Thứ Sáu Tuần Thánh: Tôi tin vào một tình yêu mạnh hơn sự chết

THỨ SÁU TUẦN THÁNH


MỌI SỰ ĐÃ HOÀN TẤT

Tin Mừng Gioan 19,28-30

"Sau đó, Đức Giêsu biết là mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói: ‘Tôi khát!’ Ở đó có một bình đầy dấm. Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy dấm, buộc vào một nhành hương thảo mà đưa lên miệng Người. Khi đã nếm dấm rồi, Đức Giêsu nói: ‘Mọi sự đã hoàn tất.’ Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí".


Tôi còn nhớ một trong những ký ức đau thương nhất đời mình: hình ảnh mẹ tôi ngồi lặng lẽ nơi mép giường, ánh mắt vô hồn nhìn về một nơi vô định. Ba tôi vừa qua đời. Bầu trời đêm mù mịt. Mọi thứ trở nên im lặng. Không lời. Tro rơi từng mảnh như những giấc mộng chung giữa ba và mẹ vừa vụn vỡ. Tháng 12, trước lễ Giáng sinh, ở đây ngoài trời có lẽ chẳng lạnh đến thế, nhưng đêm đó – ít nhất trong ký ức tôi – là một đêm rất lạnh.

Cũng như thế, khi chúng ta bước vào nhà thờ hôm nay, bất kể thời tiết ngoài kia ra sao, không khí vẫn nặng trĩu một sự lạnh giá, một cảm giác tang thương u uẩn.

Ngày thứ Sáu đau thương

Thứ Sáu Tuần Thánh không cho phép ta ru ngủ mình trong những lối suy tư dễ dãi hay an ủi giả tạo. Ngày hôm nay, Phụng vụ bóc trần mọi thứ: ánh đèn chầu nơi cung thánh đã tắt. Nhà tạm trống rỗng, cửa để mở, không hương, không hoa, không chuông, không Thánh lễ – chỉ còn Thập Giá, sự im lặng và một tình yêu bị đâm thâu. Không có lời biện hộ, không có ẩn dụ nhẹ nhàng, không một lớp son nào có thể phủ lên thực tại cay đắng: nỗi đau là có thật, cái chết là thật, và Đấng Chịu Đóng Đinh cũng là thật.

Ta có thể sống trong một nền văn hóa hiện đại luôn tìm cách tẩy xoá nỗi đau, phớt lờ sự chết, tô son điểm phấn cho cuộc đời như thể mọi thứ đều ổn. Nhưng Thập Giá của Đức Kitô không cho phép ta làm như vậy. Thập Giá trần trụi vẫn ở đó, vững chãi như một lời mời gọi phải đối diện, phải nhìn thẳng vào sự thật, không trốn chạy. Và chính trong bóng tối của đau khổ và cái chết ấy, một điều kỳ diệu đang xảy ra: tình yêu đã đi đến cùng, và ơn cứu độ đã được hoàn tất.

Gioan mô tả Chúa Giêsu như một vị Vua hiến mình, không phải là nạn nhân bị động. Nhưng điều ấy không xóa bỏ thực tại: Người đã chịu đánh đòn, bị lột áo, chịu đội mão gai, vác thập giá nặng nề, và bị đóng đinh. Không có cách nào nhẹ hóa sự thật này. Đó là một nỗi đau khôn tả, một thân xác tan nát, một sự chết thực sự.

“Mọi sự đã hoàn tất”

“Mọi sự đã hoàn tất”. Đây không phải là tiếng thở dài tuyệt vọng, cũng không phải một lời đầu hàng. Đó là tiếng kêu của một Đấng hoàn tất sứ mạng. Từ được Thánh Gioan dùng, trong tiếng Hy Lạp, là τετέλεσται (tetelestai) – ở thì hoàn thành – mang ý nghĩa: sứ mạng đã trọn, công trình đã hoàn tất, ơn cứu độ đã được thực hiện.

Không phải mọi sự kết thúc. Nhưng là mọi sự đã hoàn tất trong tình yêu.

