Tại sao chúng ta không thể sống mà không có hy vọng?



“Hy vọng là đức tính nhắm thẳng về thiên đàng. Nó không lừa dối, vì nền tảng của nó là Thiên Chúa hằng sống” 

Trong thế giới đầy biến động và bất trắc hôm nay, có lẽ không có điều gì quý giá hơn hy vọng – một sức mạnh nội tâm nâng đỡ con người khỏi vực thẳm tuyệt vọng, và hướng họ về phía ánh sáng, ngay cả khi xung quanh chỉ còn đêm tối.

“Mọi người đều hy vọng. Niềm hy vọng nơi tâm hồn mỗi người như nỗi khao khát và chờ đợi những điều tốt đẹp sẽ đến, dù chúng ta không biết ngày mai sẽ ra sao” (Spes non confundit số 1).

Hy vọng là khí cụ của sự sống

Con người không thể sống mà không có một lý do để sống. Ngay cả những gì đơn sơ nhất trong đời sống – như việc thức dậy vào mỗi buổi sáng, làm việc, yêu thương, phục vụ – cũng cần một lý tưởng để hướng tới. Điều này được Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhấn mạnh khi nói chuyện với giới trẻ tại Hoa Kỳ vào năm 1987: “Chúng ta không thể sống mà không có hy vọng. Chúng ta cần có một mục đích trong đời, một ý nghĩa cho sự hiện hữu. Nếu không có hy vọng, chúng ta bắt đầu chết đi”.

Câu nói này thật sâu sắc và mang tính phổ quát. Bởi lẽ, ngay cả người tưởng chừng có tất cả – thành công, sắc đẹp, danh vọng – cũng có thể rơi vào vực thẳm tự tử vì mất hy vọng. Trong khi đó, một người mang khuyết tật, thể xác hao mòn, vẫn có thể sống tràn đầy nghị lực nếu có hy vọng trong tim.

“Một người tưởng chừng khỏe mạnh, thành công trong con mắt thế gian, lại có thể dùng thuốc ngủ để kết liễu đời mình. Trong khi một người tật nguyền nghiêm trọng lại sống với một sức sống mãnh liệt. Phải chăng sự khác biệt nằm ở hy vọng?” ( Thánh Gioan Phaolô II)

Điều này cho thấy rằng hy vọng không tùy thuộc vào hoàn cảnh vật chất hay khả năng tự nhiên, mà là một năng lực siêu nhiên, một món quà thiêng liêng – đến từ Đấng vượt trên chúng ta.

Hy vọng không phải là ảo tưởng

Hy vọng đích thực không phải là một cảm xúc nhất thời hay sự lạc quan mù quáng. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong Thông điệp "Spe Salvi" (2007) đã khẳng định rằng: “Chúng ta được cứu độ nhờ hy vọng. Người không có Thiên Chúa thì không có hy vọng” (Spe Salvi, số 2).

Hy vọng Kitô giáo không đặt nền trên vật chất chóng qua, mà trên chính Thiên Chúa, Đấng trung tín, Đấng yêu thương và luôn giữ lời hứa. Khi đặt hy vọng nơi Người, chúng ta không bao giờ bị thất vọng: “Chớ gì Thiên Chúa là nguồn hy vọng, làm cho anh em tràn ngập niềm vui và bình an nhờ lòng tin, để nhờ quyền năng của Thánh Thần, anh em được tràn đầy hy vọng” (Rm 15,13).

Chúng ta đặt hy vọng không chỉ vì chúng ta tin vào tương lai, nhưng vì chúng ta tin rằng Thiên Chúa hiện diện trong tương lai của chúng ta. Người không bỏ rơi con cái mình, và chính Đức Giêsu là bảo chứng của điều ấy: “Anh em đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn, cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc... Hãy nhìn chim trời: chúng không gieo, không gặt, không tích trữ kho lẫm, thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao?” (Lc 12,22-24).

Hy vọng là khả năng nhìn thấy Thiên Chúa trong những điều chưa xảy đến. Người tín hữu không phủ nhận đau khổ, nhưng nhờ hy vọng, họ biết rằng khổ đau không phải là tiếng nói cuối cùng.

Hy vọng là cột trụ trong cơn thử thách

Hy vọng được thử luyện và tinh luyện trong gian nan. Chính trong bóng tối, ánh sáng của hy vọng mới trở nên rõ ràng. Thánh Phaolô viết:

“Chúng ta hãnh diện cả trong những gian truân, vì biết rằng: gian truân sinh kiên nhẫn; kiên nhẫn sinh nhân đức đã được thử luyện; nhân đức đã được thử luyện sinh hy vọng. Và hy vọng không làm ta thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Ngài vào lòng ta” (Rm 5,3-5).

