần Sáng Tạo, xin hãy đến” — khẩn cầu Thiên Chúa tiếp tục hướng dẫn Giáo Hội Người tiến bước vào tương lai Ngài đã chuẩn bị.
G. Võ Tá Hoàng