“Khi Đức Giêsu nói: ‘Mọi sự đã hoàn tất’, Người không chỉ nói về chính cái chết của mình, nhưng về toàn bộ kế hoạch cứu độ: Thập Giá là đỉnh cao, là giờ của vinh quang, là giờ của việc hoàn tất công trình Chúa Cha đã giao phó”.
(Joseph Ratzinger / Pope Benedict XVI, Jesus of Nazareth: Holy Week, Ignatius Press, 2011, p. 222–223)

Trong Thập Giá, tình yêu Thiên Chúa được biểu lộ tới tận cùng. Không có một sự đau khổ nào của nhân loại lại không được Người mang lấy. Không có một vùng đất nào trong cõi chết mà Thiên Chúa không bước xuống. Và cũng không có một nỗi đau nào – từ bệnh tật, đói nghèo, cô đơn, tuyệt vọng, phản bội – mà không được Người ôm vào lòng.

Chúng ta không tôn thờ một vị Thiên Chúa đứng xa bên ngoài khổ đau, nhưng là một Thiên Chúa trong thân xác bị đóng đinh, đã sống trọn kiếp người – và hơn thế – đã chết vì con người.

Tôn thờ Thánh Giá

Giữa bầu không khí tang thương của ngày hôm nay, Giáo Hội không cho phép bóng tối là lời cuối. Sau bài Thương Khó, sau lời cầu nguyện chung, chúng ta được mời gọi hôn kính Thánh Giá. Khi linh mục giơ cao cây Thánh Giá và xướng : “Đây là cây Thánh Giá, nơi treo Đấng Cứu Độ trần gian” - Và cộng đoàn đáp lại: “Chúng ta hãy đến thờ lạy”.

Tại sao lại thờ lạy một dụng cụ tra tấn? Tại sao lại cúi đầu trước một biểu tượng của sự chết?

Vì đây không còn là công cụ của thất bại, mà đã trở thành cây gỗ cứu độ. Cái chết không còn là tận cùng, mà là khởi đầu. Nơi Thập Giá, sự dữ bị lật ngược, đau khổ được biến đổi, và tình yêu chiến thắng.

Cái hôn lên Thánh Giá không phải là sự chấp nhận cam chịu đau thương, nhưng là lời tuyên xưng: Tôi tin vào một tình yêu mạnh hơn sự chết. Là tiếng nói của niềm hy vọng dám đi xuyên qua mồ tối. Là lời cầu nguyện không lời của những ai mang thập giá trong đời.

Một tình yêu không bỏ rơi con cái mình

Ngay cả trong ngày không có Thánh Lễ – ngày dường như Thiên Chúa vắng mặt – Giáo Hội vẫn cho chúng ta rước Mình Thánh Chúa. Mình Thánh ấy là lương thực của Thập Giá, là máu và thịt của tình yêu hy sinh.

Mẹ Giáo Hội không bao giờ để con cái mình đói. Ngay cả trong đêm tối, vẫn có ánh sáng phát ra từ Bánh Hằng Sống.

Và chúng ta rời khỏi nhà thờ – không trong tiếng chuông tưng bừng, không trong niềm vui vội vàng – mà là trong sự thinh lặng linh thiêng, mang trong mình một niềm xác tín: Cái chết không phải là dấu chấm hết. Tình yêu mới là lời cuối.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu bị đóng đinh,

hôm nay chúng con đứng dưới chân Thập Giá của Chúa – với nỗi đau của thế giới, của chính chúng con, và của muôn người.

Xin cho chúng con biết nhìn lên Thánh Giá và thấy tình yêu đang chiến thắng.

Xin cho chúng con hôn lên dấu đinh và tin rằng mọi thập giá đều có thể trở nên thánh.

Xin cho lời “Mọi sự đã hoàn tất” của Chúa trở thành lời hy vọng trong từng khoảnh khắc thất vọng của cuộc đời.

Lạy Chúa, con thờ lạy Thánh Giá Chúa. Vì bởi Thánh Giá, Chúa đã cứu độ trần gian.

Amen.

G. Võ Tá Hoàng

Mới hơn Cũ hơn