Không hy vọng, con người sẽ bỏ cuộc. Không hy vọng, ta sẽ chạy trốn đau khổ, thay vì đón nhận nó như phương tiện thanh luyện. Hy vọng không chỉ là chờ đợi điều tốt đẹp đến, nhưng còn là sức mạnh giúp ta chịu đựng, bám trụ, tin tưởng giữa cơn bão.

Hy vọng là đức tin dang tay, như Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu từng nói: “Tôi chỉ là một đứa trẻ yếu đuối, nhưng tôi giơ tay lên với Cha như một đứa con nhỏ, và tôi tin rằng Người sẽ nhấc tôi lên”.

Hy vọng là ánh sáng dẫn tới quê hương vĩnh cửu

Cuộc sống này không phải là đích đến. Hy vọng của người Kitô hữu không dừng lại ở trần thế, nhưng luôn hướng về sự sống đời đời: “Chúng ta là công dân Nước Trời. Từ đó, chúng ta mong đợi Đấng Cứu Độ là Đức Giêsu Kitô” (Pl 3,20).

Chính hy vọng vào trời mới đất mới, nơi “Thiên Chúa sẽ lau sạch mọi giọt lệ” (Kh 21,4), giúp ta sống trung tín, kiên nhẫn và không bỏ cuộc. Như Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Chúng ta là những người nam nữ của niềm hy vọng, vì chúng ta biết Thiên Chúa hiện diện trong lịch sử. Người không bao giờ bỏ rơi dân Người”.

Và vì thế, hy vọng là hành trang không thể thiếu trên đường lữ hành trần thế. Không hy vọng, chúng ta trở nên mệt mỏi, cay đắng, hoặc lạc lối.

Làm sao để nuôi dưỡng hy vọng?

- Cầu nguyện mỗi ngày: Hy vọng là kết quả của tương quan sống động với Thiên Chúa. Khi bạn cầu nguyện, bạn bước vào sự hiện diện của Đấng không bao giờ bỏ rơi bạn.

- Đọc Lời Chúa: Kinh Thánh là nguồn mạch hy vọng. Bao nhiêu người trong đau khổ đã tìm lại ánh sáng qua một đoạn Lời Chúa. Hãy ghi nhớ những lời này: “Vì chính Ta biết những kế hoạch Ta dành cho các ngươi... kế hoạch bình an, không tai họa, để ban cho các ngươi một tương lai và hy vọng”. (Gr 29,11)

- Chiêm ngắm Thập Giá: Chúa Giêsu trên Thập Giá là Đấng mang lấy tuyệt vọng của nhân loại. Nhưng từ đó, hy vọng phục sinh bừng sáng. Không ai có thể cướp hy vọng khỏi những ai đặt nó nơi Thập Giá.

Hãy để sức mạnh của niềm hy vọng lấp đầy hiện tại 

“Chúng ta không thể sống mà không có hy vọng. Không thể sống nếu không có ánh sáng nơi cuối đường hầm” — Đức Thánh Cha Phanxicô

Hy vọng là điều căn bản để sống một cuộc đời có ý nghĩa. Nhưng không phải bất kỳ hy vọng nào, mà là hy vọng được đặt nơi Thiên Chúa – Đấng trung tín, nhân hậu và hằng sống. Một thế giới thiếu hy vọng là một thế giới bước vào bóng tối. Một tâm hồn không hy vọng là một tâm hồn đang chết dần.

Vì thế, “từ hôm nay chúng ta hãy để cho niềm hy vọng này thu hút chúng ta, và qua chúng ta lan toả đến những ai khao khát niềm hy vọng ấy. Ước gì cuộc sống của chúng ta nói với họ: “Hãy trông cậy vào Chúa, hãy mạnh mẽ và can đảm; hãy trông cậy nơi Chúa” (Tv 27,14). Ước gì sức mạnh của niềm hy vọng lấp đầy hiện tại của chúng ta, đang khi chúng ta tin tưởng chờ đợi ngày trở lại của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đáng được chúc tụng và tôn vinh, bây giờ và mãi mãi” (Spes non confundit, số 25)

Lạy Chúa là nguồn hy vọng bất tận của con, xin đừng để con lạc bước trong những lối mòn tuyệt vọng. Khi con yếu đuối, xin cho con nhớ rằng Chúa vẫn luôn gìn giữ con. Khi con lo âu, xin nhắc con rằng Chúa đã nuôi chim trời và mặc đẹp cho hoa đồng nội. Khi con nghi ngờ, xin cho con xác tín rằng Chúa yêu con bằng tình yêu không bao giờ cạn. Lạy Chúa, xin dạy con sống như người hy vọng, hy vọng dù trong đêm tối. Amen.

G. Võ Tá Hoàng

Mới hơn Cũ hơn